Hiệu quả từ mô hình trồng cam Vietgap ở Bắc Quang

21:32, 13/12/2016

BHG - Là huyện vùng thấp của tỉnh, những năm qua, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Bắc Quang đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây cam sành vào trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật, nên năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên, thương hiệu cam sành Hà Giang ngày càng được nhiều người biết đến. Trên cùng một diện tích trồng cam, những hộ biết áp dụng mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap thu nhập đã tăng lên gấp bội, đây chính là động lực để nhiều hộ dân trong huyện tiếp tục nhân rộng mô hình và là hướng đi của bà con trong quá trình vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Hiện nay trên địa bàn huyện Bắc Quang có hơn 4 nghìn ha cam sành, với hơn 2.000 ha cam đang trong thời gian thu hoạch, trong đó có 100 ha cam được chăm sóc theo quy trình Vietgap, tập trung ở các xã Vĩnh Hảo, Tiên Kiều, Việt Hồng, Vĩnh Phúc và Đồng Yên… Sản lượng cam VietGAP của huyện hàng năm đưa ra thị trường đạt trên 1.300 tấn/năm. Huyện đã thành lập được 3 tổ hợp tác tại các xã Vĩnh Hảo, Việt Hồng, Tiêu Kiều và thành lập 1 Hợp tác xã sản xuất cam sành an toàn theo hướng VietGap tại xã Vĩnh Hảo. Các tổ hợp tác này hoạt động tương đối có hiệu quả trong việc giám sát, hướng dẫn các tổ viên chăm sóc cây cam theo quy trình kỹ thuật, theo đúng tiêu chuẩn VietGAP như cắt tỉa cành, tạo tán, chăm sóc bón phân, phòng trừ sâu bệnh.

Bác Phạm Quang Lân chia sẻ kinh nghiệm
Bác Phạm Quang Lân chia sẻ kinh nghiệm cách trồng cam theo tiêu chuẩn Vietgap.

Theo chân cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Bắc Quang và cán bộ xã Vĩnh Hảo, chúng tôi đến thôn Vĩnh Chính, xã Vĩnh Hảo, đây là thôn trồng nhiều cam nhất trong xã. Được biết, toàn thôn có 42 hộ dân sinh sống thì có 40 hộ trồng cam, hộ trồng ít nhất trên 1ha và nhiều nhất là 17ha cam. Hàng năm nhiều hộ có thu nhập từ 700 triệu lên đến 3,5 tỷ đồng/năm nhờ trồng cam.

Đến thăm vườn cam đang chờ ngày thu hoạch của gia đình anh Ngô Anh Tuấn, đây là vườn cam đã 2 năm liền 2014, 2015 đạt giải Nhất tại Hội thi cam sành do UBND huyện Bắc Quang tổ chức. Anh Tuấn phấn khởi chia sẻ với chúng tôi: Gia đình anh có 13 ha, bao gồm các loại cây như cam sành, cam chanh, quýt vỏ giòn, trong đó chủ yếu là cam sành. Tham gia tổ sản xuất theo quy trình Vietgap, gia đình anh được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, kiểm tra thường xuyên quy trình trồng và chăm sóc. Cây cam được chăm sóc đúng kỹ thuật nên khi thu hoạch quả đều, vỏ mỏng, ruột màu vàng sậm, vị ngon và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Gia đình anh Tuấn thuê 6 nhân công, hàng năm trừ chi phí gia đình anh thu về từ nghề trồng cam trên 2 tỷ đồng.

Gia đình bác Phạm Quang Lân, Chủ tịch Hội cam sành Hà Giang và là Tổ trưởng tổ sản xuất cam Vietgap thôn Vĩnh Chính trồng 1,5 ha với 7 loại cây có múi, gồm cam sành, cam chanh, cam V2, cam Úc, quýt, bưởi da xanh, bưởi diễn… Chia sẻ kinh nghiệm làm vườn, bác Lân cho biết: Để trồng được quả cam ngon, đáp ứng tiêu chuẩn cam VietGap, đòi hỏi người trồng cam phải dồn bao công sức và tâm huyết. Nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật hiệu quả rất lớn, năng suất sản lượng tăng, chất lượng quả đều, năm nào cũng như năm nào, cam ngọt đậm hơn, giá thành cao hơn. Không chỉ là tấm gương đi đầu trong phát triển kinh tế, bác Lân còn thường xuyên chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật trồng cam cho các hộ gia đình khác trên địa bàn thôn, xã để bà con sớm tiếp cận với mô hình sản xuất cam VietGap. Trải qua nhiều năm gắn bó, cây cam sành đã giúp gia đình bác ngày càng đổi thay, cuộc sống đã no ấm, đủ đầy hơn.

Anh Ngô Anh Tuấn chăm sóc vườn cam của gia đình.
Anh Ngô Anh Tuấn chăm sóc vườn cam của gia đình.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lã Hồng Việt,  Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã Vĩnh Hảo có hơn 800 ha cam, trong đó có hơn 200ha được trồng theo tiêu chuẩn Vietgap. Mặc dù bước đầu thực hiện người dân gặp không ít khó khăn do phải thay đổi cả một thói quên canh tác song với sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn bản tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện, mô hình đã cho thấy hiệu quả và đang được mở rộng.

Đánh giá về những kết quả thực hiện mô hình tổ sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng chí Nguyễn Hồng Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang cho biết: Huyện Bắc Quang xác định cây cam là cây thế mạnh của huyện, những năm qua thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, diện tích cam sành của huyện tăng trưởng mạnh. Mô hình trồng cam theo quy trình Vietgap đang được bà con nhân dân trên địa bàn huyện Bắc Quang đồng tình ủng hộ; công tác triển khai, tổ chức được thực hiện theo đúng tiến độ và cho thấy kết quả thực tế tại địa phương; sản phẩm cam có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá thành ổn định và dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường.

Mùa cam 2016 đang đến rất gần, một tin vui đến với những hộ trồng cam VietGap là vào giữa tháng 12 này, Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và công nghệ) sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Sành Hà Giang. Có được Chứng nhận chỉ dẫn địa lý cam Sành Hà Giang, sẽ tạo tiền đề để sản phẩm cam sành Hà Giang tăng sức cạnh tranh trên thị trường, là một trong những điều kiện để cam sành Hà Giang vươn xa tới người tiêu dùng trong và ngoài nước nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập vào Cộng đồng kinh tế ASEAN.

ĐỨC DŨNG - THANH THỦY


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nghị quyết 209 - công cụ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp

BHG- Đó là phát biểu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến trong nhiều buổi làm việc với các ngành và các địa phương về tiến độ thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong thời gian qua. Kết quả sau một năm triển khai chính sách này càng khẳng định: Nghị quyết 209 đang trở thành công cụ hữu hiệu góp phần đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp ở các địa phương.

13/12/2016
Công ty Điện lực Hà Giang tri ân khách hàng năm 2016 tại Vị Xuyên

BHG - Ngày 12.12 Công ty Điện lực Hà Giang phối hợp với Điện lực huyện Vị Xuyên tổ chức Hội nghị tri ân khách hàng năm 2016 tại huyện Vị Xuyên. Đây là hoạt động nằm trong tháng tri ân khách hàng do Tổng công ty Điện lực miền Bắc phát động. Tới dự có lãnh đạo huyện và gần 100 khách hàng trên địa bàn thị trấn Vị Xuyên.

13/12/2016
Hình thành thói quen tiết kiệm cho người nghèo ở Mèo Vạc

BHG- Đối với huyện nghèo như Mèo Vạc, tỷ lệ hộ nghèo còn cao thì việc tạo cho người dân có ý thức và thói quen tiết kiệm để đề phòng rủi ro là việc làm cần thiết. Thời gian qua, Ngân hàng CSXH huyện Mèo Vạc đã triển khai chương trình tiết kiệm qua Tổ TK&VV; huy động tiết kiệm qua các tổ chức kinh tế và dân cư tại điểm giao dịch xã. Qua đó, góp phần hình thành nên thói quen tiết kiệm cho người dân nghèo. 

13/12/2016
Quản Bạ đưa Chỉ thị 40 CT/TW vào cuộc sống

BHG- Là một trong những huyện nghèo của cả nước, cuộc sống của người dân nơi đây quanh năm dựa vào nông nghiệp; đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn. Song những năm qua, nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa; Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo như: Chương trình 135, 30a,... nhằm giúp nâng cao cuộc sống của người dân vùng đặc biệt khó khăn.

13/12/2016