UBND tỉnh làm việc với các doanh nghiệp, Hợp tác xã trồng rừng

09:56, 28/10/2016

BHG - Chiều 27.10, UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc với các doanh nghiệp, Hơp tác xã (HTX) trồng rừng đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) trên địa bàn tỉnh nhằm đưa ra giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng. Dự và chỉ đạo buổi làm việc có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có lãnh đạo một số Sở, ngành của tỉnh và đại diện các doanh nghiệp, HTX trồng rừng.

Từ năm 2007 đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh có 17 doanh nghiệp, HTX được UBND tỉnh cấp GCNĐT cho 21 dự án thực hiện trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng với tổng vốn đăng ký đầu tư là 6.724,63 tỷ đồng. Nhìn chung, các dự án đầu tư trồng rừng đã mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường; phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước nhằm nâng cao mức sống cho nhân dân trong vùng dự án, tăng thu nhập cho doanh nghiệp, HTX. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số doanh nghiệp, HTX được cấp GCNĐT trồng rừng chưa đạt được tiến độ như cam kết, thậm chí một số dự án chưa triển khai thực hiện và bị kiến nghị thu hồi. Trong đó: Có 1 dự án đã thu hồi GCNĐT; 12 dự án đã triển khai thực hiện nhưng diện tích chưa đảm bảo như đã đăng ký tại GCNĐT; 7 dự án chưa triển khai thực hiện và không liên lạc được; 1 dự án dừng hoạt động.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến kết luận buổi làm việc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến kết luận buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp, HTX và lãnh đạo các Sở, ngành của tỉnh, các huyện thành phố đã thẳng thắn trao đổi, nêu ra những vấn đề bất cập liên quan đến các chính sách ưu đãi đặc thù cho công tác trồng rừng, chính sách thuế, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng, giải pháp tháo gỡ đối với những diện tích đất cấp chồng chéo, chuyển đổi một diện tích đất trồng rừng sang trồng dược liệu và các cây trồng khác cũng như hỗ trợ mở đường giao thông đến những nơi trồng rừng… Qua đó, đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện trồng rừng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn ghi nhận và chia sẻ những khó khăn với các doanh nghiệp, HTX đã mạnh dạn đầu tư vào trồng rừng nhằm xóa đói giảm nghèo tại địa phương, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng... Tuy nhiên, sau 8 năm triển khai thực hiện giao đất, cấp GCNĐT trồng rừng, nhiều doanh nghiệp, HTX vẫn không thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, để tháo gỡ những khó khăn trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành liên quan của tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố rà soát, thống kê lại toàn bộ diện tích đất đã cấp cho các doanh nghiệp, HTX; nếu đơn vị nào xin trả lại đất thì nên cấp đất lại cho địa phương quản lý; nghiên cứu xây dựng đề án về cơ chế chính sách riêng đối với việc trồng rừng trên địa bàn tỉnh; cần sớm làm rõ, giải quyết dứt điểm việc cấp đất chồng lấn giữa doanh nghiệp với các hộ dân; tiếp tục nâng cao công tác phối hợp giữa các ngành, các địa phương với các đơn vị đầu tư trồng rừng. Đối với các đơn vị đầu tư trồng rừng cần chủ động xây dựng vườn ươm nhằm đảm bảo chất lượng cây giống và thực hiện trồng rừng theo đúng cam kết…

 Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh: Quan điểm của tỉnh luôn xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng và có những chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng. Về nguyên nhân dẫn đến kết quả trồng rừng chưa đạt hiệu quả cao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ rõ: Công tác quản lý Nhà nước, sự quan tâm vào cuộc của các Sở, ngành của tỉnh và các huyện, thành phố đến lĩnh vực này còn thiếu và yếu; quá trình triển khai thực hiện thiếu kiểm tra, đôn đốc; chưa làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với tỉnh liên quan đến các chính sách ưu đãi, thủ tục hành chính, tiếp cận nguồn vốn vay nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các đơn vị trồng rừng; công tác thẩm định, thẩm tra năng lực, khả năng tài chính của các doanh nghiệp còn chưa kỹ; công tác phối hợp giữa các ngành, các địa phương với đơn vị trồng rừng còn lỏng lẻo… Cùng với đó, các đơn vị trồng rừng thiếu tiếp cận, đề xuất, kiến nghị với tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao cho các Sở, ngành liên quan của tỉnh tổ chức đoàn thanh tra đối với việc triển khai thực hiện các dự án, qua đó đề xuất các biện pháp giải quyết cụ thể cho UBND tỉnh trong quý I năm 2017. Đối với các huyện, thành phố cần rà soát lại các dự án có trên địa bàn, trực tiếp chỉ đạo cho cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp, HTX trồng rừng và sâu sát trong quản lý; rà soát, xử lý dứt điểm tình trạng tranh chấp, vướng mắc giữa  doanh nghiệp với người dân; tạo điều kiện hết mức để các doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án cũng như tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng. Đối với các Sở, ngành liên quan của tỉnh cần sớm hoàn tất các chính sách hỗ trợ phát triển trồng rừng sản xuất, rừng kinh tế trên địa bàn tỉnh; hoàn chỉnh việc rà soát thiệt hại do giá rét của các năm cho doanh nghiệp, HTX báo cáo UBND tỉnh trước 15.11; thông báo cho các HTX về giống cây trồng rừng kinh tế theo từng huyện; hướng dẫn thủ tục, trình tự để các doanh nghiệp chuyển đổi từ trồng rừng sang trồng dược liệu và các cây trồng khác… Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn, các doanh nghiệp, HTX đã được cấp GCNĐT cần thực hiện trồng rừng theo đúng với cam kết; chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu chuẩn bị cây giống đến công tác trồng và chăm sóc cây trồng.

Tin, ảnh: TIẾN LÂM


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cam Sành Hà Giang

BHG- Sản xuất Cam sành Hà Giang (CSHG) đã giúp nhiều nhà vườn tại các vùng trọng điểm cam của tỉnh như: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên trở thành triệu phú, tỷ phú từ nguồn thu nhập này. Song, để mối liên kết giữa sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm CSHG trở nên bền vững không thể thiếu công tác tìm kiếm thị trường, xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm...

27/10/2016
Hiệu quả trong liên kết sản xuất, tiêu thụ mía đường trên địa bàn huyện Quang Bình

BHG- Năm 2011, trước chủ trương mở rộng quy mô sản xuất của Công ty Cổ phần Mía đường (CTCPMĐ) Sơn Dương; để đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu phục vụ cho Nhà máy Đường mới được xây dựng tại xã Bình Xa, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), CTCPMĐ Sơn Dương đã tiến hành khảo sát xây dựng vùng nguyên liệu mía tại một số xã, huyện và tỉnh lân cận nhà máy; trong đó có huyện Quang Bình.

27/10/2016
Cần có thêm cơ chế chính sách hỗ trợ để tiếp tục triển khai Đề án phát triển ngựa bạch hàng hóa ở Mèo Vạc

BHG- Cách đây 4 năm, Mèo Vạc triển khai thực hiện Đề án "Phát triển ngựa bạch hàng hóa, giai đoạn 2012 – 2015", hứa hẹn mang đến sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, đã 4 năm trôi qua, số lượng đàn ngựa bạch tăng được chỉ... "đếm trên đầu ngón tay". Việc tạo ra sản phẩm ngựa bạch hàng hóa đến nay vẫn là "bài toán" mà huyện nghèo đang loay hoay tìm lời giải. 

27/10/2016
Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp: Ý nghĩa, mục tiêu hướng tới

BHG- Là tỉnh biên giới miền núi, trên 90% dân số là người dân tộc thiểu số, sống bằng nông nghiệp. Nhưng điều kiện tự nhiên, địa hình chia cắt, khí hậu, thổ nhưỡng khắc nghiệt, khiến sản xuất nông nghiệp tỉnh ta luôn gặp khó khăn. Giá trị canh tác trên một diện tích đất thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao.

27/10/2016