Đầu tư tái thu hồi – "luồng gió" mới trong phát triển nông nghiệp ở Yên Minh

08:56, 23/09/2015

BHG- Đầu tư tái thu hồi (ĐTTTH) - hình thức hỗ trợ người dân vay vốn để phát triển kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định rồi thu hồi lại để tái đầu tư, hỗ trợ cho hộ dân khác đã được triển khai nhiều năm nay ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh và đã cho thấy hiệu quả thiết thực, nâng cao giá trị kinh tế của mô hình kinh tế cũng như ý thức, trách nhiệm của người dân trong sử dụng nguồn vốn. Tại huyện Yên Minh, hỗ trợ ĐTTTH tuy mới được triển khai và thực hiện trong khoảng hơn 1 năm, nhưng nó thực sự đã thổi “luồng gió” mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện vùng cao này.

Tham quan một số mô hình chăn nuôi gia súc được hỗ trợ cho vay theo hình thức ĐTTTH ở xã Mậu Duệ và Du Già; cảm nhận đầu tiên của tôi là,  đàn gia súc được người dân quan tâm, chăm sóc kỹ lưỡng hơn nên phát triển tốt, không bị dịch bệnh và bước đầu đang cho thấy tín hiệu vui về giá trị kinh tế đạt được sau khi bán sản phẩm. Đơn cử như mô hình chăn nuôi dê của gia đình anh Tẩn Văn Đánh, thôn Lũng Dầm, xã Du Già được vay 10 triệu đồng từ Quỹ phát triển thôn trong tháng 9.2014 để mua 5 con dê nuôi sinh sản. Anh Đánh cho biết, đến nay, đàn dê của anh đã đẻ được 3 con và đến tháng 9 này sẽ đẻ thêm 1 đến 2 con nữa. Với thời gian vay là 1 năm, anh nhẩm tính khi đến kỳ hoàn trả vốn với giá bán dê thương phẩm hiện nay, chỉ cần bán 3 con dê lớn đang làm giống là đủ số tiền cần trả. Vậy là sau 1 năm vay vốn phát triển chăn nuôi, gia đình anh có lãi 2 con dê mua giống ban đầu và 4 đến 5 con dê con để tiếp tục phát triển đàn dê. Đó chỉ là một trong nhiều mô hình ĐTTTH đang triển khai và phát huy hiệu quả ở huyện Yên Minh.

Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Minh, Nguyễn Đình Duẩn cho biết: Hình thức hỗ trợ ĐTTTH ở Yên Minh mới được triển khai từ năm 2014 bằng nguồn vốn tỉnh cấp cho chương trình xây dựng NTM mới để các xã xây dựng Quỹ phát triển thôn và nguồn ngân sách riêng của huyện. Hình thức hỗ trợ này đang được huyện tập trung cho vay phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng trọt. Tính đến thời điểm này, tổng số vốn thực hiện hỗ trợ đầu tư tái thu hồi trên địa bàn huyện là trên 610 triệu đồng. Số vốn này đang được giải ngân cho trên 120 hộ dân chủ yếu thực hiện các mô hình chăn nuôi và số ít mô hình trồng trọt.Được biết, huyện Yên Minh đang thực hiện cho vay ĐTTTH chủ yếu tập trung vào các mô hình chăn nuôi và đa phần có kỳ vay hạn là 1 năm. Đến nay, một số mô hình cho vay đã sắp hết kỳ hạn vay, vì vậy có thể phần nào đánh giá được kết quả. Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện, Hoàng Quang Hoàn cho biết: Sau khi giải ngân hỗ trợ các hộ thực hiện mô hình kinh tế, lãnh đạo huyện và ngành nông nghiệp đã thường xuyên đi kiểm tra. Có thể đánh giá là người dân đã có ý thức quan tâm, chăm sóc kỹ hơn cho đàn gia súc hay các cây trồng đang phát triển từ nguồn vốn vay có thu hồi. Họ cũng nhận thức được rằng nếu thực hiện mô hình không hiệu quả sẽ không thể hoàn trả vốn và tiếp tục phát triển kinh tế sau khi kết thúc chương trình hỗ trợ. Vì vậy các mô hình đều phát triển tốt và khả năng có lãi cao khi các hộ bán sản phẩm sau khi tổng kết và hoàn vốn cho nhà nước”. Điều này cũng được chính những hộ dân khẳng định: “Bình thường mình đi vay ở ngân hàng thì phải mất lãi suất hàng tháng nhưng vay của Quỹ phát triển thôn thì không mất lãi suất. Vì thế mình phải chăm sóc gia súc cẩn thận để chúng phát triển thì sau này bán đi mới trả được vốn và có lãi để tiếp tục phát triển”, chị Đán Thị Nga, thôn Pác Luy, xã Mậu Duệ chia sẻ.

Hỗ trợ cho vay bằng hình thức ĐTTTH có nhiều ưu điểm, vừa bảo toàn vốn vừa nâng cao ý thức, trách nhiệm sử dụng nguồn vốn của người dân. Một số xã trên địa bàn huyện Yên Minh đã tự trích kinh phí để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi như xã Du Già hỗ trợ cho hơn 10 hộ dân vay hơn 30 triệu đồng phát triển chăn nuôi vịt thương phẩm. Hiện số kinh phí người dân Du Già vay đã phát triển đàn vịt lên đến 1.400 con. Từ hiệu quả ban đầu triển khai cho vay ĐTTTH trong các mô hình phát triển kinh tế ở Yên Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Hoàng Quang Hoàn khẳng định: Hình thức hỗ trợ ĐTTTH dù mới thực hiện ở Yên Minh dường như đang thổi một “luồng gió” mới góp phần thúc đẩy phát triển kinh của người dân và các địa phương. Chắc chắn trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh đầu tư hỗ trợ theo hình thức này.

Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hiệu quả từ mô hình cam VietGAP ở Yên Hà

BHG- Yên Hà là xã có điều kiện thuận lợi để phát triển trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP trên đất Quang Bình. Hiện nay, cây cam được xác định là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Sản phẩm cam VietGAP của địa phương đang dần khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

23/09/2015
Lực lượng Quản lí thị trường: Tập trung đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

BHG- Là địa bàn không có những điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả như một số địa phương biên giới hay một số tỉnh ở vùng xuôi, Hà Nội. Nhưng, những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh của thị trường cả nước, thị trường Hà Giang cũng chịu ảnh hưởng bởi sự xâm nhập hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. 

23/09/2015
Agribank Vị Xuyên góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương

BHG- Vị Xuyên là một trong những huyện được coi là động lực của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, cùng với những phát triển chung của nhiều lĩnh vực trong hoạt động phát triển KT-XH khác, Agribank Chi nhánh Vị Xuyên đã có những kết quả đáng khích lệ, từng bước nâng cao mức tăng trưởng tín dụng trên địa bàn, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.

23/09/2015
Agribank Chi nhánh Quang Bình: Gắn hoạt động kinh doanh với nhiệm vụ giúp đỡ các xã khó khăn

BHG- Trong gần 9 tháng đầu năm 2015, cùng với các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện, Agribank huyện Quang Bình không ngừng nỗ lực cố gắng tổ chức tốt các hoạt động kinh doanh, góp phần đưa nền KT-XH trên địa bàn huyện ngày một tăng trưởng cao.

23/09/2015