Xã Lũng Táo thực hiện tốt trồng và bảo vệ rừng

08:30, 21/08/2019

BHG - Là xã biên giới của huyện Đồng Văn, Lũng Táo luôn coi công tác bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ quan trọng. Những năm gần đây, nhờ có những chính sách phù hợp, cách làm hay của chính quyền địa phương cũng như ý thức của người dân được nâng cao; diện tích rừng trồng mới của xã từng năm được mở rộng và Lũng Táo trở thành xã có độ che phủ rừng đứng đầu toàn huyện.

Người dân thôn Pể Há, xã Lũng Táo phát dọn thực bì khu rừng trồng.
Người dân thôn Pể Há, xã Lũng Táo phát dọn thực bì khu rừng trồng.

Hiện, diện tích rừng tự nhiên của xã Lũng Táo là 2.119,7 ha; diện tích rừng trồng 86,5 ha, tập trung tại các thôn: Má Là, Tìa Súng, Pể Há...; diện tích rừng được khoanh nuôi bảo vệ là 888,3 ha. Do đặc thù địa hình và tập quán sử dụng gỗ của người dân địa phương, nên diện tích rừng trồng mới của xã chủ yếu là cây Sa mộc. Toàn bộ diện tích rừng được giao đến từng hộ dân quản lý và bảo vệ. Ngay từ đầu năm, UBND xã đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân về công tác chăm sóc, bảo vệ rừng và nghiêm cấm mọi hành vi khai thác, chặt phá rừng trái phép; tiến hành cho các hộ ký cam kết trong việc thực hiện quy ước về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ rừng được đông đảo người dân hưởng ứng.

Để khuyến khích bà con trồng và bảo vệ rừng, UBND xã đã cử các hộ đi học tập tại các lớp tập huấn về rừng và lợi ích do rừng mang lại. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, bảo vệ rừng; cử cán bộ tới tận nơi hướng dẫn bà con cách trồng, bảo vệ khi cây còn nhỏ. Xã tập trung trồng cây phân tán đối với những diện tích đất nhỏ lẻ, nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng, tạo cảnh quan, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân; cùng đó, Ban Chỉ đạo trồng rừng của xã thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình để kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai cho người dân.

Việc trồng rừng sản xuất theo chương trình, dự án của huyện, của tỉnh luôn luôn được nhân dân trong xã tích cực hưởng ứng. Để có được sự đồng thuận cao trong nhân dân; đó là chính sách giao đất, giao rừng, hỗ trợ chăm sóc cây giống được chính quyền xã và cán bộ khuyến nông triển khai kịp thời. Đặc biệt là những chế độ, chính sách, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng luôn được công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi cho người dân. UBND xã hàng năm đều phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện tiến hành chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo đúng quy định. Năm 2018, tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của xã trên 600 triệu đồng và được chi trả tới từng hộ dân.

Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được triển khai, quán triệt đến tất cả đội ngũ cán bộ, đảng viên; đồng thời tổ chức giám sát việc thực hiện của từng đồng chí cán bộ với mục đích nêu gương cho người dân. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đia phương, Bí thư Chi bộ các thôn cũng trực tiếp nhận đất và trồng rừng; đồng thời gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế rừng. Anh Dinh Mí Chứ, Trưởng thôn Sà Lủng, xã Lũng Táo cho biết: “Gia đình tôi nhận đất và trồng gần 1 ha cây Sa mộc, nhiều hộ sau khi thấy được lợi ích đã chủ động nhận đất để trồng. Những năm gần đây, ý thức của người dân về việc trồng và bảo vệ rừng đã được nâng lên rất nhiều; khi người dân hiểu được việc phát triển và bảo vệ rừng gắn với quyền bà lợi ích của mình và hưởng ứng tích cực vào việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt”. Thông qua những việc làm cụ thể của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong xã đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho từng người, mỗi gia đình; từ đó, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn xã Lũng Táo ngày càng thuận lợi, trở thành đơn vị đi đầu của huyện.

Anh Khổng Quốc Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Táo cho biết: Hàng năm, sau khi huyện giao kế hoạch trồng rừng, xã đều tham gia và hoàn thành 100% kế hoạch. Năm 2019, Lũng Táo trồng 15 ha rừng phòng hộ, tỷ lệ sống đạt trên 90; trồng rừng đã góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập người dân trong xã. Đặc biệt, việc giao rừng về cho từng hộ dân chăm sóc, bảo vệ đã đảm bảo rừng có chủ thực sự, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và bảo vệ rừng ở địa phương hiệu quả. Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân cùng chung sức bảo vệ và phát triển rừng; thúc đẩy sự ổn định, phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng đời sống cho vùng đồng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Bài, ảnh: My Ly


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giải pháp nào thúc đẩy sản xuất tại Cụm công nghiệp Nam Quang

BHG - Cụm công nghiệp (CCN) Nam Quang (Bắc Quang) hiện có 8 doanh nghiệp, công ty đã được UBND tỉnh Hà Giang cấp phép đầu tư với số vốn cam kết lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 2 doanh nghiệp hoạt động thường xuyên, 2 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, còn lại 4 doanh nghiệp vẫn im lìm cửa đóng, then cài... 

21/08/2019
Lâm Đình Luân khởi nghiệp từ mô hình du lịch nghỉ dưỡng

BHG - Sinh ra và lớn lên ở xã Quyết Tiến (Quản Bạ), Lâm Đình Luân chọn theo con đường làm hướng dẫn viên du lịch. Trải qua nhiều năm học nghề và làm nghề ở các tỉnh, thành; năm 2014, anh về Hà Giang để phát triển các ý tưởng kinh doanh. Đầu năm nay, Luân cùng với người anh xây dựng khu nghỉ dưỡng phục vụ du khách, kết hợp khai thác các tour du lịch Cao nguyên đá và các điểm du lịch lân cận thành phố Hà Giang. 

21/08/2019
Hoàng Su Phì thực hiện tiêu chí giao thông trong xây dựng Nông thôn mới

BHG - Với sự nỗ lực của hệ thống chính trị từ huyện đến xã, sự chung tay góp sức của người dân; đến nay, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) của huyện Hoàng Su Phì đã, đang đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao…

 

21/08/2019
Đồng Văn tăng cường quản lý "hồ treo"

BHG - Đồng Văn được mệnh danh là "vùng đất khát" của tỉnh, hàng năm, từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau là thời điểm thường xảy ra thiếu nước sinh hoạt; nhất là đối với các xã, thôn vùng cao núi đá. Để giải quyết vấn đề trên, Đảng và Nhà nước đã đầu tư xây dựng hệ thống các "hồ treo" để tích nước phục vụ nhu cầu dân sinh. Đến nay, trung bình mỗi xã của huyện Đồng Văn có từ 1 - 4 "hồ treo"; tuy nhiên vấn đề đặt ra là công tác quản lý, vận hành khai thác hệ thống "hồ treo" như thế nào để thực sự phát huy hiệu quả cao nhất.

 

21/08/2019