Nâng cao giá trị kinh tế rừng

21:38, 15/05/2023

BHG - Tỉnh ta có tổng diện tích đất lâm nghiệp lớn, chiếm 72,69% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Đây là tiềm năng, lợi thế trong phát triển KT-XH và đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.

Chế biến gỗ thành ván bóc phục vụ xuất khẩu giúp người dân thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) nâng cao thu nhập từ rừng.
Chế biến gỗ thành ván bóc phục vụ xuất khẩu giúp người dân thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) nâng cao thu nhập từ rừng.

Từ năm 2017 đến nay, tỉnh ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch để phát huy lợi thế về lâm nghiệp với quan điểm xuyên suốt: Lấy quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu. Phát triển lâm nghiệp bền vững đi đôi với trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện hài hòa các mục tiêu phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, bảo tồn đa dạng sinh học và từng bước nâng cao độ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 464.000 ha đất có rừng; 103.000 ha rừng đã giao cho các tổ chức, gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý. Nhằm phát huy lợi thế về lâm nghiệp, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 16 về phát triển lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2021 – 2025; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 29 về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Trong đó, hỗ trợ 5 triệu đồng/ha đối với trồng rừng sản xuất bằng cây giống tốt (cây keo), 8 triệu đồng/ha đối với trồng rừng bằng cây gỗ lớn. Không những vậy, thực hiện Kế hoạch 85 về đột phá trồng rừng kinh tế theo chính sách của HĐND tỉnh, ngành Lâm nghiệp đã có bước phát triển đột phá về thâm canh trồng rừng kinh tế sử dụng cây giống tốt, phát triển kinh tế rừng trồng với tư duy mới, đưa nghề rừng trở thành nghề chính trong khu vực có tiềm năng. Đối với các huyện vùng cao chủ yếu trồng cây Sa mộc, Thông, Tống quá sủ, Lát; đối với huyện vùng thấp tập trung trồng rừng kinh tế với các loại cây như Keo, Quế, Hồi, Xoan, Mỡ, Bồ Đề...

Người dân xã Phương Tiến (Vị Xuyên) chăm sóc rừng trồng.
Người dân xã Phương Tiến (Vị Xuyên) chăm sóc rừng trồng.

Chỉ từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh trồng hơn 32.200 ha rừng tập trung; sử dụng giống tốt chiếm 34,6% trên tổng diện tích rừng được trồng. Trong đó, nhà nước hỗ trợ trồng mới hơn 6.700 ha, diện tích còn lại do người dân và 3 công ty lâm nghiệp thực hiện trồng rừng sau khai thác. Đến nay, toàn tỉnh có 9.162,47 ha rừng được cấp Chứng chỉ rừng bền vững (FSC), tập trung tại 2 huyện Bắc Quang (8.186,6 ha), Vị Xuyên (975,87 ha). Qua đó, hình thành vùng nguyên liệu bền vững theo tiêu chuẩn quản lý, bảo vệ rừng của Hội đồng quản trị rừng thế giới; mở ra cơ hội lớn cho người trồng rừng trong xuất khẩu gỗ vào thị trường quốc tế và được hưởng giá trị kinh tế cao hơn 10 – 15% so với rừng không được cấp Chứng chỉ FSC. Mặt khác, toàn tỉnh đã huy động số tiền gần 1.200 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời, thu hút được 9 dự án ngoài ngân sách hỗ trợ đầu tư cho ngành Lâm nghiệp. Trên cơ sở này, nhiều dự án được thực hiện, góp phần tạo đột phá trong sản xuất lâm nghiệp như: Trồng rừng kinh tế công nghệ cao và thiết lập mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất lâm nghiệp gắn với bảo vệ môi trường tại huyện Quang Bình và Xín Mần; ươm tạo, trồng cây dược liệu Sâm dây Ngọc Linh dưới tán rừng huyện Vị Xuyên; liên kết trồng, chế biến và tiêu thụ gỗ trên địa bàn huyện Quang Bình...

Song song với công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh ta từng bước chuyển dịch từ quy mô nhỏ mang tính truyền thống sang hướng sản xuất hàng hóa được định hướng đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, đầu tư về máy móc hỗ trợ sản xuất nên nhiều sản phẩm chế biến từ gỗ đạt chất lượng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 190 cơ sở chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tập trung nhiều nhất tại huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Các sản phẩm chủ yếu gồm: Ván ép, viên gỗ nén, gỗ bóc, gỗ mộc gia dụng... Giai đoạn 2018 – 2022, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng lâm sản (chủ yếu là ván bóc) đạt hơn 30,4 triệu USD. Điển hình có Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Thái Hoàng, Cụm công nghiệp Nam Quang (Bắc Quang) sản xuất gần 27.000 m3 ván ép/năm với tổng doanh thu bán hàng lên đến gần 250 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu chiếm 84%. Doanh nghiệp đã thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với Nhà nước; tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn: Các quyết sách quan trọng của cấp ủy, chính quyền tỉnh đi vào cuộc sống đã tạo đà thúc đẩy phát triển lâm nghiệp bền vững. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng tự nhiên để trồng rừng cơ bản được kiểm soát; diện tích rừng phòng hộ được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt; công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng bước đầu có sự đồng bộ, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh. Toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có được quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt, góp phần nâng cao độ che phủ rừng của tỉnh từ 55,57% (năm 2017) lên 58,58% ở thời điểm hiện tại. Giá trị sản xuất ngành Lâm nghiệp bình quân đạt hơn 1.500 tỷ đồng/năm, chiếm từ 10 – 11% trong cơ cấu nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Với quan điểm: “Lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu”, “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”; hiện nay, tỉnh ta tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong phát triển lâm nghiệp bền vững, thực hiện đồng bộ các giải pháp về: Tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao giá trị kinh tế rừng, tạo sinh kế bền vững cho người dân; huy động nguồn lực để bảo vệ, phát triển rừng bền vững; ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao giá trị kinh tế lâm nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025: Nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 60%; nâng tổng diện tích rừng được cấp Chứng chỉ FSC lên 15.600 ha; phấn đấu năng suất rừng trồng bình quân đạt 80 – 120 m3/ha/chu kỳ 7 năm; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 20% trong cơ cấu giá trị của nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Gìn giữ màu xanh nơi biên cương Tổ quốc
BHG - Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện hiệu quả phương châm: Thường xuyên bám dân, bám rừng, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật về công tác bảo vệ và phát triển rừng; ngành Kiểm lâm (KL) nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc đã ghi dấu son sáng, tô đẹp thêm truyền thống vẻ vang 50 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của KL Việt Nam; khẳng định vai trò nòng cốt gìn giữ màu xanh nơi biên cương Tổ quốc.
14/05/2023
Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới
BHG - Ngày 17.2.2023 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 65 về triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2023-2025. Ngay sau đó, các huyện, thành phố, ngành chuyên môn đã đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nói chung và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM nói riêng. Từ đó thấy rõ được tầm quan trọng về phát triển du lịch nông thôn đối với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
14/05/2023
Xây dựng chuỗi liên kết trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
BHG - 3 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Xây dựng Nông thôn mới, phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững… Theo đó, huyện Bắc Mê đã tập trung triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt tập trung triển khai Dự án 3 về Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, từ đó tạo cho người dân những thay đổi bước đầu về tư duy và hướng đi trong phát triển kinh tế.
12/05/2023
Giảm sâu, giá xăng RON95-III lùi về ngưỡng 21.000 đồng mỗi lít
Từ 15 giờ ngày 11/5, giá xăng E5 RON92 giảm 1.306 đồng; xăng RON95-III giảm 1.320 đồng; dầu diesel giảm 601 đồng; dầu hỏa giảm 556 đồng và dầu mazut giảm 647 đồng sau khi trích lập quỹ bình ổn.
11/05/2023