Chăn nuôi hàng hóa ở Vị Xuyên

10:27, 07/03/2024

BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vị Xuyên lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp chiếm 40%. Sau 3 năm đưa nghị quyết vào cuộc sống, ngành chăn nuôi của Vị xuyên có bước phát triển vượt bậc với nhiều gia trại, trang trại hiệu quả, nhiều vật nuôi mới có giá trị, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho người dân.

Năm 2021, chị Nguyễn Thị Nhung, thôn Nà Trà, xã Linh Hồ đầu tư trên 200 triệu đồng mua 10 con hươu sao về nuôi để lấy nhung. Do được tập huấn, tìm hiểu và nắm chắc kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi hươu nên đàn hươu sao của chị Nhung được chăm sóc và phát triển tốt. Năm 2023, chị đã thu hoạch được 5 cặp nhung hươu bán ra thị trường trị giá 50 triệu đồng. Hươu sao là loại động vật dễ nuôi, ăn ít, ít dịch bệnh. Mỗi con hươu có thể cho khai thác nhung trung bình từ 10 - 15 năm, nhung hươu là nguồn dược liệu quý, giá cao và luôn được thị trường đón nhận. Mô hình nuôi hươu hiệu quả của gia đình chị Nhung được người dân học hỏi và nhân rộng. Hiện nay, toàn xã Linh Hồ có 7 hộ nuôi hươu sao với tổng đàn gần 100 con, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân địa phương.

Người dân xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) chăm sóc đàn bò.
Người dân xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) chăm sóc đàn bò.

Cũng như nhiều nông dân khác, sau nhiều năm nuôi thử nghiệm với nhiều loại vật nuôi như cá, lợn, lươn đồng, trâu, ông Nguyễn Khắc Khuê, ở tổ 17, thị trấn Vị Xuyên quyết định chuyển hướng sang chăn nuôi cầy hương để bán giống. Ông Khuê chia sẻ: “Nghề chăn nuôi rủi ro lớn, nhất là dịch bệnh, bởi vậy lựa chọn loại vật nuôi phù hợp với khí hậu, dễ chăm sóc, đề kháng tốt là rất quan trọng. Sau nhiều năm kinh nghiệm chăn nuôi và tìm hiểu tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, tôi chọn nuôi cầy hương. Đây là loài vật dễ nuôi, ăn rất ít, thức ăn dễ kiếm, hiệu quả kinh tế cao, ít phải chăm sóc. Hiện tại, tôi có 30 con cầy hương bố, mẹ, năm 2023, chỉ bán riêng con giống, tôi đã thu nhập 150 triệu đồng, hiện nay thị trường rất khan hiếm, “cung” không đủ “cầu”. Cùng với cầy hương, gia trại của ông Khuê hiện còn phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa, nhím, gia cầm với tổng thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm.

Tại xã Tùng Bá, mô hình nuôi gà bản địa H’Mông thương phẩm mang lại hiệu quả cao và đang được địa phương nhân rộng. Đây là mô hình nhằm bảo tồn và phát triển giống gà đặc sản, từng bước đa dạng hóa các nguồn giống gia cầm, khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh ở địa phương. Ưu điểm là gà đen bản địa đã được người dân nuôi từ rất lâu, có nguồn gen quý, có sức đề kháng tốt, dễ thích ứng, giá trị kinh tế cao, thịt gà thơm, ngon được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Theo lãnh đạo xã Tùng Bá, sau 1 năm thực hiện, mô hình nuôi gà đen bản địa mang lại hiệu quả cao, xã Tùng Bá tiếp tục khuyến khích bà con nhân rộng vì ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình góp phần nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật chăn nuôi và thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là các loại cây, con đặc sản.

Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hóa, huyện Vị Xuyên chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh tốt cho đàn vật nuôi, mạnh dạn đầu tư phát triển quy mô chăn nuôi, đa dạng các loại vật nuôi. Các địa phương tăng cường giám sát, ngăn chặn kịp thời các loại dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi, hạn chế rủi ro, thiệt hại trong chăn nuôi. Nhờ đó, đàn vật nuôi của huyện phát triển ổn định. Đến nay, tổng đàn trâu, bò của huyện có trên 25.140 con, đàn lợn có trên 109.130 con, đàn gia cầm có gần 971.000 con. Người dân triển khai mua bảo hiểm trâu, bò cho 1.884 con/1.169 hộ nghèo, cận nghèo. Toàn huyện có 44 trang trại, trong đó có 1 trang trại quy mô lớn, 12 trang trại quy mô vừa, 31 trang trại quy mô nhỏ và hơn một trăm gia trại, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tổng diện tích nuôi thủy sản trong ao, hồ đạt trên 520 ha, diện tích nuôi cá lồng bè là 82 lồng nuôi tại các xã Đạo Đức, Thuận Hòa, Trung Thành, trung bình mỗi lồng nuôi cho thu hoạch khoảng 3,2 tấn/năm, giá trị thu hoạch trên 2,5 tỷ đồng. Tỷ trọng ngành chăn nuôi trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 43%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV.

Bên cạnh kết quả đạt được, ngành chăn nuôi của huyện Vị Xuyên còn gặp nhiều khó khăn, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch nhưng sự tái phát của dịch Tả lợn châu Phi tại xã Bạch Ngọc, Việt Lâm, Ngọc Minh và thị trấn Vị Xuyên đã khiến trên 500 con lợn của 64 hộ phải tiêu hủy, gây thiệt hại cho người chăn nuôi và giảm tổng đàn lợn của huyện.

Phát triển chăn nuôi hàng hóa theo chuỗi giá trị, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu vật nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả cao là hướng đi tất yếu đòi hỏi các địa phương trong huyện cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn đầu tư, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi và liên kết thị trường; đảm bảo an toàn dịch bệnh và ưu tiên, khuyến khích phát triển mô hình chăn nuôi liên kết chuỗi giá trị, để chăn nuôi thực sự là “trụ đỡ” giúp ngành Nông nghiệp phát triển toàn diện.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng Tâm quyết tâm về đích Nông thôn mới
BHG - Từ khi triển khai thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM), tình hình KT-XH của xã Đồng Tâm (Bắc Quang) có sự thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện. Tính đến cuối năm 2023, xã đạt 18/19 tiêu chí NTM.
29/02/2024
Rải những mét cấp phối đá dăm đầu tiên trên cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang
Trên tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua địa phận tỉnh Hà Giang, đơn vị thi công đã rải cấp phối đá dăm trên tuyến chính sau gần 7 tháng khởi công.
29/02/2024
Nông thôn bừng dậy sức sống mới
BHG - Trên khắp vùng địa đầu cực Bắc Tổ quốc, sắc Xuân đang hiện hữu mọi nơi. Xuân về trên những tuyến đường bê tông phẳng phiu, những cánh đồng xanh mướt, Xuân đậu trong những nụ cười trên khuôn mặt rám nắng của nông dân. Đón Xuân sang, bức tranh nông thôn càng bừng dậy sức sống nhờ công cuộc xây dựng Nông thôn mới (NTM).
29/02/2024
Bắc Mê gỡ khó thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu năm 2024
BHG - Năm 2024, huyện Bắc Mê phấn đấu thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình trọng tâm của tỉnh gắn với huy động, lồng ghép nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện 5 chương trình trọng tâm, 3 nội dung đột phá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 - 2025; tổng vốn đầu tư xã hội đạt trên 1.186 tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 100 tỷ đồng; thu nhập bình quân/người/năm đạt 28 triệu đồng; giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/ha đất canh tác đạt trên 58 triệu đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 21%; thu hút khách du lịch đạt 75.000 lượt người; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 6%...
28/02/2024