Chuyển vườn tạp thành “tấc vàng” ở Bắc Quang

08:41, 17/08/2023

BHG - Nếu như thời điểm trước năm 2020, nhiều vườn tạp trên địa bàn huyện Bắc Quang cho hiệu quả kinh tế thấp, thậm chí gây lãng phí tài nguyên đất thì nay chúng đã “hồi sinh” với năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi được nâng lên; hình thành liên kết theo chuỗi giá trị, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản và ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Theo số liệu rà soát của ngành Nông nghiệp huyện Bắc Quang, cuối năm 2020, trên địa bàn huyện có hơn 2.000 vườn tạp. Phần lớn chủ vườn trồng cây theo cảm tính, không có kế hoạch, không có cây chủ lực hoặc để đất trống không trồng cây, bỏ ngỏ khâu chăm sóc; chưa tận dụng được nguồn lao động, thời gian nhàn rỗi của gia đình. Riêng về giống cây trồng, đa số các hộ tự tìm mua nên không kiểm soát được tiêu chuẩn, chất lượng cây giống. Do đó, hiệu quả kinh tế từ đất vườn thấp, thậm chí có vườn không cho thu hoạch sản phẩm, gây lãng phí tài nguyên đất... Thế nhưng, từ năm 2021 đến nay, một cuộc “cách mạng” mang tên Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp (CTVT), phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025 đã, đang hồi sinh những mảnh vườn tạp để “tấc đất” thực sự thành “tấc vàng”.

Vườn tạp trở thành khu ươm giống cá hồi, cá tầm, mở ra triển vọng phát triển kinh tế mới ở xã Tân Thành.
Vườn tạp trở thành khu ươm giống cá hồi, cá tầm, mở ra triển vọng phát triển kinh tế mới ở xã Tân Thành.

Đưa Nghị quyết 05 vào cuộc sống, huyện Bắc Quang có nhiều cách làm hay như: Chỉ đạo mỗi xã lựa chọn 1 thôn làm điểm; mỗi thôn, cơ quan, đơn vị lựa chọn từ 1 – 2 hộ để tập trung chỉ đạo xây dựng thành các mô hình vườn mẫu và thành lập nhóm zalo để hỗ trợ, trao đổi thông tin trong quá trình thực hiện. Cùng với đó, ban hành bộ tiêu chí đánh giá chất lượng vườn hộ đã thực hiện CTVT; thành lập các tổ giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay, tổ đánh giá chất lượng vườn hộ đã cải tạo. Việc CTVT còn gắn với thực hiện tuyến đường tự quản: “Sáng – xanh – sạch – đẹp” tại 23/23 xã, thị trấn của huyện. Thêm một ấn tượng khác, huyện Bắc Quang còn tiến hành liên kết với một số đơn vị, doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần dược liệu Bông Sen Vàng; Hợp tác xã Nông nghiệp số huyện Bắc Quang; Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Đạt Thành Hà Giang để hỗ trợ các hộ CTVT về giống, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm. Điển hình có thể kể đến liên kết giữa các hộ dân của xã Quang Minh với Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Đạt Thành Hà Giang trong tiêu thụ Bí ngô, sản xuất lúa giống, trồng sả Srilaca. Trong đó, mô hình liên kết trồng sả Srilaca chiết xuất tinh dầu có quy mô trên 5,5 ha không chỉ được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm mà còn dần tạo ra những “nông dân số” khi họ biết sử dụng nhật ký điện tử ghi lại quá trình trồng, chăm sóc, bán sản phẩm. Điều này giúp thúc đẩy việc thường xuyên cập nhật, trao đổi thông tin trong chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất, chế biến cho đến khi phân phối ra thị trường; tạo nền tảng để xây dựng truy xuất nguồn gốc điện tử.

Sau hơn 2 năm đưa Nghị quyết 05 vào cuộc sống, đến nay, toàn huyện có 160 hộ nghèo, cận nghèo thực hiện CTVT, đạt 100% so với số hộ đăng ký thực hiện. Các hộ này đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi lên đến 4,8 tỷ đồng để CTVT theo Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025. Không những vậy, từ sức lan tỏa của phong trào, 252 hộ không thuộc diện đối tượng hộ nghèo, cận nghèo hưởng hỗ trợ từ Nghị quyết 58 đã tham gia CTVT, nâng tổng số hộ CTVT của toàn huyện lên 412 hộ với tổng diện tích thực hiện gần 305.000 m2. Trong đó, 19 hộ nghèo, cận nghèo và 21 hộ không nghèo đăng ký thực hiện CTVT, xây dựng vườn mẫu với tổng diện tích thực hiện gần 107.000 m2. Nhằm xây dựng thành công vườn mẫu, huyện Bắc Quang đã huy động xã hội hóa số tiền gần 280 triệu đồng; trao tặng hàng nghìn cây, con, giống; giúp đỡ trên 4.300 ngày công hỗ trợ các hộ CTVT, xây dựng vườn mẫu.

Cải tạo vườn tạp giúp người dân xã Kim Ngọc nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cải tạo vườn tạp giúp người dân xã Kim Ngọc nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn huyện Bắc Quang: Thông qua việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiến bộ vào chăn nuôi (gà, lợn, cá) và trồng trọt (rau, dược liệu); bình quân, thu nhập từ CTVT tăng thêm 21,1 triệu đồng/hộ/năm, cao gấp 3 – 4 lần so với trước khi CTVT; đồng thời, giải quyết việc làm ổn định cho 350 lao động tại chỗ. Toàn huyện đã có 80 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn thực hiện chương trình CTVT cho thu nhập cao. Điển hình như hộ ông Nguyễn Thành Luân, thôn Kè Nhạn, xã Đồng Yên được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi 30 triệu đồng để cải tạo 2.000 m2 vườn tạp thành mô hình vườn – ao – chuồng với tổng thu nhập trên 200 triệu đồng/năm; trong đó, chăn nuôi 2.000 con gà thả vườn kết hợp trồng cam Vàng và sử dụng 1.000 m2 để đào ao, thả cá. Hay hộ ông Nguyễn Văn Duẩn, thôn Quán, xã Quang Minh chỉnh trang khuôn viên, bố trí lại cấu trúc không gian nhà ở theo hướng xanh – sạch – đẹp với sân trước cửa nhà (giáp đường bê tông nội thôn) trồng hàng rào xanh (cây Cúc tần, Dâm bụt) với chiều dài 30 m; làm hàng rào tre, nứa xung quanh vườn trồng cây ổi, rau và bố trí lại khu chăn nuôi lợn, gà, xây lại chuồng lợn với diện tích 20 m2. Đến nay, gia đình ông Duẩn đã có nguồn thu nhập tăng thêm là hơn 45 triệu đồng/năm...

Những thành quả trên một lần nữa chứng minh quyết sách của cấp ủy tỉnh về CTVT là chủ trương mang ý Đảng, lòng dân, trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ. Cùng với đó, sự chủ động, quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang và sự đồng thuận của nhân dân chính là nền tảng quan trọng để Nghị quyết 05 có sức sống vững bền trong cuộc sống, tạo diện mạo mới cho kinh tế vườn ở Bắc Quang, hướng tới mục tiêu sinh kế và giảm nghèo bền vững cho nhân dân.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mèo Vạc phấn đấu trồng hơn 2.100 ha cây vụ Đông năm 2023
BHG - Với phương châm “chắc làm, chắc thắng”, huyện Mèo Vạc phấn đấu trồng đạt và vượt diện tích hơn 2.100 ha cây vụ Đông năm 2023, gồm 72 ha cây Tam giác mạch gắn với phục vụ Lễ hội hoa Tam giác mạch của huyện, hơn 1.800 ha rau, đậu các loại và 187 ha khoai lang. Thời gian thực hiện từ tháng 9 đến khi kết thúc mùa vụ.
16/08/2023
Nông nghiệp khẳng định vai trò “trụ cột”
BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 2025 xác định nông nghiệp là một trong ba “trụ cột” chính trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và ngành nông nghiệp giữ thế chủ đạo thực hiện 2 trong 3 đột phá về tạo sinh kế, nâng cao vật chất, tinh thần cho người dân; phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị. Bằng những giải pháp đánh thức tiềm năng, lợi thế đã giúp ngành nông nghiệp khẳng định vai trò “trụ cột” sau nửa nhiệm kỳ thực hiện.
16/08/2023
“Người bạn” đồng hành tin cậy của nông dân
BHG - Với phương châm “Hướng mạnh về cơ sở, chăm lo nhu cầu, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân", sau 2 năm đưa Nghị quyết số 07 của BTV Tỉnh ủy về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc sống, Hội Nông dân huyện Vị Xuyên triển khai hiệu quả, sáng tạo các chương trình hành động, phong trào thi đua, trở thành “người bạn” đồng hành, tin cậy của hội viên và nhân dân.
15/08/2023
Thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế ở Bắc Mê
BHG - Hiện nay, huyện Bắc Mê có 77 mô hình chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại và mô hình sản xuất rau, quả tại các xã Phú Nam, Giáp Trung, Yên Phong, thị trấn Yên Phú; nuôi trồng thủy sản tại xã Thượng Tân; trồng nghệ tại xã Minh Ngọc, Minh Sơn, Yên Định, Phú Nam, Đường Hồng, Yên Cường; nuôi cá đặc hữu (Bỗng, Lăng chấm) của Hợp tác xã Trung Hiếu, xã Thượng Tân; trồng và sản xuất tinh dầu Hồi tại một số thôn của xã Đường Âm, Đường Hồng, thị trấn Yên Phú; liên kết với nhân dân trồng, chế biến tinh bột Nghệ của Hợp tác xã nông, lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn, xã Minh Ngọc…
15/08/2023