Hà Giang

Chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp - cần song hành với cải cách hành chính

07:25, 25/05/2016

BHG- Đa phần các doanh nghiệp đã và đang có dự định đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến nông – lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đều cho rằng: Tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, mời gọi, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư; các đồng chí lãnh đạo tỉnh, địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao. Nhưng...  các thủ tục hành chính để doanh nghiệp khởi động các dự án đầu tư còn rất rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Dự án nuôi lợn, chế biến dược liệu của Công ty An Vy đang tích cực được triển khai dù gặp phải khó khăn trong chuyển quyền sử dụng đất.
Dự án nuôi lợn, chế biến dược liệu của Công ty An Vy đang tích cực được triển khai dù gặp phải khó khăn trong chuyển quyền sử dụng đất.

Chính sách ưu đãi lớn...

Trao đổi với đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực nông nghiệp về những chính sách khuyến khích phát triển nông – lâm nghiệp hàng hóa trong những năm qua của tỉnh, đồng chí cho biết: “Những năm gần đây, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điệu kiện phát triển nông – lâm nghiệp hàng hóa, nhất là những ưu đãi dành cho các tổ chức, cá nhân đầu tư lớn. Trong đó phải kể đến Nghị quyết 47 và 209 của HĐND tỉnh. Đặc biệt là Nghị quyết 209 mới ban hành ngày 10.12.2015 vừa qua, áp dụng cho cây chè, cam, dược liệu và con trâu, bò, ong”. Nhìn vào một số ưu đãi lớn của Nghị quyết 209 như: Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở bảo quản cam với mức vay tối đa là 500 triệu đồng/dự án, thời gian hỗ trợ 36 tháng; Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân xây dựng vườn ươm cây giống dược liệu với quy mô tối thiểu 0,1 ha trong nhà lưới hoặc 0,5 ha không có nhà lưới, với mức vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 500 triệu đồng/vườn, thời gian hỗ trợ 36 tháng; Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, bảo quản dược liệu, với mức vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 500 triệu đồng/dự án, thời gian hỗ trợ 36 tháng; Hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay cho các tổ chức, cá nhân đầu tư nhà máy chế biến thực phẩm từ sản phẩm gia súc, gia cầm. Mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 10.000 triệu đồng/dự án, thời gian hỗ trợ 60 tháng; Hỗ trợ tối đa 15.000 triệu đồng/nhà máy cho các tổ chức, cá nhân có đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dược liệu (theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế); Hỗ trợ 30% tiền thuê đất trồng vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp có nhà máy chế biến đặt tại tỉnh (theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế), thời gian hỗ trợ 60 tháng...

Với những chính sách này, đồng chí Nguyễn Minh Tiến cho rằng: “Đây là sự đột phá trong khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh. Thúc đẩy sản xuất hàng hóa và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Nếu đối chiếu với các ưu đãi trong các chính sách mà T.Ư đang ban hành, thực hiện với các loại cây, con tương đồng như Nghị định 210 của Chính phủ thì hầu hết các chính sách hỗ trợ của tỉnh ta đều cao hơn hẳn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân muốn đầu tư lớn vào nông nghiệp. Ngoài ra, tỉnh đã và đang đẩy mạnh việc thành lập các HTX, tổ hợp tác để làm vệ tinh cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến khi doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên hiện nay, theo báo cáo của Hội Doanh nghiệp tỉnh, toàn tỉnh có khoảng 1.000 doanh nghiệp, trong đó hơn 200 doanh nghiệp tham gia tổ chức Hội. Nhưng số doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến nông – lâm nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy tại sao những chính sách ưu đãi và cơ chế mở cửa của tỉnh chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này?

... nhưng còn nhiều vướng mắc

Công ty Cổ phần phát triển dược liệu Anvy Hà Giang, đơn vị đang triển khai đầu tư dự án sản xuất dược liệu trên địa bàn tỉnh với quy mô lên tới 1.600 ha và nhà máy chế biến dược liệu theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Dự án có quy trình sản xuất, chế biến khép kín với tổng mức đầu tư trên dưới 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Anvy cho biết: Trong buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh và công ty, mặc dù lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành tạo điều kiện giúp doanh nghiệp hoàn thành thủ tục chuyển quyền sử dụng đất ngay trong tháng 3 đối với Dự án chăn nuôi 10.000 con lợn để sản xuất thực phẩm đảm bảo tiêu chuẩn cũng như nguồn phân bón hữu cơ và khí Bioga phục vụ cho dự án trồng, chế biến dược liệu. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 1 tháng chúng tôi hoàn tất các thủ tục cần thiết, Sở Tài nguyên & Môi trường không thông báo cho chúng tôi bất kỳ những vướng mắc nào liên quan và thời gian hoàn thành. Nhưng việc chuyển quyền sử dụng đất cho dự án này vẫn chưa hoàn thành. Điều này khiến cho tiến độ triển khai dự án chậm lại. Không lẽ, việc chậm trễ giải quyết các thủ tục về đất đai cho Công ty chúng tôi là có nguyên nhân khác?!

Bà Nguyễn Thị Mai Dung, Giám đốc Công ty TNHH Gia Long (Xín Mần), một trong những doanh nghiệp đã đầu tư vào sản xuất, chế biến nông sản nhiều năm qua tại tỉnh ta cũng cho rằng: So với đầu tư vào các dự án thủy điện, quặng thì đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp rủi ro rất cao. Nếu không tâm huyết và kiên trì rất dễ thua lỗ. Trong khi đó, để đầu tư thì vướng rất nhiều thủ tục. Bên cạnh đó, các chính sách đã và mới ban hành của tỉnh dù có nhiều ưu đãi lớn và hướng dẫn cụ thể, nhưng để nhận được những hỗ trợ cũng mất nhiều thời gian, bởi qua nhiều khâu trong thủ tục xét duyệt liên quan đến các Sở, ngành.

Ông Phạm Công Nhân, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh, thẳng thắn: “Những cơ chế, chính sách của tỉnh là rất ưu đãi, tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh vực nông – lâm nghiệp rất tốn kém, mất nhiều năm để thu hồi vốn và khả năng thua lỗ cao hơn đầu tư vào các lĩnh vực như xây dựng cơ bản, thủy điện, khoáng sản. Thế nhưng, khi doanh nghiệp quyết định đầu tư lại gặp nhiều vướng mắc về các thủ tục hành chính, khiến doanh nghiệp chưa mặn mà. Nhất là thủ tục về chuyển quyền sử dụng đất, thuê đất xây dựng nhà máy và trồng cây nguyên liệu hay thủ tục xét duyệt phương án bảo vệ môi trường cho các nhà máy”. Ông Nhân cũng cho rằng, đi kèm các chính sách ưu đãi là sự chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo từ tỉnh đến huyện, cho thấy những người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền rất quan tâm đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, trái ngược với điều này là sự thờ ơ của các cán bộ, lãnh đạo nhiều ngành. Thậm chí gây khó dễ cho doanh nghiệp.

Muốn thu hút doanh nghiệp, phải cải cách hành chính

Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh cùng một số doanh nghiệp đã và đang có dự định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta đều chung một quan điểm: “Để thu hút các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này, với những cơ chế, chính sách tỉnh đã ban hành là chưa đủ. Song hành với những chính sách này, tỉnh cần cải cách hành chính và có những hướng dẫn cụ thể đối với từng nội dung trong chính sách”.

Để gánh nặng thủ tục hành chính không còn là nỗi lo với doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị một số giải pháp trong thủ tục chuyển quyền sử dụng đất như: Đưa ra bộ hướng dẫn chi tiết, thậm chí là có mẫu sẵn về các giấy tờ doanh nghiệp cần làm để được chuyển đổi quyền sử dụng đất, thuê đất và chỉ cần doanh nghiệp có đầy đủ các giấy tờ này là được chuyển đổi. Với việc xét duyệt phương án bảo vệ môi trường, có cơ chế mở bằng việc cho doanh nghiệp nợ và bổ sung trong quá trình xây dựng nhà máy tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện dự án đúng tiến độ. Khi dự án hoàn thành mà các hạng mục trong phương án bảo vệ môi trường chưa hoàn thành, cơ quan chức năng cứ thẳng tay xử phạt, thậm chí thu giấy phép. Bên cạnh đó, cần quán triệt cán bộ Văn phòng “một cửa” ở các ngành, khi nhận hồ sở của các cá nhân, doanh nghiệp phải xem xét và có câu trả lời ngay về bộ hồ sơ, thủ tục đã đầy đủ hay chưa, vướng ở đâu và thời gian hoàn thành là khi nào?

Nếu so sánh với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, thủy điện chỉ cần đầu tư 1 lần rồi có thu nhập tương đối ổn định thì với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp hoàn toàn trái ngược. Nếu không tính toán kỹ và tâm huyết những doanh nghiệp này sẽ cầm chắc khả năng thua lỗ, dự án đổ bể. Tỉnh ta là một tỉnh nghèo, người dân chủ yếu sống dựa vào canh tác nông nghiệp. Những doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp không chỉ đem lại lợi ích cho họ mà còn tạo việc làm cho cho hàng nghìn lao động và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ dân. Do đó, nếu tỉnh không mạnh tay cải cách hành chính, đặc biệt là có những biện pháp xử lý mạnh tay những cán bộ công chức, viên chức nhũng nhiễu, hạch sách, gây khó dễ cho nhân dân, doanh nghiệp, chắc chắn những chính sách đã ban hành sẽ không thể thu hút được sự đầu tư và chỉ nằm... trên giấy.

DUY TUẤN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Về đề nghị giao đất tái định cư để làm nhà của một số hộ dân thị trấn Yên Bình

BHG- Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri tại thị trấn Yên Bình (Quang Bình), các đại biểu HĐND tỉnh và huyện được nghe các cử tri đề nghị huyện giao đất tái định cư cho các hộ dân tại thị trấn, trong đó có các hộ: Vũ Thị Điều, Hoàng Phong Nha, Nguyễn Hữu Thọ, tổ 2 và Hoàng Hữu Xuyến, tổ 4 (thị trấn Yên Bình) để các hộ làm nhà trong năm 2015.

31/03/2015
Tham gia góp ý về các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biên mậu; chính sách khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn Hà Giang

LTS: Ngày 12.10.2015, HĐND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 133/KH-HĐND về việc thực hiện tham vấn về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa; chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biên mậu; chính sách khuyến khích phát triển du lịch trên địa Hà Giang. Để hoàn thiện các chính sách nêu trên phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của địa phương, Báo Hà Giang đăng toàn văn 3 dự thảo của HĐND tỉnh về thực hiện các chính sách nêu trên tới toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh biết và tham gia ý kiến.

30/10/2015
"Dồn điền - đổi thửa",chủ trương hợp lòng dân ở Quang Bình

BHG- Trong những năm qua, huyện Quang Bình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực KT-XH; sản xuất nông - lâm nghiệp phát triển toàn diện, cơ cấu cây trồng chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích đất canh tác từng bước được nâng cao. 

30/03/2016
Quản Bạ tạo cơ chế, chính sách thuận lợi thu hút đầu tư

BHG- Thu hút đầu tư luôn là bài toán khó đối với các huyện 30a do điều kiện kinh tế - xã hội, giao thông... còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên trong thời gian qua, huyện Quản Bạ đã nỗ lực kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức vào đầu tư phát triển kinh tế. 

29/07/2015