Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

15:57, 17/02/2022

BHG - Năm qua, dù đối mặt với không ít khó khăn do ảnh hưởng chung của dịch Covid-19, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp; tuy nhiên dưới sự lãnh, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng sự vào cuộc quyết liệt của ngành Nông nghiệp, kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2021 cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu giao. Kinh tế nông nghiệp của tỉnh ngày càng phát triển đa dạng, có quy mô, từng bước sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Nông dân xã Linh Hồ (Vị Xuyên) luân canh, tăng vụ trồng ngô sinh khối vụ Đông.
Nông dân xã Linh Hồ (Vị Xuyên) luân canh, tăng vụ trồng ngô sinh khối vụ Đông.

Phát triển sản phẩm hàng hóa đặc trưng

Với việc triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ và các đề án, kế hoạch, chương trình nông nghiệp trọng tâm, năm 2021 giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh (theo giá hiện hành) ước đạt 13.980,7 tỷ đồng, tăng 9,47% so với 2020 (bằng 1.209,8 tỷ đồng). Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tỉnh ta đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản Hà Giang. Trong đó, nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng như: Cam Sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà, dược liệu, thịt bò vùng cao, gạo đặc sản…

Cùng với đó, các địa phương từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung với quy mô và sản lượng lớn đối với một số sản phẩm đặc sản như: Cam với tổng diện tích cho thu hoạch là 7.760,3 ha, trong đó sản lượng cam Sành đạt tiêu chuẩn VietGAP ước đạt trên 45.700 tấn, cam Vàng ước đạt 19.280 tấn. Chè Shan tuyết có tổng diện tích trên 20.000 ha, với sản lương trên 90.000 tấn/năm, trong đó diện tích được chứng nhận GAP là 11.842,3 ha. Mật ong Bạc hà Cao nguyên đá với gần 40.000 đàn ong (chủ yếu là giống ong nội) cho sản lượng mật thu hoạch hàng năm đạt trên 200.000 lít.

Người dân xã Phương Tiến (Vị Xuyên) thu hái chè Shan tuyết.                                              
Người dân xã Phương Tiến (Vị Xuyên) thu hái chè Shan tuyết.                                              

Từ định hướng của tỉnh, các huyện, thành phố xác định những cây trồng lợi thế, có thị trường để xây dựng, phát triển thành sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương gắn với phát triển bền vững chuỗi giá trị đặc trưng hàng hóa. Điển hình như phát triển chuỗi mật ong Bạc hà, chăn nuôi bò Vàng, lợn đen tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá; chuỗi chè Shan tuyết tại các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình, Bắc Quang, Vị Xuyên; lúa đặc sản chất lượng cao tại 2 huyện phía Tây; chuỗi cây ăn quả ôn đới tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá và 2 huyện phía Tây; vùng trồng cam tại Bắc Quang, Vị Xuyên. Đến nay, toàn tỉnh có 193 sản phẩm OCOP, gồm 153 sản phẩm 3 sao, 38 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm đạt 5 sao.

Các địa phương cũng tích cực khuyến khích người dân chuyển đổi đất trồng cây hàng năm sang phát triển các giống cây đặc sản, chủ lực phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hình thành các trang trại, gia trại gắn với kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Tỉnh cũng ban hành các nghị quyết chuyên đề, đề án và xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị nhằm chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, giá trị, chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác

Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp khá dồi dào cùng việc đẩy mạnh khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 2021, giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/ha đất canh tác của tỉnh ước đạt 53,05 triệu đồng. Mặc dù tăng so với năm 2020, nhưng giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác vẫn ở mức chưa cao so với bình quân cả nước. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa thực sự mạnh mẽ; diện tích cánh đồng lớn, vùng chuyên canh hàng hóa còn ít; doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa nhiều; liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân chưa chặt chẽ, sản lượng thu mua còn thấp; chất lượng hàng hoá nông sản chưa cao…

Với mục tiêu phấn đấu năm 2022, giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân đạt 56,7 triệu đồng, ngay từ vụ Xuân 2022, các địa phương đã tích cực phối hợp với ngành Nông nghiệp bố trí lại cơ cấu cây trồng, mùa vụ và giống để giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Tăng cường hướng dẫn nông dân sử dụng các giống mới phù hợp với điều kiện canh tác. Đẩy mạnh đầu tư thâm canh, áp dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Gắn với đó là đẩy mạnh liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư từ khâu trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo thành chuỗi liên kết khép kín; gắn với vùng nguyên liệu với chế biến sâu và thị trường tiêu thụ để người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hoàng Hải Lý cho biết: Với phương châm lấy giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác làm thước đo, ngành Nông nghiệp đã tập trung hướng dẫn các địa phương về khung thời vụ khép kín, về cơ cấu giống cây trồng nhằm đảm bảo đạt mục tiêu sản lượng lương thực có hạt toàn tỉnh năm 2022 đạt trên 41 vạn tấn. Đẩy mạnh thâm canh, luân canh tăng vụ, đảm bảo diện tích thâm canh đạt trên 90% đối với cây ngô và trên 95% đối với cây lúa. Chủ động rà soát diện tích đất ruộng không chủ động được nước tưới để có kế hoạch chuyển đổi cây trồng hợp lý, hiệu quả. Xây dựng phương án cải tạo, bảo vệ đất trồng, tuyệt đối không để đất trồng cây lâu năm và cây hàng năm bị bỏ hoang. Cùng với đó tham mưu phát triển các vùng trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, rau, hoa theo hướng hàng hóa dựa trên đặc điểm, lợi thế của mỗi vùng miền.

Phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; lấy giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, giá trị thu nhập của nông dân làm thước đo chính là bước đi quan trọng để ngành Nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững, tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn.

Bài, ảnh:  NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ngành Ngân hàng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh
BHG - Luôn đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid – 19, gắn với triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình, chính sách tín dụng của Thủ tướng Chính phủ, của địa phương và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang góp phần tích cực trong phục hồi, phát triển kinh tế tại địa phương.
17/02/2022
Hội nghị cán bộ, công chức Ngân hàng nhà nước năm 2022
BHG - Chiều 27.1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
17/02/2022
Khi FDI vào Việt Nam chuyển hướng tích cực
Dù nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nhưng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam không chỉ tăng về số lượng mà còn đang dần được cải thiện về chất lượng. Số dự án siêu nhỏ giảm dần, ngày càng nhiều dự án công nghệ cao, dự án “xanh” với quy mô tỷ USD vào Việt Nam.
16/02/2022
Nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả
BHG - Nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu, tạo bước đột phá mới trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình khuyến nông đa dạng cây trồng, vật nuôi. Phát huy được hiệu quả tích cực, giúp người dân nâng cao trình độ canh tác và thu nhập, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
16/02/2022