Thành quả trân quý từ dịch vụ môi trường rừng

15:20, 25/04/2024

BHG - Hơn một thập kỷ triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn huyện Bắc Quang đã kết tinh nhiều thành quả trân quý. Qua đó, không chỉ nâng tỷ lệ che phủ rừng, gìn giữ “lá phổi xanh” mà còn góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm 2013, huyện Bắc Quang bắt đầu thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Trong 5 năm đầu tiên (giai đoạn 2013 – 2018), huyện Bắc Quang chỉ có 4 thôn trên địa bàn 2 xã được hưởng chính sách DVMTR với hơn 6.700 ha rừng nằm trong lưu vực chi trả. Nhưng nay, toàn huyện có 213/236 thôn, tổ dân phố tại 23/23 xã, thị trấn được hưởng chính sách DVMTR với tổng diện tích gần 60.000 ha rừng nằm trong lưu vực chi trả (chiếm khoảng 80% diện tích rừng toàn huyện). Để đảm bảo công tác chi trả DVMTR được tổ chức triển khai đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, UBND huyện Bắc Quang đã chỉ đạo cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Rà soát, xác định chủ rừng; nghiệm thu diện tích rừng có cung ứng DVMTR; tổ chức tập huấn, tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR gắn với phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), bảo vệ rừng (BVR) cho các trưởng thôn, chủ rừng; hướng dẫn cộng đồng dân cư các thôn quản lý, sử dụng tiền DVMTR, đưa nội dung quản lý, BVR vào quy ước, hương ước thôn bản. Đặc biệt, 100% hộ dân trong lưu vực chi trả DVMTR ký cam kết thực hiện tốt công tác quản lý, BVR và PCCCR với chính quyền địa phương…

Chính sách dịch vụ môi trường rừng góp phần nâng cao chất lượng rừng ở thị trấn Việt Quang (Bắc Quang).
Chính sách dịch vụ môi trường rừng góp phần nâng cao chất lượng rừng ở thị trấn Việt Quang (Bắc Quang).

Hàng năm, UBND các xã, thị trấn đều xây dựng phương án quản lý, sử dụng tiền DVMTR trình UBND huyện phê duyệt. Danh sách chi tiền, số tiền được niêm yết công khai, minh bạch tại hội trường thôn và UBND các xã, thị trấn. Không những vậy, để đảm bảo chính sách chi trả DVMTR được thực hiện đúng quy định, trung bình mỗi năm, Ban kiểm tra, giám sát chi trả DVMTR huyện Bắc Quang đều tổ chức từ 3 - 5 cuộc kiểm tra, giám sát liên quan đến: Công tác quản lý, BVR, PCCCR đối với các hộ nhận khoán BVR; công tác chi trả tiền DVMTR; việc sử dụng tiền DVMTR của các thôn, hộ dân nhận khoán; công tác nghiệm thu diện tích rừng có cung ứng DVMTR…

Từ năm 2013 đến nay, huyện Bắc Quang đã tiếp nhận và chi trả trên 30 tỷ đồng tiền DVMTR; trong đó, trên 3 tỷ đồng được chi trực tiếp cho hộ gia đình, cá nhân; hơn 21 tỷ đồng chi cho cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố. Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Nguyễn Đàm Thuyên cho biết: Chính sách DVMTR tạo ra nguồn tài chính ổn định nhằm bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả hơn. Toàn bộ diện tích rừng nằm trong lưu vực cung ứng DVMTR được quản lý, bảo vệ tốt, diện tích rừng tăng cả về số lượng và chất lượng. Trên địa bàn các xã được thụ hưởng chính sách này không để xảy ra cháy rừng, các vụ vi phạm lâm luật được phát hiện, xử lý kịp thời và có xu hướng giảm. Đặc biệt, nhận thức của người dân về công tác BVR được nâng cao. Minh chứng cho thấy, ở cấp xã thành lập đội xung kích BVR và PCCCR, thường xuyên phối hợp với cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn tổ chức tuần tra BVR. Còn tại các thôn hình thành tổ quần chúng BVR. Thông qua việc tổ chức tuần tra, kiểm soát tình hình khai thác, vận chuyển, kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn; các tổ, đội kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ vi phạm về quản lý rừng, BVR, PCCCR và quản lý lâm sản.

Ấn tượng hơn, chính sách chi trả DVMTR đã trở thành một trong những nguồn lực quan trọng, giúp cải thiện thu nhập, tạo sinh kế cho người dân - những người trực tiếp BVR; trong khi đó, phần lớn họ đều là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Từ khi được hưởng chính sách DVMTR, nhiều hộ chủ động mua cây giống để trồng rừng hoặc trồng cây dược liệu (lá Khôi, Thảo quả dưới tán rừng)... giúp tăng thêm thu nhập từ nghề rừng. Còn cộng đồng dân cư thôn cũng có thêm kinh phí để bảo vệ, phát triển rừng và sử dụng vào các hoạt động chung của thôn. Trưởng thôn Nậm Mu, Bàn Thanh Dương chia sẻ: Thôn Nậm Mu có 107 hộ với 6 dân tộc cùng chung sống; trong đó, đồng bào Dao chiếm tỷ lệ 45%. Cộng đồng dân cư thôn quản lý 120 ha rừng có cung ứng DVMTR với số tiền được chi trả gần 50 triệu đồng/năm. Sau khi tiếp nhận tiền DVMTR, chúng tôi đều tổ chức họp thôn công khai số kinh phí được thụ hưởng để nhân dân biết và bàn bạc, sử dụng số kinh phí đó vào các mục đích như: Hỗ trợ cho tổ tuần tra BVR, sửa chữa trụ sở thôn, làm đường bê tông... Mới đây, từ tiền DVMTR, thôn Nậm Mu đã lắp đặt 35 bóng đèn năng lượng mặt trời dọc theo trục đường Quốc lộ 2 với 2 km chiều dài được chiếu sáng, góp phần tạo diện mạo mới văn minh hơn cho khu vực nông thôn.

Năm 2023, giá trị lâm sản của huyện Bắc Quang đạt trên 30 tỷ đồng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 66,6%, tương đương với gần 74.000 ha rừng, tăng 115 ha so với năm 2022. Thông qua chính sách chi trả DVMTR, sự đồng thuận của nhân dân cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng để huyện Bắc Quang hiện thực hóa mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Từ đó, thực hiện hài hòa các mục tiêu phát triển KT-XH, bảo tồn đa dạng sinh học, từng bước nâng cao độ che phủ rừng, giá trị DVMTR, tạo thêm sinh kế, cải thiện thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nậm An mùa chè Shan tuyết
BHG - Chủ tịch UBND xã Xã Tân Thành (Bắc Quang), Phan Văn Vinh bật mí: Ở Tân Thành có thôn Nậm An là vùng chè Shan tuyết cổ thụ. Vùng chè này đã được Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) công nhận là vùng chè hữu cơ năm 2020. Sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ Nậm An, của Hợp tác xã (HTX) Vinh Sính đã đạt chất lượng OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020.
24/04/2024
Hỗ trợ người nghèo từ Chương trình mục tiêu quốc gia ở Bản Lầy
BHG - Với cách triển khai bài bản, nghiêm túc của cấp ủy, chính quyền địa phương, nguồn vốn hỗ trợ chăn nuôi từ Tiểu dự án 2, dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang trở thành điểm tựa thoát nghèo cho người dân thôn Bản Lầy, xã Phú Linh (Vị Xuyên).
24/04/2024
Anh Lê Đình Hải thành công từ nghề làm váng đậu
BHG - Váng đậu là món ăn khá quen thuộc, được sử dụng ăn kèm trong các món lẩu, xào hay món chay. Trước đây, khi cần đến sản phẩm này, các tiểu thương hoặc nhà hàng ở thành phố Hà Giang thường phải nhập từ địa phương khác về. Tuy nhiên, hiện nay, tại xã Phương Độ, thành phố Hà Giang đã có cơ sở sản xuất váng đậu, với nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, đảm bảo sức khỏe, giá thành cũng rất cạnh tranh với các nguồn váng đậu ở địa phương khác.
23/04/2024
Hội thảo bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể
BHG - Sáng 23.4, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến đến điểm cầu các tỉnh, thành phố về tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể.
23/04/2024