Yên Minh trồng thành công 50 ha cây cải dầu

07:33, 10/11/2009

HGĐT- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về việc triển khai Chương trình trồng cây cải dầu trên các huyện vùng cao phía Bắc năm 2009, từ tháng 10 đến tháng 11, huyện Yên Minh đã xây dựng kế hoạch, đồng thời triển khai chương trình trồng cây cải dầu trên địa bàn.


Trong quá trình thực hiện, dù gặp không ít khó khăn nhưng nhờ sự quyết tâm của các cấp, các ngành nên huyện đã trồng đạt 100% diện tích kế hoạch đề ra.

Huyện Yên Minh có 1.300 ha ruộng lúa và 1.000 ha diện tích ngô 1 vụ. Trong nhiều năm trở lại đây, để nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, giúp người dân có thu nhập, xoá đói, giảm nghèo, huyện đã nỗ lực vận động và chỉ đạo bà con đưa một số giống cây trồng phù hợp xuống chân ruộng 1 vụ. Nhờ sự cố gắng đó nên ở nhiều địa phương, người dân đã đưa giống ngô, đậu tương, rau các loại trồng trên đất lúa, ngô 1 vụ trong vụ Đông - xuân. Từ sự chuyển đổi đó, người dân đã có thêm nguồn thu và đặc biệt ý thức sản xuất tăng vụ của bà con được nâng lên một bước. Dù vậy, việc chuyển đổi ruộng từ 1 vụ sang 2 vụ vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi ở một số địa phương vẫn chưa tìm được cây trồng phù hợp trong vu Đông - xuân bởi điều kiện thời tiết, khí hậu không thuận lợi. Xuất phát từ ý kiến chỉ đạo của tỉnh, cũng như qua nghiên cứu về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở một số địa phương và căn cứ kết quả trồng cây cải dầu những năm 1995, 1996 trên địa bàn một số xã, huyện Yên Minh đã xây dựng phương án triển khai trồng cây cải dầu trong vụ Đông - xuân 2009- 2010 với diện tích 50 ha tại xã Thắng Mố và Du Già. Trong đó xã Du Già trồng 20 ha với 2 chủng loại giống là Hyola 61 và Miên dầu; xã Thắng Mố trồng 30 ha cải dầu giống Hyola 61.


Để kế hoạch trồng cải dầu thành công, huyện đã xây dựng các giải pháp thực hiện cụ thể. Bước đầu đã thành lập BCĐ trồng cây cải dầu cấp huyện, cấp xã, đồng thời phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Trong quá trình chăm sóc, Trạm Khuyến nông huyện và Trạm Bảo vệ thực vật trực tiếp theo dõi, hướng dẫn bà con kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Huyện cũng đã cử 3 cán bộ xuống nằm tại xã để chỉ đạo, giám sát việc thực hiện chương trình. Là năm đầu tiên triển khai nên huyện sẽ hỗ trợ cho các hộ dân 100% giống, phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật với tổng kinh phí hỗ trợ trên 280 triệu đồng. Về đầu ra, sau khi thu hoạch tỉnh sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm cho bà con theo giá thoả thuận tạm tính là 8.000 đồng/1kg. Và để đảm bảo chương trình thành công, huyện đã cho người dân trong vùng trồng cây cải dầu ký kết 3 bên giữa UBND xã, Trạm Khuyến nông và các hộ.


Anh Giang Đức Hiệp, Trưởng trạm Khuyến nông huyện cho biết: Khi triển khai chương trình, do có sự tuyên truyền, vận động về chủ trương, mục đích nên người dân đã hiểu và đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã gặp khó khăn về cung ứng giống cũng như điều kiện thời tiết khô hạn dẫn đến việc làm đất chậm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, người dân đã hoàn thành trồng 50 ha cải dầu. Tuy nhiên, một số diện tích đã mọc xuất hiện sâu bệnh hại, Trạm Khuyến nông đã cung ứng thuốc và chỉ đạo phun lần 1. Nói về chương trình trồng cây cải dầu, ông Thào Nỏ Cho, xóm Khán Chồ, xã Thắng Mố đánh giá: “Các hộ gia đình trong thôn cũng như trong xã tôi đều đồng tình với chủ trương trồng cây cải dầu nên đã tích cực tham gia thực hiện. Do những năm trước người dân chúng tôi đã trồng cây cải dầu trên địa bàn và đã cho kết quả, tuy nhiên sản phẩm làm ra không được thu mua nên bà con không mở rộng được. Bây giờ Nhà nước thu mua bà con rất vui, chắc chắc cây cải dầu sẽ sống tốt ở đây và người dân chúng tôi sẽ có thêm nguồn thu để cuộc sống no đủ hơn”.


Hiện tại, bà con đang theo dõi sát sao quá trình sinh trưởng và phát triển của cây cải dầu. Hy vọng rằng, với sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự quyết tâm của các ngành, các cấp cũng như được sự ủng hộ của người dân, mô hình trồng cây cải dầu ở Yên Minh nói riêng và các huyện vùng cao nói chung sẽ giành thắng lợi, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp trên các huyện vùng cao của tỉnh.


Khánh Toàn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cần đầu tư giống và kỹ thuật cho nông dân Bắc Quang phát triển ngành nuôi trồng thủy sản
HGĐT - Bắc Quang, một huyện vùng thấp của tỉnh Hà Giang, nơi tập trung số lượng ao, hồ tương đối lớn. Do vậy vấn đề phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản nơi đây cần phải có chính sách quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền địa phương.
30/10/2009
Đẩy nhanh tiến độ thi công đường Nà Chì - Nấm Dẩn.
HGĐT - Hết tháng 9.2009, công trình nâng cấp tuyến đường Nà Chì - Nấm Dẩn (Xín Mần) đã bước vào giai đoạn thi công nước rút nhằm hoàn thành vào cuối năm 2009, bàn giao đưa vào sử dụng khai thác đầu năm 2010.
30/10/2009
Quản Bạ khuyến khích phát triển các ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp
HGĐT - Trong những năm qua, huyện Quản Bạ có nhiều cơ chế, chính sách và thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, từ đó dẫn đến quy mô sản xuất, hiệu quả kinh tế và năng suất lao động của các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngày càng tăng.
30/10/2009
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp
HGĐT- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là bước tiến quan trọng trong quá trình sản xuất nông nghiệp nhằm từng bước xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa. Mấy năm gần đây, tỉnh ta luôn kiên trì thực hiện chiến lược chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đã tạo được hiệu quả tích cực. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hà Giang có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Đế, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.
28/10/2009