Quản Bạ, người dân khó thoát nghèo theo tiêu chí mới

07:12, 12/07/2016

BHG- Tiêu chí thoát nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, đã nâng các tiêu chí đánh giá hộ nghèo, cận nghèo một cách toàn diện, thực chất hơn. Dựa trên kết quả này, các hộ nghèo, cận nghèo sẽ được tiếp cận với những chính sách giảm nghèo cụ thể. Tuy nhiên, với đặc thù của vùng miền, một số tiêu chí để đánh giá hộ nghèo còn chưa phù hợp với người dân ở Quản Bạ.

Ông Viên Văn Thình ở thôn Nà Vìn, xã Quản Bạ (Quản Bạ) thuộc diện cận nghèo.
Ông Viên Văn Thình ở thôn Nà Vìn, xã Quản Bạ (Quản Bạ) thuộc diện cận nghèo.

Sau khi rà soát đánh giá theo tiêu chí mới, số hộ nghèo ở Quản Bạ tăng lên đáng kể. Phó trưởng Phòng LĐ,TB-XH, Lê Thị Thủy, cho biết: “Qua rà soát đánh giá tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 giảm xuống còn 19%, đến tháng 11.2015 có phương án điều tra hộ nghèo đa chiều thì toàn huyện có 6.784 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 61,17%; hộ cận nghèo là 1.062 hộ, chiến 9,58%; hộ không nghèo là 3.245 hộ, chiếm 29,26%. Tiêu chí nghèo đa chiều đánh giá về các mặt như: Y tế, văn hóa, xã hội, giáo dục... Ở Quản Bạ, đa số các hộ không đạt tiêu chí về nhà bền chắc, do người dân làm nhà theo kiểu truyền thống là nhà sàn, nhà trình tường. Và tiêu chí về tiếp cận thông tin, văn hóa do một số nơi chưa có điện. Về nước sạch, bà con vùng cao rất thiếu nước... Để thoát nghèo thì trước hết cơ sở hạ tầng về điện, đường, trường, trạm phải đầy đủ thì tỷ lệ hộ nghèo mới giảm xuống”.

Được hưởng sự ưu đãi từ các chính sách giảm nghèo mới, hộ chị Giàng Thị Mỷ, dân tộc Mông, ở thôn Nà Vìn, xã Quản Bạ (Quản Bạ), trước đây là hộ cận nghèo, sau khi rà soát đánh giá lại theo tiêu chí mới thì hộ chị thuộc diện nghèo. Có thu nhập chính từ trồng ngô trên 700 m2 đất nương, một năm thu hoạch được khoảng 15 bao ngô và chăn nuôi 1 con lợn nái. Một mình chị Mỷ phải nuôi 3 con nhỏ, nên hoàn cảnh cuộc sống của mẹ con chị rất khó khăn. Ngồi trong căn nhà cấp 4 được xây dựng nhờ tiền vay vốn Ngân hàng CSXH, chỉ Mỷ cho biết: “Nhà tôi thuộc hộ nghèo do không có lao động, diện tích đất sản xuất ít. Nhờ có sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương nên cuộc sống của gia đình tôi cũng bớt khó khăn”. Dựa vào việc đánh giá sâu sát điều kiện của từng gia đình mà chính quyền địa phương xác định được các hộ nghèo cần hỗ trợ về lĩnh vực nào, từ đó đưa ra các giải pháp thoát nghèo cụ thể ở từng nơi.

Tuy nhiên với đặc điểm của địa phương, một số hộ cho rằng có những tiêu chí còn chưa phù hợp với vùng của mình. Đến thăm một hộ cận nghèo ở thôn Nà Vìn, được ông Viên Văn Thình, dân tộc Tày, chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi thuộc hộ trung bình, trong nhà có 2 con trâu, 2 con ngựa, đàn lợn 5 con, kết hợp với trồng ngô, lúa cho thu nhập bình quân là 50 triệu đồng/năm. Thế nhưng bây giờ nhà tôi rơi vào diện cận nghèo, do không đủ các tiêu chí như: Không có điều hòa, tủ lạnh, nhà vệ sinh tự hoại, bình nóng lạnh... Tôi cho rằng có một số tiêu chí là chưa phù hợp với điều kiện ở đây, cụ thể nhà tôi sống ở vùng cao có khí hậu mát mẻ nên không cần dùng điều hòa. Người Tày chúng tôi bao đời nay đều ở trên nhà sàn nên không muốn xây nhà mái bằng kiên cố vì khá bí, nóng”.

Với nhiều tiêu chí đánh giá mới như hiện nay, để giúp người dân thoát nghèo sẽ đặt một trách nhiệm khá lớn lên chính quyền địa phương. Đề cập đến tiêu chí nghèo mới và phương án giảm nghèo, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quản Bạ, Nguyễn Thị Lý, bộc bạch: “Trước đây tỷ lệ hộ nghèo ở xã là 13%, nhưng bây giờ đã tăng lên 54,4% do điều kiện ở địa phương còn nhiều hạn chế về thiếu đất sản xuất, KHKT, người dân không có việc làm. Phương án hỗ trợ nhân dân của xã là xây dựng lộ trình thoát nghèo theo từng năm, bắt đầu từ việc hỗ trợ các đảng viên thoát nghèo; giao cho mỗi chi bộ giúp đỡ 3 hộ nghèo. Vận động người dân vay vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi tạo đà thoát nghèo bền vững. Hướng dẫn các gia đình mua đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày để phù hợp với một hộ Nông thôn mới ngày nay. Mục tiêu là phấn đấu đến năm 2020 giảm hộ nghèo xuống còn 10%”.

Các tiêu chí thoát nghèo đa chiều đã đề ra những nội dung rất cụ thể, thúc đẩy người dân phấn đấu nâng cao mức sống. Tuy nhiên, với đặc điểm của một huyện 30a còn nhiều thiếu thốn thì người dân sẽ khó đạt được những tiêu chí này trong thời gian ngắn.

Lê Hải


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Bắc Mê còn đó những nỗi lo

BHG- Thời gian qua, công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Bắc Mê nằm trên tuyến Quốc lộ 34, đoạn từ thôn Bản Tính (xã Phú Nam) đi Cao Bằng do chủ đầu tư là Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng. Đơn vị thi công là Tổng Công ty Sông Đà 5, quá trình thi công không đảm bảo an toàn nên đã xảy ra một số vụ tai nạn, không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản, mà còn khiến người dân hết sức hoang mang và lo ngại về mức độ an toàn mỗi khi lưu thông qua khu vực này.

30/06/2016
Vì sao người dân phường Ngọc Hà ngăn đường chặn xe chở quặng vào bãi tập kết?

BHG - Từ đêm 26.6 đến nay, hàng chục người dân tổ 8, phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) đã dựng vật cản, cắt cử lực lượng túc trực ngăn chặn, không cho xe của Công ty TNHH MTV Trí Hưng (Công ty Trí Hưng) chở tinh quặng Sắt vào bãi tập kết. Người dân bức xúc vì tiếng ồn, bụi ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, còn doanh nghiệp giải quyết chưa linh hoạt, chưa thấu tình đạt lý… dẫn đến sự việc càng trở nên phức tạp.

29/06/2016
Thông Nguyên nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân

BHG- Để đạt chuẩn Nông thôn mới  đã khó, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí lại càng khó khăn hơn. Nhận thức được điều đó, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) không ngừng nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

29/06/2016
Xã Vĩnh Hảo hoàn thành 13/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới

BHG- Trở lại xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) vào một ngày tháng 6, chúng tôi rất ấn tượng với diện mạo mới của xã. Những ngôi nhà cao tầng thi nhau mọc lên san sát, những vườn cam sai quả, nương chè xanh mướt mắt,... cuộc sống của người dân Vĩnh Hảo đang từng ngày đổi thay. 

29/06/2016