WHO kêu gọi tạo vaccine Covid-19 mới

08:55, 13/01/2022

WHO kêu gọi phát triển vaccine mới với khả năng chống lây nhiễm cao hơn, cho rằng tiêm nhiều liều tăng cường các vaccine hiện có không phải chiến lược bền vững.

"Chiến lược tiêm chủng dựa vào các liều tăng cường lặp đi lặp lại của vaccine hiện có dường như không phù hợp hay bền vững", nhóm cố vấn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về chế phẩm vaccine Covid-19 (TAG-Co-VAC) ra tuyên bố hôm 11/1.

TAG-Co-VAC kêu gọi điều chỉnh các vaccine hiện có để tăng cường hiệu quả trước các biến chủng đang hoành hành, như chủng Omicron đã lây lan nhanh chóng và xuất hiện ở 149 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Theo các chuyên gia WHO, nên phát triển vaccine mới không chỉ có khả năng bảo vệ người tiêm khỏi nguy cơ trở nặng mà còn bảo vệ người tiêm khỏi nguy cơ nhiễm virus hiệu quả hơn.

Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine Covid-19 tại Dresden, Đức, hồi tháng 7/2021.
Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine Covid-19 tại Dresden, Đức, hồi tháng 7/2021.

TAG-Co-VAC cho rằng loại vaccine này sẽ giảm bớt lây nhiễm trong cộng đồng và giúp nới lỏng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt và rộng rãi. Chuyên gia WHO cũng gợi ý các nhà sản xuất phát triển loại vaccine "tạo ra miễn dịch tốt và lâu dài để giảm nhu cầu tiêm mũi tăng cường liên tiếp".

Theo WHO, 331 ứng viên vaccine đang được nghiên cứu khắp thế giới.

TAG-Co-VAC nói thêm tới khi vaccine mới được phát triển, các vaccine Covid-19 hiện nay có thể cần điều chỉnh. "Làm vậy để đảm bảo rằng các vaccine tiếp tục cung cấp khả năng bảo vệ người tiêm khỏi nguy cơ nhiễm và trở nặng trước những biến chủng đáng quan tâm, như chủng Omicron và các biến chủng sau này", TAG-Co-VAC khẳng định.

WHO đã phê duyệt 9 loại vaccine Covid-19. TAG-Co-VAC nhấn mạnh các loại vaccine này vẫn có hiệu quả cao trong ngăn ngừa nguy cơ trở nặng và tử vong do các biến chủng gây ra.

Số liệu từ AFP cho thấy hơn 8 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được tiêm ở ít nhất 219 nước, vùng lãnh thổ. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, trong khi hơn 67% người dân ở các nước thu nhập cao được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19, con số này ở các nước thu nhập thấp chưa tới 11%.

Theo VnExpress


Cùng chuyên mục

Hàn Quốc phát triển thành công phương pháp xét nghiệm nhanh biến thể Omicron

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum ngày 29/12 cho biết nước này đã phát triển thành công phương pháp xét nghiệm nhanh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 và sẽ bắt đầu đưa vào sử dụng thực tế từ ngày 30/12.

30/12/2021
Myanmar ghi nhận những ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron

Theo Bộ Y tế Myanmar, biến thể Omicron đã được phát hiện trong 4 mẫu bệnh phẩm của những người trở về từ Dubai, Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Ngày 28/12, Bộ Y tế Myanmar xác nhận 4 ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron ở nước này.

29/12/2021
Thông điệp về sự cần thiết

Thế giới chuẩn bị bước sang năm thứ ba ứng phó đại dịch Covid-19. Nhấn mạnh rằng, thế giới đang có trong tay những công cụ mạnh mẽ để đẩy lùi dịch bệnh, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố nhân loại phải cùng nhau nỗ lực để chấm dứt đại dịch trong năm 2022.

28/12/2021
Bộ trưởng Tây Ban Nha khuyên dân ăn ít thịt để bảo vệ khí hậu

Bộ trưởng Tiêu dùng Tây Ban Nha Garzon khuyên người dân nên ăn ít thịt để hạn chế khủng hoảng khí hậu và làm chậm quá trình sa mạc hóa. "Người dân đều biết về tác động của khí nhà kính với biến đối khí hậu, song thường gán điều đó cho các phương tiện giao thông. Mãi gần đây, mọi người mới nhìn vào tác động của chuỗi tiêu thụ động vật, đặc biệt là thịt bò", Bộ trưởng Tiêu dùng Tây Ban Nha Alberto Garzon cho biết hôm 26/12.

27/12/2021