Xung quanh việc EVN đề xuất tăng giá điện và trích thưởng 1.002 tỷ đồng:

Phải xuất phát từ lợi ích quốc gia

09:31, 22/10/2008
Chỉ trong thời gian ngắn, EVN đã liên tiếp gây sốc dư luận bằng những việc làm hết sức khó hiểu. Từ chối 13 dự án tạo nguồn điện mà Chính phủ đã tin tưởng giao cho vì lý do thiếu vốn, rồi lại đề xuất tăng giá điện. Tất cả còn chưa ráo mực thì chính EVN lại trình đề án… tự thưởng số tiền khổng lồ trên 1.000 tỷ đồng - một con số quá lớn so với mặt bằng kinh tế chung. Báo CAND phỏng vấn các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề trên.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Nếu vì yêu cầu chống lạm phát, Nhà nước có thể quyết định không tăng giá điện

Cùng với việc EVN trích thưởng 1.002 tỷ đồng từ khoản lợi nhuận nói trên thì đề án tăng giá điện từ 1/9/2009 cũng khiến dư luận lo ngại, trong đó mức tăng cao nhất lên tới 63% và trong điều kiện lạm phát khoảng 5% thì sẽ điều chỉnh giá điện hàng năm. Về vấn đề này, trao đổi bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, việc EVN lập đề án mới chỉ là tính toán của EVN, còn quyết định như thế nào, Chính phủ sẽ xem xét đảm bảo mức hợp lý...

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh.

Thưa Bộ trưởng, EVN cho rằng lạm phát cao khiến ngành điện kinh doanh khó khăn, cần tăng giá điện?

Lạm phát, đó không phải là một căn cứ. Điều chỉnh giá phải căn cứ vào nhiều yếu tố chứ không phải chỉ mức lạm phát. Bởi vì có lúc lạm phát tăng nhưng nhiều mặt hàng giá vẫn giảm, nó phụ thuộc tình hình sản xuất kinh doanh, chi phí ra sao, hợp lý hay không chứ không phải cứ lạm phát là giá điện lên theo một tỷ lệ thuận như vậy được.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nói rằng năm nào EVN cũng kêu thiếu điện dù nước thuỷ điện nhiều hay ít. Nhiều ý kiến khác cũng bức xúc khi năm nào EVN cũng đề nghị tăng giá điện trong khi thực tế EVN luôn có lãi, chẳng hạn năm 2007 tiền chênh lệch giá đã hơn 3.000 tỷ đồng?

Tuỳ thuộc tình hình để quyết định, chẳng hạn vì yêu cầu chống lạm phát, Nhà nước có thể quyết định không tăng còn trong điều kiện sản xuất kinh doanh bình thường thì phải tính toán kỹ. Nhà nước đã quy định, có những mặt hàng Nhà nước quản lý giá nhưng có mặt hàng tuy Nhà nước không quản lý giá song có yêu cầu giám sát thì doanh nghiệp phải đăng ký, mức hợp lý thì thực hiện, không hợp lý phải dừng lại. Việc điều chỉnh giá điện, ở mức tiêu thụ nào đấy trở xuống là không tăng.

Còn về khoản chi thưởng 1.002 tỷ đồng, Bộ trưởng đã xem xét ra sao?

Vấn đề là có đúng chế độ hay không. Phải xem xét kỹ, đối chiếu với chính sách của Nhà nước về chi thưởng ra sao rồi mới quyết định.

Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền: "Nếu là Tổng Giám đốc EVN, tôi sẽ dùng 1.002 tỷ đồng đầu tư nguồn điện"

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền khẳng định dứt khoát về việc sử dụng 1.002 tỷ đồng sao cho hiệu quả, hợp lý nếu đặt giả thiết ông là Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN (1.002 tỷ đồng là số tiền thu chênh lệch giá điện năm 2007 mà EVN định dùng để thưởng cho cán bộ, nhân viên trong ngành).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền.

Chủ nhiệm Hà Văn Hiền bày tỏ bức xúc: Ủy ban sẽ có ý kiến về vấn đề này. Chúng tôi sẽ làm rõ vì sao điện trong những năm vừa qua liên tục thiếu, cần xem các dự án đầu tư của ngành điện như thế nào, làm rõ từ khâu quy hoạch đến tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế. "Tại sao năm nào cũng thiếu điện, lúc nước ít kêu thiếu nhưng nước nhiều cũng thiếu, đó là vấn đề Ủy ban chúng tôi rất lưu tâm. Mục đích thẩm tra là phải làm sáng tỏ điều này. Năm ngoái đã có chương trình nhưng chưa làm được, nay sẽ dành thời gian làm rõ điều này" - ông Hà Văn Hiền dứt khoát.

Nhiều nhà nghiên cứu chỉ rõ rằng, với 1.002 tỷ đồng (chiếm 36% tổng số tiền thu chênh lệch giá điện năm 2007) dành để thưởng cho cán bộ, nhân viên EVN trong điều kiện đất nước còn khó khăn, lạm phát tăng cao là một chủ trương bất hợp lý và phản cảm?

Tôi nghĩ rằng thời điểm khó khăn như hiện nay mà ngành điện vừa đề nghị nâng giá điện, đồng thời lại đề nghị trích quỹ phúc lợi để thưởng, cái đó dễ gây sự phản cảm trong suy nghĩ của người tiêu dùng. Ngành điện rõ ràng phải tính toán lại việc này.

EVN có khoảng 8,4 vạn cán bộ, công nhân viên, nếu chia bình quân thì mỗi người được thưởng khoảng 12 triệu đồng. Qua giám sát, ở nước ta đã có ngành nào mạnh tay chi thưởng con số lớn như vậy?

Chúng tôi hiện chưa làm rõ việc này. Chức năng của Ủy ban Kinh tế không giám sát các ngành khác về vấn đề này (chi thưởng) nhưng xem xét đề nghị của ngành điện, tôi nghĩ là phản cảm. Ngay chuyện đề nghị tăng giá điện, bản thân người tiêu dùng cũng đã băn khoăn rồi. Trong trường hợp này, Nhà nước phải có quan điểm, chỉ đạo cụ thể.

Chính sách hỗ trợ cho gia đình khó khăn, chính sách an sinh xã hội cũng phải hết sức cân nhắc trong điều kiện ngân sách Nhà nước eo hẹp. Ngay việc tăng lương, mỗi đợt cũng điều chỉnh mức độ, bình quân mỗi người hưởng lương chỉ được tăng thêm vài trăm nghìn đồng, ông suy nghĩ điều này như thế nào?

Phải xuất phát từ kết quả sản xuất như thế nào. Nếu không xuất phát từ kết quả sản xuất thì cũng chưa thể đánh giá cụ thể được. Tôi nghĩ ngành điện phải tập trung nhiều hơn nữa đầu tư cho nguồn điện vì nhu cầu của nền kinh tế đối với điện là rất lớn. Khi chưa đáp ứng được điều đó thì mọi nguồn vốn phải tập trung cho đầu tư là hợp lý nhất. Đương nhiên phần chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân viên cũng là cần nhưng phải dựa trên mặt bằng chung, mặt bằng đối với các ngành kinh tế của xã hội. Theo tôi, phải huy động các nguồn vốn có thể có để tập trung cho đầu tư...

Giả sử ông là Tổng Giám đốc EVN, ông có đề nghị trích thưởng như cách mà lãnh đạo EVN đang làm?

Tôi nghĩ nếu có nguồn vốn như vậy thì tôi sẽ tập trung đầu tư cho ngành điện để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được Nhà nước giao là phù hợp.

Trong khi đó, vừa rồi EVN lại đề nghị trả lại 13 dự án đầu tư ngành điện với lý do thiếu vốn?

Tôi cũng có suy nghĩ vì sao ngành điện lại trả lại các dự án đó bởi trước đây, khi các ngành khác họ muốn đầu tư vào ngành điện thì họ gặp nhiều khó khăn trở ngại. Trở ngại lớn theo tôi biết là giá mua điện đối với các dự án đầu tư. Những dự án Nhà nước đã dành cho ngành điện để đầu tư tức là sự tin cậy của Nhà nước giao cho ngành điện, bản thân ngành điện phải tự thấy rằng cần tập trung mọi nguồn lực, nguồn vốn đầu tư các dự án để đáp ứng nhu cầu nền kinh tế - xã hội là phù hợp, còn việc trả lại thì phải tính toán lại.

Nhiều dự án EVN đầu tư hiệu quả thấp?

Ủy ban Kinh tế thấy rằng nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước hiệu quả thấp. Chúng tôi cũng đã có kiến nghị Nhà nước sớm có đánh giá lại hoạt động các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn trong đầu tư, quản lý tài chính...

Nếu việc làm của ngành điện hiệu quả thấp, Ủy ban có đề nghị Chính phủ xem xét lại lộ trình tăng tiền điện không?

Bây giờ tôi chưa nói được điều này, bởi vì chưa đi vào giám sát cụ thể, chưa có đủ căn cứ để kết luận.

TS. Trần Đình Thiên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam: EVN cần tham gia luật chơi công bằng

Là doanh nghiệp nhà nước, nên khi đề xuất mức thưởng, EVN phải đưa ra lập luận xác đáng về việc dựa trên cơ sở nào để thưởng. Nếu các doanh nghiệp đồng loạt đề nghị thưởng như EVN thì nhà nước sẽ tính như thế nào? Trong khi đó, EVN còn chưa minh bạch, rõ ràng về thu chi, mà chế độ lương bổng cũng thuộc diện cao ở mức bình quân 3,9 triệu/người/tháng.

TS. Trần Đình Thiên.

Lập luận mà lãnh đạo EVN đưa ra để "đòi" thưởng là lấy từ nguồn lãi, nhưng lãi từ đâu trong khi trước đó EVN liên tục kêu thiếu tiền, dân luôn trong tình trạng thiếu điện. Rõ ràng đây là một cuộc chơi không công bằng. Có công thì thưởng, có tội thì phải phạt. Thưởng và phạt đều phải có lập luận rõ ràng.

Liên quan đến việc EVN trả lại 13 dự án tạo nguồn điện do thiếu vốn thì đây lại là một câu chuyện dài. Tại sao trước đây EVN "ôm" tất, giờ lại trả tất? Ai cũng biết, độc quyền là nguyên nhân chính của tình trạng này. Trong khi EVN "nhả" ra thì vẫn có doanh nghiệp sẵn sàng đứng ra nhận làm. Các doanh nghiệp làm ăn đều không thể dựa hoàn toàn vào tiền của mình mà dựa vào dự án tốt. Có dự án tốt, nhiều đối tác, nhất là các đối tác nước ngoài sẵn sàng cho vay vốn lớn. Có nhiều ý kiến cho rằng, chừng nào ngành điện còn độc quyền thì sẽ còn tình trạng EVN đặt quyền lợi của mình lên trên, bất chấp quyền lợi của hàng triệu người dân.

PGS.TS Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công thương: Không có khả năng đảm nhận nhiệm vụ thì cần biết tự rút lui

Thưa ông, là một nhà kinh tế học, ông nghĩ sao trước các sự kiện nóng hổi của EVN vừa diễn ra: từ chối dự án Chính phủ giao, đề xuất tăng giá điện nhưng lại trình đề án thưởng hơn 1.000 tỷ đồng?

Một số sự việc của EVN không chỉ gây sốc dư luận, mà còn chỉ ra thực trạng: Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo là tư tưởng chính thống của Nhà nước, nhưng thực tế thì kinh tế Nhà nước đã không hoàn thành được nhiệm vụ mà Nhà nước giao về nhiều mặt: đóng góp vào GDP, thuế, giải quyết việc làm, giải quyết các vấn đề nóng giữa cung và cầu để xóa các cơn sốt v.v…

PGS. TS Phạm Tất Thắng.

Các tập đoàn kinh tế lớn của chúng ta hiện có nhiều điều không bình thường: lĩnh vực chính mà họ được giao thì lại không đầu tư, mà lại đầu tư vào những lĩnh vực xa lạ với chuyên ngành của họ, dẫn đến thất thoát, hiệu quả kinh tế kém. Điều nguy hại nữa là, các ngành này đã mở ra nhiều ngân hàng rồi dùng tiền của Nhà nước để kinh doanh tiền tệ, trong khi Nhà nước đã không kiểm soát được vốn của chính mình. Nhà nước đã không hoàn thành được quyền ông chủ của mình trong hoạt động quản lý.

Thực trạng độc quyền ở một số tập đoàn trong một số lĩnh vực đã tạo điều kiện cho những tập đoàn này có lợi ích cục bộ, bất chấp lợi ích quốc gia. Một vấn đề nữa là, gần đây, các tập đoàn kinh tế nợ rất nhiều, đòi hỏi phải thắt chặt quản lý chi tiêu công - đặc biệt là nguồn ngân sách đầu tư các tập đoàn lớn, nhưng lại không làm, mà thắt chặt chung, khiến ảnh hưởng đến cả cộng đồng. Cuộc khủng hoảng ở Mỹ lẽ ra đủ khiến chúng ta phải rút kinh nghiệm từ thực tế này.

Đề xuất lập quỹ khen thưởng trên 1.000 tỷ đồng của EVN được lãnh đạo tập đoàn lập luận là đầu tư vào nhân lực lao động có thực sự xác đáng không, thưa ông?

Trong lúc đất nước khó khăn, mọi người dân đều phải chật vật đối mặt với lạm phát, thì đề xuất này lại hoàn toàn không xuất phát từ lợi ích quốc gia, không thấu hiểu những khó khăn mà cộng đồng, các doanh nghiệp đang phải gánh chịu. Nếu không xuất phát từ lợi ích cục bộ của EVN, thì số tiền đó phải được đưa vào để góp phần cứu nền kinh tế thoát khỏi cuộc lạm phát. Chính EVN nói thiếu vốn, nhưng đã không đưa vào để đầu tư các dự án, mà lại để chia nhau thì thật đáng ngạc nhiên.

Việc EVN từ chối 13 dự án, trong khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lập tức đón lấy, đã khiến dư luận đặt ra khả năng: hoặc EVN không đủ năng lực, hoặc có những lý do khác nhưng dù lý do nào cũng gây thiệt hại cho đất nước. Những người lãnh đạo EVN cũng đều cần tự xem xét lại trách nhiệm của họ. Anh không có khả năng đảm nhiệm được nhiệm vụ được giao thì cần tự rút lui.

Xin cảm ơn ông!


Công an nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Niềm vui của người khuyết tật
HGĐT- “Bằng sự đồng cảm sâu sắc với người khuyết tật (NKT), mong muốn giúp họ vượt qua mặc cảm, tạo điều kiện cho họ làm ra sản phẩm bằng chính công sức của mình, thu nhập những đồng tiền bằng chính bàn tay mình làm ra, giúp NKT nhận thấy rằng mình vẫn là người có ích cho xã hội...
21/10/2008
Tạm dừng sản xuất để xử lý nước thảI, bảo vệ môi trường
HGĐT- Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, hiện nay trên địa bàn tỉnh ta, tình trạng vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường (BVMT) gây ô nhiễm môi trường từ nguồn khí thải, nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn môi trường như đã cam kết trong quá trình thực thi dự án vẫn diễn ra thường xuyên và có chiều hướng gia tăng, nhất là các khu vực khai thác, chế
20/10/2008
Toàn tỉnh làm mới và sửa chữa được 1.764 căn nhà cho người nghèo, hỗ trợ vật tư, cây con giống cho sản xuất, chăn nuôi gần 1.000 hộ
HGĐT- Từ năm 2000 đến nay, thực hiện Cuộc vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, ở tỉnh ta được sự quan tâm to lớn của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các đơn vị lực lượng vũ trang, các tổ chức đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, các cá nhân, phong trào quyên góp ủng hộ, giúp đỡ người nghèo ngày càng được phát triển sâu rộng, nhận thức của mọi người cũng được nâng
20/10/2008
Nâng cao vị thế phụ nữ nông thôn
HGĐT- Đến nay, toàn tỉnh có 182.887 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên; tổng số hội viên Hội Phụ nữ các cấp 109.318 người, trong đó hội viên ở nông thôn và thị trấn chiếm 90.411 người. ở khu vực nông thôn, phụ nữ là lực lượng lao động chính, đóng góp nhiều công sức để xây dựng gia đình, xã hội ngày càng hoàn thiện, tốt đẹp hơn.
17/10/2008