Tết đến rồi đó!

21:49, 23/01/2020

Xuân 2020 - “Tết đến rồi đó”! Là câu nói của bố tôi cách đây đã hơn 60 năm. Lại sắp đến tết, tôi nhớ lại câu nói của bố nhắc nhở, dặn dò con cháu chuẩn bị đón tết chủ động và chu đáo.

Thi gói bánh trưng gù. ảnh: Minh Ty (Vị Xuyên)
Thi gói bánh trưng gù. ảnh: Minh Ty (Vị Xuyên)

Đang bữa cơm tối của Rằm tháng Chạp, bỗng nhiên ông nói to: Tết đến rồi đó, từ ngày mai mọi người phải lo chuẩn bị đón tết, con trai lo vào rừng kiếm mấy khúc gỗ khô, gốc cây khô mang về để tết đun nước tắm, nấu xôi, ninh xương lợn, lo chuẩn bị giấy (giấy rơm) cắt dán trang trí nhà cửa và cắt giấy cúng kính báo tổ tiên, đến tết lo làm thủ tục kính báo tổ tiên và học hành (học chữ, học cúng); phụ nữ thì lo tìm kiếm củi để đun nấu, quét dọn, vệ sinh nhà cửa, giã và sàng sẩy gạo đảm bảo đủ ăn trong những ngày tết.

Tết xưa. ảnh: Tư Liệu
Tết xưa. ảnh: Tư Liệu

Sau ngày đó, người nào lo việc ấy suốt từ 16 - 17 đến 23 - 24 tháng Chạp. Tết đến thường tính từ ngày 26 tết, đầu nhà có mấy khúc gỗ to và khô xếp vào góc nhà dưới mái hiên, hàng đống củi bằng gỗ và tre, vầu khô xếp ngay ngắn nằm ngang có mái che mưa. Trong nhà đã có mấy thùng gạo. Để có được những thùng gạo đó, các chị em trong gia đình đã phải ngày đi kiếm củi, đêm đêm lo giã và sàng sẩy gạo, đêm nào cũng phải 9 – 10 giờ đêm vẫn chưa được ngủ. Nhà nào chủ động sớm thì 26 - 27 tết đã được nghỉ, nhà nào lo muộn thì 28 - 29 tết vẫn còn phải lo củi đuốc, giã gạo.

Du Xuân.      Ảnh: MINH TY (Vị Xuyên)
Du Xuân. Ảnh: MINH TY (Vị Xuyên)

Từ ngày 25 - 26 tháng Chạp, đàn ông hộ hàng xóm mổ lợn ăn tết (các nhà gần nhau phải phân công và hộ nhau sao cho không trùng).

Ngày 30 tết: Đàn ông lấy giấy cắt hoa (hình người, hình hoa) để trang trí trong nhà như bàn thờ, các xà nhà ở nơi đi lại và các cửa ra vào, chuồng trại gia súc, gia cầm, đến các vật dụng như chõ xôi, cối xay, cối giã, bếp lò… cắt và đánh sẵn các loại giấy cần dùng cho ngày tết. Trước bữa cơm tối, mổ một con gà, luộc một miếng thịt lợn để cúng báo tổ tiên biết một năm cũ đã hết, đêm nay đêm 30 con cháu kính báo và mời tổ tiên về ăn tết. Cúng xong thịt gà và thịt lợn được cả nhà dùng để ăn 30 tết.

Đêm 30 tết, đàn ông không ngủ phải học, đọc sách (sách Nho) và trực đón năm mới vào lúc Giao thừa. Giao thừa của người Dao Đại bản là lúc gà gáy, tiếng gáy đầu tiên của con gà trống được coi là hiệu lệnh của năm mới. Ngày xưa (thời còn súng và kíp) thì ông chủ nhà hoặc con trai cả chuẩn bị súng và kíp thật tốt sau đó ngồi trước cửa chính chờ đón tiếng gáy của gà trống. Khi nghe thấy gà trống vỗ cánh là bóp cò, súng nổ làm cho gà trống giật mình không gáy nữa, thế là người đã đi trước đón được năm mới trước con gà. Sau đó mới đi ngủ và có thể thức trắng cả đêm đến sáng.

Sang ngày mồng một tết theo giờ đã chọn của lịch vạn niên về giờ và hướng xuất hành. Đàn ông chuẩn bị trống, chiêng và tù và cùng giấy đốt làm lễ xuất hành từ trước bàn thờ ra theo cửa chính đến nơi dự định dừng lại nói mấy câu rồi đốt giấy, bẻ mấy cành cây có lá xanh đem về nhà đặt ở bàn thờ rồi nói vài câu đại ý là năm mới năm nay kể từ giờ phút này mọi người đi đâu, hướng nào đều tốt lành, đi không về có, con người mạnh khỏe, làm gì cũng may mắn và thành đạt. Tùy theo sách ngày và giờ nào tốt cho khởi công lao động, sản xuất thì đúng ngày giờ đó mang cuốc ra đồng khởi công cho một năm mới (có thể cuốc vài cuốc hoặc làm một vài mét dài tượng chưng đã động thổ, khởi công làm ăn cho một năm mới) có thể ngày mồng một hoặc ngày mồng hai tết.

Sau ngày mồng một, từ mồng hai trở ra đến rằm là thời gian nghỉ để tổ chức, tham dự các trò chơi và vợ chồng con cái về bên ngoại thăm chúc tết ông bà.

Trò chơi của người Dao Đại bản trong ngày tết gồm có nhảy lửa (Pút Tồng), động trầy (Tôngr Tòi Chùi) và đánh yến (Bos Chiều).

Nhảy lửa (Pút Tồng) phải chuẩn bị củi tốt, đốt một đống lửa to, than hồng, các chàng trai được thần phù hộ rung động rồi nhảy vào đống than hồng hai tay bốc than tung tóe lên cao mà chân tay không bị bỏng.

Động trầy (Tôngs Tòi Chùi), dùng một khúc gỗ thẳng to bằng bắp tay, dài khoảng một mét hai, hai đầu được cắt gọn nhẵn thín, hai thanh niên nam khỏe mạnh đấu hai vai vào với nhau, đoạn cây dựng đứng được kẹp chặt ở giữa hai vai của người đấu đối diện, hai tay nắm chặt khúc cây cúi xuống đầu ngang hông, dí mạnh xuống đất. Ông thầy niệm thần chú vào nước bọt, nhổ vào lòng bàn tay đặt mạnh vào đầu khúc cây được hai người giữ chắc, dí mạnh xuống đất, ông thầy đi vòng 3 lần quanh hai người đang cúi thì khúc cây bị kéo lên theo phương thẳng đứng, làm cho hai người không thể đứng yên, người đứng gần phải nhảy vào giúp đè xuống, nhưng càng đông người vào hai người và khúc cây càng lên mạnh, cho đến khi mọi người mệt bỏ ra là tan cuộc, có thể làm đi làm lại nhiều lần.

Quả yến có đế được đan từ lá cây dừa rừng, to bằng hai ngón tay, hình vuông, dùng một miếng tre non to bằng đầu đũa dài khoảng 5 phân trẻ mỏng vót nhọn hai đầu gập lại xuyên thủng đế yến rồi dùng ba chiếc lông gà với một đoạn (ống) tre nhỏ to bằng ngón tay trỏ cho đoạn tre non xuyên qua đế yến, lồng qua ống tre, cắm 3 chiếc lông của cánh con gà vào ống thành cái yến để đánh bay cao trên đầu, hai người hoặc nhiều người đứng quanh đánh cho nhau. Trò chơi này thu hút được nhiều người tham gia và an toàn tuyệt đối.

Đối với phụ nữ đây là thời gian ngồi chơi vừa chuyện trò vừa thêu thùa, may, khâu quần áo mới. Từ sau Rằm tháng Giêng, mọi người lại bắt tay vào công việc hàng ngày của năm mới.

Triệu Đức Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sôi động chợ Tết thành phố Hà Giang

BHG - Với nhiều mặt hàng đa dạng và phong phú, phiên chợ cuối năm luôn có sức hút đặc biệt với người tiêu dùng. Bắt đầu từ ngày 22 tháng Chạp (âm lịch) tại chợ Tết trung tâm thành phố Hà Giang sự đơn điệu của ngày thường đã được thay thế bằng những gian hàng với nhiều loại mặt hàng đa dạng như: Hoa đào, quất cảnh, hoa lan, hoa ly, bánh kẹo... Cùng với đó là sự tấp nập của những hàng chợ quê, với nhiều sản vật địa phương do chính người dân tự nuôi, trồng như: rau, gà, lá dong, cành đào phai... Tất cả đã làm nên không khí sôi động, náo nhiệt, hấp dẫn và tô điểm cho phiên chợ ngày Tết.

23/01/2020
Mùa giải sôi động thành công

Xuân 2020 - Năm 2019 – mùa giải thứ 10, những người làm báo tỉnh nhà đón nhận và tham gia Giải Báo chí Hà Giang. Đây là giải báo chí truyền thống hàng năm dành cho những người làm báo chuyên nghiệp và đội ngũ cộng tác viên báo chí trên địa bàn tỉnh, khu vực và cả nước đã có tác phẩm báo chí viết về Hà Giang, được đăng tải trên các phương tiện báo chí truyền thông của tỉnh nhà.

22/01/2020
"Điểm sáng" văn hóa dân gian

Xuân 2020 - Năm 2019 là một năm đáng ghi nhận với những thành công trong hoạt động biểu diễn văn hóa truyền thống của huyện Xín Mần, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân gian gắn với quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương đến với du khách trong nước và quốc tế.

22/01/2020
Tự hào dẫn đầu chất lượng giáo dục toàn diện

Xuân 2020 - Những ngày tháng cuối học kỳ I, năm học 2019 - 2020, chúng tôi đến Trường PTDT Nội trú THPT tỉnh; không khí học tập luôn sôi nổi; thầy và trò nhà trường gia sức thi đua "dạy tốt, học tốt" để giữ vững danh hiệu trường dẫn đầu chất lượng giáo dục toàn diện Khối THPT.

 

21/01/2020