Nhân rộng mô hình Tổ quản lý nước xã Lùng Tám

08:05, 15/09/2015

BHG - 20 nghìn đồng đến 120 nghìn đồng – đó là số tiền mỗi hộ dân thôn Mỏ Nhà Thấp, Lùng Tám Thấp xã Lùng Tám (Quản Bạ) đóng góp hàng năm để duy trì hoạt động Tổ quản lý công trình nước. Số tiền tuy nhỏ, nhưng hiệu quả mang lại rất lớn, công trình Nhà nước đầu tư được quản lý, vận hành chặt chẽ, phát huy công năng, người dân có trách nhiệm hơn khi sử dụng nước sạch... Cách làm này đang gợi mở nhiều vấn đề trong quản lý, sử dụng các công trình đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Gia đình ông Hầu Vần Cháng, sinh sống ngay trung tâm thôn Mỏ Nhà Thấp. Hơn 60 tuổi đời gắn bó với mảnh đất này, ông đã trải qua, luôn thấu hiểu những khó khăn và nhu cầu nước sạch của người dân Lùng Tám cũng như các xã nằm trong vùng Cao nguyên đá. Tuy không thuộc địa bàn thiếu nước gay gắt, nhưng thôn Mỏ Nhà Thấp có năm vẫn lâm vào cảnh cạn kiệt nguồn nước khi mùa khô về. Ông vẫn còn nhớ, nhiều lần phải mang can nhựa lên mãi tận đầu nguồn con suối mới hứng được nước để mấy thành viên trong gia đình dùng tiết kiệm qua ngày. Nhưng mấy năm nay, “cơn khát” cục bộ không xảy ra nữa, công trình cấp nước được xây dựng ngay đầu nguồn, thu gom nước suối vào bể chứa và dẫn theo đường ống về các gia đình. Công trình này được Tổ quản lý nước do người dân bầu ra thường xuyên kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng nên phát huy hiệu quả tích cực - ông Cháng chia sẻ.

Nhờ có Tổ quản lý công trình nước, gia đình ông Hầu Vần Cháng không còn phải sống trong cảnh... “khát” cục bộ.
Nhờ có Tổ quản lý công trình nước, gia đình ông Hầu Vần Cháng không còn phải sống trong cảnh... “khát” cục bộ.

Dẫn chúng tôi lên đầu nguồn con suối, nơi được đầu tư xây dựng các bể chứa lớn giữ nước trước khi dẫn về từng hộ gia đình, anh Tráng Mí Pó, Trưởng thôn, kiêm thành viên Tổ quản lý công trình nước cho biết: Năm 2003, công trình cấp nước tự chảy, cấp nước cho 72 hộ dân thôn Mỏ Nhà Thấp được Dự án Caritas đầu tư theo phương thức hỗ trợ vật liệu, người dân đóng góp công sức xây dựng. Với số tiền 1,2 tỷ đồng, dự án xây dựng 2 bể chứa, lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước, đồng hồ nước cho các hộ. Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, để công trình phát huy hiệu quả, thôn bình bầu, lựa chọn 4 người thành lập Tổ quản lý công trình nước. Tiền sử dụng nước thu theo chỉ số dùng thực tế với đơn giá 2 nghìn đồng/m3, mỗi quý thành viên Tổ quản lý sẽ đến từng gia đình thu, 40% số tiền thu được dành để duy tu, sửa chữa công trình, 60% chi cho bộ phận quản lý. Trao đổi với chúng tôi, anh Pó cho biết: Nhiều năm nay, đồng bào vẫn quen tư tưởng được Nhà nước đầu tư cho không, nay phải thu tiền sử dụng mới đầu cũng có nhiều luồng tư tưởng. Nhưng khi nhận thấy lợi ích nên họ tự giác chấp hành, có ý thức bảo vệ, nếu không có Tổ quản lý, công trình sẽ nhanh xuống cấp, nếu không đóng tiền, nhiều người không có ý thức khi sử dụng.

Năm 2012, thôn Lùng Tám Thấp được Chính phủ đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước với dung tích 10 nghìn m3, cung cấp nước ổn định cho 86 hộ dân. Ngay khi hồ chứa bàn giao cho chính quyền địa phương, thôn đã thành lập Tổ quản lý gồm 2 thành viên được bầu từ những người có uy tín trong cộng đồng. Hàng năm, mỗi hộ sử dụng nước đóng 20 nghìn đồng để duy trì hoạt động của Tổ quản lý và duy tu, bảo dưỡng công trình. Việc cấp nước cho các hộ dân được Tổ quản lý thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, mỗi ngày xả nước một lần từ hồ vào bể chứa dung tích 10m3 để người dân đến lấy. Từ ngày đi vào hoạt động, nguồn nước trong hồ luôn rồi rào, ngay cả khi mùa khô kéo dài, hồ chứa vẫn đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt, chăn nuôi của người dân.

Ông Sùng Mí Dình, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ quản lý nước thôn Lùng Tám Thấp chia sẻ: Người dân vùng cao được Nhà nước đầu tư nhiều công trình phúc lợi, nhưng khi đưa vào sử dụng, do thiếu sự quan tâm, quản lý chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm chưa cao nên những công trình đầu tư công nhanh xuống cấp. Hồ chứa nước thôn Lùng Tám Thấp được đưa vào sử dụng đã mấy năm, nguồn nước luôn đảm bảo hợp vệ sinh, môi trường xung quanh hồ tốt, không có nước đọng. Trước khi đi vào vận hành, Tổ có xây dựng quy chế, triển khai đến người dân trực tiếp sử dụng nước đóng góp ý kiến, sau đó ký cam kết nên mọi người luôn chấp hành tốt. Người dân đã nhận thức được, nước là nguồn tài nguyên tái tạo, nhưng nếu dùng một cách không hợp lý, không tiết kiệm nó cũng sẽ hết. Không chỉ vậy, người dân trong thôn còn có trách nhiệm bảo về rừng, nơi cung cấp nguồn nước ổn định dẫn về hồ chứa.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, từng bước nâng cao đời sống người dân vùng cao, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã đầu tư xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội. Những công trình này đều phát huy hiệu quả, nhưng qua năm tháng sử dụng, nhiều hạng mục đầu tư xuống cấp rất nhanh, nguyên nhân có nhiều, nhưng việc thiếu người đứng ra quản lý cũng góp phần khiến nó nhanh hỏng. Đơn cử như việc đầu tư hệ thống thủy lợi, hiện nay, toàn tỉnh có 3.467 công trình thủy lợi, cấp nước tưới cho 9.157,8 ha lúa Đông - xuân, gần 22 nghìn ha lúa Mùa; 813 công trình cấp nước sinh hoạt. Các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt sau khi hoàn thành về cơ bản được bảo vệ, quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng. Tuy nhiên, số công trình được quản lý còn quá ít nên dẫn đến tình trạng hư hỏng nhỏ, bồi lắng, kênh dẫn chưa được sửa chữa, nạo vét kịp thời, gây lãng phí và mất vệ sinh, một số công trình sau khi xây dựng xong còn không thể sử dụng; một số công trình cấp bách, cần ưu tiên chưa được triển khai kịp thời, thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng... thực trạng này đã và đang xảy ra với nhiều công trình đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Nhìn lại hiện trạng quản lý, sử dụng các công trình Nhà nước đầu tư thời gian qua cho thấy, mô hình Tổ quản lý ở xã Lùng Tám rất cần được nhân rộng ở nhiều lĩnh vực khác để các công trình đầu tư công thực sự phát huy hiệu quả. Vấn đề “đầu tư tư - sử dụng công”, “đầu tư công - quản lý tư”, “lãnh đạo công - quản trị tư” để khơi thông nguồn lực xã hội chính thức được đặt lên bàn nghị sự tại Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 31. Mô hình Tổ quản lý công trình nước tại các thôn Mỏ Nhà Thấp, Lùng Tám Thấp cũng là một hình thái của “đầu tư công - quản lý tư”, mong rằng nó sớm được triển khai, nhân rộng.

  Bài, ảnh: Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Yên Minh, mùa hồng không hạt

BHG - Tháng 9 tới cũng là thời điểm bắt đầu mùa hồng không hạt ở Yên Minh. Tôi may mắn có dịp tham quan một số vườn hồng của người dân xã Na Khê – địa phương có diện tích hồng không hạt nhiều nhất huyện và là "cái nôi" phát triển loại cây ăn quả này ở Yên Minh.

15/09/2015
Nữ Trưởng thôn hơn 40 năm "vác tù và hàng tổng"

BHG - Đó là cách gọi quen thuộc của nhiều người dân thôn Ba Luồng, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) khi nói về cô Trần Thị Lý, một Trưởng thôn vừa giỏi việc nước, đảm việc nhà, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc của thôn, của xã suốt hơn 40 năm qua. 

15/09/2015
Sức dân ở Mèo Vạc

BHG- Đến Mèo Vạc hôm nay có thể dễ dàng nhận thấy những con đường mới mở vượt qua đá núi và trong thôn, xóm nhiều đường liên thôn, liên gia được đổ bê-tông sạch sẽ; tạo nên bộ mặt nông thôn khởi sắc. Diện mạo ấy được hình thành bởi sức dân bao ngày san đá, hiến đất mở đường. Bởi đối với người dân nơi đây, giao thông nông thôn chính là "con đường" giúp họ đẩy lùi đói, nghèo.

12/09/2015
Giá nhiên liệu đầu vào giảm, cước vận tải vẫn... "dửng dưng" (!)

BHG- Sở GT-VT vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, rà soát mức giá nhiên liệu kỳ kê khai liền trước với biến động giảm của chi phí nhiên liệu thời điểm hiện tại, tính toán chi tiết các khoản cấu thành giá, điều chỉnh cước cho phù hợp với xu hướng giảm của giá nhiên liệu. Việc kê khai, điều chỉnh lại giá cước phải gửi về Sở Tài chính để phê duyệt, quản lý theo quy định trước ngày 15.9 này.

12/09/2015