“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”

15:42, 11/10/2023

BHG - Với gần 13 năm công tác đồng chí Vừ Mí Sính, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã tiếp nối những người tiền nhiệm, phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn nhanh chóng khẳng định dấu ấn riêng, đưa Nghị quyết chuyên đề về chăn nuôi của xã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần giúp đỡ một số hộ gia đình khó khăn vượt lên chính mình, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương. 

Đồng chí Vừ Mí Sính, sinh năm 1984 tại thôn Mua Xúa, xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Sinh ra trong một gia đình dân tộc Mông thuần nông, ngay từ nhỏ chứng kiến cảnh bố mẹ, vất vả sớm hôm với vỏn vẹn 9 kg giống ngô được trồng trong mấy hốc đá để nuôi mấy anh em học hành. Đồng chí Vừ Mí Sính đã quyết tâm không phụ lòng bố mẹ. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp văn hóa, nghệ thuật tỉnh Yên Bái trở về quê với nhiều trăn trở, đồng chí được xã bố trí làm khuyến nông viên thôn Mua Xúa, xã Thài Phìn Tủng. Từ vị trí khuyến nông viên thôn, đồng chí đã phát huy tâm huyết của mình, sau một năm, tháng 9 năm 2009, đồng chí được cấp ủy giới thiệu bầu giữ chức vụ Bí thư đoàn xã Thài Phìn Tủng, trong thời gian này đồng chí đã vừa làm vừa theo học và hoàn thành chương trình đại học tại Trường Đại học sư phạm, nghệ thuật trung ương.  Năm 2021 đồng chí được xã tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. 

Đồng chí Vừ Mí Sính thăm hỏi học sinh
Đồng chí Vừ Mí Sính thăm hỏi học sinh

Gần 13 năm công tác không phải là quãng thời gian dài, tuy nhiên với đồng chí Vừ Mí Sính, đây là quãng thời gian mà đồng chí đã trải qua “các cung bậc cảm xúc” để đảm đương trách nhiệm của người chủ gia đình, người thủ lĩnh công tác thanh niên và người phụ trách lĩnh vực văn hóa – xã hội của chính quyền địa phương. 

Thài Phìn Tủng là xã nội địa khó khăn của huyện Đồng Văn. Tuy là xã có trụ sở nằm trên trục đường quốc lộ 4C, cách trung tâm huyện 10 km nhưng các thôn của xã lại nằm rải rác, phân tán và được chia làm hai khu vực rõ rệt. Khu vực núi đá thuộc các thôn nằm men theo chục quốc lộ và khu vực núi đất thuộc các thôn giáp với thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn. 

Năm 2010 đồng chí Vừ Mí Sính lập gia đình và sau 3 năm sống chung, bố mẹ đã tách hai vợ chồng ra ở riêng, đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi vợ đồng chí Vừ Mí Sính công tác tại xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn, cách gia đình hơn chục cây số. Thời gian đầu do con nhỏ nên vợ đồng chí sáng đi, tối về, sau một thời gian thấy vợ vất vả, nhất là những ngày mưa gió, rét buốt, đồng chí đã bàn bạc với vợ và quyết định để vợ và các con chuyển đến xã nơi vợ đồng chí đang công tác để đỡ phải đi, lại và cho các con tập trung học tập. Về phần mình, ngoài việc tập trung cho công tác chuyên môn, giúp cấp ủy, chính quyền thực hiện một số nhiệm vụ chung của xã, đồng chí đảm nhiệm vai trò là “người giữ lửa” cho ngôi nhà của mình với việc chăm sóc đàn lợn mà từ khi bắt đầu chỉ là 10 con lợn thịt và 3 con lợn nái, thông qua nguồn vốn vay ủy thác của tổ chức đoàn. Đến nay lúc nào trong chuồng cũng duy trì khoảng 12 con lợn nái và 40 con lợn thịt. Thu nhập bình quân một năm của vợ chồng đồng chí Sính từ chăn nuôi lợn là 80 đến 100 triệu đồng. 

“Nhiều khi thấy vất vả lắm, nhất khi vợ, con tôi chuyển hẳn đến xã nơi vợ tôi công tác, đến cuối tuần mới về, buổi tối thì mình tôi thui thủi trong căn nhà, sáng, trưa, chiều lại tất bật, vất vả với đàn lợn trong chuồng, tôi muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ đi, nghĩ lại thấy rằng, mình phấn đấu mãi mới được như thế nên lại tự động viên mình vượt qua…”, đồng chí Vừ Mí Sính tâm sự.

Biến khó khăn thành lợi thế, cái tên Vừ Mí Sính, gương điển hình trong phát triển kinh tế “Khởi nghiệp” được nhiều người biết đến, nhiều bà con, nông dân, nhiều đoàn viên, thanh niên trong xã đã đến học hỏi kinh nghiệm từ việc chăn nuôi lợn thịt, chăn nuôi lợn nái và nguồn giống lợn đảm bảo chất lượng, đồng chí đã không quản ngại dành thời gian hướng dẫn từ cách chăm sóc lợn lúc còn nhỏ, nhận biết khi đàn lợn không khỏe và quy trình cho ăn theo lứa tuổi của lợn đảm bảo cho đàn lợn thực sự khỏe mạnh, chất lượng. Ngoài ra đồng chí còn giúp đỡ, hỗ trợ con giống cho một số hộ gia đình khó khăn theo hình thức “bao giờ gia đình có thu nhập từ lợn thì trả tiền giống lợn và không tính lãi”, với hình thức này, trong thời gian qua, đồng chí đã hỗ trợ cho 4 gia đình với tổng số 8 con giống, trị giá 16 triệu đồng; hỗ trợ cho 3 gia đình thanh niên thực hiện mô hình “khởi nghiệp” về kinh phí, con giống từ 6 đến 12 tháng không tính lãi với tổng trị giá hơn 120 triệu đồng. 

Mô hình chăn nuôi của Đồng chí Vừ Mí Sính
Mô hình chăn nuôi của Đồng chí Vừ Mí Sính

Khi chuyển sang cương vị mới, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã phụ trách văn hóa xã hội, với bộn bề công việc của một địa bàn khó khăn như xã Thài Phìn Tủng, lại một lần nữa đồng chí đấu tranh với chính mình để tiếp tục duy trì đàn lợn trong gia đình mà vẫn hoàn thành các nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền giao. Năm 2021, xã Thài Phìn Tủng ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển chăn nuôi, trong đó định hướng tập trung là phát triển đàn lợn, với quyết tâm cao và với cương vị là người phụ trách công tác xã hội của xã, đồng chí tiếp tục mạnh dạn đăng ký là nơi chuyên cung cấp con giống trong xã và các xã lân cận khi có nhu cầu với tâm niệm: Là người địa phương với việc làm thực tế ai cũng trông thấy nên chắc chắn sẽ thuận lợi trong công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân phát triển đàn lợn, đặc biệt là thôn Mua Xúa, xã Thài Phìn Tủng đã được xã lựa chọn là thôn trọng điểm để phát triển đàn lợn giai đoạn 2021 – 2025. 

Đến nay đa số các hộ dân trong thôn Mua Xúa đã có thu nhập ổn định, 9/55 hộ phát triển chăn nuôi đàn lợn từ 15 con trở lên. Thôn Mua Xúa được lựa chọn là thôn đăng ký xây dựng nông thôn mới năm 2023. 

Một điều đáng ghi nhận nữa mà không phải ai cũng có thể làm được, đó là khi có chủ trương của tỉnh, của huyện về việc xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo tinh thần Chỉ thị 09 năm 2021 và Nghị quyết 27 năm 2022 của Tỉnh ủy, với địa bàn khó khăn như xã Thài Phìn Tủng khi còn tồn tại một số hủ tục trong nhân dân như: tổ chức đám tang dài ngày, mổ nhiều gia súc; tảo hôn; trọng nam, khinh nữ, sinh nhiều con….Đồng chí đã mạnh dạn đăng ký gương mẫu đi đầu trong thực hiện và vận động anh em dòng họ thực hiện. Ngoài ra đồng chí luôn trăn trở, suy nghĩ làm sao tìm ra các biện pháp hữu hiệu nhất để phát huy trách nhiệm của chính người dân trong thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện và địa phương về xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Đồng chí đã mạnh đề xuất lấy người dân để giám sát người dân và cần phải có cơ chế khuyến khích động viên những người phát hiện, tố giác việc làm trái với chủ trương của Đảng và kịp thời động viên khen thưởng với những gia đình, dòng họ, cá nhân tích cực. Bản thân đồng chí, nhiều lần trực tiếp đến các hộ gia đình là công tác tuyên truyền, bị một số gia đình mắng chửi, xua đuổi, thậm chí có hành động không đúng mực nhưng đồng chí vẫn kiên trì đến cùng để giúp người dân hiểu ra vấn đề. Bởi đồng chí luôn tâm niệm rằng “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Muốn người dân nghe và làm theo thì bản thân và anh em trong họ mình phải gương mẫu thực hiện tốt, luôn lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu với người dân, không được quan liêu xa dân “nói một lần dân không hiểu thì nói nhiều lần dân sẽ hiểu”, khi đó sẽ tạo được sức mạnh ở trong nhân dân và làm việc gì cũng thành công.   

Về Thài Phìn Tủng hôm nay, dù sự thay đổi của bộ mặt nông thôn vẫn còn rất khiêm tốn nhưng điều có thể dễ nhận thấy nhất là các tuyến đường bê tông nông thôn đã được dẫn tới các thôn, hộ gia đình, có điện chiếu sáng, có hệ thống loa truyền phát, các ngôi nhà của người dân đã khang trang hơn… điều đặc biệt ở đây là nhận thức của người dân đã thay đổi, tích cực tham gia các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đăng ký cải tạo vườn tạp nâng cao đời sống… Từ đầu năm 2021 đến nay đã có 15 mô hình cải tạo của xã đạt hiệu quả, cho thu nhập bình quân từ 60 triệu, đến 80 triệu đồng. Trong đó phải kể đến gia trại lợn của gia đình anh Giàng Mí Say thôn Mua Xúa; anh Giàng Mí Phà, thôn Giàng Sì Tủng hay vườn Sâm khoai, kết hợp với trồng gừng của anh Vàng Sính Khề, thôn Đậu Chúa; trồng gừng, trồng lê của anh Vừ Dũng Tủa, thôn Kía Lía….. 

Không nhận những kết quả về mình, không kể về bằng khen, giấy khen, đồng chí Vừ Mí Sính khiêm tốn nói: Những kết quả xã đạt được là do sức mạnh của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, và để có được điều đó thì trước hết cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện trước để nhân dân học tập và làm theo, theo phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Nhiều đảng viên, quần chúng nhận xét: Với sự gần gũi, chân thành, gắn bó với nhân dân, đồng chí Vừ Mí Sính luôn là người cán bộ gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ khi Đảng, Nhà nước giao./.

 Lý Trung Kiên (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đồng Văn)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đảng dẫn lối dân đi: Kỳ III - Tỏa lan niềm vui lớn
BHG - Sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp; xác định nhiệm vụ trọng tâm; nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và kịp thời uốn nắn các biểu hiện lệch lạc khi thực hiện Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh đã giúp thay đổi tư duy người dân, mang lại cuộc sống ấm no nơi địa đầu Tổ quốc.
20/09/2023
Đảng dẫn lối dân đi: Kỳ cuối - “Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”
BHG - Thẳng thắn chỉ ra hạn chế, tìm rõ nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm để đưa ra các giải pháp chiến lược phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân chính là cách Đảng bộ tỉnh tiếp tục đưa Nghị quyết 27 thấm sâu hơn vào đời sống đồng bào các dân tộc. Mặt khác, Đảng bộ tỉnh luôn xác định “dân là gốc”, hướng đến mục tiêu cuối cùng xây dựng cuộc sống ấm no cho nhân dân và để “xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
20/09/2023
Hội nghệ nhân dân gian ở Hà Giang “cánh tay” nối dài của Đảng: Kỳ cuối - Còn đó những việc cần làm
BHG - Bằng sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hiệu quả hoạt động của Hội Nghệ nhân dân gian (NNDG) đã tạo ra “làn gió mới” trong xây dựng nếp sống văn minh, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Tuy nhiên, vẫn còn không ít rào cản cần tháo gỡ để hoạt động của Hội NNDG phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, nguồn lực nội sinh, động lực đột phá trong phát triển KT-XH.
18/09/2023
Đột phá đưa Hà Giang vươn mình trên đá: Kỳ cuối - Gỡ "rào cản" tạo động lực phát triển

BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định mục tiêu phấn đấu xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2030 là tỉnh có KT - XH phát triển khá trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Hà Giang quyết tâm thực hiện 3 đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt tập trung ưu tiên nguồn lực triển khai đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông để gỡ “rào cản”, tạo động lực phát triển.

15/09/2023