Thanh niên người Dao khởi nghiệp từ du lịch cộng đồng

10:24, 27/09/2022

BHG - Sinh ra và lớn lên tại thôn Quang Vinh, xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì), chàng thanh niên dân tộc Dao đỏ Triệu Tà Pú (sinh năm 1991) luôn ấp ủ ước mơ khởi nghiệp với khát vọng vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Sau gần 1 năm thực hiện các công đoạn xây dựng, tháng 9.2019, homestay của anh chính thức hoạt động, đón những vị khách đầu tiên. Những tín hiệu vui ban đầu đã tiếp thêm sức mạnh cho anh Pú trong hướng đi phát triển du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa bản địa tốt đẹp.

Homestay mộc mạc, gần gũi thiên nhiên của anh Triệu Tà Pú.
Homestay mộc mạc, gần gũi thiên nhiên của anh Triệu Tà Pú.

Nằm nép mình giữa không gian mênh mông của núi rừng Tây Côn Lĩnh, homestay của anh Pú hiện ra thật bình dị trong màu xanh bạt ngàn của ruộng lúa, nương chè. Trong tiết trời se se lạnh của mùa Thu, bên bếp lửa ấm cúng, anh Pú vừa nhanh tay pha chè đón khách, vừa chia sẻ: Trước khi bén duyên với du lịch cộng đồng, tôi đã từng làm nhiều công việc khác nhau. Sau một chuyến tham quan tại Sa Pa, Lào Cai, tôi nhận thấy quê hương mình có rất nhiều tiềm năng du lịch, đặc biệt phát triển du lịch theo hướng gắn kết cộng đồng và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo để thu hút du khách là hướng đi phù hợp với thực tế địa phương nên đã quyết tâm đầu tư dịch vụ lưu trú theo hình thức homestay.

Nghĩ là làm, từ số tiền được gia đình ủng hộ, anh Pú đã vay thêm vốn của Ngân hàng CSXH huyện để xây dựng homestay với nguyên vật liệu hầu hết đều làm bằng tre, nứa. “Cuộc sống ngày càng khấm khá, nên nhiều ngôi nhà của bà con cũng dần thay đổi, kiên cố, khang trang hơn với nhà xây, nhà cao tầng. Nhưng tôi muốn xây dựng homestay của mình theo hướng thân thiện, gần gũi với thiên nhiên, nên ngôi nhà này chủ yếu được làm bằng tre, nứa. Tôi cũng xây dựng thêm chòi bằng tre ngay gần với ruộng bậc thang để du khách có thể ngắm cảnh, hòa mình vào thiên nhiên” – anh Pú cho biết.

Anh Triệu Tà Pú chế biến món ăn từ cá Chép ruộng phục vụ du khách.
Anh Triệu Tà Pú chế biến món ăn từ cá Chép ruộng phục vụ du khách.

Quả thực, ở nơi giao thoa của thiên nhiên đất - trời với khung cảnh núi rừng hùng vỹ, thơ mộng, homestay của anh hiện ra thật bình dị, mộc mạc nhưng cũng rất đỗi ấm cúng, tạo không gian thoáng đạt, gần gũi thiên nhiên. Năm 2019, lượng khách du lịch đến lưu trú tại homestay của anh Pú khá đông, bao gồm cả khách du lịch trong nước và quốc tế. Vào mùa lúa chín, homestay của anh tạo việc làm thường xuyên cho 3 – 10 lao động địa phương, với mức thu nhập 200.000 đồng/người/ngày. Với định hướng phát triển du lịch theo hướng gắn kết cộng đồng, anh đã chủ động liên hệ với Hội nghệ nhân và bà con trong thôn để tổ chức các hoạt động như: Biểu diễn văn nghệ, trình diễn Nhảy lửa, phục vụ tắm lá thuốc người Dao, dịch vụ xe đưa đón… để phục vụ du khách; góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân trong thôn.

2 năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động du lịch bị gián đoạn. Không có thu nhập từ dịch vụ nhưng anh Pú không hề nản chí, anh tiếp tục cải tạo khuôn viên, bài trí lại homestay chuẩn bị đón du khách sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Tận dụng mạng xã hội như một kênh giới thiệu, quảng bá du lịch nhanh chóng, sâu rộng, anh Pú thường xuyên chia sẻ hình ảnh về phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, những món ăn bản địa hấp dẫn, nét văn hóa lễ hội độc đáo của dân tộc Dao đỏ trên các trang facebook, zalo, tiktok… Anh cũng thực hiện gắn địa chỉ homestay lên Google Maps để thuận tiện cho khách du lịch tìm hiểu, đặt phòng. Nhờ đó, vào mùa lúa chín năm nay, lượng khách đặt phòng nghỉ tại homestay của anh tăng đáng kể, có thời điểm kín phòng.

Nói về dự định trong tương lai, anh Pú chia sẻ: Quê hương mình có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, ruộng bậc thang đã được công nhận di tích quốc gia, lại nằm trên tuyến đường chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi hùng vỹ, đây là những tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch. Nhưng chỉ tận dụng lợi thế về cảnh quan thì chưa đủ, tôi nghĩ để phát triển du lịch bền vững cần phải lấy văn hóa làm điểm tựa. Vì vậy thời gian tới, bên cạnh việc cải tạo khuôn viên, đầu tư thêm phòng nghỉ, tôi sẽ chủ động liên kết với bà con trong thôn để từng bước phát triển du lịch bền vững, có sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là trong việc xây dựng đội văn nghệ của thôn để trình diễn các nghi thức, làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi truyền thống… nhằm vừa bảo tồn văn hóa dân tộc, vừa tạo sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quả ngọt từ sức trẻ mạnh dạn ứng dụng công nghệ và khởi nghiệp
BHG - Sau hơn 5 năm khởi nghiệp, chàng trai Nguyễn Xuân Tiến, sinh năm 1991 nay đã trở thành chủ sở hữu của hơn 3.000 m2 nhà lưới trồng các loại dưa tại xã Phong Quang và Phương Tiến (Vị Xuyên). Có được kết quả này bởi Tiến đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ, đổi mới trong sản xuất với “Vườn dưa 4.0".
26/08/2022
Tuổi trẻ cực Bắc hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp
BHG - Mặc dù điều kiện KT – XH nhiều khó khăn nhưng với tinh thần xung kích, nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng với quyết tâm vươn lên lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương đã giúp nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế để xây dựng cuộc sống ấm no.
26/08/2022
Bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và chuyển đổi số cho thanh niên khởi nghiệp
BHG - Sáng 26.8, Tỉnh đoàn tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và chuyển đổi số cho thanh niên khởi nghiệp. Tham dự có lãnh đạo Tỉnh đoàn; Chi nhánh Viettel Hà Giang và điểm cầu tại các huyện, thành phố.
26/08/2022
Thanh niên Vị Xuyên sáng tạo, khởi nghiệp
BHG - Thực hiện phong trào sáng tạo, khởi nghiệp và Kế hoạch số 16/KH-UBND/2021 của UBND tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng KHCN, đổi mới và sáng tạo trong các doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Hà Giang đến năm 2025, hàng trăm đoàn viên thanh niên (ĐVTN) Vị Xuyên tiên phong phát triển kinh tế bằng nhiều cách làm đổi mới, hiệu quả, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống.
25/08/2022