Làng du lịch lục giác dưới chân đèo Mã Pì Lèng

14:09, 15/01/2024

BHG - Làng Văn hóa du lịch cộng đồng (VHDLCĐ) dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc là nơi tập trung nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, không gian văn hóa hấp dẫn. Đặc biệt là sự mến khách của người dân nơi đây đã trở thành thỏi nam châm thu hút du khách trong và ngoài nước khi lên vùng cao núi đá Mèo Vạc.

Xuôi đèo Mã Pì Lèng, nhìn từ xa, du khách có thể thấy được kiến trúc độc đáo từ những ngôi nhà truyền thống dân tộc Mông tại Làng VHDLCĐ. Sự độc đáo ngay từ cổng vào với hai chiếc khèn lớn, biểu tượng cho văn hóa Mông. Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, không gian văn hóa hấp dẫn khiến cho mỗi người đến đây đều có tâm trạng phấn chấn, vui tươi. Chúng tôi đến homestay O’Châu ở khu A của làng, đó là ngôi nhà được xây dựng theo kiểu nhà trình tường bằng đất, cột kèo bằng gỗ, bố cục ba gian hai chái cùng mái lợp ngói âm dương. Homestay rộng khoảng 300 m2, xung quanh có hàng rào bằng đá quen thuộc. Chị Tẩn Thị Phếnh, quản lý homestay O’Châu cho biết: Làng sở hữu một loạt những homestay được thiết kế đa phong cách với kiến trúc mô phỏng hình hoa đào – loài hoa đặc trưng của vùng Cao nguyên đá. Nếu ví VHDLCĐ như một bông hoa đẹp thì quần thể 26 căn hộ của làng như những cánh hoa làm nên vẻ đẹp đó.

Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ.
Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ.

Làng VHDLCĐ dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ được đầu tư xây dựng theo Quyết định số 2076 và Quyết định số 462 của UBND tỉnh Hà Giang về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Đề án “Làng VHDLCĐ dân tộc Mông” thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc. Công trình khởi công xây dựng từ năm 2017 và hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng ngày 15.7.2019. Nằm yên bình dưới chân đèo Mã Pì Lèng, Làng VHDLCĐ thôn Pả Vi Hạ rực rỡ với cảnh sắc thơ mộng nơi địa đầu Tổ quốc. Làng có 17 hộ quản lý, điều hành kinh doanh dịch vụ, liên kết kinh doanh với 26 căn hộ và nhà văn hóa cộng đồng. Tổng số 168 phòng khép kín, 256 giường/đệm ngủ tập thể và đã có thu nhập từ việc phục vụ ăn, ngủ cho khách. Năm 2022, làng đón trên 200 nghìn lượt khách, doanh thu đạt trên 60 tỷ đồng; 10 tháng đầu năm 2023, đón trên 250 nghìn lượt khách, doanh thu đạt trên 70 tỷ đồng. Để có được những con số trên, Ban Quản lý và các hộ kinh doanh trong làng đã tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho du khách, như: Trải nghiệm các công đoạn dệt vải lanh, đan quẩy tấu, làm khèn Mông, bày bán và cho thuê trang phục dân tộc Mông; ẩm thực truyền thống của dân tộc Mông… đầu tư hoàn chỉnh nhà cửa và các trang thiết bị cần thiết, như: Chăn ga, gối đệm, nhà ăn, nhà vệ sinh để phục vụ khách du lịch. Hiện nay trong làng có 4 hộ đã mạnh dạn đầu tư thêm nhiều dịch vụ khác để phục vụ khách, như: Phòng ngủ vip, tắm lá thuốc, quầy bar... Ngoài ra, vào các tối thứ 6, thứ 7 hàng tuần hoặc theo yêu cầu của khách du lịch, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Du lịch huyện phối hợp với các homestay tổ chức các chương trình văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc phục vụ khách du lịch. Sưu tầm thêm một số hiện vật văn hóa truyền thống dân tộc Mông cho du khách tham quan, tìm hiểu. Mời các nghệ nhân đến trình diễn quy trình dệt vải lanh, làm khèn Mông, đan quẩy tấu, xay ngô cho du khách trải nghiệm.

Khách du lịch tham quan, trải nghiệm tại làng.
Khách du lịch tham quan, trải nghiệm tại làng.

Làng VHDLCĐ cơ bản đáp ứng nhu cầu ăn, ngủ, nghỉ ngơi và tham quan, trải nghiệm của khách du lịch, đã đem lại thu nhập cho các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ Homestay tại làng. Các nhân viên của homestay đều là người địa phương. Tất cả đều có thu nhập ổn định, giúp họ yên tâm gắn bó lâu dài với công việc hiện tại.

Có tiềm năng về cảnh quan hùng vĩ, với nhiều địa điểm tham quan nổi tiếng, việc phát triển du lịch nông thôn của Mèo Vạc nói chung và Pả Vi nói riêng là điều tất yếu. Quan trọng là những người làm du lịch cũng như địa phương sẽ không vì sự phát triển, vì lợi nhuận mà phá vỡ bản sắc văn hóa của đồng bào Mông ở Hà Giang từ bao đời nay.

Bài, ảnh: Minh Chuyên (Mèo Vạc)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát triển Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại thôn, bản

BHG - Thực hiện Dự án số 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn với phát triển du lịch”. Theo đó, trong năm 2023, tỉnh ta đã tổ chức xây dựng Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa dân gian tại các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm khích lệ người dân tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa; phát huy vai trò chủ thể trong việc nhân rộng mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống.

15/01/2024
Truyền thuyết về cây đại thụ” – Tả Sử Choóng

  ↵

BHG - Tả Sử Choóng (Hoàng Su Phì) là xã chỉ có dốc và dốc, đồi núi tít trên cao hàng ngàn mét so với mặt nước biển, khe suối chảy từ đỉnh núi xuống tận dưới sâu tới vài trăm mét tạo ra địa hình thật là dốc. Đỉnh núi ngày xưa toàn rừng xanh bao bọc các dông đồi từ cao xuống thấp; từ tập tục du cư phá rừng làm nương của người dân nơi đây những năm của thế kỷ trước, rừng xanh biến thành đồi trọc; và rồi các sườn đồi được khai phá thành ruộng bậc thang để đổi thay cuộc sống du canh, du cư thành định cư, định canh cho đến ngày hôm nay.

15/01/2024
Phát triển du lịch xanh, bản sắc, bền vững

BHG - Phát triển phong phú, đa dạng các sản phẩm du lịch (DL); xây dựng cơ chế chính sách, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng DL; tập trung nguồn lực, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng DL... Đây là nhóm giải pháp trọng tâm được tỉnh ta thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhằm phát triển DL thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng xanh, bản sắc và bền vững.

12/01/2024
Phố đi bộ, điểm đến hấp dẫn ở thành phố Hà Giang

  ↵

BHG - “Phố đi bộ Nguyễn Trãi” hoạt động từ tháng 9.2023, kéo dài từ khu vực Quảng trường 26.3 đến Bảo tàng tỉnh. Ngay sau khi triển khai, Phố đi bộ đã trở thành một điểm vui chơi thu hút người dân trong tỉnh và du khách mỗi dịp cuối tuần.

12/01/2024