Nâng cao hơn nữa chất lượng cải tạo vườn tạp

06:58, 28/10/2022

BHG - Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp (CTVT), phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025 đã triển khai được gần 2 năm. Đến 30.9.2022, toàn tỉnh có 4.901 hộ đã cải tạo vườn. Trong đó, 2.585 hộ nghèo, cận nghèo (đạt 39,8% mục tiêu Nghị quyết) và 2.316 hộ không nghèo. Những mảnh vườn đã đơm hoa, kết trái, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, chất lượng cải tạo chưa đồng đều, hiệu quả chưa cao, chưa bền vững.

Gia đình anh Dỉ Xuân Cường, thôn Thanh Long, xã Thanh Vân (Quản Bạ) cải tạo vườn tạp trồng rau cho hiệu quả cao.
Gia đình anh Dỉ Xuân Cường, thôn Thanh Long, xã Thanh Vân (Quản Bạ) cải tạo vườn tạp trồng rau cho hiệu quả cao.

“Quả ngọt” cải tạo vườn

Với quan điểm “làm đến đâu chắc đến đó”, “không nóng vội, không thành tích”, Chương trình CTVT, phát triển kinh tế vườn hộ nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận của nhân dân. Bằng sự kiên trì, bền bỉ, người nông dân đã gặt hái được những “quả ngọt” từ những mảnh vườn, một số hộ đã thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người dân.

Tính đến cuối tháng 9.2022, toàn tỉnh đã có 2.585 hộ nghèo, cận nghèo cải tạo vườn; 1.310 vườn đã cho hiệu quả kinh tế, trong đó 1.029 vườn thực hiện năm 2021 cho tổng thu nhập đạt gần 1,8 tỷ đồng, gấp 2-3 lần so với trước khi cải tạo; có 281/1.365 vườn cải tạo năm 2022 cho thu nhập 1,3 triệu đồng/tháng/vườn. Không chỉ có thu nhập từ cải tạo vườn, các hộ đã giải quyết được nguồn cung cấp thực phẩm xanh cho gia đình, cải thiện dinh dưỡng bữa ăn hàng ngày, đời sống gia đình thay đổi rõ rệt.

Ngoài hiệu quả về kinh tế, CCVT thực sự đi vào đời sống của nhân dân, không gian sinh sống của gia đình được sắp xếp lại hợp lý, khoa học, nông thôn sạch - đẹp, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp và bảo vệ sức khỏe của người dân, tác động tích cực vào chương trình xây dựng NTM. Đồng thời, dần thay đổi nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế hộ, chuyển từ tập quán sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với 84 vườn (hộ) tại huyện Vị Xuyên, Bắc Mê, Bắc Quang, Quang Bình; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hệ số sử dụng đất, không để đất bỏ hoang; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra những hướng đi tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế, giảm nghèo bền vững…

Đặc biệt, quan điểm ban đầu của chương trình CTVT hướng vào các hộ, nghèo, cận nghèo với chính sách hỗ trợ có thu hồi, nhưng đã lan tỏa mạnh mẽ ở các hộ không nghèo, khá giả với 2.316 hộ không nghèo đã thực hiện CTVT. Với tổng diện tích vườn được cải tạo trên 240 ha. Đây là những hộ có quyết tâm, có khát vọng vươn lên, có lao động, đất đai, kiến thức làm ăn; lựa chọn quy mô và chủng loại cây, con phù hợp với thị trường; có tư tưởng sản xuất hàng hoá… Vì vậy, việc cải tạo vườn được thực hiện bài bản, vườn sau cải tạo thay đổi rất rõ, nhiều vườn trở thành vườn mẫu, làm điểm cho các hộ đến tham quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Các vườn sau cải tạo đã cho lợi nhuận trên 30 triệu đồng/vườn/năm.

Cần sự vào cuộc hơn nữa từ người dân

Thực hiện chương trình CTVT theo Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo cấp ủy các cấp thành lập Ban Chỉ đạo (tỉnh, huyện, xã) để công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai được xuyên suốt, thống nhất. Điều này đã tạo nên hiệu quả rõ rệt khi chương trình được triển khai rộng khắp, lan tỏa trở thành phong trào thi đua cải tạo vườn ở các địa phương. Huy động được trên 30.000 ngày công của cán bộ, đoàn viên, thanh niên, phụ nữ, nông dân giúp các hộ cải tạo vườn.

Tuy nhiên, dù cấp ủy, chính quyền các cấp đã vào cuộc quyết liệt trong triển khai chương trình CTVT, nhưng một số nơi, một số thời điểm việc thực hiện chưa đạt như kỳ vọng. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, tính đến cuối tháng 9, có 87/1.032 hộ được hỗ trợ vay vốn theo Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh thực hiện cải tạo vườn năm 2021 chỉ đạt 1-2/4 tiêu chí, 3 hộ không duy trì thực hiện. Mới có 130/1.242 vườn thực hiện trong 9 tháng của năm 2022 đạt 4/4 tiêu chí, 151 vườn đạt 3/4 tiêu chí, 853 vườn đạt 1-2/4 tiêu chí và còn 108 vườn chưa đạt tiêu chí. Thu nhập từ cải tạo vườn tuy đã cao gấp 2-3 lần so với trước nhưng chưa thực sự hiệu quả và bền vững. Tổng thu nhập của các vườn được vay vốn hỗ trợ cải tạo năm 2021 chỉ đạt 1.795 triệu đồng, bình quân mỗi hộ chỉ có thu khoảng 1,7 triệu đồng.

Một số nguyên nhân hiệu quả cải tạo vườn chưa đạt như kỳ vọng được chỉ ra như: Việc triển khai, thực hiện kế hoạch của một số địa phương còn chậm; việc tư vấn, định hướng ở một số địa phương, cơ sở cho các hộ chưa hợp lý; công tác thực hiện, kiểm tra giám sát, chưa duy trì thường xuyên, liên tục. Nhiều địa phương danh sách hộ đăng ký có sự thay đổi, điều chỉnh, bổ sung, thay đổi ý định vay vốn, không đảm bảo diện tích, nhân lực lao động không có làm chậm tiến độ giải ngân. Giá vật tư đầu vào cho sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn tăng cao và dịch Covid -19 bùng phát làm ảnh hưởng đến đời sống cũng như sản xuất của các hộ…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Hải Lý nhận định: Nguyên nhân chính vẫn là ý thức của các hộ dân. Nhiều hộ chưa nhận thức rõ việc CTVT là việc của gia đình mình và của chính bản thân mình; còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của chính quyền, các hội đoàn thể, chưa chủ động tự lực trong thực hiện cải tạo vườn, chưa thay đổi tư duy, chịu khó, chưa tập trung đầu tư cho sản xuất, nhất là khâu chăm sóc dẫn đến vườn đã được cải tạo nhưng thu nhập mang lại chưa cao. Cấp ủy, chính quyền và ngành chuyên môn không thể làm thay, chỉ có thể hỗ trợ tư vấn quy hoạch vườn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ. Vì thế, để nâng cao chất lượng CTVT và phát huy kinh tế vườn hộ bền vững, trước tiên và quan trọng nhất người dân phải thay đổi tư duy là cách làm.

  Bài, ảnh: LƯƠNG HÀ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xín Mần phát triển thương hiệu nông sản địa phương
BHG - Được thành lập tháng 3.2021, sau hơn 1 năm hoạt động Hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nông nghiệp Xín Mần (xã Xín Mần, huyện Xín Mần) đã đầu tư nhà xưởng, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác chế biến. Hiện, HTX đang là đầu mối thu mua nông sản cho người dân địa phương và cung cấp ra thị trường các sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng.
27/10/2022
Giám sát Dự án hỗ trợ nâng quyền kinh tế cho phụ nữ trong chuỗi sản xuất chè tại huyện Quang Bình
BHG - Ngày 26.10, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Ngoại vụ và Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Dự án hỗ trợ nâng quyền kinh tế cho phụ nữ trong chuỗi sản xuất chè tại huyện Quang Bình, giai đoạn 2021 - 2025. Cùng tham gia có đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan.
26/10/2022
Mùa vang tiếng cười ấm no
BHG - Vụ Hè – thu là vụ mùa lớn nhất trong năm của người dân miền núi Hà Giang, có thể nói lương thực cả một năm của bà con trông chờ vào  vụ này. Nên cứ mùa Thu nắng ươm vàng trên những đồi cọ, rừng vầu là bản làng vang tiếng cười nói của bà con đang hăng say thu hoạch vụ lúa ấm no của bản làng.
26/10/2022
Thách thức giảm nghèo đa chiều theo chuẩn mới
BHG - Ngày 27.1.2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 07 về Quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều với những tiêu chí, quy định ở cấp độ, mức độ cao hơn so với giai đoạn trước. Đây là thách thức đối với huyện biên giới Yên Minh trong thực hiện giảm nghèo bền vững. Đồng thời, đặt ra yêu cầu triển khai các giải pháp hiệu quả cũng như xác định những bước đi, lộ trình giảm nghèo phù hợp.
26/10/2022