Ứng phó biến đổi khí hậu - không chỉ hô hào khẩu hiệu xuông!

07:29, 19/08/2015

BHG- Nằm ở cửa ngõ phía Tây của tỉnh, hàng năm người dân huyện Hoàng Su Phì luôn phải hứng chịu những hậu quả nặng nề của thiên tai gây ra; lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất ập đến với tần suất dày đặc đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống cũng như tiến trình phát triển của mảnh đất này. Do đặc điểm địa hình bị chia cắt mạnh, núi cao, vực sâu, cùng với kết cấu đất yếu nên hàng năm vào mùa mưa đều xảy ra các vụ sạt lở đất, nhẹ thì vùi lấp hệ thống giao thông, cống rãnh thoát nước, ruộng canh tác, nặng thì cuốn trôi nhà cửa, đe dọa tính mạng người dân. Đã có nhiều vụ việc thương tâm xảy ra do hậu quả của lở đất, gần đây nhất, năm 2014, sau 2 ngày mưa trắng trời, rạng sáng 21.7 một góc núi Thiêng Rầy (Nàng Đôn) vỡ bung. Hàng nghìn m3 đất đá ập xuống, xô đổ 2 ngôi nhà, vùi lấp 5 người dân xấu số, cũng thời điểm đó, tại lán xây dựng đường Hồ Thầu - Nàng Đôn, đất núi cũng ập xuống, khiến hai công nhân ra đi. Núi vỡ mang theo 7 sinh mạng, khiến Hoàng Su Phì trở thành địa phương có số người chết lớn nhất do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 năm đó. Thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) luôn ập đến, nhưng người dân xã Nàng Đôn, người dân Hoàng Su Phì và nhiều địa phương khác chưa có được những kiến thức cơ bản để đối phó với nó.                                                         

Thiên tai ập đến, chúng ta thường nói nguyên nhân do tác động của BĐKH và ai cũng biết BĐKH đang ngày càng tác động lớn đến cuộc sống nên rất cần phải có giải pháp ứng phó thích hợp. Các chuyên gia đã cảnh báo, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH và tỉnh ta là địa phương thường xuyên phải hứng chịu tác động với nhiều biến thể khác nhau... Thế nhưng, làm thế nào để ứng phó với nó lại là vấn đề đáng bàn, bởi lẽ qua tìm hiểu thực tế ở các địa phương cho thấy, đại bộ phận người dân chưa được trang bị khung kiến thức cơ bản về BĐKH, cũng như các biện pháp phòng ngừa, thích ứng. Tính đến nay, mới có Dự án Plan đề cập trực tiếp vấn đề BĐKH thông qua các hoạt động tuyên truyền đối với học sinh một số vùng trên địa bàn tỉnh.

Người dân chưa có nhiều kiến thức về BĐKH, không ít cán bộ xã khi được hỏi cũng rất i - tờ và đều khẳng định chính quyền địa phương chưa có chiến lược cụ thể... Hàng ngày, họ nghe đài, đọc báo nên cũng biết đến cụm từ BĐKH, nhưng việc triển khai trên địa bàn mình như thế nào, tuyên truyền vận động đến người dân ra sao thì vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Tìm hiểu những vấn đề liên quan, chúng tôi được biết, ngay từ năm 2010 tỉnh ta đã xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH với các mục tiêu, giải pháp rất cụ thể, sát thực tế. Kế hoạch của tỉnh tập trung vào các nội dung: Đánh giá mức độ, tác động của BĐKH đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương; đề xuất kế hoạch hành động ứng phó hiệu quả với những tác động cấp bách trước mắt và lâu dài của BĐKH; tích hợp vấn đề BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của nhân dân; phòng, tránh, giảm thiểu những tác động của thiên tai.

Nghiên cứu của các chuyên gia đã chỉ rõ, BĐKH sẽ tác động trực tiếp đối với cuộc sống mọi người, cây trồng, vật nuôi, làm tăng tần số, cường độ, tính cực đoan của hiện tượng thời tiết, các thiên tai l liên quan đến nhiệt độ như thời tiết khô nóng, rét đậm rét hại, lũ quét, hạn hán, dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm và trên cây trồng. Tác động của BĐKH đối với tài nguyên nước có thể gây lũ quét, trượt, sạt lở đất nghiêm trọng vào mùa mưa, hạn hán vào mùa khô, gây khó khăn cho việc cấp nước. Đối với nông nghiệp và an ninh lương thực, BĐKH tác động đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng, làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng. Nhiệt độ và mức độ khô hạn gia tăng cũng làm tăng nguy cơ cháy rừng, phát triển sâu bệnh, dịch bệnh... tất cả những tác động này đang rất hiện hữu và hàng giờ, hàng ngày mỗi người chúng ta đều phải đối mặt với nó, nhưng làm gì để giảm thiểu thấp nhất tổn thất, sống chung với BĐKH như thế nào thì dường như chưa mấy ai biết.

Trên cơ sở những tác động xấu của BĐKH đối với cuộc sống, định hướng kế hoạch hành động của tỉnh đề ra, đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân khu vực vùng cao núi đá phía Bắc; thiết lập các biện pháp phòng tránh lũ quét, lũ ống hiệu quả; vận hành hệ thống quản lý tổng hợp nguồn tài nguyên nước phục vụ cho phát triển bền vững; tích cực chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động; nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất; nâng cao năng lực chính quyền và người dân nhằm đảm bảo công tác bảo vệ và phát triển rừng, giảm thiểu tai biến trượt lở, lũ bùn, lũ quét, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, bảo vệ tốt vốn rừng hiện có, tập trung nguồn lực phát triển vốn rừng, đẩy mạnh trồng cây phân tán, nâng cao độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đạt trên 60%.

Kế hoạch đã có, nhưng dường như các địa phương đã quên! Nguyên nhân của tình trạng này, theo đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh do không có kinh phí để triển khai. Trung ương ban hành kế hoạch không có một dòng nào nói về nguồn kinh phí thực hiện, kế hoạch của tỉnh cũng vậy thế nên nó vẫn chỉ tồn tại trên giấy, chưa đi vào cuộc sống. Những năm gần đây, chúng ta đã, đang cảm nhận rõ hơn về tác động của BĐKH, việc trang bị kiến thức cho người dân, cấp chính quyền triển khai các biện pháp cụ thể, cấp bách ứng phó là điều rất cần thiết và cần phải làm ngay, chứ không nên theo kiểu hô hào xuông!

THIÊN THANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tham mưu xây dựng kế hoạch, dự toán phục vụ phát triển KH&CN

BHG- Những năm qua, hoạt động Khoa học và Công nghệ (KH&CN) của tỉnh ta đạt được nhiều thành tựu. Công tác quản lý nhà nước về KH&CN không ngừng được đổi mới, trong đó có việc tham mưu của ngành KH&CN cho tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch, dự toán ngân sách KH&CN góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN. 

30/07/2015
Thế giới hồi hộp đón chờ "Trăng xanh"

Ngày 31/7 tới đây, người dân thế giới sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn kỳ thú: Trăng xanh.

30/07/2015
Sử dụng thư điện tử trong giải quyết công việc - "đầu tàu" chạy "toa" mới chuyển động

BHG- 8.963 hộp thư điện tử (HTĐT), 750 chữ ký số đã được cấp cho lãnh đạo chủ chốt, cán bộ, công chức 34 sở, ban, ngành và 11 huyện, thành phố của tỉnh. Đây là một bước tiến quan trọng của quy trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết công việc đối với cán bộ các cơ quan hành chính sự nghiệp. thư điện tử (TĐT) đã được cấp, nhưng việc sử dụng như thế nào để nó thực sự phát huy hiệu quả cũng là chuyện đáng bàn!

30/07/2015
Tập huấn "Phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử"

BHG - Ngày 24.7, Sở Công thương phối hợp với Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Công nghệ thông tin (CNTT) – Bộ Công thương tổ chức lớp tập huấn "Phát triển nguồn nhân lực TMĐT" cho các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và doanh nghiệp. Dự Lễ khai giảng có lãnh đạo Sở Công thương, chuyên gia Cục TMĐT và CNTT, đại diện các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

24/07/2015