Khi bài hát rời bỏ lời ca...Huy Du còn ở lại

08:31, 20/12/2007

Trong mông lung chia xa nhạc sỹ Huy Du, bao giai điệu của ông - từ những Anh vẫn hành quân, Cùng anh tiến quân trên đường dài, Đường chúng ta đi, Việt Nam ơi ta bước tiếp, Việt Nam ơi! Mùa xuân đến rồi .. cứ lần lượt, lần lượt tái hiện về trong tôi.


 
 
Biết rằng nhạc sĩ Huy Du ốm đã lâu, nhưng tôi vẫn cứ hy vọng ngày 28/12 tới đây sẽ được gập lại ông cùng nhiều nhạc sỹ mọi thế hệ trong cuộc hội ngộ nhân dịp kỷ niệm 50 năm Hội nhạc sỹ Việt Nam.

Tin người nhạc sỹ tài hoa này đã vĩnh viễn ra đi khiến tôi chợt bần thần, rồi ngơ ngẩn ngâm lên giai điệu - Ai về thủ đô tôi gửi vài lời - Tây hồ mờ xa là nhà tôi đó ... có cái gì đấy thật nghẹn ngào trong tiết cuối đông Hồ Tây  thật bảng lảng, tha thiết, thật trữ tình và đầy quyến luyến trong dòng chảy âm thanh rất lãng mạn của ông ..Tô đậm lòng tôi năm tháng khôn nguôi...

Sau Ai về thủ đô là Đô thành kháng chiến, Sôi sục phố phường, Sông Hồng kia dâng sóng cùng quê hương, Lên đường kháng chiến, tiêu diệt quân thù .. một xúc cảm hào hùng tiếp tục trào cuốn tâm hồn người yêu nhạc Việt Nam.

Có lẽ ngay từ tác phẩm này, những nét đặc trưng của âm nhạc Huy Du - Trữ tình – lãng mạn – hào hùng, đã hiện lên tương đối đầy đủ với sức cuốn hút khó phai mờ qua thời gian.

Sinh ra ở một vùng Quan Họ, ngay từ nhỏ âm nhạc dân gian Việt Nam đã khắc dấu ấn sâu đậm vào tâm hồn nhạc sỹ Huy Du. Lớn lên đi học, biết thổi sáo, chơi đàn violon, ông đã viết một vài ca khúc lãng mạn.

Năm 1944 gia nhập Thanh niên cứu quốc, rồi bước vào các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, tiếp nối sự sáng tạo của mình, những rung cảm trong tâm hồn của ông lại ngân lên, trở thành những tác phẩm âm nhạc gắn chặt với đời sống chiến đấu của bộ đội. Chính vì vậy thông qua tập hợp những ca khúc của ông, phần nào đó có thể thấy cả một giai đoạn dài sự phát triển và trưởng thành của quân đội, cũng như hào khí của những người chiến sỹ Việt Nam.

Song, không chỉ riêng những người lính yêu thích những bài hát của nhạc sỹ Huy Du. âm nhạc của ông còn trở nên vô cùng thân thuộc với tất cả bạn yêu nhạc. Có được sự thành công đó, có lẽ trước hết phải nói đến giá trị nghệ thuật âm nhạc trong các tác phẩm của nhạc sỹ Huy Du.

Có rất nhiều ý kiến khác nhau về âm nhạc của nhạc sỹ Huy Du, người thì cho rằng: “.. là một nhạc sĩ tài ba, nhạc của ông không chỉ đi sâu vào nhiều đối tượng khán, thính giả rất rộng, rất sâu mà còn mang tính chất cao sang, rất trang trọng, đầy sức hấp dẫn”.

Có người lại cho rằng: “nhạc của anh giản dị, mộc mạc hơn nhiều. Chúng tôi gọi anh là “người biết hát tình ca qua mưa dông, bão đạn”.

Lại có người nhận xét:... Chúng tôi ra đi với bao ước mơ, khát vọng ..Chất mộng mơ, lãng mạn cũng chính là một thứ vũ khí của chúng tôi… Ấy vậy nên, chúng tôi yêu thích những ca khúc của anh, vì nhạc sĩ Huy Du đã nói đúng, nói một cách can đảm “chất lính” của những người vào trận.

Còn tôi thật tâm đắc với ý kiến của chị Nguyễn Thị Minh Châu – nhà phê bình âm nhạc cho rằng “Tính giai điệu là một đặc điểm trong âm nhạc Huy Du. Nhờ giai điệu đẹp, dễ đọng lại trong lòng người, bài hát tạm rời bỏ lời ca (dù đó là lời thơ cũng rất …nên thơ) vẫn không mất đi giá trị nghệ thuật của nó . Chả thế mà không ít ca khúc của ông vẫn được diễn tấu như nhạc không lời. Có thể nói, ở ông nhạc hát tiềm ẩm chất khí nhạc, và ngược lại, nhạc đàn đầy tính ca xướng”.

Một đặc điểm khi nhìn vào hệ thống tác phẩm của nhạc sỹ Huy Du, đó là sự sáng tạo không ngừng. Ông không bắt chước ai, không ảnh hưởng nhiều từ người khác, không dẫm lại vết chân của chính mình, Mỗi tác phẩm của nhạc sỹ Huy Du là một sáng tạo độc lập. Tập hợp các tác phẩm của ông nói lên sự đa dạng về chủ đề, phong phú về giai điệu, hình tượng âm nhạc và có phong cách rõ nét. Ông là một số rất ít trong các nhạc sỹ của chúng ta làm được điều đó. Chính vì vậy số lượng tác phẩm thành công đi vào lòng bạn yêu nhạc của ông khá lớn.

Bên cạnh cụm 5 bài hát phổ thơ Bế Văn Đàn sống mãi (thơ Trinh Đường), Đường chúng ta đi (thơ Xuân Sách), Anh vẫn hành quân (thơ Trần Hữu Thung), Cùng anh tiến quân trên đường dài (thơ Xuân Sách), Nổi lửa lên em ( thơ Giang Lam ) - nhạc sỹ Huy Du được nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, còn phải kể đến những ca khúc Ba vì năm xưa, Sẽ về thủ đô, Tình em (phổ thơ Ngọc Sơn), Thề quyết bảo vệ tổ quốc, Bạch Long Vĩ đảo quê hương, Có chúng tôi trên hải đảo xa xôi, Người sống mãi trong lòng con, Chưa hết giặc là ta chưa về, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Đêm Trường Sơn, Việt Nam ơi ! mùa xuân đến rồi .. vv và vv.

Nói đến ca khúc của nhạc sỹ Huy Du ta phải nói đến sự điêu luyện trong thủ pháp sử lý ca từ và phổ thơ.

Có những cụm ca từ trong những tác phẩm của ông đã trở thành những khẩu hiệu, những mệnh lệnh chiến đấu đi vào đời sống một cách đầy thuyết phục “ Đời chưa hết giặc là ta chưa về” trong bài Thề Quyết bảo vệ tổ quốc,Ta sẽ đến nơi đâu còn giặc” trong bài Đường chúng ta đi, “Nổi lửa lên em “ trong bài Nổi lửa lên em v.v.. Song trên hết trong ca khúc của nhạc sỹ Huy Du vẫn là những vần thơ đầy lãng mạn.

Bên cạnh những tác phẩm giàu chất thơ do nhạc sỹ Huy Du tự viết lời như Sẽ về thủ đô, Có chúng tôi trên Hải đảo xa xôi, Bạch Long Vĩ đảo quê hương, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Đêm Trường Sơn, Việt Nam ơi ! mùa xuân đến rồi... bằng sự truyền cảm trong những giai điệu âm nhạc mang đậm âm hưởng anh hùng ca, giàu tính trữ tình, xúc động và hoành tráng - nhiều bài thơ của các nhà thơ như Trinh Đường, Xuân Sách, Trần Hữu Thung Giang Lam, Ngọc Sơn đã được ông chắp cánh cất bay vào đời sống tâm hồn người Việt Nam.

Cùng với những sáng tác ca khúc trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước, nhạc sỹ Huy Du còn viết một số tác phẩm khí nhạc và nhạc cho điện ảnh, nhạc cho kịch sân khấu. Nổi bật trong thể loại này là tác phẩm “Miền Nam quê hương ta” viết cho violon và piano (1959) và Tổ khúc - biến tấu Kể chuyện sông Hồng (1960) đã được nhiều nghệ sỹ tên tuổi trong nước cũng như quốc tế trình diễn.

Bước vào công cuộc xây dựng đất nước trong hoà bình, mạch nguồn cảm xúc của nhạc sỹ Huy Du vẫn tiếp tục trào dâng với những ca khúc mới, từ Việt Nam ơi ta bước tiếp, Việt Nam ơi! Mùa xuân đến rồi, Thương biển mùa đông, Đồng đội, Chiều quê hương, đến Thế kỷ vinh quang, Bài ca Cựu chiến binh Việt Nam, cho tới gần đây nhất khi nằm trên giường bệnh, ông vẫn gửi tới chúng ta một bản tình ca mới mang tên mới Tình Hoa.

Với Những đóng góp của mình cho công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước, nhạc sỹ Huy Du đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng nhiều tặng thưởng cao quý, đặc biệt là Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật và Huân chương độc lập hạng nhất. Nhưng có lẽ điều hạnh phúc nhất đối với nhạc sỹ Huy Du là đã khắc hoạ lại được những trang sử vẻ vang của dân tộc bằng những cảm nhận riêng thông qua những thanh âm của cuộc đời và để được lại trong lòng bạn yêu nhạcViệt Nam nhiều dấu ấn giai điệu khó quên.

Trong mông lung chia xa nhạc sỹ Huy Du, bao giai điệu của ông - từ những Anh vẫn hành quân, Cùng anh tiến quân trên đường dài, Đường chúng ta đi, Việt Nam ơi ta bước tiếp, Việt Nam ơi! Mùa xuân đến rồi .. cứ lần lượt, lần lượt tái hiện về trong tôi

và một lần nữa : Ai về thủ đô tôi gửi vài lời - Tây hồ mờ xa là nhà tôi đó.. cất bước ra đi chiều năm xưa, Dặm dài kháng chiến quên ngày về, Bụi đường trường chinh pha mái tóc .. hình ảnh của ông với mái đầu bạc trắng mới hôm nào đây vừa gập lại, như đã khắc vào trong tôi với những tình cảm đầy xao xuyến, cùng dòng chảy âm thanh lãng mạn trôi theo vĩnh hằng ..Tô đậm lòng tôi năm tháng khôn nguôi .


VietNamNet

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vài nét về người Phù Lá ở Hà Giang
(HGĐT)- Ở tỉnh ta, Phù Lá là một dân tộc có dân số ít, chỉ khoảng trên 600 người, chủ yếu sinh sống tại huyện Xín Mần và một số ít ở Hoàng Su Phì, Bắc Quang. Theo một số nhà nghiên cứu thì người Phù Lá xuất hiện ở Việt Nam nói chung và Hà Giang nói riêng chưa lâu, chỉ khoảng trên 100 năm. Người Phù Lá ở Việt Nam có hai nhóm là Lao Va Xơ (Xá Phó) và Pu La. Cộng đồng người Phù
28/11/2007
Khánh thành nhà chùa Bình Lâm
(HGĐT)- Ngày 22,11, Sở Văn hoá Thông tin khánh thành nhà chùa Bình Lâm tại xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên. Tới dự có các đồng chí: Vương Mí Vàng, Uỷ viên BTV, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Trùng Thương, Giám đốc Sở Văn hoá - thông tin.
23/11/2007
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 15: 113 phim tranh tài
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 15 sẽ diễn ra tại thành phố Nam Định từ 21 – 24/11. Liên hoan này là dịp đánh giá và biểu dương những tác phẩm điện ảnh xuất sắc, động viên các nghệ sỹ và là dịp giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa những người làm công tác điện ảnh.
20/11/2007
Sôi động vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam
Cùng những sự kiện của Festival Hoa Ðà Lạt, vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2007 đã diễn ra sôi động trong bốn ngày qua trên thành phố cao nguyên Ðà Lạt với sự tham gia của 48 thí sinh, đại diện cho 34 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
18/12/2007