Thăng trầm chuyện... nuôi nhím

08:27, 16/07/2014

HGĐT- Đã có thời kỳ, nuôi nhím trở thành đề tài được nhắc tới nhiều trong những câu chuyện làm giàu của người nông dân ở không ít nơi. Tại thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang), nơi một thời ghi nhận sự “lên ngôi” của con nhím và cũng là nơi điển hình về sự thăng trầm của loài vật nuôi này. Người dân ở Vĩnh Tuy nuôi nhím, góp phần làm “nóng” thị trường con nhím giống, và chính họ cũng góp phần đưa nó trở lại giá trị thực.


Con nhím ở thời... ngọt ngào và hy vọng:

Nếu về thị trấn Vĩnh Tuy khoảng những năm từ 2004 – 2007, đó thực sự là những năm tháng của loài vật đầy gai góc này. Ban đầu từ vài hộ nuôi nhím sinh sản để bán nhím giống, dần dần việc nuôi nhím được nhân ra như một mô hình hứa hẹn làm giàu cho nhiều hộ dân. Có thời điểm “nóng”, giá nhím giống lên đến 16 - 17 triệu đồng/một đôi có trọng lượng khoảng 4kg. Theo bà con ở Vĩnh Tuy cho biết, một đôi nhím khi ấy còn đổi được cả một đôi trâu. Việc nuôi nhím chỉ là để bán con giống và việc bán cho các hộ khác nuôi cũng để nó sinh sản và bán... giống. Khi ấy ở Vĩnh Tuy chẳng ai nuôi nhím để thịt, trừ khi nó không may bị què quặt, ốm đau.



Con nhím, một loài vật nuôi từng mang đến ngọt ngào và cả gai góc cho người chăn nuôi, hiện đã trở về với giá trị thực.


Anh Nguyễn Công Nghiệp, cán bộ thị trấn Vĩnh Tuy, nguyên là cán bộ khuyến nông của thị trấn tâm sự, thời cao điểm, cả thị trấn nuôi trên 2.000 cá thể nhím sinh sản. Nhím được nuôi nhiều ở các thôn như: Tân Lập, Phố Mới, Tân Long. Nhím giống được xuất bán đi nhiều nơi trong huyện, trong tỉnh, sau đó cung cấp đi nhiều nơi tận Sơn La, Lai Châu, Vĩnh Phúc... Nhiều hộ nuôi nhím có tiếng ở thị trấn như hộ anh Cao Xuân Hậu ở thôn Phố Mới, Hoàng Bình Định ở thôn Tân Thành, Trần Minh Thể ở thôn Tân Long... Trong đó, hộ anh Cao Xuân Hậu nuôi nhiều nhất, có thời điểm nuôi gần 600 cá thể. Khi ấy, rất nhiều cá nhân, tổ chức chăn nuôi đã tìm đến thị trấn Vĩnh Tuy để tìm hiểu, học hỏi và mua nhím giống. Anh Cao Xuân Hậu cho biết, do phát triển đúng vào lúc con nhím có giá nên gia đình anh và không ít hộ ở thị trấn đã có nguồn thu khá. Đến khi giá nhím bắt đầu “hạ nhiệt”, từ năm 2010, gia đình anh Hậu và một số gia đình khác cũng dần xuất bán và bảo toàn đồng vốn đầu tư. Tuy nhiên, anh Hậu cũng thẳng thắn cho biết, không phải ai cũng may mắn, có những hộ nông dân khi thấy con nhím có giá đã đầu tư nuôi, nhưng khi giá nhím rớt xuống nhanh chóng đã gặp phải thiệt hại, đó cũng là câu chuyện thường thấy của người nông dân ở nhiều nơi.


Đến khi trở về với giá trị thực:

Điểm đáy của phong trào nuôi nhím vào năm 2012, khi mà thị trường và chính những người chăn nuôi thực sự nhìn nhận thấy giá trị thực của con nhím, khiến cho giá nhím bị bão hòa. Giá nhím thương phẩm và nhím giống bằng nhau với mức chỉ từ 150 – 180.000đ/kg. Nhưng trước đó, có những hộ nông dân ở Vĩnh Tuy và nhiều nơi trong tỉnh do chưa bắt được xu thế của thị trường nhím nên đã đầu tư mua 10 – 15 triệu đồng/1 đôi nhím giống, phải chấp nhận đầu tư... lỗ cho niềm hy vọng làm giàu của mình. Vì thế, từ năm 2012 đến nay, do đã đầu tư nên có những hộ ở thị trấn Vĩnh Tuy và nhiều hộ ở các xã thuộc huyện Bắc Quang, huyện Vị Xuyên, Quang Bình, Quản Bạ, thành phố Hà Giang... vẫn duy trì đàn nhím một cách cầm chừng như để chờ cơ hội phục hồi của giá nhím!. Nhưng có một thực tế là giá nhím thịt hiện nay trên thị trường chỉ vào khoảng trên dưới 150.000đ/kg. Cơ hội “phục hồi” của con nhím là khó có thể xảy ra, bởi giá con nhím giờ chỉ được xác định bằng giá thịt thương phẩm và đầu tư cho con nhím không thể hiệu quả như việc đầu tư cho chăn nuôi nhiều loại vật nuôi phổ thông khác như gà, lợn. Anh Cao Xuân Hậu cho biết, hiện giờ gia đình chỉ còn nuôi lại hơn chục con nhím để... thịt. Giờ đây, gia đình đã chuyển sang trồng rừng với 13ha và cam, quýt với 17ha, đồng thời coi đó như một hướng phát triển kinh tế bền vững.


Anh Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Tuy chia sẻ, Vĩnh Tuy có lẽ là nơi khởi đầu cho phong trào nuôi nhím ở tỉnh ta. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, con nhím chỉ là sự lựa chọn tức thời của người chăn nuôi. Dần dần, chính thị trường mới là nơi lựa chọn cây gì, con gì. Rất may là trong quá trình phát triển đàn nhím, ở thị trấn gần như không có những thiệt hại lớn trong đầu tư. Tuy nhiên, việc chăn nuôi nhím cũng là một bài học kinh nghiệm đầy bổ ích cho người nông dân...


Trao đổi với chúng tôi, một số cán bộ theo dõi mảng nông nghiệp, thuộc Cục Thống kê tỉnh cho biết, những năm trước, mặc dù có giá trị kinh tế cao, nhưng chính con nhím lại không có tên trong danh sách thống kê, theo dõi phát triển đàn vật nuôi trong tỉnh. Có một điều thực tế là chính các kế hoạch, chủ trương hay nghị quyết của các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng dường như không hề có mục tiêu, chỉ tiêu nào đặt ra cho việc phát triển con nhím, mà ở đâu đó chỉ có những báo cáo điển hình về một số hộ làm giàu từ mô hình nuôi nhím.


Trở lại thị trấn Vĩnh Tuy, đến thời điểm này, theo chúng tôi được biết, toàn thị trấn chỉ còn khoảng 4 hộ nuôi nhím với khoảng 23 cá thể. Đàn nhím ít dần, ít dần ở một nơi đã từng được coi là chuyên cung cấp nhím giống. Với người nông dân ở thị trấn và nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, họ đã trải nghiệm qua một hành trình thăng – trầm với một loại vật nuôi đầy ngọt ngào nhưng cũng đầy gai góc mà bà con tự đưa giá con nhím lên cao để rồi, nó lại tự rơi xuống với giá trị thực.


HUY BA

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nhân rộng “Ngân hàng bò”, thêm nhiều hộ nghèo hưởng lợi
HGĐT- Trong các chương trình, dự án phát triển chăn nuôi, nổi lên Dự án “Ngân hàng bò” do T.Ư Hội Chữ Thập đỏ (CTĐ) Việt Nam được triển khai, thực hiện từ năm 2010 trên địa bàn 6 huyện 30a. Từ hiệu quả thực tế, tỉnh ta triển khai kế hoạch nhân rộng Dự án “Ngân hàng bò” trên địa bàn toàn tỉnh với việc huy động nguồn lực đóng góp của toàn xã hội giúp thêm nhiều hộ nghèo có bò
16/07/2014
Quang Bình thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
HGĐT- Quang Bình là một huyện có các tiềm năng lợi thế về đất đai, lực lượng lao động dồi dào để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Huyện có 2 tuyến đường quan trọng, đó là Quốc lộ 279 và Tỉnh lộ 183 chạy qua, nối từ Quốc lộ 2 với các tỉnh Lào Cai, Yên Bái. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, buôn bán, có triển vọng cho ngành chăn nuôi phát triển theo hướng sản
16/07/2014
Đầu tư gần 1.450 tỷ đồng cấp điện cho 31.820 hộ dân
HGĐT - Dự án cấp điện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có điện lưới quốc gia giai đoạn 2013-2020 vừa được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, đến năm 2020 có 31.820 hộ dân, 576 thôn, bản được cấp điện, tổng vốn đầu tư thực hiện dự án gần 1.450 tỷ đồng.
15/07/2014
Trực tuyến về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản
HGĐT- Chiều 14.7, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản. Đồng chí Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì Hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cùng một số Bộ, ngành T.Ư. Tại điểm cầu Hà Giang, có sự tham dự của lãnh
15/07/2014