Nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả

10:42, 16/02/2022

BHG - Nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu, tạo bước đột phá mới trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình khuyến nông đa dạng cây trồng, vật nuôi. Phát huy được hiệu quả tích cực, giúp người dân nâng cao trình độ canh tác và thu nhập, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Người dân tham quan mô hình trồng rau cải tạo vườn tạp của bà Hứa Thị Hợp, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên).
Người dân tham quan mô hình trồng rau cải tạo vườn tạp của bà Hứa Thị Hợp, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên).

Gia đình bà Hứa Thị Hợp ở thị trấn nông trường Việt Lâm (Vị Xuyên) có 2 ha đất trồng rau trước đây canh tác theo hướng truyền thống nên hiệu quả không cao. Đầu năm 2021, thực hiện ‘”Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ” bà Hợp được hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất. Cùng với đó, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn quy trình trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, tư vấn lựa chọn giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Bà Hợp chia sẻ: “So với trồng rau theo phương pháp truyền thống thì việc trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có rất nhiều ưu điểm như cây sinh trưởng nhanh, phát triển đồng đều, sản lượng tăng lên. Từ khi thực hiện mô hình, gia đình tôi đã có nguồn thu nhập ổn định”. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Việt Lâm Phạm Văn Thùy, cho biết: “Chúng tôi đã tăng cường công tác tuyên truyền để thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con, mạnh dạn áp dụng KHKT vào sản xuất. Thị trấn đã cho khuyến nông đi tham quan mô hình để chuyển giao KHKT giúp người dân tiếp cận cách làm mới tốt hơn. Qua đó, các mô hình đều cho hiệu quả cao và được nhân rộng tại địa phương”.

Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai được một số mô hình hiệu quả như thực hiện 4 chương trình khuyến nông Trung ương với 157 hộ tham gia, gồm: Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất ngô thương phẩm, ngô nếp, ngô ngọt và ngô sinh khối gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh phía Bắc” triển khai tại xã Phong Quang (Vị Xuyên) với quy mô 25 ha, năng suất bình quân đạt 54 tấn/ha, lợi nhuận thu được là 45,9 triệu đồng/1 ha. Phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang triển khai Dự án “Xây dựng mô hình trồng Sa nhân tím tại một số tỉnh Trung du miền núi phía Bắc” tại xã Chiến Phố (Hoàng Su Phì) quy mô 9 ha. Phối hợp với Công ty cổ phần Stevia Ventures triển khai Dự án “Xây dựng mô hình phát triển sản xuất cỏ ngọt SV1 gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh vùng Đồng bằng Sông Hồng” do Công ty cổ phần Stevia Ventures hỗ trợ và bao tiêu toàn bộ sản phẩm, triển khai tại xã Đạo Đức (Vị Xuyên), quy mô 10 ha, nhà nước hỗ trợ 50% giống, vật tư. Viện Khoa học miền núi phía Bắc hỗ trợ triển khai dự án “Mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc”, quy mô 8 ha, triển khai tại xã Xuân Minh (Quang Bình). Mô hình “Trồng thâm canh và chế biến cỏ, tạo nguồn thức ăn thô xanh quanh năm cho trâu, bò ở các tỉnh miền núi phía Bắc” tại xã Lạc Nông (Bắc Mê), quy mô 12 ha trồng giống cỏ Voi xanh Đài Loan, gắn với hướng dẫn các hộ chăn nuôi chế biến cỏ bằng phương pháp ủ chua. Các dự án trên đều được bà con đồng tình ủng hộ và được chính quyền địa phương đánh giá cao, có kế hoạch triển khai nhân rộng ra các xã khác trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai một số mô hình khuyến nông địa phương như: Mô hình trồng cây na gắn với “Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ”; trồng cây lạc xen canh trên đất vườn cam; nuôi thủy sản gắn với “Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ”; thí điểm trồng cây lê Đài Loan; trồng mới 150 cây cam V2, thâm canh cam theo hướng hữu cơ; dự án chăn nuôi lợn sinh sản (giống bản địa) theo hướng an toàn sinh học. Các mô hình được thực hiện đảm bảo thời vụ, quy mô, chất lượng, năng suất, hiệu quả kinh tế của mô hình đều tăng hơn so với đại trà từ 15-30%, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được người dân, chính quyền đánh giá cao. Một số mô hình áp dụng liên kết chuỗi sản xuất giúp cho các hộ nông dân tạo sự đoàn kết cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất để có sản phẩm nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa, bền vững gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm ra thị trường. Các mô hình được cấp ủy địa phương và bà con nhân nhân đánh giá đều có khả năng sản xuất đại trà.

Để duy trì và nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả, trước khi triển khai thực hiện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với cơ quan chuyên môn huyện, thành phố, UBND các xã, thị trấn khảo sát, lựa chọn các mô hình gắn với nhu cầu thực tế của nông dân, phù hợp với định hướng phát triển, tái cơ cấu của ngành Nông nghiệp tỉnh. Đối với mỗi mô hình cụ thể, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm thường xuyên bám sát cơ sở, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ người dân tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, từ nguồn vốn của Trung ương và ngân sách tỉnh, với mỗi mô hình, Trung tâm đã triển khai hỗ trợ kinh phí mua con, cây giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón. Cùng với đó, tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn về chuyển giao KHKT, đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Phan Thị Thoa cho biết: Từ kết quả thực hiện các mô hình, dự án khuyến nông đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận kiến thức cơ bản trong chăn nuôi, trồng trọt, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành những trang trại, gia trại sản xuất hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhằm phát huy vai trò, hiệu quả công tác khuyến nông trong phát triển sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai các mô hình áp dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, quy mô lớn nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, phù hợp với tiềm năng, lợi thế, tập quán sản xuất của nông dân ở từng địa phương. Cùng với đó, chỉ đạo Trạm Khuyến nông các huyện, thành phố phối hợp với các địa phương quản lý, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế trên địa bàn.

Bài, ảnh:  LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Kim Ngọc mùa rừng thay lá
BHG - Đưa tôi đi thăm đồi quế, ông Hoàng Thế, thôn Nậm Vạc, xã Kim Ngọc (Bắc Quang) cho biết: “Bán chục cây quế 6 năm tuổi trong vườn đã bằng chặt bán cả đồi keo rồi. Cây quế sẽ phải thay thế cây keo bấy lâu nay trồng tại đất Nậm Vạc thì dân mới khá lên được. Lợi ích từ cây quế hiện nay rất lớn, trồng quế bán được cả gốc lẫn ngọn chẳng bỏ đi cái gì. Lá quế chặt tỉa bán tại đồi cũng thu được ít nhất là 1,5 - 2 ngàn đồng/kg; vỏ quế bóc xong bán ngay cho khách cũng không dưới 25 – 30 ngàn đồng/kg
15/02/2022
Tín hiệu vui đầu năm mới
BHG - Năm 2022 được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức khi dịch bệnh Covid - 19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, việc triển khai đồng bộ các giải pháp để chủ động “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã giúp kinh tế phục hồi mạnh mẽ, mang lại những “tín hiệu vui” cho mảnh đất “phên dậu” Tổ quốc từ những ngày đầu năm mới.
15/02/2022
Gần 120 tấn cam Vàng được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử
BHG - Theo số liệu của Sở Công thương, tính hết tháng 12.2021 toàn tỉnh đã tiêu thụ được 119 tấn cam Vàng trên các sàn thương mại điện tử như: Voso, Posmart, Sendo…với giá bán dao động từ 15 – 17 nghìn đồng/kg tăng 5 – 7 nghìn đồng so với niên vụ trước.
15/02/2022
Vị Xuyên quyết tâm giành vụ Xuân thắng lợi
BHG - Những ngày này, nông dân huyện Vị Xuyên tập trung xuống đồng làm đất, gieo cấy lúa Xuân kịp thời vụ, với quyết tâm giành thắng lợi cả về diện tích, năng suất và sản lượng.
13/02/2022