Bắc Mê phát huy lợi thế vùng động lực

07:47, 17/11/2016

BHG- Nằm trong vùng động lực của tỉnh, Bắc Mê có nhiều lợi thế thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển cân đối, hợp lý giữa lĩnh vực trồng trọt – chăn nuôi – lâm nghiệp trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, huyện đang triển khai nhiều giải pháp hiệu quả để tạo ra “cú hích” ngay từ những lợi thế của địa phương.

Bà con nhân dân thôn Nà Nôm, xã Đường Âm chăm sóc cây Hồi.
Bà con nhân dân thôn Nà Nôm, xã Đường Âm chăm sóc cây Hồi.

Nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế rừng

Với gần 50 nghìn ha rừng, trong đó có 43 nghìn ha rừng tự nhiên và trên 7 nghìn ha rừng trồng, tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 60% đang giúp cho Bắc Mê có lợi thế lớn về kinh tế rừng. Vì thế, Đảng Bộ huyện Bắc Mê đã xác định rõ mục tiêu trồng rừng kinh tế gắn với phát triển cây dược liệu là một trong những hướng đi giúp người dân XĐGN và thúc đẩy kinh tế vùng động lực.

 Lạc Nông là một trong những xã đứng đầu địa phương về công tác trồng rừng. Chỉ cần trải tầm mắt từ thôn Bản Noong đến thôn Bản Khén của xã cũng dễ dàng nhận thấy một màu xanh bạt ngàn của những cây Trám, Lát, Quế, Sấu, chè  và cả ngô, đậu đang vươn mình. Đó là kết quả của các hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi đất nông nghiệp năng suất thấp sang trồng rừng kinh tế. Cùng chúng tôi đi xuyên rừng, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Nông cho biết: “Trước đây, cả dải đất dài chỉ là khu đất cằn cỗi, người dân chủ yếu trồng sắn và nhiều diện tích bỏ hoang. Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện đã chọn 4 ha làm điểm trồng rừng mẫu, kết hợp cây lâm nghiệp, cây ăn quả, tạo cảnh quan môi trường, lấy đó làm cơ sở để nhân rộng”. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và khuyến khích người dân bằng việc hỗ trợ 100% giống, phân bón; các ngành, đoàn thể của huyện, xã xuống giúp dân trồng rừng; ngành chuyên môn hướng dẫn trồng, chăm sóc nên nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Ngay sau khi hoàn thành công tác trồng rừng, huyện Bắc Mê đã kiểm tra và bàn giao cho người dân, ký cam kết chăm sóc, bảo vệ, đảm bảo tỷ lệ sống cho cây. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của rừng; hạn chế tình trạng chặt, phá rừng. Cùng với việc mở rộng diện tích rừng, trên cơ sở chương trình trọng tâm của tỉnh về phát triển cây dược liệu, Bắc Mê chú trọng trồng các loại cây có tính chất dược liệu gắn với phủ xanh đất trống, đồi trọc như cây Quế tại các xã Yên Phong, thị trấn Yên Phú, Phú Nam; phát triển cây Hồi tại xã Đường  Âm; cây nghệ ở Minh Ngọc và các xã lân cận, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân; tạo tiền đề cho quy hoạch, phát triển vùng trồng cây dược liệu của địa phương.

Phát triển kinh tế rừng được xem là hướng đi thoát nghèo ở Bắc Mê .Trong ảnh:  Một góc rừng Quế tại xã Lạc Nông.
Phát triển kinh tế rừng được xem là hướng đi thoát nghèo ở Bắc Mê .Trong ảnh: Một góc rừng Quế tại xã Lạc Nông.

Chú trọng liên kết sản xuất:

Trên thực tế, mặc dù có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp nhưng trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở Bắc Mê chưa gắn kết thị trường tiêu thụ sản phẩm; ngành Nông nghiệp đang phải tập trung từ khâu trồng, thu hái, chế biến, tiêu thụ sản phẩm mà chưa có sự hỗ trợ từ các ngành khác một cách đồng bộ và thống nhất. Do đó, Bắc Mê đang tăng cường liên kết sản xuất và “trải thảm” thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.Đồng chí Nguyễn Văn Chung, Bí thư Huyện ủy Bắc Mê cho biết: “Trong những năm qua, việc liên kết trong sản xuất của huyện còn khá nhiều hạn chế. Nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ vay vốn, thuê đất để mở rộng sản xuất, nhất là lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; đặc biệt quan tâm phát triển các ngành chế biến nông, lâm sản”. Hiện nay, Bắc Mê thực hiện cơ chế “mở” và triển khai chính sách phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần nhằm khai thác mọi nguồn lực; thực hiện sắp xếp lại, định hướng, khuyến khích chuyển đổi ngành, nghề của các doanh nghiệp, HTX; ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp. Qua đó, huyện đã và đang thu hút được một số công ty, doanh nghiệp đầu tư. Đây được xem là những tín hiệu tích cực, góp phần từng bước thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Bên cạnh đó, Bắc Mê đặc biệt quan tâm tới hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn. Để tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương, huyện đã có cơ chế khuyến khích thành lập mới các HTX. Trong số các HTX mới thành lập, HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp chiết xuất tinh dầu Hồi thôn Nà Nôm, xã Đường  Âm được đánh giá cao về hiệu quả hoạt động. Mặc dù mới hoạt động nhưng HTX đã giải quyết được nỗi lo về việc sản xuất, chế biến tinh dầu của người nông dân tham gia trồng Hồi. “Sau khi thành lập, lấy người đứng đầu HTX là Bí thư, Trưởng thôn và cũng là người trực tiếp tham gia trồng; các thành viên là các gia đình trồng Hồi..., đã giúp cho việc chăm sóc, thu hái, chiết xuất được tập trung; HTX hỗ trợ bà con về giống, kỹ thuật sản xuất, chế biến và liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm tinh dầu Hồi” - Bí thư Chi bộ thôn Nà Nôm, Triệu Văn Thành cho biết.

Bằng những giải pháp cụ thể, gắn với nhiệm vụ chính trị cơ sở đang cho thấy hiệu quả trong việc phát huy lợi thế vùng động lực ở địa phương. Từ việc quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung và tăng cường liên kết trong sản xuất đang giúp cho Bắc Mê có một “đà giậm nhảy” khá vững chắc, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững.

KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tham gia góp ý về các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biên mậu; chính sách khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn Hà Giang

LTS: Ngày 12.10.2015, HĐND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 133/KH-HĐND về việc thực hiện tham vấn về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa; chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biên mậu; chính sách khuyến khích phát triển du lịch trên địa Hà Giang. Để hoàn thiện các chính sách nêu trên phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của địa phương, Báo Hà Giang đăng toàn văn 3 dự thảo của HĐND tỉnh về thực hiện các chính sách nêu trên tới toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh biết và tham gia ý kiến.

30/10/2015
Đồng Văn nỗ lực cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo

BHG - Xác định phát triển chăn nuôi là một trong hướng đi chính,  nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và là thế mạnh của địa phương. Trong những năm gần đây, huyện Đồng Văn đã triển khai nhiều giải pháp gắn với việc lồng ghép, vận dụng linh hoạt các chương trình, chính sách mới nhằm phát triển đàn gia súc.

30/09/2016
Động lực cho người dân Bắc Mê phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa

BHG- Xác định các chính sách được quy định trong Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND ngày 10.12.2015 của HĐND tỉnh (Nghị quyết 209) chính là động lực mạnh mẽ để nhân dân trên địa bàn phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa; nên trong thời gian qua, UBND huyện Bắc Mê đã và đang tích cực đẩy mạnh tiến độ thực hiện các nội dung của nghị quyết. 

30/06/2016
"Dồn điền - đổi thửa",chủ trương hợp lòng dân ở Quang Bình

BHG- Trong những năm qua, huyện Quang Bình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực KT-XH; sản xuất nông - lâm nghiệp phát triển toàn diện, cơ cấu cây trồng chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích đất canh tác từng bước được nâng cao. 

30/03/2016