Đại biểu Tráng A Dương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang thảo luận về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự

17:04, 09/11/2022

BHG - Chiều 9.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. Đại biểu Tráng A Dương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang tham gia thảo luận, đề xuất một số nội dung để hoàn chỉnh luật, phù hợp với điều kiện thực tiễn khi triển khai. Báo Hà Giang điện tử đăng toàn văn tham luận của đại biểu Tráng A Dương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận (Ảnh: Minh Đông TTXVN)

Kính thưa Chủ tọa phiên họp!

Kính thưa Quốc hội!

Tôi nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, cũng như nâng cao năng lực về phòng thủ dân sự, góp phần làm giảm thiểu thiệt hại do thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh gây ra, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra.

Một số nội dung góp ý dự thảo luật cụ thể như sau: 

Về nội dung hợp tác quốc tế trong phòng thủ dân sự quy định tại Điều 8 dự thảo luật: điểm a, khoản 1, Điều 8 có nêu nguyên tắc hợp tác quốc tế “bảo đảm tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”. Để thống nhất, phù hợp với quan điểm tại Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo đề nghị chỉnh sửa lại điểm a, khoản 1 điều 8 như sau: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị; tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

Đại biểu Tráng A Dương thảo luận (Ảnh: Minh Đông)
Đại biểu Tráng A Dương (Ảnh: Minh Đông TTXVN)

Về nội dung các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 9 dự thảo luật: Xuất phát từ thực tiễn, trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong phòng thủ dân sự có ý nghĩa quan trọng, nếu như thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến chỉ đạo, chỉ huy và thực hiện nhiệm vụ thiếu sâu sát, không kịp thời; không không huy động được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng; có thái độ thờ ơ, vô cảm trước sự nguy hiểm của các sự cố, thiên tai... sẽ dẫn tới nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng trong việc cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả. Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm là: Thiếu tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan, người có thẩm quyền và trách nhiệm trong phòng thủ dân sự. 

Về nội dung diễn tập phòng thủ dân sự quy định tại khoản 2, Điều 16: “a) cơ quan quân sự các cấp tham mưu cho UBND cùng cấp tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ có nội dung phòng thủ dân sự; b) các bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương trên địa bàn thực hiện diễn tập phòng thủ dân sự theo kế hoạch của địa phương”. Đề nghị xem xét bổ sung nội dung quy định về thời gian tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự, thời gian diễn tập chia theo cấp độ thảm họa, sự cố để quy định số lượng các cuộc tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự nhằm đảm bảo tính sẵn sàng, chủ động và hiệu quả trong công tác phòng, chống thảm họa, sự cố. Hạn chế việc bị động, lúng túng hoặc hậu quả tiêu cực trong ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố gây ra. 

Về nội dung điều động, huy động lực lượng, phương tiện quy định tại khoản 4 Điều 23 dự thảo luật: “Trường hợp khẩn cấp được huy động người, vật tư, phương tiện để triển khai các biện pháp phòng thủ dân sự”. Tuy nhiên, dự thảo chưa làm rõ về tính bắt buộc của việc huy động, người hoặc chủ phương tiện được huy động có quyền từ chối tham gia hay không? Trường hợp nào được từ chối, trường hợp nào là bắt buộc? Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung vào dự thảo các quy định cụ thể như sau:

Phân loại các trường hợp huy động con người, vật tư, phương tiện theo các mức độ không bắt buộc và bắt buộc.

Đối với trường hợp huy động bắt buộc, nếu người đó hoặc chủ vật tư, phương tiện từ chối tham gia thì cần bổ sung quy định về chế tài.

Bổ sung quy định về các trường hợp người hoặc chủ tài sản được huy động từ chối tham gia vì lý do chính đáng và được sự đồng ý của người huy động, đi kèm với việc bổ sung quy định xử lý trường hợp gian dối hoặc che giấu thông tin khi đưa lý do từ chối tham gia.

Về nội dung Bảo hiểm rủi ro do thảm họa, sự cố quy định tại Điều 47 dự thảo luật, khoản 3 điều 47 quy định “kinh phí hỗ trợ phí bảo hiểm được đảm bảo từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và Quỹ Phòng thủ dân sự”, theo tôi quy định hỗ trợ phí bảo hiểm như dự thảo luật là chưa cụ thể, không khả thi. Với nguồn quỹ có hạn trong khi đây là phí bảo hiểm rủi ro, như vậy sẽ phải cần nguồn kinh phí rất lớn, do đó cần phải quy định một cách cụ thể hơn trường hợp nào thì được hỗ trợ phí bảo hiểm rủi ro do thảm họa, sự cố. Ví dụ cấp độ 4 hay là từ cấp độ 3 trở lên? Nếu như chỉ quy định hỗ trợ phí bảo hiểm chung chung cho tất cả các đối tượng như dự thảo luật thì e là không có đủ nguồn lực thực hiện. Và tôi đề nghị nên quy định hỗ trợ phí bảo hiểm cho các đối tượng tại khu vực thường xuyên xảy ra thảm họa, sự cố từ cấp độ 3 trở lên. Quy định như vậy sẽ đảm bảo kinh phí được hỗ trợ, đảm bảo được chính sách an sinh xã hội theo quy định.

Liên quan đến nguồn kinh phí hỗ trợ bảo hiểm cho các đối tượng, dự thảo quy định từ Ngân sách nhà nước và từ quỹ phòng thủ dân sự. Tuy nhiên, tại Điều 44 dự thảo luật quy định về của quỹ phòng thủ dân sự chưa có quy định, đề cập đến nội dung hỗ trợ bảo hiểm rủi ro do thảm họa, sự cố, đề nghị Ban Soạn thảo rà soát, bổ sung.

Đồng thời về quy định quỹ phòng thủ dân sự (tại Khoản 2, Điều 44 dự thảo luật) quy định: Sử dụng quỹ để hỗ trợ các hoạt động phòng thủ dân sự và ưu tiên hỗ trợ cho các hoạt động như cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh, các nhu cầu thiết yếu khác; hỗ trợ tu sửa nhà làm nhà ở, cơ sở y tế, trường học. Quy định như vậy, tôi cho là trùngnội dung chi, thứ nhất, hỗ trợ khẩn cấp về lương thực thuốc chữa bệnh và các nhu cầu thiết yếu khác đã được sử dụng từ quỹ dự trữ quốc gia, thứ hai, hỗ trợ tu sửa làm nhà ở, cơ sở y tế, trường học… trùng với nội dung chi của ngân sách nhà nước. Và tại điểm b của Khoản 2 có quy định nội dung “các nhu cầu cấp thiết khác”, quy định này có phạm vi quá rộng và rất khó xác định, vì vậy, tôi đề nghị cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ nội dung này cũng như các nội dung của quỹ phòng, thủ dân sự. Và tôi đề nghị quỹ phòng thủ dân sự được thành lập để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chi không trùng với ngân sách nhà nước đã chi, không trùng chi với các quỹ khác và phải có quy định về tổ chức, về quản lý quỹ thật cụ thể.

Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội!


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đoàn giám sát Ủy ban MTTQ tỉnh làm việc tại huyện Yên Minh
BHG - Ngày 8.11, đoàn giám sát Ủy ban MTTQ tỉnh đã có buổi giám sát tại huyện Yên Minh về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 trên địa bàn huyện.
09/11/2022
Biểu dương “Lao động giỏi” trong cán bộ, công chức, viên chức, lao động lần thứ VII
BHG - Sáng 9.11, UBND tỉnh tổ chức hội nghị biểu dương “Lao động giỏi” trong cán bộ, công chức, viên chức, lao động (CBCCVCLĐ) lần thứ VII (giai đoạn 2017 – 2022). Dự hội nghị có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Mạnh Hà, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy...
09/11/2022
Quốc hội thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật
BHG - Ngày 8.11, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV làm việc tập trung tại hội trường, nghe báo cáo công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao năm 2022; nghe và thảo luận vào các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.
08/11/2022
Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 8, khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
BHG - Chiều 8.11, Đảng ủy Quân sự tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 8, khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Dự hội nghị có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đại tá Lê Văn Trung, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 2; lãnh đạo các ban Xây dựng Đảng Tỉnh ủy; lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố.
08/11/2022