Từng bước thăng hạng chỉ số PAR Index

10:53, 22/09/2023

BHG - Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) – PAR Index năm 2022 của tỉnh ta giảm cả về điểm số và thứ hạng, xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố. Trong tổng số 8 lĩnh vực đánh giá chỉ số PAR Index thì có đến 5 lĩnh vực giảm điểm; 3 lĩnh vực tăng điểm nhưng vẫn xếp hạng thấp so với các tỉnh, thành phố. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc cải thiện, từng bước thăng hạng bền vững chỉ số PAR Index năm 2023 và những năm tiếp theo.

Nhận diện nguyên nhân

Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Chỉ số PAR Index là công cụ để theo dõi, đánh giá kết quả CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, do Bộ Nội vụ thực hiện từ năm 2011 đến nay. Bộ tiêu chí xác định chỉ số PAR Index cấp tỉnh được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá với 37 tiêu chí, 88 tiêu chí thành phần. Kết quả công bố chỉ số PAR Index năm 2022 cho thấy: Tỉnh ta đạt 84,41%, thuộc nhóm B, xếp hạng thứ 40/63 tỉnh, thành phố, giảm 2,36 điểm và 12 bậc so với năm 2021. Trong tổng số 8 lĩnh vực đánh giá chỉ số PAR Index thì 3 nội dung được cải thiện và tăng hạng so với năm 2021 gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC (tăng 3 bậc, xếp thứ 41/63); cải cách tổ chức bộ máy hành chính (tăng 19 bậc, xếp thứ 39/63); xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số (tăng 19 bậc, xếp thứ 23/63).

Tuy nhiên, 5 lĩnh vực còn lại cấu thành chỉ số PAR Index đều giảm điểm và thứ hạng. Trong đó, “Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển KT-XH của tỉnh” là lĩnh vực giảm điểm sâu nhất, tới 34 bậc, xếp thứ 53/63. Qua phân tích 5 tiêu chí của lĩnh vực này cho thấy: Năm 2022, mặc dù số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 399 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký đầu tư 1.532 tỷ đồng, tăng 93 doanh nghiệp so với năm 2021 nhưng số vốn đăng ký đầu tư lại giảm gần 570 tỷ đồng nên tiêu chí mức độ phát triển doanh nghiệp của tỉnh ta chỉ đạt 1,5/2 điểm. Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước (NSNN) của tỉnh chưa cao, thuộc nhóm IV (nhóm 13 địa phương có số thu NSNN thấp nhất cả nước). Ngoài ra, một số chỉ tiêu phát triển KT-XH không đạt mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước chỉ đạt 77,8%, xếp thứ 53/63.

Sau lĩnh vực trên, cải cách chế độ công vụ là lĩnh vực giảm tới 21 bậc, xếp thứ 49/63. Theo Kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ: Một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh chưa bố trí công chức, viên chức (CCVC) theo vị trí việc làm được phê duyệt. Việc tự tu dưỡng, rèn luyện và chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của một bộ phận cán bộ, CCVC chưa nghiêm, còn trường hợp bị xử lý kỷ luật về Đảng, chính quyền, thậm chí xử lý hình sự do vi phạm pháp luật. Kết quả khảo sát về chất lượng cán bộ, CCVC chỉ đạt 70%. Bên cạnh đó, lĩnh vực cải cách thể chế của tỉnh ta giảm 11 bậc, xếp thứ 42/63; cải cách thủ tục hành chính xếp thứ 37/63, giảm 7 bậc. Riêng lĩnh vực cải cách tài chính công giảm 12 bậc, xếp thứ 25/63. Nguyên nhân được xác định do năm 2022, tỉnh ta chưa hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư NSNN; tình trạng sai phạm trong quản lý, sử dụng NSNN vẫn còn xảy ra; một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về tài chính – ngân sách...

Quyết tâm thăng hạng

Tháng 4.2023, ngay sau khi chỉ số PAR Index năm 2022 được công bố, UBND tỉnh kịp thời ban hành Kế hoạch cải thiện và nâng cao chỉ số PAR Index tỉnh Hà Giang năm 2023 theo hướng: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả.

Người dân xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) hưởng ứng Cuộc thi tìm hiểu cải cách hành chính.
Người dân xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) hưởng ứng Cuộc thi tìm hiểu cải cách hành chính.

Thực hiện kế hoạch trên, tỉnh ta đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CCHC bằng nhiều hình thức phong phú. Điển hình như tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Nội vụ, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn công tác CCHC; đánh giá, phân tích kết quả chỉ số PAR Index tỉnh Hà Giang năm 2022 cho lãnh đạo chủ chốt các sở, ngành, UBND 11 huyện, thành phố. Qua đó, nhằm thúc đẩy thực chất, hiệu quả tiến độ công tác CCHC trên địa bàn tỉnh; góp phần giúp đội ngũ lãnh đạo các cấp, ngành nhận thức đầy đủ, đúng đắn về mục tiêu, nhiệm vụ, tầm quan trọng của công tác CCHC, các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới để cải thiện rõ nét, thực chất kết quả CCHC.

Đặc biệt, ngành chuyên môn của tỉnh đã đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp mới nhằm nâng cao chất lượng công tác CCHC trên địa bàn tỉnh như: Tổ chức cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu về chuyển đổi số, CCHC; cải thiện điều kiện tiếp cận dịch vụ hành chính công cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ấn tượng trong đó, lần đầu tiên tỉnh ta tổ chức Cuộc thi tìm hiểu CCHC bằng hình thức thi trắc nghiệm trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Cuộc thi được tổ chức qua 3 tuần thi, kể từ ngày 11.9 – 1.10.2023. Chỉ sau 1 tuần phát động (từ 11 – 17.9), cuộc thi đã thu hút 39.413 cán bộ, đảng viên, nhân dân trong và ngoài tỉnh tham gia. Đảng bộ huyện Bắc Quang có số người dự thi nhiều nhất, lên đến 4.684 người với 12.774 lượt thi và cũng là đơn vị có đến 6 cá nhân xuất sắc giành 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 2 giải Khuyến khích, chiếm 50% cơ cấu giải thưởng của Ban Tổ chức. Ngoài ra, có 1 cá nhân đến từ huyện Hoài Đức (Thành phố Hà Nội) là chị Nguyễn Thị Thúy giành giải Ba cuộc thi.

Chị Ngô Thị Hường, Phòng Tư pháp huyện Bắc Quang – người giành giải Nhất cuộc thi tuần thứ nhất chia sẻ: Mặc dù cuộc thi mới đi qua 1/3 chặng đường nhưng tôi thấy đây thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, CCVC và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác CCHC; tạo sự lan tỏa, đồng thuận xã hội góp phần xây dựng nền hành chính nơi địa đầu Tổ quốc dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân. Đồng thời, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết 14, ngày 24.8.2021 của BTV Tỉnh ủy về đẩy mạnh CCHC, nâng cao chất lượng công vụ tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 – 2025.

Với phương châm hành động: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt phá; tỉnh ta đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì và nâng cao điểm số các lĩnh vực cấu thành chỉ số PAR Index đã đạt điểm và thứ hạng từ nhóm B (80% đến dưới 90%) trở lên; cải thiện, khắc phục những hạn chế để giữ và từng bước thăng hạng bền vững chỉ số PAR Index. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC nhà nước năm 2023 nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, CCVC thực thi công vụ có chất lượng, hiệu quả cao, vì nhân dân phục vụ.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nỗ lực cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI
BHG - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp. Bởi vậy, việc cải thiện và nâng cao chỉ số này đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở để góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, minh bạch, liêm chính, kiến tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.
24/08/2023
Bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình giấy xác nhận cư trú
BHG - Nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, triển khai có hiệu quả Luật Cư trú. Từ ngày 1.3.2023 tỉnh đã bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình các giấy tờ xác nhận của địa phương nơi cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công.
24/05/2023
“Chiến dịch 12 ngày đêm” cải cách thủ thục hành chính
BHG - Nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm về cải cách thủ tục hành chính (TTHC); nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công dựa trên dữ liệu Cổng Dịch vụ công Quốc gia; triển khai Đề án 06 và Chương trình chuyển đổi số Quốc gia… tỉnh ta đã triển khai Chiến dịch “12 ngày đêm” về “Thiết lập quy trình điện tử giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC (VNPT - iGate) và kiểm thử dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia”.
22/08/2023
Công an huyện Hoàng Su Phì đẩy nhanh tiến độ cấp CCCD, tài khoản định danh điện tử cho công dân
BHG - Tính đến ngày 15.5, Công an huyện Hoàng Su Phì đã thực hiện cấp căn cước công dân (CCCD) cho 50.444 công dân từ đủ 14 tuổi trở lên; đạt tỷ lệ 99,6%. Tổng số tài khoản định danh điện tử mức 1, 2 thu nhận là 12.981 tài khoản, đạt 25,6%.
22/05/2023