Doanh nghiệp Hà Giang trong "sân chơi" ASEAN

10:43, 29/10/2016

BHG - Quan tâm, sốt sắng, tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết, triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng để sản phẩm xâm nhập thị trường ASEAN và cạnh tranh bình đẳng với hàng hoá từ các nước trong khối tràn vào “sân nhà”; chưa thực sự quan tâm, cho rằng cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) không tác động nhiều đến hoạt động của mình... Đây là 2 trạng thái đối lập, song song tồn tại khi doanh nghiệp tỉnh ta tiếp cận các thông tin liên quan đến cộng đồng AEC.

Chủ động tiếp cận “sân chơi”

Năm 2008, HTX Chế biến chè Phìn Hồ (Thông Nguyên - Hoàng Su Phì) thành lập với 42 thành viên gồm những người dân sở hữu vườn chè cổ thụ tại thôn Phìn Hồ... Tham gia sản xuất theo mô hình HTX, các thành viên cam kết và thực hiện nghiêm yêu cầu thu hái chè sạch, đúng quy cách, nhằm duy trì chất lượng sản phẩm Fìn Hò trà. Ngày đầu thành lập, cơ sở vật chất khó khăn, sản phẩm chưa đa dạng, chưa có sự khác biệt với nhiều dòng chè xanh đang chiếm lĩnh thị trường nên giá trị không cao. Nhưng qua 6 năm thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu, danh trà Fìn Hò với 10 sản phẩm chủ đạo đã tạo được tiếng vang, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước. Nguồn nguyên liệu chế biến, tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Fìn Hò trà thượng hạng, được thu hái từ những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, sống ở độ cao 1.300m so với mực nước biển, quanh năm mây phủ đã tạo nên hương thơm, vị đượm, đậm chất núi rừng, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Năm 2015, Fìn Hò trà - hữu cơ được tôn vinh một trong 153 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, được chứng nhận theo tiêu chuẩn liên minh Châu  Âu. 

Đóng gói sản phẩm tại HTX chế biến chè Phìn Hồ.
Đóng gói sản phẩm tại HTX chế biến chè Phìn Hồ.

Tuy “sinh sau, nở muộn”, nhưng các dòng sản phẩm như trà Mạn Hảo, Mật Hồng trà, Hồng trà, Pái Hảo, chè Chốt công phu, trà Móc câu... được chế biến từ những búp chè thượng hạng vùng Thượng Sơn (Vị Xuyên) của Công ty Cổ phần trà Bách Shan cũng được người tiêu dùng đánh giá cao. Tiếp cận vùng chè Thượng Sơn năm 2012, Công ty Cổ phần trà Bách Shan xác định chiến lược kinh doanh không chạy theo số lượng, tập trung nghiên cứu, đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại nhằm sản xuất ra những sản phẩm có giá trị cao, hướng đến phân khúc thị trường VIP và xuất khẩu. Vừa làm, vừa học hỏi, những người lao động của Công ty đã tạo ra nhiều dòng chè thượng hạng.

 Mặc dù được người sành chè đánh giá cao, nhưng “sinh sau, nở muộn”, lại không nhiều kinh phí tổ chức các chiến dịch quảng bá rầm rộ, việc đưa trà đến với người tiêu dùng luôn là bài toán khó. Trước thực trạng đó, Công ty Cổ phần trà Bách Shan chọn hướng đưa sản phẩm vào thị trường bằng cách mở các Hiên trà ở những trung tâm kinh tế của cả nước nhằm giới thiệu, phân phối sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Ở các Hiên trà, khách hàng được thưởng thức hương vị tuyệt hảo của chè Thượng Sơn, được góp ý trực tiếp về chất lượng sản phẩm và nó đã, đang trở thành nơi giao lưu của người yêu mến chè Shan tuyết Hà Giang.

Trao đổi với chúng tôi, các ông chủ của những thương hiệu trà nổi tiếng như Fìn Hò, Bách Shan, Hùng Cường, Thành Sơn... đều rất lạc quan khi AEC được hình thành. AEC đang mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đưa sản phẩm vào thị trường nội khối, đồng thời cũng chú trọng hơn mảng thị trường nội địa, từ đó chủ động cạnh tranh lành mạnh với các dòng sản phẩm tràn vào. Ông Triệu Văn Mềnh, Phó Giám đốc HTX chế biến chè Phìn Hồ cho biết: HTX đang liên kết chặt chẽ với các hộ nông dân, quản lý, bao tiêu sản phẩm với vùng chè lên tới 500 ha, trong đó có trên 170 ha chè cổ thụ, trên 160 ha chè hữu cơ đã được ngành chức năng cấp chứng nhận. Sản phẩm của HTX đã có mặt ở thị trường một số nước trong và ngoài khu vực Đông Nam Á nhưng chưa xuất trực tiếp, mới chỉ bán thô qua kênh phân phối nên thương hiệu Fìn Hò trà chưa được thế giới biết đến. Chính vì vậy, chúng tôi coi AEC là một cơ hội rất lớn đưa để sản phẩm tiếp cận với thị trường các nước trong khu vực, đồng thời cũng tiếp tục đầu tư chiều sâu, chú trọng chất lượng sản phẩm sạch, an toàn, cạnh tranh bình đẳng trên thị trường trong nước.

Không thể thụ động...

Cộng động AEC - khối kinh tế khu vực của 10 quốc gia ASEAN chính thức được thành lập vào ngày 31.12.2015. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp đã, đang có bước đi vững chắc, chuẩn bị kỹ cho quá trình hội nhập “sân chơi” lớn thì vẫn có doanh nhân dường như đứng ngoài cuộc, thể hiện thái độ thờ ơ và cho rằng AEC không tác động gì đến họ. Chính vì tiếp cận thông tin với thái độ người ngoài cuộc nên nhiều doanh nhân chưa nhận thức được cộng đồng AEC hình thành, thị trường Việt Nam mở rộng ở 10 nước trong khu vực, thuế xuất khẩu, nhập khẩu được rút dần xuống 0%, doanh nghiệp sản xuất bị cạnh tranh rất mạnh. Thị trường dịch vụ được mở rộng, bản thân doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi nhận thức, nâng cao chuyên môn và chất lượng dịch vụ mới đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp các nước AEC. Nước ta chính thức hội nhập AEC, nguồn vốn của doanh nghiệp trong khối sẽ được đẩy mạnh đầu tư vào doanh nghiệp Việt.

Nhận thức hạn chế trên của một số doanh nhân cũng xuất phát từ thực tế, bởi trong số hơn nghìn doanh nghiệp của tỉnh đang hoạt động theo Luật, thì có tới trên 600 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng cơ bản, chiếm trên 50%; trên 320 doanh nghiệp dịch vụ, chiếm khoảng 30%; 265 doanh nghiệp nông - lâm - thuỷ sản và các lĩnh vực khác, chiếm gần 23%. Trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, rất nhiều doanh nhân đang thoi thóp, không có doanh thu, không hoạt động tại trụ sở đăng ký; một số xin giải thể nhưng không đủ điều kiện do nợ thuế, nợ tổ chức tín dụng.

AEC hình thành, các biện pháp chính ASEAN thực hiện để xây dựng một thị trường thống nhất gồm hài hòa hóa các tiêu chuẩn sản phẩm và quy chế, giải quyết nhanh chóng hơn các thủ tục hải quan và thương mại, hoàn chỉnh các quy tắc về xuất xứ. Các biện pháp xây dựng một cơ sở sản xuất ASEAN thống nhất gồm củng cố mạng lưới sản xuất khu vực thông qua nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, viễn thông và phát triển các kỹ năng thích hợp. Các biện pháp nói trên đều đã, đang được các nước thành viên ASEAN triển khai trong khuôn khổ thỏa thuận và hiệp định của ASEAN.

Còn nhớ, khi trả lời phỏng vấn Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định, doanh nghiệp Việt quá thờ ơ với sự kiện nền kinh tế nước ta hội nhập Cộng đồng ASEAN. Bà còn cho rằng, nếu không thay đổi, sức ép cạnh tranh từ phía các nước sẽ giết chết doanh nghiệp Việt Nam. Và việc nắm bắt tình hình kinh tế, đưa ra chiến lược cụ thể, nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, đầu tư nguồn lực con người, ứng dụng khoa học kỹ thuật là những điều cần thiết phải làm; lãnh đạo doanh nghiệp phải nâng cao khả năng quản trị, nắm bắt tình hình biến động nhanh chóng. Nhằm chủ động hội nhập “sân chơi” lớn trong cộng đồng AEC, đòi hỏi doanh nghiệp Việt nói chung, doanh nhân Hà Giang nói riêng phải biết nắm bắt thời cơ, tự thay đổi diện mạo chứ không thể ngồi đợi cơ hội đến.

THIÊN THANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khi cử nhân... về làng

BHG - Tốt nghiệp các trường đại học với những tấm bằng loại khá, giỏi; nhiều cử nhân có cơ hội để làm việc tại các thành phố lớn, nhưng cũng có không ít bạn trẻ nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc quyết định trở về khởi nghiệp trên chính quê hương mình, quyết tâm bắt vùng đất khó "nhả ngọc" với nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần vào sự phát triển kinh tế địa phương.

29/10/2016
UBND tỉnh làm việc với các doanh nghiệp, Hợp tác xã trồng rừng

BHG - Chiều 27.10, UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc với các doanh nghiệp, Hơp tác xã (HTX) trồng rừng đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) trên địa bàn tỉnh nhằm đưa ra giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng. 

28/10/2016
Trao giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2016

BHG - Ngày 28.10, Sở Công thương đã tổ chức Lễ trao giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2016. Đến dự và trao giải có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở công thương cùng đại diện các tổ chức, cá nhân có sản phẩm đạt giải... 

28/10/2016
Giải pháp phát triển đậu tương hàng hóa ở huyện Hoàng Su Phì

BHG - Là một trong những vùng có diện tích trồng đậu tương lớn nhất của tỉnh. Những năm qua, cây đậu tương luôn được coi là một trong những cây trồng mang tính chiến lược góp phần xóa đói, giảm nghèo của huyện Hoàng Su Phì. 

28/10/2016