Phát huy công tác dân vận trong thực hiện nếp sống văn minh

07:50, 22/05/2023

BHG - Tỉnh ta có 19 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 87,7%; một số hủ tục, tập quán lạc hậu như: Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; người chết chưa đưa vào áo quan khi làm tang ma, giết mổ nhiều gia súc, tổ chức đám tang dài ngày; cúng bái khi trong nhà có người ốm; một số phong tục, truyền thống tốt đẹp có nơi bị lợi dụng, biến tướng đã gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội…

Xã Nàn Ma (Xín Mần) tổ chức hội thi tuyên truyền xóa bỏ hủ tục.                        Ảnh: CTV
Xã Nàn Ma (Xín Mần) tổ chức hội thi tuyên truyền xóa bỏ hủ tục. Ảnh: CTV

Trước thực trạng trên, Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu cho BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 10.5.2021 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 1.5.2022 của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đặt mục tiêu đến hết năm 2025 phấn đấu đạt tỷ lệ trên 75% các hộ gia đình nhận thức được tác hại, hệ lụy của các hủ tục, tập quán lạc hậu; sự cần thiết và tích cực tham gia bài trừ các hủ tục, tập quán của gia đình, dòng họ. Đến năm 2030 cơ bản thực hiện xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu đang tồn tại trong đồng bào các DTTS và thực hiện tốt các nội dung xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng NTM. Cụ thể trong việc cưới, hỏi không còn tình trạng kéo vợ, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, lễ nghi thách cưới rườm rà, tổ chức nhiều ngày; khuyến khích các hình thức báo hỷ thay cho tiệc cưới; khuyến khích các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp đứng ra tổ chức lễ cưới cho cán bộ, nhân viên, người lao động bằng các hình thức đơn giản, phù hợp, văn minh.

Bước vào triển khai nghị quyết, từ tỉnh đến xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, đồng thời ban hành chương trình, kế hoạch hành động gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cấp, ngành. Cụ thể, BTV Tỉnh ủy ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo với 43 thành viên, ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; 11/11 huyện, thành phố, 193/193 xã, phường, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo đảm bảo đúng cơ cấu, thành phần, 2.071/2.071 thôn, tổ dân phố thành lập Tổ tuyên truyền, vận động. Tất cả các xã, thị trấn đã tổ chức mạn đàm, hội thảo với sự tham gia của cán bộ, đảng viên, người có uy tín, trưởng dòng họ, các nghệ nhân dân gian, nhằm rà soát rõ đâu là hủ tục cần phải xoá bỏ, đâu là tập quán lạc hậu phải cải tạo, cải tiến gắn với việc bảo tồn, giữ gìn các phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết tâm, quyết liệt, trách nhiệm cao, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đổi mới nội dung, phương pháp lãnh đạo, công tác tuyên truyền, vận động linh hoạt, sáng tạo ở từng địa bàn cơ sở. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chủ động phối hợp tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú như tổ chức hội thi, hội thảo, mạn đàm với người có uy tín trong các dòng họ được 651 cuộc; tuyên truyền tại chợ phiên, trong các trường học thông qua các hội thi bằng hình thức sân khấu hóa và lồng ghép tại các buổi sinh hoạt Chi bộ, họp thôn, sinh hoạt cộng đồng; tuyên truyền bằng hệ thống loa truyền thanh của nhà văn hóa thôn, tổ dân phố được 7.157 buổi thu hút 613.783 lượt người tham gia.

Cùng với đó, phát huy tốt vai trò Hội Nghệ nhân dân gian, các già làng, người có uy tín, trưởng dòng họ, thầy mo, thầy cúng là hạt nhân trong tuyên truyền, vận động nhân dân xoá bỏ những hủ tục, nghi lễ rườm rà trong việc cưới, việc tang, lễ hội và trong đời sống của đồng bào DTTS thông qua việc thống nhất điều chỉnh, bổ sung các quy ước, hương ước và ký cam kết thực hiện. Các Tổ tuyên truyền, vận động tích cực hướng dẫn người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, kịp thời nắm bắt, ngăn chặn hủ tục trong cưới hỏi. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình, cách làm hiệu quả như: Huyện Đồng Văn chỉ đạo định hướng, vận động đoàn viên, thanh niên tổ chức đăng ký kết hôn tập thể, thành lập Câu lạc bộ “Sức khỏe sinh sản”, “phòng chống tảo hôn”, “Gia đình hạnh phúc”, “Phòng chống mua bán người”; “Nông dân phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”; thành phố Hà Giang tổ chức Hội thi tuyên truyền “Xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh”; huyện Bắc Mê xây dựng mô hình cưới tiết kiệm, gia đình trẻ với việc cưới theo nếp sống mới tại 13/13 xã, thị trấn; huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần làm tốt công tác vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân không dự lễ cưới đối với các cặp tảo hôn. Kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU, toàn tỉnh có 9.910 cặp đôi đăng ký kết hôn, các đám cưới được thực hiện theo nếp sống văn minh, gọn nhẹ, phù hợp với văn hóa truyền thống của từng dân tộc.

Trong việc tang, vận động nhân dân thay đổi những tập quán rườm rà, tốn kém như đi lễ, trả lễ; không tổ chức việc hiếu quá 48 tiếng, không giết mổ nhiều gia súc. Một số địa phương đã có những mô hình, cách làm thiết thực, như: Thành phố Hà Giang có phong trào “Đám tang không nhận vòng hoa, bức trướng”; huyện Mèo Vạc vận động 4 dòng họ xây dựng và đưa nội dung xóa bỏ hủ tục vào quy chế của dòng họ; xây dựng mô hình dòng họ tự quản về an ninh trật tự gắn với bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh; huyện Quản Bạ thành lập Ban tang lễ tại các thôn, tổ dân phố, có 13/14 dòng họ dân tộc Mông thực hiện việc đưa người chết vào áo quan khi làm tang ma...

Về tổ chức lễ hội, các địa phương loại bỏ những nghi lễ rườm rà, mê tín dị đoan, có tính chất thương mại hóa; nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian được phục dựng tại lễ hội nhằm thu hút người dân và du khách tham gia như: Lễ hội gầu tào, khèn Mông; thi bắn nỏ, đánh yến, tung còn, leo dây, đi cà kheo… đáp ứng đời sống văn hóa tinh thần cũng như nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Hoạt động tại các đền, chùa, miếu, nhà thờ và các điểm sinh hoạt tín ngưỡng trên địa bàn đã đi vào nền nếp, nội dung đổi mới, hình thức đa dạng.

Trong đời sống sinh hoạt, vận động nhân dân thay đổi phương thức sản xuất, canh tác gắn với giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực tham gia xây dựng NTM. Hướng dẫn người dân cải tạo vườn, đồi rừng, trang trại, phát triển kinh tế hộ bằng trồng cây ăn quả, cây dược liệu, rau trái vụ để tăng thu nhập. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Toàn tỉnh xây dựng được 1.870 mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt đã chú trọng xây dựng các mô hình, câu lạc bộ xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh ở các thôn, tổ dân phố. Trọng tâm là xây dựng phong cách của người cán bộ phải gần dân, thân dân và sát dân, phải làm cho nhân dân tin tưởng, phải “nói cho bà con rõ, chỉ rõ cho bà con làm theo”; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, từ đó giải quyết kịp thời những phát sinh ngay tại cơ sở. Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ, đảng viên trong việc tiếp thu và lắng nghe ý kiến của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đặc biệt, ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang xây dựng các mô hình chăn nuôi gia súc, trồng cây dược liệu, đưa giống mới vào canh tác; đi đôi với đó là “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân cùng thực hiện. Tích cực tuyên truyền người dân không tin, không nghe luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, không theo đạo trái pháp luật; tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện nếp sống văn minh. Nhờ vậy, nhận thức của nhân dân dần thay đổi, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển KT- XH của tỉnh.

Với quan điểm “lấy cái đẹp - dẹp cái xấu” công tác dân vận trong vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh đã góp phần giúp cuộc sống đồng bào DTTS có sự đổi thay rõ rệt. Đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được cải thiện và nâng cao. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, không để xảy ra khiếu nại, tố cáo vượt cấp, không bị kẻ xấu xúi giục, lợi dụng. Những kết quả đó cho thấy sự đúng đắn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc phát huy vai trò công tác dân vận và đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu để không còn là rào cản phát triển KT – XH.

Trần Mạnh Lợi (Ủy viên BTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bộ Y tế yêu cầu phòng, chống nắng nóng cho người bệnh
Ngày 21/5, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi đến giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các trường đại học, giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố… về phòng, chống nắng nóng cho người bệnh và nhân viên y tế tại bệnh viện.
22/05/2023
Huyện đoàn Hoàng Su Phì tổ chức Hội thi tìm hiểu chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
BHG-Ngày 20.5, Huyện đoàn Hoàng Su Phì tổ chức Hội thi tìm hiểu chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong đoàn viên, thanh niên và các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng nhận khoán, bảo vệ rừng.
22/05/2023
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý trao thưởng cho em Hoàng Tuấn Dũng tham gia Cuộc thi Olympic Toán học Quốc tế
BHG - Sáng 21.5, tại thành phố Hà Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý đã đến chúc mừng và trao thưởng 20 triệu đồng từ Quỹ Khuyến học - Khuyến tài của tỉnh cho em Hoàng Tuấn Dũng, học sinh tham gia Cuộc thi Olympic Toán học quốc tế năm 2023. Cùng dự có lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo. Đây là sự quan tâm, động viên kịp thời của lãnh đạo tỉnh và ngành Giáo dục đối với học sinh  có thành tích cao trong học tập.
21/05/2023
Điểm sáng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh
BHG - Nằm ở xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Minh, Trường PTDT bán trú THCS Mậu Long có 100% học sinh (HS) là người dân tộc thiểu số (DTTS) nên khả năng phát triển các kỹ năng còn nhiều hạn chế. Do vậy, những năm gần đây trường vùng cao này đã và đang đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giáo dục kỹ năng sống (KNS) cho HS.
21/05/2023