Xây dựng các hồ chứa nước sinh hoạt ở Mèo Vạc

16:32, 19/10/2009

HGĐT- Với những khó khăn về địa hình, thời tiết, đặc biệt là sự khô hạn vào mùa đông ở các huyện vùng cao tỉnh ta đã khiếN việc đi tìm nguồn nước là nỗi mong mỏi bao đời của đồng bào các dân tộc, đồng thời cũng chính là nỗi trăn trở của bao thế hệ lãnh đạo các cấp ở tỉnh ta. Thấu hiểu vất vả của Cao nguyên đá trong những mùa đông hạn và giá rét, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ Hà Giang 30 chiếc hồ chứa nước sinh hoạt (HCNSH).


Thông qua chương trình này, huyện Mèo Vạc đã được đầu tư 9 hồ. Bên cạnh đó, từ các nguồn vốn khác, Mèo Vạc tiếp tục được hỗ trợ đầu tư xây dựng 6 chiếc HCNSH nữa, nâng tổng số HCNSH được xây dựng trên địa bàn huyện là 15 chiếc, phân bổ ở 13 xã, thị trấn.


Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, đến nay, Mèo Vạc đã có 5 công trình HCNSH được hoàn thành và đưa vào sử dụng gồm: HCNSH ở xã Lũng Chinh, Sủng Máng, Sủng Trà, Giàng Chu Phìn và Khâu Vai. Các công trình hoàn thành trên đều do sở Nông nghiệp làm chủ đầu tư, (tính cả hồ Tả Lủng do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư, hoàn thành từ vài năm trước thì Mèo Vạc đã có 6 hồ hoàn thành). 9 công trình còn lại phân cấp cho UBND huyện làm chủ đầu tư, trong đó có 7 công trình đang được tiến hành xây dựng, khối lượng hoàn thành đạt từ 25 – 90%. 2 công trình HCNSH còn lại đang trong quá trình thẩm định và chuẩn bị thi công là hồ Pả Vi và Sảng Pả.


Nhận thức được ý nghĩa to lớn của các HCNSH cũng như sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các cấp nên cấp uỷ, chính quyền và người dân trong huyện luôn có sự đồng tình cao đối với việc xây dựng HCNSH. Cùng với thuận lợi đó, do địa hình, giao thông, thời tiết phức tạp, đồng thời việc thi công các hồ trong thời gian qua đúng lúc nền kinh tế gặp khó khăn. Các hồ phần lớn thi công trên diện tích đất nông nghiệp nên phải tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng, có điểm việc giải phóng phức tạp.


Quá trình thi công, các nhà thầu không những phải nỗ lực vận chuyển vật liệu xây dựng từ dưới thị xã lên, đặc biệt là cát, đồng thời do khan hiếm nước ở địa bàn xây dựng cũng khiến cho tiến độ, chất lượng công trình gặp nhiều khó khăn… Với một địa bàn núi đá vôi như Mèo Vạc thì cấu tạo địa chất cũng hết sức phức tạp, dẫn đến việc xây dựng hồ treo có thể xảy ra những biến cố khó lường đối với nhà thầu thi công…


Tiếp cận với các công trình xây dựng HCNSH trên địa bàn Mèo Vạc cũng như các huyện khác, có thể thấy do phải phụ thuộc vào điều kiện thời tiết nên các đơn vị thi công nhiều khi không thể đẩy nhanh tiến độ. Do thiếu nước nên việc triển khai xây dựng rất khó, chi phí lên cao nếu vận chuyển nước từ nơi khác đến. Hoặc nếu xây dựng nhanh, nhưng khi xây xong mà không có nước đưa vào hồ để bảo dưỡng bê tông thì sẽ dẫn đến nguy cơ bị co, kéo và nứt bê tông…


Trước mắt, Mèo Vạc mới chỉ có 5 hồ được hoàn thành, phần lớn chưa tích nước hết khối lượng và có những hồ chưa thực sự trải qua mùa mưa thì chắc chắn chưa thể khẳng định được chất lượng và độ bền của các hồ ngay được. Dù vậy, các hồ đã hoàn thành xây dựng đến nay đều đã tích một lượng nước nhất định, đảm bảo giữ, dưỡng cho bể không bị nứt do khô, nóng... Tuy nhiên, theo phản ánh của địa phương và qua thực tế ở hồ Sủng Nhỉ (xã Sủng Máng), do bờ tường rào chắn của hồ thấp, nên khi mưa to, nước đầy tràn vào bể kéo theo bùn, đất đục ngầu… làm ảnh hưởng đến vệ sinh. Việc lấy nước ở hồ này cũng không thuận tiện, khi nước vơi dần, người dân phải bước vào trong bể, xuống các bậc để múc nước sẽ gây mất vệ sinh… Trên cơ sở đó, các hồ đang trong quá trình thi công cần rút kinh nghiệm để có thể bổ sung thiết kế, đảm bảo vệ sinh lâu dài các hồ.


Qua thực tế, không chỉ riêng ở Mèo Vạc, đã phát sinh một vấn đề, đó là khi đưa vào sử dụng cần phải đảm bảo vấn đề quản lí và giữ vệ sinh. Do chưa có người chuyên trách quản lí nên vấn đề vệ sinh ở một số hồ đã bộc lộ hạn chế... Tại một số hồ dù mới đưa vào sử dụng nhưng đã xuất hiện rác trong hồ. Đặc biệt là hồ Tả Lủng do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư, sau vài năm sử dụng, rêu bọt đã nổi rất nhiều trên mặt hồ mà không thấy ai vớt đi, chiếc cửa sắt của hồ đã bị những người thiếu ý thức phá hỏng. Trên cơ sở đó, Ban quản lí dự án HCNSH 4 huyện vùng cao núi đá của tỉnh cần nghiên cứu, xem xét về vấn đề này, đồng thời cùng các huyện có công trình HCNSH xây dựng quy chế quản lí cho các hồ treo một cách hợp lí.


Tại Hội nghị các nhà thầu thi công HCNSH do UBND tỉnh tổ chức tại Yên Minh tháng 6 vừa qua, nhiều nhà chuyên môn cho rằng, việc xây dựng HCNSH trên vùng núi đá là công việc rất mới mẻ đối với các nhà thầu trong và ngoài tỉnh. Qua triển khai xây dựng một số hồ cho thấy, cần rút kinh nghiệm, chú trọng khâu khảo sát, thiết kế để đảm bảo yếu tố kỹ thuật các công trình cũng như thuận lợi cho quá trình thi công, đảm bảo độ bền và hiệu quả sử dụng. Để phát huy hiệu quả các hồ, cần đào tạo, tập huấn cho chính quyền địa phương và người dân trong cách bảo quản và vận hành hồ, xây dựng quy định về sử dụng nước trong các hồ…


Giao Thư

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị đầu bờ mô hình thâm canh lúa có sử dụng phân bón NEB 26 và tổng kết công tác chỉ đạo thâm canh tăng năng suất lúa tại xã Tùng Bá
HGĐT- Sáng 29.9, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với UBND xã Tùng Bá (Vị Xuyên) tổ chức Hội nghị đầu bờ mô hình thâm canh lúa có sử dụng phân bón NEB 26 và tổng kết công tác chỉ đạo thâm canh tăng năng suất lúa vụ mùa.
30/09/2009
Đề cử 9 doanh nghiệp tham gia bình xét danh hiệu “Doanh nhân Hà Giang tiêu biểu” năm 2009
HGĐT- Vừa qua, Hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tổ chức lựa chọn, bình xét doanh nhân Hà Giang tiêu biểu năm 2009.
30/09/2009
Ðiều chỉnh giá xăng dầu theo cơ chế thị trường
Nghị định số 84/2009/NÐ-CP về kinh doanh xăng dầu vừa được Chính phủ ban hành quy định cụ thể điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu, điều kiện sản xuất xăng dầu, kinh doanh phân phối xăng dầu và giá bán lẻ xăng dầu.
19/10/2009
Hiệu quả nguồn vốn đầu tư ở những xã biên giới
HGĐT- Đa phần các xã biên giới của tỉnh ta đều nằm cách xa trung tâm huyện lỵ, điều kiện canh tác, sinh hoạt khó khăn, nhưng nhờ sự đầu tư từ các nguồn vốn của T.Ư như Chương trình 134, 135 và 120 nên hệ thống đường giao thông, đường điện, trụ sở làm việc của những xã biên giới được xây dựng kiên cố, khang trang.
19/10/2009