Giải pháp nào thúc đẩy sản xuất tại Cụm công nghiệp Nam Quang

08:06, 21/08/2019

BHG - Cụm công nghiệp (CCN) Nam Quang (Bắc Quang) hiện có 8 doanh nghiệp, công ty đã được UBND tỉnh Hà Giang cấp phép đầu tư với số vốn cam kết lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 2 doanh nghiệp hoạt động thường xuyên, 2 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, còn lại 4 doanh nghiệp vẫn im lìm cửa đóng, then cài...

Thực trạng hoạt động

CCN Nam Quang được phê duyệt quy hoạch chi tiết theo Quyết định số 1705/QĐ-UB ngày 19.8.2005 của UBND tỉnh với tổng diện tích là 34,732 ha trong đó: Đất xây dựng nhà máy, kho tàng là 23,902 ha chiếm 66,65%; đất trung tâm dịch vụ 0,481 ha chiếm 1,385%; đất kỹ thuật 1,232 ha chiếm 3,547%; đất giao thông 4,201 ha chiếm 12,095%; đất cây xanh 5,669 ha chiếm 16,322%. Đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích đã san ủi của CCN Nam Quang khoảng 14,12/34,732ha chiếm 40% tổng diện tích. Tổng diện tích đất đã giao cho các doanh nghiệp khoảng 12,97 ha. Phần diện tích còn lại khoảng 1,15 ha, trong đó 0,43 ha là diện tích quy hoạch khu xử lý nước thải của cụm công nghiệp. Như vậy, phần diện tích đã san ủi cơ bản đã lấp đầy.

Không khí lao động sôi nổi tại nhà máy ván ép xuất khẩu Công ty Xây dựng & thương mại Thái Hoàng tại Cụm Công nghiệp Nam Quang.
Không khí lao động sôi nổi tại nhà máy ván ép xuất khẩu Công ty Xây dựng & thương mại Thái Hoàng tại Cụm Công nghiệp Nam Quang.

Hiện nay, đang có 8 đơn vị đã và đang đầu tư vào CCN Nam Quang với ngành nghề chủ yếu là chế biến nông, lâm sản và chế biến khoáng sản. Nhìn tổng thể, phần diện tích đã san ủi mặt bằng đã được lấp đầy cho 8 doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến thời điểm hiện tại, chỉ có 2 doanh nghiệp hoạt động thường xuyên là Công ty Cổ phần Giấy Hải Hà và Công ty Đầu tư xây dựng & thương mại Thái Hoàng. Còn lại, 2 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng và 4 doanh nghiệp gần như cửa đóng, then cài suốt nhiều năm.

Theo lãnh đạo thị trấn Vĩnh Tuy, đơn vị quản lý về công tác hành chính trực tiếp tại địa bàn, cho biết: Diện tích mặt bằng tại CCN Nam Quang thì đã lấp kín từ nhiều năm nay. Hệ thống điện, nước vào CCN cũng đã được tỉnh đầu tư khá đầy đủ. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất, kinh doanh tại CCN Nam Quang thì rất ít vì có tới 2/3 số doanh nghiệp được cấp phép đầu tư hầu như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong rất nhiều năm liên tục.

Trong đợt kiểm tra, đánh giá thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp tại CCN Nam Quang cuối tháng 5.2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Hà Thị Minh Hạnh đã chỉ ra nhiều yếu điểm làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tại đây chưa hiệu quả, gây lãng phí đất đai, lãng phí đầu tư. Trong đó, lỗi chủ yếu thuộc về một số doanh nghiệp yếu kém về năng lực tài chính và khả năng tổ chức sản xuất kinh doanh dẫn đến lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước, lãng phí thời gian vì đã hơn chục năm đưa CCN vào khai thác mà chưa đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét. Không những thế, còn gây khó khăn cho những doanh nghiệp đến sau muốn đầu tư vào CCN Nam Quang để sản xuất, kinh doanh nhưng lại không có mặt bằng.

Phía Thường trực UBND huyện Bắc Quang, đánh giá: Một số doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường; một số doanh nghiệp sử dụng không hiệu quả diện tích đất được giao nhưng chưa được xem xét thu hồi phần diện tích này trong khi các doanh nghiệp khác muốn đầu tư lại không có đất nên việc kêu gọi thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn…

Đâu là giải pháp!?

Tại buổi làm việc tại CCN Nam Quang tháng 5.2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Hà Thị Minh Hạnh đã giao cho UBND huyện Bắc Quang thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp tại CCN Nam Quang để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang hoạt động; giao cho các sở, ngành của tỉnh, huyện tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động. Tiến hành rà soát, thu hồi diện tích đất đã cấp cho các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả. Đồng thời, có giải pháp hỗ trợ thêm mặt bằng cho những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, tiếp tục lựa chọn những doanh nghiệp có tiềm lực để thu hút đầu tư thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Về phía UBND huyện Bắc Quang, cũng đã nhiều lần đề xuất và mong muốn UBND tỉnh, các sở, ngành cần rứt khoát thu hồi giấy phép đối với những doanh nghiệp năng lực yếu ra khỏi CCN Nam Quang để tạo điều kiện cho những nhà đầu tư chiến lược đủ tiềm năng. Các doanh nghiệp đang hoạt động ổn định và hiệu quả tại CCN Nam Quang thì mong muốn UBND tỉnh, huyện cùng các sở, ngành đánh giá năng lực thực tiễn, tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Xét về thực tiễn cho thấy, tại CCN Nam Quang vẫn có những doanh nghiệp làm ăn ổn định, có những doanh nghiệp cần thêm mặt bằng để phát triển sản xuất cần được hỗ trợ giao thêm đất. Trên tinh thần đó, cần kiên quyết loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn yếu kém ra khỏi cụm công nghiệp để dành phần cho những doanh nghiệp tâm huyết, đủ tiềm năng.

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lâm Đình Luân khởi nghiệp từ mô hình du lịch nghỉ dưỡng

BHG - Sinh ra và lớn lên ở xã Quyết Tiến (Quản Bạ), Lâm Đình Luân chọn theo con đường làm hướng dẫn viên du lịch. Trải qua nhiều năm học nghề và làm nghề ở các tỉnh, thành; năm 2014, anh về Hà Giang để phát triển các ý tưởng kinh doanh. Đầu năm nay, Luân cùng với người anh xây dựng khu nghỉ dưỡng phục vụ du khách, kết hợp khai thác các tour du lịch Cao nguyên đá và các điểm du lịch lân cận thành phố Hà Giang. 

21/08/2019
Hoàng Su Phì thực hiện tiêu chí giao thông trong xây dựng Nông thôn mới

BHG - Với sự nỗ lực của hệ thống chính trị từ huyện đến xã, sự chung tay góp sức của người dân; đến nay, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) của huyện Hoàng Su Phì đã, đang đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao…

 

21/08/2019
Đồng Văn tăng cường quản lý "hồ treo"

BHG - Đồng Văn được mệnh danh là "vùng đất khát" của tỉnh, hàng năm, từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau là thời điểm thường xảy ra thiếu nước sinh hoạt; nhất là đối với các xã, thôn vùng cao núi đá. Để giải quyết vấn đề trên, Đảng và Nhà nước đã đầu tư xây dựng hệ thống các "hồ treo" để tích nước phục vụ nhu cầu dân sinh. Đến nay, trung bình mỗi xã của huyện Đồng Văn có từ 1 - 4 "hồ treo"; tuy nhiên vấn đề đặt ra là công tác quản lý, vận hành khai thác hệ thống "hồ treo" như thế nào để thực sự phát huy hiệu quả cao nhất.

 

21/08/2019
Hiệu quả từ trồng Thanh long ruột đỏ tại Vị Xuyên

BHG -  Nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển đổi diện tích vườn tạp, kém hiệu quả sang các loại cây cho giá trị kinh tế cao, huyện Vị Xuyên đã đưa cây Thanh long ruột đỏ vào trồng thử nghiệm tại 5 hộ dân tại xã Việt Lâm từ năm 2014, với 4000 cây giống. Đến nay, diện tích Thanh long ruột đỏ đã được người dân trên địa bàn huyện nhân rộng, đem lại nguồn thu nhập ổn định. 

20/08/2019