Bài học từ liên kết sản xuất dứa Queen tại xã Phong Quang - Kỳ cuối: Vì đâu nên nỗi?!

10:17, 02/08/2018

BHG - Mùa Hè năm nay, trên 48 ha dứa Queen tại các thôn: Lùng Càng, Bản Mán, Lùng Châu của xã Phong Quang (Vị Xuyên) bước vào vụ thu hoạch thứ 2. Khác với không khí nhộn nhịp của vụ trước, giờ đây, người trồng dứa đang đối mặt với nhiều nỗi lo, sản phẩm đã chín rộ, nhưng không thấy bóng dáng người của doanh nghiệp đến thu mua…

Người dân xã Phong Quang thu hoạch dứa.
Người dân xã Phong Quang thu hoạch dứa.

Cuối năm 2015, Đề án phát triển dứa tại xã Phong Quang được triển khai theo mô hình liên kết giữa: Nhà nông – nhà nước – nhà khoa học và doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển bền vững. Theo khái toán của Đề án: Trong một chu kỳ kinh doanh, tổng doanh thu 1 ha dứa đạt 120 triệu đồng. Lợi nhuận sau khi trừ chi phí ước đạt trên 61 triệu đồng/ha, lợi nhuận gấp 4,2 lần so với trồng ngô lai. Trong đó, năng suất dứa ước đạt 30 tấn/ha/năm, giá bán tối thiểu 3 nghìn đồng/kg, doanh thu bán quả đạt 90 triệu đồng. Ngoài ra, doanh thu từ bán chồi dứa đạt khoảng 30 triệu đồng/ha… Toàn bộ sản phẩm của mô hình liên kết được doanh nghiệp bao tiêu theo hướng có lợi cho người dân.

Sau 18 tháng triển khai, tháng 6.2017, Phong Quang bước vào vụ thu hoạch dứa đầu tiên, không khí vui mừng bao trùm khắp làng quê, khi nhiều diện tích chăm sóc tốt cho năng suất lên đến 33 tấn/ha. Mặc dù, năng suất dứa bình quân chỉ đạt 18 tấn/ha (đạt 60% so với dự kiến) nhưng đã mở ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, với tổng sản lượng 861 tấn dứa thành phẩm, người dân thu về trên 4 tỷ đồng. Thế nhưng, trong tổng sản lượng trên, người dân chỉ bán 466 tấn quả cho Công ty Cổ phần xuất khẩu thực phẩm Đồng Giao với giá 3.500 đồng/kg, thu trên 1,6 tỷ đồng; 395 tấn còn lại, họ tự ý bán ra thị trường…

Sự việc trên cho thấy, không ít nhà nông chưa gạt bỏ được tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, ham lợi nhuận trước mắt mà quên chiến lược lâu dài. Không những vậy, nhận thức của họ về trách nhiệm trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật còn hạn chế nên dễ vi phạm hợp đồng liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm. Theo nhận định của lãnh đạo xã Phong Quang và cơ chuyên môn huyện Vị Xuyên, mùa dứa năm nay rất đìu hiu có nguyên nhân chính từ việc người dân tự ý phá vỡ hợp đồng liên kết, khiến doanh nghiệp không “mặn mà” trong thu mua, bao tiêu sản phẩm!

Thực tiễn trên cho thấy: Khi mối liên kết bị rạn nứt, phần thiệt thòi luôn thuộc về người sản xuất. “Nếu như trồng ngô, không bán hết, có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Nhưng hàng tấn dứa chín cùng lúc, ăn làm sao xuể” – bà Hoàng Thị Nhình, thôn Lùng Càng lo lắng! Hơn nữa, hiện giá dứa tương đối thấp, có khi chỉ 2 nghìn đồng/quả hoặc bình quân 10 nghìn đồng/3 quả mà vẫn bán rất chậm - chị Nguyễn Thị Dâng, thôn Lùng Càng ngậm ngùi.

Mùa dứa ngọt, nhưng người dân lại đang cảm nhận vị đắng và nỗi bức xúc được đẩy lên đỉnh điểm khi tiền bán dứa trên 1,6 tỷ đồng cho doanh nghiệp từ vụ trước chưa được thanh toán đủ. Lý giải sự việc trên, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Vị Xuyên Trần Mạnh Tuyên cho biết: Khi triển khai thực hiện đề án, huyện giao UBND xã Phong Quang làm chủ đầu tư; 141 hộ tham gia được huyện hỗ trợ 100% giống, vật tư, phân bón theo hình thức đầu tư có thu hồi để tái đầu tư. Trong đó, vay của Công ty Cổ phần xuất khẩu thực phẩm Đồng Giao 2,328 tỷ đồng tiền mua chồi giống, ni-lon phủ; người trồng dứa đối ứng khoảng 250 triệu đồng… Qua sơ kết, cơ quan chuyên môn đánh giá: Năm 2017, nhân dân xã Phong Quang sản xuất vụ dứa đầu tiên theo quy mô hàng hóa tập trung nên chi phí đầu tư lớn, khoảng 55 triệu đồng/ha (chưa tính công lao động). Bên cạnh đó, việc bán chồi giống gặp khó khăn do không mở rộng được diện tích sản xuất, dẫn đến lợi nhuận chưa cao, nhiều hộ trồng dứa chỉ hòa vốn…

Trước thực tế trên, huyện Vị Xuyên đã có tờ trình gửi UBND tỉnh xin chủ trương hỗ trợ 2,328 tỷ đồng tiền chồi giống dứa và ni-lon cho các hộ thực hiện liên kết trồng dứa tại xã Phong Quang. Ngày 14.12.2017, UBND tỉnh có Công văn số 5079 đồng ý với đề nghị của UBND huyện Vị Xuyên về hỗ trợ tiền chồi giống dứa và ni-lon phủ từ ngân sách huyện cho các hộ dân thực hiện trồng dứa niên vụ 2016 – 2017 theo hình thức đầu tư không thu hồi.

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, huyện Vị Xuyên đã cấp trên 700 triệu đồng cho xã Phong Quang để hoàn tất thanh toán trên 2,328 tỷ đồng (trên 700 triệu đồng từ ngân sách và trên 1,6 tỷ đồng doanh nghiệp nợ tiền thu mua dứa của người dân) chồi giống, ni-lon phủ cho doanh nghiệp. Số tiền còn lại, huyện Vị Xuyên sẽ trực tiếp chuyển về xã Phong Quang để thanh toán cho người dân, tuy nhiên nguồn ngân sách của huyện chưa cân đối kịp nên mới chỉ cấp được trên 1,1 tỷ đồng; 500 triệu đồng còn lại sẽ được huyện Vị Xuyên cấp bù trong thời gian sớm nhất để xã Phong Quang tiến hành các bước thanh toán tiền bán dứa vụ trước cho người dân...

Liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa đang là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Nhưng những gì đang diễn ra tại vùng dứa Phong Quang thực sự là bài học quý, đáng để mỗi người dân phải suy ngẫm, chỉ khi nào họ thực sự chủ động thay đổi tư duy, cách làm mới mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

[links()]


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đối thoại - "chìa khóa" thành công

BHG - Đối thoại tại nơi làm việc giữa người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) không chỉ thể hiện việc thực hành Quy chế Dân chủ, còn là hành động sẵn sàng sẻ chia, thấu hiểu, gỡ khó, đồng hành cùng phát triển; hoạt động này, được Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Giang (Agribank Hà Giang) đặc biệt coi trọng. Bởi, đây chính là nền tảng vững để Agribank giành nhiều kết quả ấn tượng trong hoạt động kinh doanh và tạo nên hình ảnh Agribank thân thiện.

 

31/07/2018
Xã Sính Lủng chú trọng phát triển mô hình kinh tế tổng hợp

BHG - Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; nhiều gia đình ở xã Sính Lủng (Đồng Văn) đã mạnh dạn vay vốn, tìm hiểu kinh nghiệm để phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp trên vùng núi đá. Vượt qua khó khăn, nhiều hộ đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao và thu nhập hàng năm ổn định. Đến nay, xã vùng cao Sính Lủng đã, đang ngày một khởi sắc trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

 

31/07/2018
Tuổi trẻ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chung sức xây dựng Nông thôn mới

BHG - Hưởng ứng Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè 2018 và thực hiện Cuộc vận động "Quân đội chung sức xây dựng Nông thôn mới (NTM)", tuổi trẻ lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã tích cực thực hiện Cuộc vận động " LLVT Hà Giang chung sức xây dựng NTM", gắn thực hiện nhiệm vụ QP – AN và tham gia phát triển KT – XH ở địa phương. Thôn Tha, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) giờ đây luôn được vệ sinh, chỉnh trang khang trang và đẹp hơn trước; đây là một nội dung trong kế hoạch Chiến dịch thanh niên tình nguyện Hè 2018 gắn với Cuộc vận động "LLVT Hà Giang chung sức Xây dựng NTM" của tuổi trẻ Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh. 

30/07/2018
Agribank góp phần thúc đẩy phát triển thị trấn Yên Minh

BHG - Thị trấn Yên Minh (Yên Minh) hiện có trên 1.500 hộ, khoảng 9.500 khẩu. Những năm qua, KT – XH của thị trấn có bước phát triển đáng kể; đời sống của người dân thị trấn ngày càng khá giả, bộ mặt đô thị ngày càng đổi thay với nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang,… các cửa hàng kinh doanh, khách sạn, nhà nghỉ đua nhau "mọc lên". Điều này có sự đóng góp không nhỏ từ việc đáp ứng nguồn vốn vay cho phát triển kinh tế của các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn của Chi Agribank Yên Minh.

 

30/07/2018