Xã Bạch Đích, nhiều khó khăn trong thực hiện Đề án xã phát triển toàn diện

09:05, 19/04/2017

BHG - Ngày 10.6.2014, Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định số 1133 phê duyệt Đề án thí điểm cơ chế đặc thù xã phát triển toàn diện vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014 – 2016. Quyết định đã lựa chọn 10 xã nghèo biên giới của 10 huyện để thực hiện Đề án, trong đó có xã Bạch Đích (Yên Minh). Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi đã kết thúc giai đoạn thực hiện của Đề án, Bạch Đích vẫn chưa thể trở thành xã phát triển toàn diện và khó đạt được mục tiêu này trong năm 2017 hay đến năm 2020.

Trong 2 năm thực hiện Đề án, xã Bạch Đích mới hỗ trợ được cho một số nhóm sở thích phát triển chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình.Trong ảnh: Mô hình nuôi gà, chim bồ câu của gia đình cô Hà Thị Hậu, thôn Đông Sao.
Trong 2 năm thực hiện Đề án, xã Bạch Đích mới hỗ trợ được cho một số nhóm sở thích phát triển chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Trong ảnh: Mô hình nuôi gà, chim bồ câu của gia đình cô Hà Thị Hậu, thôn Đông Sao.

Bạch Đích là 1 trong 4 xã biên giới của huyện Yên Minh. Xã có điều kiện khá thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng như đất và nước. Đây là tiền đề tốt để phát triển sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, Mốc 358 (hay còn gọi là Mốc 9) có chợ biên giới sát với nước bạn Trung Quốc cũng nằm trên địa bàn xã. Những điều kiện đó, cùng chủ trương và nguồn lực dự kiến của tỉnh cân đối từ ngân sách T.Ư sẽ hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn 100 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển (tương đương 10 tỷ đồng/xã) và các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án như Chương trình 30a, 135, nông thôn mới, ngân sách địa phương... để tổ chức lại sản xuất, kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, trụ sở nhà văn hóa, kênh mương nội đồng và hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi... Đó là các điều kiện cần và đủ để Bạch Đích trở thành xã phát triển toàn diện. Vậy nhưng, trong 2 năm (2015, 2016) thực hiện đề án, Bạch Đích chưa đạt được nhiều kết quả như mục tiêu và Kế hoạch đã đặt ra.

Theo Chủ tịch UBND xã Trần Văn Thắng cho biết: “Trong 2 năm 2015 - 2016, xã chỉ được cấp 1,2 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển để thực hiện Đề án. Trong đó, 1 tỷ đồng lồng ghép với các nguồn khác của huyện để xây dựng nhà văn hóa kết hợp hội trường cho cụm 4 thôn khu trung tâm xã; 200 triệu đồng hỗ trợ cho 2 nhóm sở thích chăn nuôi lợn và gà theo hình thức luân chuyển”. Ngoài ra, theo tổng hợp của xã Bạch Đích, trong 2 năm qua, xã được phân bổ các nguồn lồng ghép từ chương trình 30a, 135, Trái phiếu Chính phủ được trên 2,8 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này cùng với sự đối ứng đóng góp ngày công lao động, vật liệu xây dựng của nhân dân, xã Bạch Đích mới bê-tông hóa được 5 tuyến đường bê tông, tu sửa nhà trụ sở làm việc xã và xây dựng 1 hệ thống kênh mương...

Những kết quả đầu tư nêu trên, so với một xã có 19 thôn, bản, 673 hộ dân, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 53% (tính đến 31.12.2016) thì nguồn kinh phí đã đầu tư và các hạng mục công trình được xây dựng từ các nguồn vốn trong 2 năm qua ở Bạch Đích vẫn chưa thể giúp xã trở thành xã phát triển toàn diện. Bởi, nếu theo đúng Kế hoạch thực hiện Đề án xã Bạch Đích đã xây dựng, dựa trên cơ sở 10 tỷ đồng nguồn kinh phí đầu tư phát triển của Đề án mà tỉnh dự kiến phân bổ trong 2 năm 2015 – 2016, xã sẽ cho vay luân chuyển nuôi lợn và gà cho các nhóm sở thích với 141 hộ tham gia thực hiện; hỗ trợ 6 hộ thực hiện mô hình giảm nghèo bằng trồng cây ăn quả; hỗ trợ đầu tư tái thu hồi cho một tổ dịch vụ cung ứng vật tư nông, lâm nghiệp; xây dựng các nhà văn hóa cho các thôn và cụm thôn phục vụ sinh hoạt văn hóa, cộng đồng của 14/19 thôn bản còn thiếu; đổ bê-tông 6 tuyến đường, hoàn thiện hệ thống được liên thôn được cứng hóa của xã; xây mới một tuyến và tu sửa 6 tuyến kênh mương phục vụ tưới cho 82 ha lúa. Ngoài ra, nguồn kinh phí này còn thực hiện xây dựng nhà lớp học cho trường mầm non, nâng cấp, sửa chữa đường nước sinh hoạt của một số thôn và tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức, năng lực quản lý của các Ban quản lý thôn, cán bộ xã... Những kế hoạch thực hiện này được cho là sẽ giúp xã đạt được mục tiêu trở thành xã phát triển toàn diện.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Yên Minh, Phan Thị Minh cho biết: Đề án xây dựng xã Bạch Đích trở thành xã phát triển toàn diện được triển khai thực hiện vào đúng thời kỳ kinh tế khó khăn, thắt chặt đầu tư công, nguồn ngân sách của tỉnh cũng chỉ cấp được rất nhỏ so với dự kiến. Huyện dù gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn bố trí lồng ghép một số nguồn vốn từ các chương trình Quốc gia cho xã thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Nhưng, để xã có thể hoàn thành mục tiêu của Đề án là rất khó khăn. Vì vậy, những năm tới, chúng tôi sẽ lồng ghép các nguồn kinh phí cấp cho xã để thực hiện các nội dung đặt ra trong Kế hoạch thực hiện Đề án mà xã đã xây dựng.

Có thể thấy, ở bất kỳ nơi đâu, muốn có sự phát triển, đều cần nguồn kinh phí đầu tư. Với các xã đặc biệt khó khăn như Bạch Đích lại càng phải đầu tư nhiều hơn. Điều này cũng đã được thể hiện rất rõ trong Đề án của tỉnh đã ban hành khi đã tính toán và dự kiến bố trí lồng ghép các nguồn vốn cho các xã thực hiện lên tới trên 530 tỷ đồng. Tuy nhiên đến thời điểm này, được biết, cũng giống như Bạch Đích, các xã thực hiện Đề án đều chưa thể trở thành một xã phát triển toàn diện như mong đợi. Chắc chắn, để đưa các xã trở thành xã phát triển toàn diện, từ tỉnh đến huyện cần quan tâm bố trí lồng ghép các nguồn vốn mới có thể đạt được mục tiêu mà Đề án đã đặt ra.

Bài, ảnh: Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Các cấp chính quyền đã thực sự"kiến tạo và hành động" vì doanh nghiệp

BHG - Chưa bao giờ giới doanh nhân cảm nhận được vai trò trung tâm phục vụ, cũng chưa bao giờ việc chuyển biến từ chính quyền quản lý sang phục vụ thể hiện rõ như hiện nay. Tinh thần kiến tạo, liêm chính, phục vụ đang lan tỏa mạnh mẽ trong khối hành chính Nhà nước, tiếp thêm động lực để các doanh nhân cống hiến, làm ra nhiều của cải cho xã hội. Những chia sẻ trên của các doanh nhân, chúng tôi ghi nhận được sau gần một năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020.

19/04/2017
Cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ Chương trình xây dựng Nông thôn mới

BHG - Ngày 17.4, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã ban hành Kế hoạch 1356/UBND – CNGTXD về việc giao nhiệm vụ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ Chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

18/04/2017
Hội thảo Thông tin cho doanh nhân về cơ hội đồng tài trợ hợp tác công tư trong lĩnh vực nông nghiệp

BHG - Ngày 17.4, Ban điều phối chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức Hội thảo Thông tin cho doanh nhân về cơ hội đồng tài trợ hợp tác công tư (P-PC) trong lĩnh vực nông nghiệp. Dự hội thảo có lãnh đạo các sở, ngành, Ban điều phối chương trình CPRP của tỉnh; các huyện và nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

18/04/2017
Giá lợn hơi giảm mạnh - bài học nào cho việc mở rộng sản xuất?

BHG - Giá lợn hơi bán tại các địa bàn trong tỉnh hiện nay chỉ còn giao động từ 22.000 – 25.000 đồng/kg. Giá bán lợn hơi "đặc sản" hiện cũng không vượt quá 30.000 đồng/kg. Để tăng trọng được 1 kg lợn hơi, người chăn nuôi phải mất ít nhất là 2,5 kg thức ăn chăn nuôi. Bình quân mỗi kg thức ăn chăn nuôi phải mua ít nhất là 13.000 đồng/kg. Người chăn nuôi lợn đang thua lỗ nặng,  Đã có nhiều hộ lâm vào nợ nần và phải bỏ chuồng...

18/04/2017