Hiệu quả việc thực hiện Đề án số 105 về Quy tụ dân cư trên địa bàn tỉnh

07:50, 23/06/2015

BHG- Hà Giang có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều sông, suối và các dãy núi cao. Do đặc thù sinh sống và tập quán canh tác của một số dân tộc thường rải rác trên lưng chừng núi, gần các khe lạch nơi luôn tiềm ẩn những nguy cơ do thiên tai gây ra như: Sạt lở, lũ quét, ngập úng,... gây thiệt hại lớn đến con người và tài sản của nhân dân.

Để sớm khắc phục hạn chế đến mức thấp nhất về thiệt hại đến tính mạng của con người và tạo điều kiện ổn định nâng cao đời sống cho các hộ được thụ hưởng các công trình phúc lợi do Nhà nước đầu tư, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 5 năm 2010 - 2015 với “mười lăm chương trình trọng tâm”, trong đó có Đề án quy tụ các hộ sống rải rác ở các sườn núi cao, vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới về sống tập trung tại các thôn bản, gắn với xây dựng Nông thôn mới, giai đoạn 2011-2015.

Với nội dung trên, UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các sở ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng đề án và được tỉnh ban hành tại Quyết định số 105/ĐA-UBND, ngày 18.8.2011, tổng số thực hiện từ năm 2011 đến 2015 là 9.072 hộ, số thuộc diện phải quy tụ là 4.119 hộ.

Sau 4 năm triển khai thực hiện, dưới sự lãnh, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các sở, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay, tổng số hộ thực hiện là 4.110/4.186 hộ, đạt 98,2% so kế hoạch tỉnh giao; so với đề án 4.186/4.119 hộ, đạt 101,62 %, vượt 67 hộ, trong đó: Xã biên giới 619 hộ (thôn biên giới 420 hộ, thôn nội địa 199 hộ), xã nội địa 2.985 hộ, ổn định tại chỗ 582 hộ. Tổng kinh phí đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho hộ 72.624,4 triệu đồng. Ngoài còn hỗ trợ cho cộng đồng đầu tư nâng cấp và xây dựng mới được 393 công trình thiết yếu, như: Đường giao thông 97 công trình; cấp nước sinh hoạt tập trung 109 công trình; hệ thống kênh mương phục vụ cho sản xuất 62 công trình; nhà lớp học 106 công trình; bể nước sinh hoạt tập trung 109 công trình; trụ sở thôn 19 công trình... Tổng kinh phí hỗ trợ 155.689 triệu đồng, trong đó: Ngân sách T.Ư 138.240 triệu đồng, vốn đối ứng lồng ghép của huyện 17.449 triệu đồng.

Từ kết quả đạt được có thể khẳng định, việc thực hiện Đề án quy tụ dân cư trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả thiết thực, nhằm tạo động lực giúp cho các hộ gia đình từ chỗ ở phân tán không tập trung, sinh sống ở các vùng thường xuyên bị thiên tai do sạt lở, lũ ống, lũ quét, đến nay do nhờ có các chính sách hỗ trợ đầu tư từ các chương trình, các hộ dần ổn định về nhà ở, các công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng đã phát huy được hiệu quả, thay đổi diện mạo nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, mở rộng diện tích canh tác áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân; tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trong vùng, củng cố lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước; góp phần xóa đói, giảm nghèo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; đảm bảo chủ quyền biên giới Quốc gia.

Công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện có sự phối kết hợp giữa cấp, ngành và UBND các huyện, thành phố trong việc quy hoạch, lựa chọn địa điểm, tổ chức xây dựng, thẩm định phê duyệt và triển khai thực hiện theo đúng quy định; việc xây dựng và thực hiện đều xuất phát do cơ sở và từ cơ sở, căn cứ nhu cầu thực tế, tính bức xúc, mức độ ưu tiên, đồng thời với đó các huyện, thành phố trực tiếp làm chủ đầu tư và tổ chức thực hiện; phát huy vai trò giám sát của HĐND, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức ở cơ sở và nhân dân trên địa bàn, hàng năm tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra xuống cơ sở để tìm cách tháo gỡ, uốn nắn kịp thời những tồn tại vướng mắc đề ra các giải pháp khắc phục những yếu kém trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số hạn chế, tồn tại trong việc tổ chức xây dựng và thực hiện như: do đặc thù của phong tục tập quán, thói quen của một số ít hộ dân không muốn di chuyển chỗ ở; công tác tuyên truyền vận động nhân dân thuộc đối tượng di chuyển có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, liên tục; mức hỗ trợ đầu tư trực tiếp cho hộ, cho cộng đồng còn thấp; đối tượng thụ hưởng chủ yếu là những hộ nghèo do vậy về nhà ở một số hộ khi thực hiện xong chưa đáp ứng đủ theo tiêu chí đề ra. Là tỉnh có thu nhập thấp nên việc bố trí bổ sung thêm kinh phí hỗ trợ cho người dân còn hạn chế, việc huy động vốn đầu tư của các tổ chức khác rất khó khăn, chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực hiện các dự án. Việc lồng ghép vốn từ các chương trình khác để thực hiện còn hạn chế; địa bàn tổ chức thực hiện chủ yếu ở những vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn; việc thực hiện di chuyển dân cư còn phụ thuộc theo mùa vụ, phong tục tập quán của từng dân tộc, từng địa phương dẫn đến tiến độ thực hiện còn chậm.

Tóm lại, trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ tỉnh đã quyết tâm phấn đấu các chỉ tiêu theo Nghị quyết đề ra, có thể nói việc thực hiện Đề án quy tụ dân cư của tỉnh là một trong những mục tiêu có cách làm mới trên cơ sở  áp dụng các quy định của Chính phủ và các Bộ, ngành T.Ư. Qua 4 năm thực hiện đã di chuyển và ổn định được 4.186 hộ, bình quân mỗi năm di chuyển và ổn định tại chỗ được trên 1.000 hộ/năm, định suất đầu tư trung bình mỗi hộ khoảng 50 triệu đồng/hộ so với di chuyển tập trung, định suất đầu tư thường cao hơn nhiều lần, thời gian thực hiện thường kéo dài từ 3 - 4 năm hoặc lâu hơn nữa; việc di chuyển và kiểu dáng nhà do người dân tự làm dưới sự hướng dẫn theo quy hoạch của cấp ủy, chính quyền địa phương, các hạng mục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nâng cấp hoặc xây dựng mới đều do cơ sở đề xuất phù hợp với nguyện vọng do vậy được mọi người dân đều đồng tình ủng hộ.

Tuy Đề án đã kết thúc, để phát huy những thành quả đạt được cũng như mong muốn của cấp ủy, chính quyền địa phương, các hộ dân thuộc các đối tượng còn nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao, vùng xa trung tâm chưa được di chuyển, trong thời gian tới tiếp tục đề xuất với Chính phủ và các Bộ, ngành T.Ư xem xét cho thực hiện giai đoạn II của Chương trình này.  

Vũ Đình Mạnh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cháy nhà 5 hộ dân tại thôn Mè Thượng, xã Phương Thiện

BHG- Vào khoảng 15 giờ ngày 22.6, tại thôn Mè Thượng, xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) xảy ra vụ cháy nghiêm trọng. Vụ cháy đã thiêu rụi 5 nhà sàn của gia đình các ông: Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Văn Tho, Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Văn Hùng. 

22/06/2015
Hội nghị triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS năm 2015

BHG- Ngày 22.6, BCĐ phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội (TPTNXH) và phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS năm 2015. Dự hội nghị có đại diện Ban Văn hóa, HĐND tỉnh; các ngành thành viên BCĐ; lãnh đạo các bệnh viện, phòng khám đa khoa, các trung tâm y tế; phòng Văn hóa, thể thao và du lịch…

22/06/2015
Sơ kết đánh giá công tác chuẩn bị Dự án "Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam" và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm

BHG- Chiều 19.6, Ban chỉ đạo Dự án "Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam" tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá công tác chuẩn bị 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015.

22/06/2015
TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (CƠN BÃO SỐ 1)

Hồi 04 giờ ngày 22/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 111,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là khoảng từ 75 đến 90km một giờ), giật cấp 10-11.

22/06/2015