150 hộ dân tái định cư ở Minh Ngọc... gần 10 năm chưa ổn định cuộc sống

08:28, 18/11/2015

BHG - Kể từ khi Nhà máy thủy điện Na Hang (Tuyên Quang) tiến hành xây dựng đến nay đã gần 10 năm, đó cũng là quãng thời gian người dân thuộc diện tái định cư ở xã Minh Ngọc (Bắc Mê) vất vả bám trụ, ổn định cuộc sống. Tưởng rằng về nơi ở mới cuộc sống ổn định hơn, nhưng trên thực tế họ vẫn chưa thể... định cư khi còn nhiều thiếu thốn và những nỗi băn khoăn, trăn trở.

Không đủ đất sản xuất – khó ổn định cuộc sống:

Nhà máy Thủy điện Na Hang được khởi công xây dựng năm 2005, để nhường chỗ cho lưu vực lòng hồ chứa nước của thủy điện, hàng nghìn hộ dân dọc lưu vực sông Gâm phải di dời về nơi ở mới; trong đó, 150 hộ dân thôn Kim Thạch, xã Minh Ngọc phải chuyển đến khu tái định cư. Thực tế thống kê, phê duyệt di dời số hộ dân xã Minh Ngọc chịu ảnh hưởng của vùng lòng hồ là trên 300 hộ. Tuy nhiên, chỉ có các hộ dân thôn Kim Thạch phải di dời, tái định cư xen ghép trong các thôn khác. Còn lại các hộ có diện tích đất sản xuất chịu ảnh hưởng hoặc được khảo sát, đánh giá sẽ chịu ảnh hưởng thì chỉ... di dời tại chỗ.

Anh Nông Văn Phú, thôn Nà Sài chỉ cho phóng viên Bìa đỏ diện tích đất chưa một lần sử dụng.
Anh Nông Văn Phú, thôn Nà Sài chỉ cho phóng viên Bìa đỏ diện tích đất chưa một lần sử dụng.

Theo chính sách được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 08 ngày 12.1.2007, tất cả các hộ dân tái định cư tập trung được hưởng chính sách làm nhà kiên cố, kéo điện, cấp nước sạch, kinh phí tạo nghề... Ngoài ra, nếu di dời tập trung và không nhận tiền đền bù với những diện tích đất nằm trong vùng ngập nước lòng hồ sẽ được cấp cho mỗi khẩu từ 400 – 500m2 đất lúa 2 vụ hoặc 700 - 800m2 đất lúa và màu để sản xuất. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều gia đình ở thôn Kim Thạch phải di dân tái định cư; đến nay, họ vẫn chưa được cấp đủ diện tích đất khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn, chưa thể ổn định.

Trong số này phải kể đến hộ anh Nông Văn Phú, hiện ở thôn Nà Sài. Gia đình anh Phú có 3 khẩu, di dân về thôn Nà Sài từ năm 2006. Đáng lẽ gia đình anh được cấp trên 1.000m2 đất sản xuất, thế nhưng gần 10 năm nay, gia đình anh chỉ biết được cấp 500m2 để cấy lúa. Vì vậy, từ khi về nơi ở mới đến nay, gia đình anh nghèo vẫn hoàn nghèo. Anh Phú bày tỏ: “Di dân về đây đúng là có nhiều điều kiện tốt hơn, nhưng bây giờ nhà có tới 5 miệng ăn, chỉ có 500m2 đất trồng lúa nên không đủ thóc ăn trong năm. Không biết bao giờ mới hết nghèo”.

Tìm hiểu thêm về hoàn cảnh của anh Phú, thực tế gia đình anh có tới 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Bìa đỏ), ngoài Bìa đỏ đất nhà ở, gia đình anh còn 1 Bìa đỏ đất trồng lúa và 1 Bìa đỏ đất trồng màu, với diện tích lần lượt là trên 600m2 và 900m2. Nếu căn cứ vào những Bìa đỏ này thì gia đình anh được cấp đủ đất theo quy định. Thế nhưng, khi hỏi anh Phú có biết các thửa đất này nằm ở đâu và có được sử dụng hay không? Anh Phú khẳng định chỉ có một thửa 500m2 được đo và cấp từ những ngày đầu tiên chuyển về và đang sử dụng, còn chỗ khác không hề biết. Khẳng định này cũng được chính Bí thư Chi bộ thôn Nà Sài, Lã Văn Đồng xác nhận.

Ngoài gia đình anh Phú, gia đình anh Lã Văn Hính, thôn Nà Cau khi di dân tái định cư nhà có 7 khẩu nhưng được cấp 1.000m2 đất lúa, 1.700m2 đất màu. Số diện tích này so với quy định là chưa đủ; gia đình anh Lục Xuân Hồng (thôn Nà Lá), khi di dân có 6 khẩu nhưng cũng chỉ được cấp hơn 1.000m2 đất lúa 2 vụ... Theo như anh Hoàng Xuân Nhình, thôn Nà Cau cho biết: Vì trước là người cùng một thôn đi tái định cư lên đây nên tôi biết còn nhiều hộ ở các thôn Nà Lá, Nà Sài chưa được cấp đủ số đất theo quy định như hộ anh Vi Văn Tinh, Nông Văn Thắng, Nông Văn Quyết... Các hộ nhiều lần thắc mắc và bức xúc nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Nguyên nhân từ đâu?

Trước những bức xúc của người dân, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê, Triệu Trung Hiệp, được biết: Một phần nguyên nhân người dân bị thiếu đất là do khi mới chuyển về nơi ở mới, các ngành liên quan (khi đó là Ban quản lý dự án tái định cư, Phòng Tài nguyên và môi trường chịu trách nhiệm thực hiện) có cấp đất, chỉ thửa đất, thông báo diện tích cho người dân nhưng họ không chịu nhận vì lý do đất được cấp xấu, canh tác không mang lại hiệu quả. Qua một thời gian, một số hộ không canh tác, Bìa đỏ phải đổi lại nhưng đến nay chưa xong, vì vậy họ cũng không nhớ đất của mình ở đâu!

Giống như nhiều gia đình khác, phần trần nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Nhương, thôn Nà Sài bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng chỉ sau hơn một năm về ở cho đến nay.
Giống như nhiều gia đình khác, phần trần nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Nhương, thôn Nà Sài bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng chỉ sau hơn một năm về ở cho đến nay.

Tuy nhiên, đó chỉ là một nguyên nhân của tình trạng này. Theo tìm hiểu, khi thực hiện Dự án di dân tái định cư, Ban quản lý dự án đã thu hồi đất của những hộ dân bản địa để cấp đủ diện tích đất cho các hộ dân thôn Kim Thạch về tái định cư. Tiền đền bù các hộ đã nhận, thế nhưng không chịu giao đất cho các hộ dân được cấp. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, ngành liên quan nhưng chưa được giải quyết triệt để, đẫn đến xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn nhiều năm. Và người dân tái định cư vẫn không có đất để sản xuất.

Thêm nữa, công tác quy hoạch, đo đạc, lập bản đồ, cấp Bìa đỏ cho người dân của các công ty đo đạc, các ngành liên quan của huyện còn thiếu trách nhiệm. Theo phản ánh, khi được giao Bìa đỏ người dân hoàn toàn chỉ được chỉ qua loa trên bản vẽ quy hoạch, họ không biết thửa đất đó ở đâu và đến nay cũng chưa bao giờ được sử dụng. Tuy nhiên, cũng phải chỉ rõ, trình độ nhận thức của người dân còn thấp. Bị cấp thiếu, cấp sai nhưng cũng không biết, không kiến nghị đến đúng cơ quan chức năng để giải quyết, khiến chính họ chịu thiệt thòi.

Cần giải quyết triệt để:

Trong buổi trao đổi với chúng tôi, nhiều hộ dân thuộc diện tái định cư ở xã Minh Ngọc trăn trở: Làm sao để đời sống được ổn định? Anh Lã Anh Xuân, Phó Trưởng thôn Nà Cau, một trong những hộ di dân tái định cư cho biết: “Thực tế người dân tái định cư chúng tôi chuyển về nơi ở mới có điều kiện sống, con em đi học, dịch vụ y tế tốt hơn trước đây. Nhưng đến nay, còn nhiều hộ cùng thôn Kim Thạch trước đây, khi chuyển đến nơi ở mới không được cấp đủ đất sản xuất theo quy định. Các hộ dân tái định cư, từ tập trung đến tự do đều chưa được quan tâm, hỗ trợ nhiều trong phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống. Nhìn những ngôi nhà kiên cố bám mặt đường thế thôi, nhưng bên trong không có đến một vật dụng đáng giá. Trần nhà, mái nhà và các hạng mục khác đều xuống cấp trầm trọng...”. Trước thực tế đó, các hộ dân tái định cư ở Minh Ngọc mong muốn: Các cấp sớm vào cuộc kiểm tra, rà soát lại để cấp đủ đất cho các hộ dân bị cấp thiếu. Xây dựng cơ chế hỗ trợ về cây, con giống, vay vốn ưu đãi cho các hộ dân tái định cư để họ có động lực phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống...

Liệu rằng trong thời gian tới, người dân tái định cư ở Minh Ngọc có thể ổn định cuộc sống? Không phải tranh chấp, kiến nghị về những vấn đề đáng lẽ phải được giải quyết từ gần 10 năm trước. Rất mong các cơ quan liên quan sớm có giải pháp giải quyết triệt để giúp người dân nơi đây yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: H. Đăng – Tr. Nhân


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hiệu quả bước đầu từ Đề án Hội đồng quản lý và phát triển thôn

BHG - Thôn Chang, xã Việt Lâm được Thường trực Huyện ủy Vị Xuyên quyết định chọn làm thôn điểm thực hiện Đề án Hội đồng quản lý và phát triển thôn (HĐQL&PTT). Sau hơn một năm hoạt động, Đề án đã mang lại những kết quả quan trọng có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội của thôn. Bộ máy hành chính của thôn được rút gọn, hoạt động hiệu quả; các hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, kinh doanh, dịch vụ, văn hóa-xã hội... đều có sự tăng trưởng mạnh.

18/11/2015
Tăng cường xử lý các hành vi khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn

BHG - Ngày 12.11.2015, UBND tỉnh đã có Công văn số 3824/UBND – CNGTXD, về việc tăng cường xử lý các hành vi khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Công văn yêu cầu các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát, sỏi, đá vôi trái phép trên địa bàn toàn tỉnh. Sau đây Báo Hà Giang đăng toàn văn Công văn này.

17/11/2015
Phát triển sản xuất lạc hàng hóa tập trung ở Bắc Quang

BHG- Năm 2012, huyện Bắc Quang triển khai thực hiện Đề án "Phát triển sản xuất lạc hàng hóa tập trung, giai đoạn 2012-2015". Sau 4 năm thực hiện Đề án, cây lạc đã trở thành một trong những cây trồng thế mạnh, chứng minh tính hiệu quả cao về mặt kinh tế đối với người sản xuất trên địa bàn huyện Bắc Quang.

17/11/2015
Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước năm 2015

BHG- Chiều 13.11, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (ĐM&PTDN) trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) Nhà nước 10 tháng đầu năm 2015; triển khai nhiệm vụ 2 tháng cuối năm. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh – Trưởng ban Chỉ đạo ĐM&PTDN chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Hà Giang, dự hội nghị có các thành viên Ban chỉ đạo ĐM&PTDN.

16/11/2015