Nỗ lực đưa nền kinh tế “về đích”

09:11, 19/07/2014

HGĐT - ...Các chỉ tiêu đã đạt, hoặc có khả năng đạt sẽ phấn đấu vượt kế hoạch, bù cho chỉ tiêu cùng lĩnh vực đạt thấp; chỉ tiêu chưa đạt, hoặc khó đạt phải phấn đấu có kết quả cao nhất; công trình nào không có khả năng hoàn thành trong năm sẽ điều chỉnh nguồn cho công trình khác; hạn chế thấp nhất việc chuyển nguồn sang năm sau. Đó là phương châm chỉ đạo của UBND tỉnh nhằm khắc phục khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.


Nửa năm Giáp Ngọ đã qua đi, mặc dù nền kinh tế của tỉnh luôn “ngập” trong khó khăn do rét đậm, rét hại, hạn hán kéo dài; dịch bệnh ở người, gia súc, mưa đá, gió lốc xảy ra ở nhiều địa phương, gây thiệt hại về người và tài sản... Nhưng, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cùng chủ trương, giải pháp sáng tạo, đúng đắn, tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng 5,8%, giá trị tăng thêm ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản trên 3%, công nghiệp - xây dựng trên 6%, dịch vụ tăng gần 8%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 12%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng trên 15%, giải quyết việc làm tăng gần 13%.

 


Nền kinh tế khó khăn, sản phẩm quặng Mangan của Công ty TNHH Sơn Lâm tồn kho hàng chục nghìn tấn.

Tuy nhiên, kết thúc 6 tháng làm việc miệt mài, cật lực, vẫn còn 19/55 chỉ tiêu đạt dưới 50% kế hoạch, trong đó có nhiều chỉ tiêu quan trọng, có tầm ảnh hưởng, quyết định trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Ở lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, dù giá trị sản xuất đạt 50%, nhưng nhóm ngành công nghiệp chế biến, sản xuất, phân phối điện đạt dưới 50%. Cụ thể, sản phẩm chè chế biến chỉ đạt gần 25%, sản lượng Feromangan trên 31%, điện sản xuất trên 28%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa đạt gần 30%... Nguyên nhân của các chỉ tiêu đạt thấp được lý giải, do diện tích chè trồng mới cho thu hoạch không nhiều, trong khi đó vườn chè già cỗi tăng hàng năm, dẫn đến sản lượng giảm. Đối với sản lượng Feromangan, do các nhà máy hoạt động cầm chừng nhằm giảm lỗ, hoặc chưa đi vào sản xuất do giá sản phẩm xuống thấp, đầu ra không ổn định. Bên cạnh đó, một số dự án khai thác quặng sắt, chì - kẽm triển khai chậm tiến độ, tạm dừng hoạt động nhằm sửa chữa, đại tu máy móc và tiến hành thăm dò lại.

 

Một trong những chỉ tiêu quan trọng nhưng kế hoạch đạt thấp chính là thu ngân sách trên địa bàn chỉ được trên 581 tỷ đồng, đạt 41%. Trong đó, thu nội địa trên 456 tỷ đồng, đạt 52%, thu XNK chỉ được 85 tỷ đồng, đạt 28%, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, giá trị một số mặt hàng XNK có thuế giảm mạnh như năng lượng điện, hàng nhập khẩu ưu đãi, phân đạm, linh kiện phụ tùng ô tô, quặng... ảnh hưởng đến hoạt động thu ngân sách.

 

Không chỉ vậy, một số chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) như việc làm và dạy nghề, y tế, phòng chống HIV/AIDS, văn hóa, giảm nghèo bền vững, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đưa văn hóa về cơ sở..., tiến độ giải ngân cũng rất chậm. Điển hình như, Chương trình MTQG việc làm và dạy nghề, tổng vốn T.Ư giao năm nay trên 28,8 tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng 6 vừa qua, giá trị khối lượng thực hiện mới được trên 9,5 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch, giải ngân trên 7,6 tỷ đồng, đạt gần 27%; Chương trình 135, tổng vốn đầu tư trên 190 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân được 25%. Đặc biệt, Chương trình XDNTM mới giải ngân đạt 4,5% kế hoạch...

 

Những chỉ tiêu quan trọng trên có tác động rất lớn đến nền kinh tế, nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời, rất có thể sẽ trở thành lực cản trên đường về đích của “con tàu” kế hoạch 2014. Trên cơ sở phân tích, đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân, tỉnh ta đề ra quyết tâm, với phương châm chỉ đạo: Các chỉ tiêu đã đạt, hoặc có khả năng đạt sẽ phấn đấu vượt kế hoạch, bù cho chỉ tiêu cùng lĩnh vực đạt thấp; chỉ tiêu chưa đạt, hoặc khó đạt phải phấn đấu kết quả ở mức cao nhất. Từ phương châm chỉ đạo đó, lĩnh vựcsản xuất nông - lâm nghiệp xác định, đẩy mạnh thâm canh với phương châm lấy vụ Mùa và vụ Đông bù vụ Xuân. Các huyện, thành phố phải chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ Đông ngay từ bây giờ, đồng thời xây dựng kế hoạch chi tiết, gắn với giải pháp cụ thể; xây dựng vùng chè nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGap tại huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình, Hoàng Su Phì, đẩy mạnh công tác cải tạo vườn chè cũ, gắn thâm canh tăng năng suất, chất lượng, áp dụng công nghệ hiện đại vào quá trình chế biến sản phẩm.

 

Ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tỉnh chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh thực hiện các công trình, dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, nhất là dự án thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản. Tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý thu, quyết toán thuế, tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế trong sản xuất kinh doanh...

 

Đối với các chương trình MTQG kế hoạch giải ngân thấp, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt hơn nữa, gắn với công tác kiểm tra để đẩy nhanh tiến độ giải ngân; ưu tiên thanh toán gọn các công trình đã quyết toán, còn thiếu ít vốn, rà soát công trình đăng ký hoàn thành trong năm, công trình nào không có khả năng hoàn thành sẽ điều chỉnh nguồn sang công trình khác. Đối với công trình khởi công mới, tập trung hoàn thành công tác đấu thầu, khẩn trương thi công theo đúng tiến độ dự án phê duyệt, thực hiện giải ngân cả năm đạt 100%, hạn chế thấp nhất việc chuyển nguồn sang năm sau.

 

Theo kế hoạch, năm 2014 tỉnh ta phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 8,5%; giá trị gia tăng bình quân đầu người 16,2 triệu đồng; sản lượng lương thực có hạt 38,6 vạn tấn; thu ngân sách đạt 1.410 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 21,73%, tạo việc làm cho khoảng 15,8 nghìn người, tỷ lệ lao động qua đạo tạo đạt 42,5%... Thời gian từ nay đến cuối năm còn rất ít, trong khi đó khối lượng công việc phải thực hiện rất nhiều. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc rất lớn của toàn xã hội, sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp và ngành mới có thể phá được lực cản của quá trình tăng trưởng. Khi nào vẫn còn tình trạng triển khai nhiệm vụ theo thẩm quyền của một số ngành còn chậm, chưa khoa học; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tổ chức sản xuất chưa linh hoạt; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của một số nơi còn thiếu sâu sát, tinh thần trách nhiệm, tính chủ động chưa cao... thì nền kinh tế chưa thực sự cất cánh.


Thiên Thanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cùng vun đắp sự phát triển vùng cam
HGĐT - Những năm qua, trong số các ngân hàng thương mại trên địa bàn, Agribank luôn là ngân hàng đầu tầu, đồng hành có hiệu quả với sự phát triển của người nông dân, đúng như tên gọi Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT của mình. Rất nhiều chương trình, dự án phát triển Nông nghiệp, nông thôn mà ở đó vai trò của Agribank đã được thể hiện. Một trong số đó là Chương trình phát triển,
19/07/2014
Phát triển sản xuất từ nguồn vốn vay ban đầu
Cũng như nhiều gia đình khác, trước đây gia đình anh Dương Tiến Vinh, ởthôn Xuân Hòa, xã Tân Quang (Bắc Quang) thuộc diện gia đình khó khăn, kinh tế dựa trên mặt hàng kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ. Sau khi được sự hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp&PTNT Chi nhánh huyện Bắc Quang để tăng gia sản xuất, kinh tế của gia đình anh Vinh chuyển biến rõ rệt.
19/07/2014
Đầu tư dài hạn cho phát triển nông nghiệp ở Na Pô
HGĐT - 4 năm trở lại đây, hơn 100 hộ dân thôn Na Pô, xã Na Khê (Yên Minh) đã bỏ ra số tiền lên đến gần 3 tỷ đồng để thuê máy xúc mở mới hơn 25 ha ruộng bậc thang; đây được coi là sự đầu tư dài hạn cho phát triển nông nghiệp của người dân Na Pô.
17/07/2014
Khánh thành chợ thị trấn Phó Bảng gắn với phiên chợ đưa hàng Việt về biên giới
HGĐT - Ngày 16.7, Sở Công thương tổ chức lễ khánh thành chợ Phó Bảng, thị trấn Phó Bảng (Đồng Văn) gắn với phiên chợ đưa hàng Việt về biên giới. Tham dự lễ khánh thành có các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của huyện, Sở Công thương và thị trấn.
17/07/2014