Tập trung ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

11:23, 26/09/2023

BHG - Sau một thời gian ổn định đến nay dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã tái phát quay trở lại. Hiện, ngành chức năng, các địa phương và nhân dân trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện các giải pháp để phòng, chống DTLCP, nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ngày 18.9 Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vị Xuyên nhận được thông tin tại thôn Phai, xã Bạch Ngọc có lợn mắc bệnh và chết; Trạm đã xuống kiểm tra xác minh, lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng II để chẩn đoán xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm mẫu dương tính với bệnh DTLCP. Ghi nhận đến nay, đã có 102 con lợn chết và tiêu hủy bắt buộc của 11 hộ dân tại thôn Phai với tổng trọng lượng gần 3.000 kg. Đồng chí Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh DTLCP, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phân công cán bộ trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn mắc bệnh và tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Bên cạnh đó, kịp thời tham mưu cho Sở Nông nghiệp & PTNT ban hành Công văn về việc tập trung chỉ đạo, kiểm soát, khống chế, ngăn chặn bệnh DTLCP.

Tiến hành phun tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi của các hộ dân tại xã Bạch Ngọc (Vị Xuyên).
Tiến hành phun tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi của các hộ dân tại xã Bạch Ngọc (Vị Xuyên).

Trong đó, Sở Nông nghiệp & PTNT yêu cầu các huyện, thành phố quyết liệt chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với chính quyền cấp xã chủ động triển khai giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP. Đặc biệt, xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường. Cùng với đó, tập trung hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Thực hiện vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao, đồng thời tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn lợn. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống Đài truyền thanh cơ sở về tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan và các biện pháp phòng dịch bệnh.

Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy lợn bị chết do DTLCP tại thôn Phai, xã Bạch Ngọc (Vị Xuyên).
Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy lợn bị chết do DTLCP tại thôn Phai, xã Bạch Ngọc (Vị Xuyên).

Tại huyện Vị Xuyên nơi xuất hiện ổ DTLCP đầu tiên ở xã Bạch Ngọc, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức phun tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi các hộ chăn nuôi tại thôn có dịch. Đơn vị cũng tiến hành cấp phát vật tư, hóa chất cho các xã, thị trấn để phân bổ cho hộ chăn nuôi triển khai tiêu độc khử trùng. Đến nay, đã cung ứng cho xã Bạch Ngọc 32 lít hóa chất và xã đã mua 1.800 kg vôi để thực hiện xử lý ổ dịch, khu vực chuồng nuôi, hố chôn và vùng xung quanh. Ngoài ra, xã Bạch Ngọc thực hiện kiểm soát hoạt động giết mổ, vận chuyển lợn trong vùng có dịch ra khỏi địa bàn tiêu thụ. Thành lập các tổ công tác và phân công trách nhiệm, bố trí lực lượng theo từng địa bàn thôn, xóm để khoanh vùng ổ dịch và tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch nhằm ngăn chặn, khống chế bệnh DTLCP, không để lây lan diện rộng…

Đồng chí Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết: Địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chỉ đạo ngành chuyên môn cùng với xã, thị trấn và nhân dân triển khai công tác tiêu độc khử trùng, ký cam kết về việc giết mổ, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn. Tuyên truyền người dân chủ động trong công tác phòng, chống DTLCP. Để ngăn chặn DTLCP hiệu quả,  bên cạnh sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương thì ý thức của người dân là hết sức quan trọng và đóng vai trò chủ thể với quan điểm “Từng hộ chăn nuôi tự bảo vệ tài sản của mình, không trông chờ, ỷ lại”.

DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Khi dịch bệnh xảy ra gây thiệt hại rất nghiêm trọng, tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Mầm bệnh tồn tại lâu dài trong môi trường chăn nuôi nhất là trong điều kiện hiện nay khi thời tiết đang chuyển mùa và có diễn biến thất thường. Vì vậy, ngành chức năng đề nghị người chăn nuôi cần thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành chuyên môn để phòng, chống dịch hiệu quả.

Bài, ảnh: VĂN LONG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp thể hiện rõ vai trò ''giá đỡ'' an sinh
BHG - Theo các quy định của pháp luật hiện hành, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp là một trong những chế độ cơ bản của chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) dành cho đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Nhờ có chính sách này, khi không may gặp rủi ro trong lao động, người lao động có điểm tựa an sinh để vượt qua giai đoạn khó khăn.
26/09/2023
Hội thi “Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cơ sở giỏi” lần thứ II
BHG - Tối 25.9, tại Hội trường trung tâm thành phố Hà Giang, Hội LHPN tỉnh tổ chức khai mạc Hội thi “Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cơ sở giỏi” lần thứ II năm 2023. Dự buổi lễ có lãnh đạo một số sở, ban, ngành; 22 thí sinh là chủ tịch Hội LHPN xã, phường, thị trấn đại diện cho 193 Chủ tịch Hội LHPN cơ sở trên địa bàn tỉnh.
26/09/2023
Mèo Vạc tăng cường phòng, chống bệnh bạch hầu trong trường học
BHG - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Mèo Vạc đang nỗ lực phòng, chống, đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến lớp.
26/09/2023
Tập huấn quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
BHG -- Sáng 25.9, tại Trung tâm tổ chức sự kiện Phonenix Center (thành phố Hà Giang), Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức tập huấn chuyên môn quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh.
25/09/2023