Xáo trộn cuộc sống người dân vùng quặng Minh Sơn

10:41, 19/12/2014

HGĐT- Là địa phương được thiên nhiên ưu đãi nhiều loại khoáng sản với trữ lượng lớn như sắt, chì, kẽm… những tưởng sẽ làm đổi thay cả vùng đất nghèo khó; thế nhưng, từ ngày các công ty khai thác khoáng sản về đóng chân, cái được chưa nhìn thấy rõ đã kéo theo bao hệ lụy, làm xáo trộn cuộc sống của nhiều hộ dân vùng đất quặng Minh Sơn



Xe tải trọng chở quặng chạy suốt ngày đêm gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xã Minh Sơn.


Hy vọng khai sáng một vùng quê

Hiện tại, trên địa bàn xã Minh Sơn (Bắc Mê) có 3 công ty khai thác khoáng sản đang hoạt động là Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản An Thông, khai thác quặng sắt; Công ty Cổ phần khoáng sản năng lượng Hoàng Bách và Công ty khai thác khoáng sản Minh Sơn, khai thác quặng chì kẽm. Hơn 4 năm đi vào hoat động, hiện có khoảng gần 100 lao động là người địa phương được tuyển dụng vào làm việc tại các công ty, mở ra triển vọng về công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Với số lượng lao động đông đảo đang làm việc tại các công ty, tạo ra thị trường tiêu thụ hàng nông sản lớn, các công ty đóng chân trên địa bàn cũng đã cam kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân, đặc biệt là các loại rau, đậu; không phải lo đầu ra cho sản phẩm, xã Minh Sơn đã trích từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp của xã hỗ trợ, khuyến khích người dân trồng cây rau vụ Đông để tăng thu nhập. Bên cạnh đó, các công ty này cũng góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn như: Hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, điểm trường, trung tâm học tập cộng đồng và đặc biệt là đóng góp trên 70% ngân sách cho địa phương. Với một xã vùng 3 còn nhiều khó khăn như Minh Sơn, việc các công ty vào đầu tư khai thác khoáng sản có thể sẽ mở ra triển vọng mới cho sự phát triển.

 

Nhưng…. “Niềm vui ngắn chẳng tày gang”?

Tháng 12, trời vẫn có nắng, mặc cho cái lạnh se sắt miền sơn cước đã tràn về; con đường vào xã Minh Sơn thách thức phóng viên khi trải lớp bụi mù và từng đoàn xe tải trọng chở quặng ầm ào lao đi trong tiếng còi inh ỏi.

 

Khoan hãy nói đến sự xuống cấp nghiêm trọng của QL 34, mà chỉ cần đi 9 km trên tuyến đường Minh Ngọc - Mậu Duệ (đoạn từ Km 32 vào xã Minh Sơn), thì tất cả những người tham gia giao thông đều lắc đầu ngán ngẩm. Đoạn đường này gần như đã hư hỏng hoàn toàn khi mặt đường bong tróc, sạt lở, nham nhở “ổ voi” tạo thành những cái bẫy gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

 

Vào thời điểm này, khi vụ mùa đã xong, người dân thảnh thơi với công việc đồng áng, nhưng trên tuyến đường vào xã Minh Sơn, tất cả những ngôi nhà đều “cửa đóng then cài”. Có âm thanh phát ra từ khe cửa, tôi cố nhón người quan sát; trong căn nhà tối om, mấy người dân đang chuyện trò bên ấm trà nóng. Chị Mai Thị Tiến, thôn Ngọc Trì giải thích với khách: “Cửa đóng suốt ngày để ngăn bụi đấy, điện thì phải tiết kiệm nên chịu tối một tý”; nói rồi chị lấy khăn lau lên phần ghế mời khách ngồi, tôi thấy bụi vẫn phủ dày trên những vật dụng của gia đình.

 

Tiếp câu chuyện về cuộc sống hiện tại, chị Tiến bức xúc: “Nhà tôi gần đường nên hứng trọn; nắng thì bụi mù, mưa thì đường thành ruộng, xe tải trọng “cày xới” suốt ngày đêm không có giờ giấc; chúng tôi không chỉ vừa chịu đựng sự ô nhiễm về bụi bẩn, ô nhiễm tiếng ồn, mà tai nạn giao thông cũng luôn rình rập khi đường quá xấu, xe tải chạy nhanh. Mùa mưa, nước suối dâng mang theo cả nước từ bãi khai thác quặng ngấm vào chân ruộng khiến đất đai cằn cỗi, hoa màu không phát triển được, lại thêm bụi phủ dày lên các thửa ruộng ngô, lúa nên cây trồng kém năng suất”.

 

Tâm lý của người dân Minh Sơn lúc này là nếu không có việc cần thiết phải ra ngoài, sẽ chẳng ai muốn ra khỏi nhà khi không khí đặc quánh bụi và hiểm nguy rình rập.

 

Xen giữa cậu chuyện của chúng tôi, Ông Triệu Văn Nam kể thêm về những chiếc xe tải trọng: “Hôm nào nghe nói có trạm cân tải trọng đặt ở ngoài Hà Giang thì hôm ấy chúng tôi bình yên, vì xe quặng… tạm nghỉ. Xe chạy không theo giờ giấc, chạy qua khu dân cư ầm ầm cả lúc nửa đêm làm chúng tôi không thể ngủ được; mà sợ nhất là lúc các cháu học sinh tan trường”.

 

Chưa hết, mới đây, thông tin từ lãnh đạo huyện Bắc Mê cho biết, một số công ty này còn phải nhắc nhở mới chịu nộp thuế. Đối với khu vực khai thác mỏ chì kẽm, mức độ độc hại rất lớn, trong khi quy trình xử lý chất thải chưa đảm bảo; vào mùa mưa, chất thải chì kẽm này có thể sẽ theo nước tràn ra môi trường. Đã có những trường hợp bể xả thải của các công ty này bị rò rỉ, xã Minh Sơn và các nganh chức năng đã vào làm việc, lập biên bản và yêu cầu ngừng hoạt động để khắc phục. Công tác khắc phục tuy đã được thực hiện nhanh chóng, nhưng ai đảm bảo rằng, tình trạng như thế sẽ không còn tiếp diễn, thậm chí còn nghiêm trọng hơn.

 

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Minh Sơn Hoàng Văn Tuấn cho biết: Đã có nhiều đoàn kiểm tra các cấp vào làm việc với xã và các công ty về công tác môi trường, xã cũng đã kiến nghị nhiều lần với cấp trên về sự hư hỏng nặng của đường giao thông và ô nhiễm môi trường nhưng đến nay vẫn chưa thấy có kết luận và giải pháp gì.

Gần 600 hộ dân thuộc các thôn Lũng Vầy, Nà Sáng, Bình Ba, Ngọc Trì, Nà Ngòong, Pó Bèng, Khuổi Kẹn (nơi có mỏ khai thác và xe chở quặng chạy qua) đang hàng ngày chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc khai thác quặng; chưa kể đây là tuyến đường huyết mạch nối Bắc Mê với Yên Minh, hàng ngày có rất nhiều lượt phương tiện lưu thông trên tuyến đường này bị ảnh hưởng.

 

Chưa có đánh giá chuyên môn về tác hại của môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nơi đây, nhưng nếu việc khai thác khoáng sản không được quản lý chặt chẽ thì cuộc sống của người dân vùng quặng Minh Sơn vẫn sẽ tiếp tục bị xáo trộn, thậm chí sẽ gây ra những hệ lụy lớn hơn về môi trường trong tương lai gần.

 

Nhìn lại sau hơn 4 năm các công ty vào Minh Sơn hoạt động khai thác khoáng sản; những đoàn xe chở quặng vẫn nối đuôi nhau chạy về phía nhà máy sản xuất; còn người dân địa phương được gì?


BIỆN LUÂN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khu vực Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nhiệt độ giảm sâu 0-2 độ C
HGĐT - Do ảnh hưởng của không khí lạnh khô, cường độ mạnh, khiến trời quang mây và nhiệt độ các khu vực trong tỉnh Hà Giang tiếp tục giảm sâu.
18/12/2014
Đoàn phật tử thành phố Nam Định tặng quà hộ nghèo huyện Vị Xuyên
HGĐT - Thực hiện chương trình kết nối giữa Báo Hà Giang với các tổ chức, cá nhân quyên góp, hỗ trợ các hộ nghèo vào dịp cuối năm; ngày 18.12, Đoàn phật tử thành phố Nam Định do nhà sư Thích Thiện Tâm dẫn đầu đã đến thăm, tặng quà cho các hộ nghèo của xã Phương Tiến, Thanh Thủy (Vị Xuyên).
18/12/2014
Xứng đáng đội quân “Chiến đấu giỏi, dân vận khéo”
HGĐT- Không như các địa phương khác, cuộc đấu tranh giành chính quyền trong cách mạng tháng 8.1945 ở Hà Giang diễn ra chủ yếu bằng quá trình vận động, thu phục các lực lượng đối địch (Quốc Dân Đảng, Thổ ty, Bang tá, Địa chủ phong kiến) bằng sức mạnh chính trị của quần chúng và lực lượng quân sự hỗ trợ. Các đội du kích, tự vệ cứu quốc (tiền thân của LLVT Hà Giang) dưới sự
18/12/2014
Thêm yêu đất nước mình hơn!
HGĐT- Cảm nhận của chúng tôi khi đến với Trường Mầm non Hoa Mai (TP HG) đó là đội ngũ giáo viên nhiệt tình trong công tác, đoàn kết giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
17/12/2014