"Gió Xuân" trên hành trình thu hút đầu tư

21:19, 25/01/2020

Xuân 2020 - Xác định việc huy động vốn đầu tư từ các nguồn ngoài ngân sách là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả mời gọi, thu hút đầu tư, từng bước đưa Hà Giang trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngước nước; giúp nền kinh tế tỉnh nhà đi nhanh trên con đường hội nhập.

Tháo gỡ “nút thắt”

Hà Giang là tỉnh vùng cao, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo cao. Hàng năm, “bầu sữa” ngân sách phải chi ra một khoản lớn để giải quyết các vấn đề xã hội nên nguồn lực đầu tư cho phát triển bị hạn chế. Trong khi tỉnh có nhiều tiềm năng để bứt phá phát triển kinh tế như: Hệ sinh thái đa dạng; văn hóa dân tộc đặc sắc; có tiềm năng du lịch; công nghiệp khai khoáng, thủy điện phong phú; nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, chất lượng có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường; tiếp giáp với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) với Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy mở ra  cơ hội phát triển kinh tế biên mậu…

Các đồng chí lãnh đạo T.Ư và tỉnh tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Cam và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh. 						                                          Ảnh: DUY TUẤN
Các đồng chí lãnh đạo T.Ư và tỉnh tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Cam và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh. Ảnh: DUY TUẤN

Để phát huy tiềm năng sẵn có, tỉnh nhận diện rõ các “nút thắt” cần tháo gỡ. Hàng năm, UBND tỉnh đều ban các hành chương trình xúc tiến đầu tư (XTĐT); xây dựng danh mục các dự án mời gọi đầu tư. Đặc biệt, ban hành chính sách khuyến khích đầu tư trong các lĩnh vực thế mạnh như: Kinh tế biên mậu, sản xuất nông nghiệp hàng hóa, du lịch. Theo đó, ngoài các ưu đãi theo quy định của Chính phủ; doanh nghiệp đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh được hưởng ưu đãi riêng theo các nghị quyết của HĐND tỉnh, như: Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước; hỗ trợ tập trung đất đai; nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn; hỗ trợ lãi suất vay vốn các tổ chức tín dụng và xây dựng cơ sở chế biến, bảo quản các sản phẩm nông sản của địa phương; hỗ trợ phát triển chăn nuôi và xây dựng cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi…

Với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi; không ngừng cải thiện và nâng cao chỉ số PCI. Thường xuyên tổ chức các hoạt động đối ngoại, làm việc giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố với các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch và đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Hoạt XTĐT được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm; tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu môi trường, chính sách đầu tư, tiềm năng và cơ hội cho các doanh nghiệp khi đến với Hà Giang. Năm 2019, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch – đầu tư “Hà Giang - di sản và hoa” tại Khánh Hòa; hội nghị kết nối, XTĐT thương mại nông sản, trái cây tại Lào Cai; quảng bá, giới thiệu tài liệu XTĐT của tỉnh trong các hoạt động XTĐT trong và ngoài nước do các bộ, ngành T.Ư tổ chức; hoàn thành cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động XTĐT; xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2018 – 2020; đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, kêu gọi đầu tư thông qua việc trao đổi, làm việc, hợp tác với các địa phương tại nước ngoài; tăng cường hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư, cung cấp thông tin đầu tư, khảo sát thực địa, tư vấn, hướng dẫn các nhà đầu tư về trình tự, thủ tục triển khai dự án...

“Quả ngọt” trong hành trình phát triển

Với các giải pháp đồng bộ, những năm qua, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư phát triển KT – XH. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 146 dự án với tổng vốn đăng ký 18.755 tỷ đồng. Năm 2019, tỉnh thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 32 dự án với tổng nguồn vốn trên 4.575,7 tỷ đồng; trong đó có 9 dự án lĩnh vực thủy điện, 9 dự án lĩnh vực khoáng sản, 1 dự án lĩnh vực dược liệu, 9 dự án lĩnh vực du lịch, 1 dự án lĩnh vực công nghiệp và 3 dự án lĩnh vực khác. Cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho 16 dự án. Các dự án nổi bật đang được triển khai thực hiện như: Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao của Tập đoàn TH; Dự án chuỗi liên kết sản xuất trồng và chế biến dược liệu chất lượng cao của Công ty Cổ phần dược liệu Bông Sen Vàng; 3 dự án của Công ty TNHH Hào Hưng; Dự án trung tâm thương mại, khách sạn và nhà ở thương mại Shophouse của Tập đoàn VinGroup; khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái núi Mỏ Neo của Tập đoàn FLC; khu phức hợp làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống thống của Công ty Du lịch và lữ hành Miền Đất Việt; Dự án trồng và chế biến dược liệu của Công ty Cổ phần Y học Bản địa… Ngoài ra, tỉnh đang vận hành, sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ chính thức ODA đầu tư phát triển KT – XH trên địa bàn.

Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Tiến Lợi, cho biết: “Các định hướng, mục tiêu của chương trình XTĐT được xây dựng trên cơ sở chủ trương của Chính phủ, chính sách phát triển KT – XH của tỉnh và phù hợp quy hoạch tổng thể đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tỉnh đã ban hành các cơ chế chính sách thu hút đầu tư rất linh hoạt, cởi mở; chủ động lựa chọn và mời gọi các tập đoàn lớn đầu tư vào tỉnh; đổi mới hoạt động XTĐT; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; linh hoạt trong điều hành, sử dụng nguồn vốn ODA; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hướng đến bộ máy hành chính đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”.

Mùa Xuân mới đang về trên miền cực Bắc Tổ quốc, cùng với làn gió Xuân mới trong mời gọi, thu hút đầu tư. Giờ đây, Hà Giang đã chủ động nắm bắt cơ hội để phát triển, không phụ thuộc nhiều vào ngân sách T.Ư; đã có nhiều dự án đầu tư lớn với nguồn vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Kỳ vọng những “quả ngọt” ban đầu ấy sẽ mang về diện mạo mới cho dải đất biên cương. 

BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Lá cờ đầu" trong ngành Tư vấn thiết kế

Xuân 2020 - "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất", thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng Hà Giang (Công ty) luôn tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước gắn với nhiệm vụ chuyên môn, tạo động lực để cán bộ, công nhân viên, lao động (CB, CNV, LĐ) nỗ lực, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

25/01/2020
Thấm giọt mồ hôi bên lò luyện Antimon Mậu Duệ

Xuân 2020 - Những ngày cuối năm 2019, chúng tôi có dịp thăm Nhà máy luyện Antimon Mậu Duệ, thuộc Công ty Cổ phần Cơ khí và khoáng sản Hà Giang tại xã Mậu Duệ (Yên Minh). Nơi đây, có trên 60 công nhân với 3 ca sản xuất mỗi ngày. Đứng bên các lò luyện rực đỏ, mới thấy sự vất vả và tinh thần lao động hăng say của những công nhân để cho ra những sản phẩm Antimon tinh luyện xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Năm 2019, sản lượng Antimon tinh luyện của Nhà máy đạt gần 700 tấn. 

25/01/2020
Cuộc sống mới từ Nông thôn mới

Xuân 2020 - Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), cuộc sống của người dân nơi cực Bắc Tổ quốc đã khoác lên mình "chiếc áo mới"; đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được nâng lên, đặc biệt NTM tạo ra nhiều sinh kế giúp người dân vươn lên thoát nghèo. 

 

25/01/2020
Hội tụ tinh hoa Start-up miền cực Bắc

Xuân 2020 - Một doanh nhân từng nói: Khởi nghiệp (Start-up) không chỉ là câu chuyện tương lai mà phải bắt nguồn từ những hành động thiết thực ngay ở thời điểm hiện tại. Khởi nghiệp không bắt nguồn từ những gì to lớn mà cần thiết phải bắt nguồn từ sự đam mê, sáng tạo và nỗ lực không ngừng nghỉ… Triết lý ấy cũng là điều tâm huyết của biết bao đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) nơi địa đầu Tổ quốc trên bước đường kiến tạo tương lai.

 

24/01/2020