Ước nguyện cho mùa Xuân về Lùng Chu Phìn

08:54, 14/01/2017

BHG- Giữa những ngày mưa rét tháng Chạp, thông tin về thầy giáo Nguyễn Quang Toản, công tác ở điểm trường biên giới Lùng Chu Phìn, trường Tiểu học Tùng Vài, xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ mang trong mình trọng bệnh, nhưng có ước nguyện làm được một điều gì đó cho học trò nơi thầy công tác, khiến nhiều người xúc động. Dù đang chống chọi với căn bệnh u phổi, làm bạn với những ống móc – phin giảm đau, nhưng trên giường bệnh, thầy đã gửi đi ước nguyện của mình, nó như một thông điệp gọi mùa Xuân nơi biên giới Lùng Chu Phìn.

Những tấm lòng hảo tâm cùng lãnh đạo trường Tiểu học Tùng Vài chia sẻ với thầy Toản đang điều trị tại bệnh viện.
Những tấm lòng hảo tâm cùng lãnh đạo trường Tiểu học Tùng Vài chia sẻ với thầy Toản đang điều trị tại bệnh viện.

Cuối năm tất bật, nhưng khi biết thông tin về ý nguyện của thầy Toản, chúng tôi cùng một đoàn từ thiện ở Hà Nội đã khẩn trương đi xe thông đêm lên Quản Bạ để kịp tiếp thêm hy vọng cho thầy Toản. Vượt qua những màn sương dày ngột thở, qua những dốc đá mưa trơn đến với điểm trường Lùng Chu Phìn, chúng tôi được các thầy, cô và người dân nơi đây cho biết, thầy Toản công tác ở điểm trường này đã 6 năm, thầy luôn ước muốn huy động nguồn lực xã hội để củng cố điểm trường biên giới, giúp học sinh nghèo bớt vất vả. Ước nguyện ấy được thầy chia sẻ với các đảng viên trong Chi bộ và bà con ở thôn, nó như một lời hứa đã và đang được thực hiện nhiều năm qua. Khi biết mình mắc bệnh u phổi, thầy sợ ước nguyện ấy sẽ không thành hiện thực.

Lùng Chu Phìn là thôn vùng cao biên giới có 126 hộ người Mông với 637 khẩu, cuộc sống đồng bào còn rất khó khăn. Điểm trường ở đây hiện có 150 học sinh và 10 giáo viên với 2 bậc học mầm non và tiểu học. Dù khó khăn, nhưng những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, điểm trường trình tường cũ dần được thay bằng nhà xây cấp 4. Mùa Đông ở đây thường rét hơn những nơi khác, học sinh hay mắc các bệnh hô hấp. Nhờ sự quan tâm của địa phương cùng sự kêu gọi của thầy Toản và các thầy, cô những năm qua điểm trường đã dần được bao bọc kín đáo, ấm và sạch hơn. Nhưng số học sinh đông, điều kiện sinh hoạt còn thiếu thốn, đó là điều mà thầy Toản luôn mong muốn cải thiện cho điểm trường. Sau nhiều năm công tác ở vùng biên giới, một ngày thầy Toản biết mình mắc bệnh u phổi. Bệnh ngày càng nặng, chữa trị ngược xuôi không dứt, một bên phổi của thầy giờ đã xẹp hẳn, thường xuyên phải chọc hút dịch. Gần 1 tháng trở lại đây, thầy phải dùng móc – phin để chống lại những cơn đau quái ác.

Học trò ở điểm trường Lùng Chu Phìn.
Học trò ở điểm trường Lùng Chu Phìn.

Nằm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ những ngày áp Tết Đinh Dậu, thầy Toản với thân hình xanh xao do sút đi hơn 20kg. Thấy chúng tôi đến thực hiện ước nguyện của thầy, thầy mừng lắm, nén đau gượng dậy, giọng nói thều thào: Tôi biết bệnh của mình nên mong muốn làm được điều gì đó cho học sinh của mình. Mọi người quan tâm, chia sẻ thế này, tôi cảm ơn nhiều lắm...

Tham gia quân ngũ từ những năm 80 của thế kỷ trước. Sau khi phục viên, thầy Toản tiếp tục học sư phạm rồi lên Hà Giang công tác. Thầy đã gắn bó với các xã biên giới Tùng Vài, Tả Ván của huyện Quản Bạ mấy chục năm nay và người vợ của thầy cũng chính là một cô gái Mông ở Lùng Chu Phìn.

Các cô giáo Bế Thị Hương và Chu Thị Tuyết, dạy tại điểm Lùng Chu Phìn tâm sự, thấy các anh về điểm trường, chúng em xúc động muốn trào nước mắt. Thầy Toản là người thẳng tính, trách nhiệm với công việc và rất thương học trò, đoàn kết với bà con. Trong cuộc sống, có lẽ không có nhiều hình ảnh thầy giáo tốt như vậy. Biết thầy bệnh nặng, các thầy, cô ở điểm vẫn thường xuyên thăm hỏi, gọi điện. Hôm trước, chúng em có gọi cho thầy, thầy bảo mình hứa với dân xây dựng điểm trường đẹp hơn, nhưng giờ bệnh thế này sợ không kịp nữa rồi. Hôm qua biết có đoàn từ Hà Nội lên ủng hộ điểm trường, thầy bảo muốn vào tận nơi..., nhưng chúng em đã khuyên thầy không nên vì đường vào điểm trường nhiều dốc, đá, mưa trơn rất nguy hiểm.

Cùng với điểm trường nhận những tấm lòng từ Hà Nội gồm 1 bộ máy lọc nước loại to, 1 ti vi 43 in, 1 tủ sách, truyện cho học sinh tiểu học, mầm non phục vụ cho sinh hoạt của thầy, trò tại điểm trường, Trưởng thôn Lùng Chu Phìn, Hùng Xuân Thành, chia sẻ: Thầy Toản là đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ thôn. Được giao phụ trách điểm trường, thầy luôn gương mẫu, góp sức phát triển giáo dục của thôn từ việc kêu gọi tu sửa điểm trường, làm đường thôn cho đến việc vận động học sinh đến trường... Dù bệnh nặng, nhưng thầy vẫn lo cho học sinh của thôn, tấm lòng của thầy thật đáng quý.

Sau chuyến đi của chúng tôi, đã có thêm những tấm lòng tiếp sức cho ý nguyện của thầy Toản xây dựng điểm trường biên giới Lùng Chu Phìn. Trên giường bệnh, chúng tôi thấy điều bận tâm lớn nhất của thầy không phải là nỗi đau đang dày vò cơ thể. Thầy luôn nói cảm ơn với những tấm lòng chia sẻ dành cho học trò. Trên trang facebook cá nhân, thầy bày tỏ: “Mình xin cho các con chiếc áo ấm, đôi giầy hoặc chiếc ủng cao su, chiếc mũ len để các con bớt lạnh giá trong những ngày Đông đến lớp. Mình rất xúc động trước tấm lòng nhân ái của mọi người. Thay mặt phụ huynh, học sinh, các thầy, cô giáo điểm trường xin cảm ơn tất cả mọi người đã dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho các con học sinh...”

Vượt lên những đau đớn của bản thân khi phải đối mặt với thời khắc đáng sợ nhất của bệnh tật, ước nguyện đẹp của thầy Toản dành cho học trò nghèo thật trân quý. Đứng giữa biên cương, tôi chợt nhớ bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của cố nhà thơ Thanh Hải làm khi ông đang nằm trên giường bệnh năm 1980 với những câu từ rất đẹp:“Một mùa xuân nho nhỏ/ lặng lẽ dâng cho đời/ dù là tuổi hai mươi/ dù là khi tóc bạc...”. Và những ngày này, khi mùa Xuân xum vầy đang về với mọi nhà thì hình ảnh và tấm lòng của thầy Toản như đang hòa vào mùa Xuân cuộc đời. Hình ảnh ấy thật ý nghĩa biết bao giữa lúc chúng ta đang đổi mới giáo dục, nhân thêm những người thầy hết lòng vì học trò.

Giữa giá lạnh vùng cao, chúng tôi bước chân vào các lớp học tại điểm trường Lùng Chu Phìn, nhìn những khuôn mặt học trò còn lấm lem, sụt sịt trong cái rét. Hỏi các em có biết thầy Toản đang ở đâu không, các em nói có biết ạ!, thầy đang nằm ở bệnh viện ạ. Các em muốn thầy trở về không, các em đáp có ạ!. Những hình ảnh ấy khiến nhiều người trào nước mắt. Trên lưng núi đá gần điểm trường, cây rừng lặng lẽ rụng những chiếc lá cuối cùng. Nhưng những núm lộc sắp nhú ra từ các nhành cây đang lay nhẹ trong sương gió như chứa đựng ước nguyện của mùa Xuân nho nhỏ nơi biên giới Lùng Chu Phìn.         

Quản Bạ, tháng 1.2017

Ký của Huy Toán


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

LĐLĐ tỉnh thăm và tặng quà công nhân viên chức lao động khó khăn

BHG- Ngày 13.1, lãnh đạo Liên đoàn lao động tỉnh đã đến thăm, tặng quà công nhân viên chức lao động khó khăn, công nhân lao động trong các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

13/01/2017
Chương trình "Tết sum vầy 2017"

BHG - Ngày 12.1, Liên đoàn lao động tỉnh tổ chức Chương trình "Tết sum vầy 2017" nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, công nhân viên chức, lao động (CNVC, LĐ) có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp tết Đinh Dậu 2017. 

13/01/2017
Ghi nhận từ Chương trình "Áo ấm mùa Đông"đến với học sinh nghèo Lao Và Chải

BHG - Tháng 12, những cơn gió bấc kéo về, Cao nguyên đá khoác lên mình một màu xám lạnh. Ngoài nương rẫy, những bắp ngô, những hạt đậu tương đã về nghỉ ngơi trên gác bếp trong những ngôi nhà trình tường ấm áp của đồng bào. Nhưng trên khắp nẻo đường của miền đá xám, những bước chân của các em nhỏ vùng cao vẫn miệt mài tới lớp. 

12/01/2017
Chăm lo Tết cho người nghèo

BHG - Những năm qua, mặc dù đời sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng với xác định "nhà nào cũng có Tết", huyện Mèo Vạc luôn tích cực quan tâm, chăm lo cho người nghèo và các gia đình chính sách khi Tết cận kề. 

12/01/2017