Nét đặc sắc trong Lễ cưới của người Tày Bắc Quang

12:13, 31/12/2018

BHG - Tỉnh ta có nhiều dân tộc sinh sống. Chính sự hòa nhập của nhiều dân tộc đã tạo cho địa phương những nét văn hóa độc đáo. Cùng góp chung trong nền văn hóa phong phú đó, phải kể tới dân tộc Tày với trên 130.000 người, xếp thứ 2 sau dân tộc Mông; tập trung ở huyện Bắc Quang, Bắc Mê, Vị Xuyên, Xín Mần, Hoàng Su Phì… Nét đẹp trong văn hóa người Tày là những lễ hội mang tính cộng đồng như: Cầu mùa, cúng các thần linh mỗi một vùng mang đậm chất riêng  và đặc biệt là đám cưới của người Tày ở Bắc Quang với những nét văn hóa độc đáo.

Đối với người Tày Bắc Quang, Lễ cưới là một phong tục quan trọng. Trước đây, thường cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, nhưng ngày nay, các bạn trẻ đến tuổi cập kê, được tự do tìm hiểu trước khi đi đến hôn nhân. Tuy nhiên, Lễ cưới của dân tộc Tày ngày nay vẫn theo truyền thống với các nghi thức như: Dạm hỏi, ăn hỏi, rước dâu.

Báo cáo tổ tiên, họ hàng là một nghi thức quan trọng trong đám cưới người Tày. Trong ảnh:  Đôi vợ chồng trẻ xã Bằng Hành (Bắc Quang) báo cáo tổ tiên trong ngày cưới.
Báo cáo tổ tiên, họ hàng là một nghi thức quan trọng trong đám cưới người Tày. Trong ảnh: Đôi vợ chồng trẻ xã Bằng Hành (Bắc Quang) báo cáo tổ tiên trong ngày cưới.

Khi chàng trai, cô gái Tày tìm hiểu nhau, quyết định tiến đến hôn nhân, thì nhà trai sẽ nhờ người trong họ mang sính lễ, gồm: 2 kg gạo nếp, 2 chai rượu ngon sang nhà gái để gặp mặt gia đình đôi bên, đây được gọi là lễ dạm hỏi. Sau đó, hai bên gia đình đồng ý cho phép đôi trai gái đến bên nhau trọn đời thì nhà trai tiếp tục cử một người có uy tín, làm Trưởng đoàn cùng chú rể, phù rể, một cô gái son, 8 – 10 gánh đồ sính lễ đến nhà gái làm lễ ăn hỏi (lễ nhận dâu, nhận rể) và hai gia đình cùng thống nhất chọn ngày lành, tháng tốt để tổ chức lễ cưới. Đồ sính lễ gồm có: 6 con gà trống thiến; 12 kg gạo nếp; 12 chai rượu; 12 cái bánh trưng; 12 cái bánh dày; 120 quả cau; 120 lá trầu; tiền mặt (do hai gia đình thỏa thuận). Khi đến nhà gái, phù rể sẽ giúp đỡ chú rể đặt lễ vật đặt dưới bàn thờ tổ tiên để báo cáo, thể hiện sự cảm ơn sâu sắc tới gia đình nhà ngoại đã nuôi nấng con gái trưởng thành.

Theo phong tục, đám cưới của người Tày được tổ chức trong hai ngày, nhà gái tổ chức trước. Cùng với đó, tất cả các chi phí tổ chức cưới của nhà gái sẽ do nhà trai lo liệu từ tiền mặt, đến mâm cỗ... Điều đó có ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn, mong muốn đền đáp một phần công lao dưỡng dục của bố mẹ cô gái. Các lễ vật do nhà trai chuẩn bị phải được mang đến nhà gái trước 1 hoặc 2 ngày để có thời gian kịp chuẩn bị mâm cỗ mời anh em, họ hàng, làng xóm… Lễ đón dâu sẽ được diễn ra vào buổi trưa ngày cưới chính thức. Các lễ vật đón dâu gồm: 2 kg gạo nếp; 2 chai rượu; 12 cái bánh dày; 12 bánh trưng. Đoàn đón dâu gồm 1 người bên nội nhà trai làm Trưởng đoàn, 1 người bên ngoại nhà trai làm Phó đoàn, cùng với chú rể, phù rể và 8 – 10 thanh niên trẻ chưa lập gia đình. Khi đến đến nhà gái, tất cả mọi người bên nhà trai phải uống 2 chén rượu mà nhà gái đã chuẩn bị sẵn ở trước cửa mới được lên nhà, đó gọi là thử thách tình cảm. Sau khi đưa lễ cho nhà gái, Trưởng đoàn nhà trai bắt đầu xin dâu lần một và mời anh em, họ hàng bên nhà gái cùng dự cơm và Trưởng đoàn cùng chú rể sẽ đi mời mỗi mâm 1 chén rượu đầy để cảm ơn mọi người đã đến chung vui cùng gia đình. Khi đến giờ lành (giờ đón dâu phải do thầy mo, thầy cúng xem xét kỹ lưỡng để tránh giờ khắc mệnh với cô dâu, chú rể) thì Trưởng đoàn tiếp tục xin dâu lần 2 để được đón con dâu về nhà chồng và Trưởng đoàn, Phó đoàn mỗi người phải uống 4 chén rượu thì mới được đưa dâu về; Trưởng đoàn và Phó đoàn là người đi trước, chú rể và nàng dâu đi sau. Khi xuống đến cầu thang, Phó đoàn bên nhà trai cùng mẹ ruột của cô dâu cùng nhau buộc dây nón cho cô dâu, và cô dâu phải đội nón suốt dọc đường đến nhà trai, với mong muốn trên đường về nhà trai, đoàn luôn gặp may mắn, phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ trăm năm hạnh phúc, thuận lợi về đường con cái cũng như trong làm ăn.

Trên đường về nhà trai, đoàn đưa, đón dâu phải tuân thủ một số kiêng kỵ và nhiều nghi lễ như: Khi đi qua cầu, sông, suối phải bỏ một số tiền xuống nước. Đây là nghi lễ rất quan trọng đối với người Tày, nhằm xua đuổi tà ma dữ, xin các thần sông, thần núi,... ủng hộ và ban phước cho đôi vợ chồng trẻ. Khi đến nhà trai, Trưởng đoàn nhà gái sẽ thông báo là đưa dâu về cho nhà trai, nhà trai tổ chức nhận dâu và cho chú rể, cô dâu thắp hương báo cáo tổ tiên. Đây là một nghi thức quan trọng và có ý nghĩa thể hiện tính hiếu thảo và vợ chồng trẻ cùng hứa trước tổ tiên, họ hàng dù cho cuộc sống có gian khổ hay sung sướng thì hai người vẫn luôn yêu thương, chăm sóc nhau đến đầu bạc, răng long. Sau đó, cô dâu sẽ tặng họ hàng nhà trai (người cao tuổi) các đồ nhà gái đã chuẩn bị như: Chăn, màn, gối, khăn mặt… Đây là nghi thức không thể thiếu trong đám cưới người Tày, thể hiện sự báo hiếu, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, vui buồn sau này với họ hàng nhà trai.

Lễ cưới của dân tộc Tày không chỉ đơn giản là việc kết duyên đôi lứa mà còn là đạo lý của dân tộc, giáo dục nghĩa vợ chồng trong các quan hệ gia đình, dòng tộc, họ hàng. Cùng với sự phát triển của xã hội, Lễ cưới của dân tộc Tày không còn phức tạp như xưa, các nghi thức đơn giản hơn, văn minh hơn song vẫn giữ được nét đặc sắc văn hóa.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyến


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chương trình giao hữu thể thao - giao lưu văn nghệ Kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập huyện Bắc Mê

BHG - Ngày 27.12, hướng đến Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập huyện (1.1.1984 – 1.1.2019) và chào năm mới 2019, huyện Bắc Mê đã long trọng tổ chức Giải giao hữu thể thao và giao lưu văn nghệ. Tới dự, có đồng chí Bùi Văn Tuân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bắc Mê; lãnh đạo huyện, cùng đông đảo người dân trên địa bàn huyện đến xem và cổ vũ.

28/12/2018
Ban hành bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch tỉnh Hà Giang

BHG - Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2728/QĐ – UBND ngày 11/12/2018, về việc ban hành bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch tỉnh Hà Giang. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở VH,TT&DL; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Hiệp hội du lịch và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động du lịch căn cứ thi hành. Dưới đây là toàn văn Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch tỉnh Hà Giang.

25/12/2018
Di sản địa chất - giá trị cốt lõi của Cao nguyên đá Đồng Văn

BHG - Nói đến Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC) phải nhắc đến giá trị các di sản địa chất, kiến tạo địa chất điển hình, minh chứng về quá trình phát triển của trái đất… Đến với Công viên Địa chất (CVĐC) mà không thấy, không hiểu những di sản địa chất, địa mạo thì giống như việc chúng ta chưa thấy được những giá trị cốt lõi của một CVĐC. Theo thống kê CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá (CNĐ) Đồng Văn có đến 30 cụm và 139 điểm di sản địa chất và là một điểm du lịch địa chất hấp dẫn. Đến thời điểm này, CNĐ Đồng văn không phải là CVĐCTC duy nhất ở Việt Nam. Nhưng hơn bất cứ vùng nào trên dải đất Việt Nam...

24/12/2018
Hiệu quả giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống cho học sinh phổ thông

BHG - Thực hiện Quyết định số 597/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt Đề án giáo dục kỹ năng sống (GDKNS) và văn hóa truyền thống (VHTT) các dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020; qua 2 năm triển khai đã giúp học sinh Trường Tiểu học Quyết Tiến (Quản Bạ) hình thành các kỹ năng sống, tự tin trong giao tiếp và tăng thêm tình yêu văn hóa địa phương. Trước thực trạng nền kinh tế thị trường đang ngày càng phát triển, một bộ phận thế hệ trẻ không biết đến VHTT của dân tộc mình. Việc GDKNS và VHTT cho học sinh là rất quan trọng trong nội dung giáo dục của các nhà trường để hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ.

24/12/2018