Nhiệm vụ then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

17:10, 11/02/2023

BHG - “Bằng mọi giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm; quyết tâm chỉ đạo, phấn đấu giải ngân đạt 100% số vốn kế hoạch giao năm 2023” - đây là “bài toán” Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, Giám đốc các Ban quản lý dự án, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố “giải” ngay từ những ngày đầu năm.

Thực trạng

Nhìn lại việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh năm 2022 cho thấy, mặc dù tỉnh ta rất quyết liệt trong chỉ đạo, nhưng tính đến 31.1.2023, tổng số vốn đã giải ngân mới đạt 3.604,18 tỷ đồng/5.496,9 tỷ đồng, đạt 65,57% kế hoạch.

Tuyến đường từ thành phố Hà Giang đi Khu công nghiệp Bình Vàng (Vị Xuyên) được nhà thầu thi công tập trung máy móc, đẩy nhanh tiến độ.
Tuyến đường từ thành phố Hà Giang đi Khu công nghiệp Bình Vàng (Vị Xuyên) được nhà thầu thi công tập trung máy móc, đẩy nhanh tiến độ.

Qua phân tích của ngành chuyên môn cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, do: Các chủ đầu tư thanh toán chậm, không dứt điểm các dự án quyết toán, hoàn thành chưa quyết toán. Các dự án phê duyệt điều chỉnh lại thực hiện rất chậm, đặc biệt là dự án cắt giảm quy mô, dừng kết thúc dự án. Các dự án khởi công mới lập hồ sơ trình thẩm định kéo dài do chất lượng hồ sơ không đảm bảo, phải chỉnh sửa nhiều; trình tự thời gian thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư kéo dài, dẫn đến kéo dài thời gian lập hồ sơ dự án. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tiến độ chậm từ khâu lập hồ sơ thu hồi đất, xác định giá đất cụ thể. Kế hoạch vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia và vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách T.Ư bổ sung năm 2022 từ nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao muộn.

Đối với các dự án ODA, quá trình thực hiện phát sinh nhiều hạng mục cần phải bổ sung, điều chỉnh thiết kế; các bước triển khai thực hiện của dự án đều phải có ý kiến không phản đối của nhà tài trợ. Năng lực cán bộ thực thi dự án của Ban quản lý còn hạn chế; chưa am hiểu trình tự thủ tục thực hiện dự án của nhà tài trợ; năng lực của nhà thầu, phương án tổ chức thi công tại một số công trình còn yếu nên tiến độ thi công, công tác nghiệm thu khối lượng, lập hồ sơ thanh toán tại nhiều dự án còn chậm. Đơn cử như, Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) -Tiểu dự án Hà Giang, thời gian từ khi khảo sát, lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư, ký hiệp định, đến triển khai kéo dài 7 năm, dẫn đến địa hình thay đổi nên hầu hết các công trình phải điều chỉnh thiết kế, phương án bồi thường phải cập nhật, điều chỉnh lại nên mất nhiều thời gian. Hay như, Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8), cuối năm 2022 Bộ Nông nghiệp và PTNT mới có quyết định phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ muộn, dẫn đến ảnh hưởng tiến độ giải ngân.

Bên cạnh đó, nhiều nhà thầu chậm tổ chức hoạt động trở lại sau khi bị ảnh hưởng của dịch bệnh; vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, dẫn đến tổ chức thi công chậm, chưa có khối lượng để nghiệm thu, thanh toán. Mặc khác, do quy định tại Luật Đấu thầu, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ về trình tự, thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới kéo dài từ khâu lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, đến bước lựa chọn nhà thầu thi công... dẫn đến nhiều dự án trọng điểm, dự án lớn được bố trí vốn từ đầu năm nhưng bị kéo dài thời gian thực hiện thủ tục đầu tư nên tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn chậm.

Quyết tâm chính trị lớn

Đầu tư công rất quan trọng, đóng vai trò định hướng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đối với một quốc gia. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Vẹn - Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế ứng dụng, Trường Đại học Tài chính Marketing, khía cạnh điều hành kinh tế vĩ mô, đầu tư công là một trong những yếu tố quan trọng của tổng cầu, vừa đóng vai trò công cụ kích cầu tăng trưởng kinh tế, vừa thực hiện chức năng đầu tư của Nhà nước, điều tiết ổn định chỉ số kinh tế vĩ mô. Vì vậy, việc khai thông dòng vốn đầu tư công là nhiệm vụ thường xuyên, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và mỗi địa phương.

Nhận rõ vai trò quan trọng của dòng vốn đầu tư công trong nền kinh tế và từ thực trạng giải ngân vốn năm 2022, ngay từ những ngày đầu năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành khối tỉnh được giao nhiệm vụ chủ đầu tư các công trình xây dựng cơ bản; Giám đốc các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản chuyên ngành cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố bằng mọi giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm; quyết tâm chỉ đạo, phấn đấu giải ngân đạt 100% số vốn kế hoạch được giao năm 2023. Chủ động phối hợp với các ngành, các cấp xây dựng kế hoạch chi tiết về công tác giải phóng mặt bằng, trong đó nêu rõ nhiệm vụ từng cấp, ngành và các mốc hoàn thành.

Cụ thể, giải ngân hết kế hoạch vốn bố trí cho các dự án đã quyết toán, dự án hoàn thành chưa quyết toán đến tháng 6.2023; các dự án chuyển tiếp thực hiện và đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân ngay sau khi có khối lượng nghiệm thu và hoàn thành giải ngân trước ngày 30.10; các dự án khởi công mới phải hoàn thành thủ tục đầu tư, triển khai và giải ngân trong quý II/2023. Phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023 trước ngày 31/12/2023. Trường hợp giải ngân đạt dưới 100% kế hoạch vốn được giao thì người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm kiểm điểm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân có liên quan...

Được biết, Nghị quyết HĐND tỉnh phê chuẩn Phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương trên 1.888 tỷ đồng; vốn ngân sách T.Ư gần 3.548 tỷ đồng; vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên 1.554 tỷ đồng. Việc giải ngân hết các nguồn vốn đầu tư công sẽ góp phần quan trọng để tỉnh ta thực hiện đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đó là tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP giá so sánh) 8%; tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người đạt 38,2 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 3 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%...

Bài, ảnh:  THIÊN THANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giá xăng tăng gần 1.000 đồng mỗi lít
Giá bán lẻ xăng và dầu đều tăng từ 19h ngày 30/1, sớm hơn hai ngày so với chu kỳ thông thường.
31/01/2023
Tươi mới Nông thôn mới
BHG - Là 1 trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) được tập trung nguồn lực, quyết liệt triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) kỳ vọng sẽ mang làn gió tươi mới hơn cho “tam nông” phát triển bền vững.
31/01/2023
Vốn tín dụng chính sách góp nhành Xuân no ấm
BHG - Những ngày đầu Xuân mới, chúng tôi có dịp cùng các cán bộ tín dụng Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Hoàng Su Phì đến thăm những hộ dân sử dụng nguồn vốn tín dụng hiệu quả. Niềm vui ánh lên trên gương mặt của những người nông dân vì nhờ nguồn vốn ưu đãi mà họ có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Cùng với các chính sách hỗ trợ khác của Đảng và Nhà nước, nguồn vốn chính sách đã góp phần đem mùa Xuân no ấm đến với mọi nhà.
10/02/2023
Xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn ở Vị Xuyên
BHG - Trong 2 năm 2021 – 2022, huyện Vị Xuyên vận động xã hội hóa theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” xây dựng được 93 công trình hạ tầng nông thôn. Trong đó có 57 công trình giao thông, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng Nông thôn mới (NTM) và hoàn thiện hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện thông suốt, thuận lợi, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.
09/02/2023