Nông nghiệp khẳng định vai trò “trụ cột”

14:36, 16/08/2023

BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 2025 xác định nông nghiệp là một trong ba “trụ cột” chính trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và ngành nông nghiệp giữ thế chủ đạo thực hiện 2 trong 3 đột phá về tạo sinh kế, nâng cao vật chất, tinh thần cho người dân; phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị. Bằng những giải pháp đánh thức tiềm năng, lợi thế đã giúp ngành nông nghiệp khẳng định vai trò “trụ cột” sau nửa nhiệm kỳ thực hiện.

Đánh thức lợi thế

Các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh được trưng bày và tiêu thụ tại thành phố Hà Giang.
Các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh được trưng bày và tiêu thụ tại thành phố Hà Giang.

Xác định thế mạnh, ngành Nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh trình BTV Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành 4 nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực nông, lâm nghiệp; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề và ban hành nghị quyết để cụ thể hóa thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc lĩnh vực ngành Nông nghiệp quản lý nhà nước.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Hải Lý, chia sẻ: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước tăng 4,66%. Cơ cấu kinh tế nội bộ ngành chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/ha đất canh tác năm 2022 đạt 59,5 triệu đồng, tăng 19,38% so với năm 2020; dự kiến năm 2023, ước đạt 62 triệu đồng, tăng 12 triệu đồng so với năm 2020. Tỷ trọng ngành chăn nuôi năm 2022 chiếm 32,02% trong cơ cấu Ngành nông nghiệp, tăng 11,82% so với năm 2020, đạt 91,48% nghị quyết đại hội; dự kiến năm 2023 duy trì ổn định mức 32%. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 chiếm 58,58%, tăng 3,45% so với năm 2020 và đạt 97,63% so với nghị quyết đại hội; dự kiến năm 2023 ước đạt 58,9%, đạt 98,17% so với nghị quyết đại hội. Tỷ lệ cư dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2022 đạt 91,8%, tăng 11,63% so với năm 2020 và đạt 95,63% so với nghị quyết đại hội; dự kiến năm 2023 ước đạt 93%, đạt 96,87% so với nghị quyết đại hội…

Song song với việc đảm bảo an ninh lương thực và an sinh xã hội, tỉnh đưa các bộ giống mới có năng suất, chất lượng vào gieo trồng; đẩy mạnh thâm canh; triển khai xây dựng cánh đồng mẫu, cơ giới hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng... nhằm tăng năng suất, góp phần nâng bình quân lương thực đầu người năm 2023 ước đạt 460 kg/người. Mặt khác, phát triển sản xuất nông nghiệp đặc trưng hàng hóa theo chuỗi giá trị, tập trung vào các sản phẩm và nhóm sản phẩm: Cam sành, cây ăn quả ôn đới, chè Shan tuyết, dược liệu, lúa chất lượng cao, Tam giác mạch; bò vàng, lợn đen, mật ong bạc hà theo chuỗi giá trị, giúp giá trị sản phẩm được gia tăng. Đến nay, tỉnh đã xác định vùng sản xuất; khai thác tốt chỉ dẫn địa lý đã được chứng nhận; hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị thông qua chương trình phát triển OCOP, thu hút một số doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh được quảng bá, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Du khách tìm hiểu các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Du khách tìm hiểu các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Phát triển lâm nghiệp bền vững được tỉnh quan tâm; trong nửa đầu nhiệm kỳ đã trồng mới trên 15,7 nghìn ha rừng, nâng tổng diện tích rừng lên trên 466,9 nghìn ha; quản lý, bảo vệ tốt trên 385,6 nghìn ha rừng tự nhiên; giao rừng cho hộ dân, cộng đồng dân cư được trên 110 nghìn ha, đạt 28,6% tổng diện tích rừng tự nhiên và đạt 70,48% so với chỉ tiêu nghị quyết. Tận dụng lợi thế mặt nước, các địa phương phát triển đa dạng các loại hình nuôi trồng thủy sản: Nuôi cá lồng, bè trên hồ thủy điện, nuôi cá ao, hồ thủy lợi, nuôi cá ruộng; làm chủ quy trình sản xuất các giống cá đặc sản như cá Dầm xanh, Anh vũ, chiên, Lăng chấm, Bỗng và chuyển giao cho các cơ sở, hộ dân trên địa bàn tỉnh; xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá bỗng Hà Giang.

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Nhìn nhận vào thực tế, mặc dù nông nghiệp của tỉnh có sự bứt phá mạnh mẽ nhưng tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn còn chậm. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, chuyển đổi số vào sản xuất hạn chế. Chưa hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chưa có các cơ chế, chính sách đặc thù tạo đột phá để thu hút, khuyến khích đầu tư các dự án chế biến sâu nông sản và áp dụng khoa học kỹ thuật để cải tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm cây cam Sành. Việc thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã chủ trì liên kết chuỗi giá trị chưa nhiều. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là hạ tầng thủy lợi, hạ tầng chế biến nông sản. Công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa được quan tâm đúng mức…

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Hải Lý: Nguyên nhân do điều kiện tự nhiên, địa hình bất lợi; biến đổi khí hậu diễn ra ngày một nhanh hơn; xuất hiện một số dịch bệnh mới trên cây trồng vật nuôi; giá đầu vào của sản xuất tăng cao, tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, do nhận thức của đồng bào các dân tộc còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước; phương thức, tập quán sản xuất còn mang tính truyền thống. Nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ hoạt động sản xuất của 3 chương trình mục tiêu quốc gia lớn nhưng một số cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn vào sản xuất…

Tháo gỡ khó khăn, tỉnh tập trung chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp quyết liệt trong việc quán triệt, sâu sát trong công tác triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy về lĩnh vực phát triển nông nghiệp. Định hướng xây dựng chủ thể liên kết sản xuất ngay tại cơ sở, đi đôi với tạo cơ chế giúp các chủ thể liên kết hoạt động hiệu quả, gắn kết sản xuất giữa hợp tác xã với doanh nghiệp và nông dân để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm từ thu mua đến tiêu thụ. Xây dựng những mô hình tiêu biểu để nhân rộng ra phong trào sản xuất hàng hóa có tính tập trung cao, nhằm tạo ra số lượng nông sản lớn thông qua lồng ghép các nguồn vốn.

Tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, với quan điểm sản lượng ít nhưng giá trị cao, nhằm xây dựng thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số vào các khâu trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Nhận định đúng diễn biến thời tiết; diễn biến dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, diễn biến thị trường để chỉ đạo, định hướng phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, hạn chế rủi ro cho người sản xuất. Thường xuyên kiểm tra để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mác ngay tại cơ sở. Tăng cường phối hợp giữa ngành và cấp, giữa ngành với ngành, đặc biệt trong phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm.

Từ việc dành nguồn lực nhất định đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn để tạo sinh kế cho người dân, an sinh xã hội; quan tâm đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng Ngành nông nghiệp; phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng đã được xác định thành vùng nông nghiệp hữu cơ… đến những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tin rằng ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục khẳng định vai trò “trụ cột”, góp phần sớm đưa các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh về đích.

Bài, ảnh:  KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mèo Vạc phấn đấu trồng hơn 2.100 ha cây vụ Đông năm 2023
BHG - Với phương châm “chắc làm, chắc thắng”, huyện Mèo Vạc phấn đấu trồng đạt và vượt diện tích hơn 2.100 ha cây vụ Đông năm 2023, gồm 72 ha cây Tam giác mạch gắn với phục vụ Lễ hội hoa Tam giác mạch của huyện, hơn 1.800 ha rau, đậu các loại và 187 ha khoai lang. Thời gian thực hiện từ tháng 9 đến khi kết thúc mùa vụ.
16/08/2023
Thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế ở Bắc Mê
BHG - Hiện nay, huyện Bắc Mê có 77 mô hình chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại và mô hình sản xuất rau, quả tại các xã Phú Nam, Giáp Trung, Yên Phong, thị trấn Yên Phú; nuôi trồng thủy sản tại xã Thượng Tân; trồng nghệ tại xã Minh Ngọc, Minh Sơn, Yên Định, Phú Nam, Đường Hồng, Yên Cường; nuôi cá đặc hữu (Bỗng, Lăng chấm) của Hợp tác xã Trung Hiếu, xã Thượng Tân; trồng và sản xuất tinh dầu Hồi tại một số thôn của xã Đường Âm, Đường Hồng, thị trấn Yên Phú; liên kết với nhân dân trồng, chế biến tinh bột Nghệ của Hợp tác xã nông, lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn, xã Minh Ngọc…
15/08/2023
“Người bạn” đồng hành tin cậy của nông dân
BHG - Với phương châm “Hướng mạnh về cơ sở, chăm lo nhu cầu, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân", sau 2 năm đưa Nghị quyết số 07 của BTV Tỉnh ủy về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc sống, Hội Nông dân huyện Vị Xuyên triển khai hiệu quả, sáng tạo các chương trình hành động, phong trào thi đua, trở thành “người bạn” đồng hành, tin cậy của hội viên và nhân dân.
15/08/2023
Phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với du lịch
BHG - Với đặc trưng về tiểu vùng khí hậu, tỉnh ta có nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, trở thành điểm tựa vững chắc để phát triển du lịch nông nghiệp. Từ đó, tạo ra những sản phẩm mới, đa dạng, phục vụ nhu cầu của du khách, góp phần nâng cao đời sống cho nông dân, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.
14/08/2023