Kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Khoa Báo chí – Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Góp phần đào tạo đội ngũ nòng cốt của nền báo chí - truyền thông nước nhà

08:21, 06/06/2017

BHG- Khoa Báo chí được thành lập vào ngày 16/1/1962, cùng với sự ra đời của Trường Đại học Tuyên giáo, tiền thân của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay. 55 năm qua, Khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã cung cấp cho hệ thống báo chí - truyền thông Việt Nam hơn 13 ngàn người được đào tạo qua các hệ cử nhân, sau đại học... Những người được đào tạo, tập huấn, tốt nghiệp từ Khoa Báo chí đã và đang là phần rất quan trọng trong đội ngũ nòng cốt của nền báo chí - truyền thông nước nhà và đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới đất nước.

Cổng Học viện  Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Sưu tầm
Cổng Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Sưu tầm

Những giai đoạn tự hào

Trước khi chính thức thành lập năm 1962, nhóm cán bộ kiêm chức của Trường Đại học Tuyên giáo làm trung tâm kết nối, nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ báo chí, tuyên huấn. Đối tượng được đào tạo chủ yếu là anh chị em đang làm công tác báo chí, tuyên huấn ở các cơ quan, được cử đi dự các lớp đào tạo từ 2 đến 3 tháng, kịp cung cấp cho miền Nam và đáp ứng yêu cầu của các nước láng giềng.

Giai đoạn từ năm 1962 đến năm 1968, trường chủ yếu được giao nhiệm vụ mở các lớp từ 3 tháng đến 27 tháng, đối tượng đào tạo là những cán bộ trong biên chế các cơ quan báo chí, tuyên huấn ở miền Bắc. Trong điều kiện đất nước bị chia cắt, những người được đào tạo chủ yếu cung cấp cho hệ thống báo chí khu vực miền Bắc, một phần được đưa vào miền Nam trực tiếp phục vụ công cuộc vận động đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Bắt đầu từ năm 1968, Khoa Báo chí được giao nhiệm vụ xây dựng chương trình và chiêu sinh đào tạo khóa đại học đầu tiên, Khóa 1 (1969 -1973) với chương trình đào hệ chính quy tập trung. Gần 200 học viên, chủ yếu là các cán bộ, phóng viên trẻ ở các cơ quan báo chí, cán bộ nhân viên các cơ quan tuyên huấn trong các cơ quan dân sự, lực lượng vũ trang và lực lượng thanh niên xung phong sau khi hoàn thành nghĩa vụ hoặc lập thành tích xuất sắc; bao gồm cả một số ít những sinh viên mới tốt nghiệp PTTH được các cơ quan gửi đi đào tạo dự nguồn.

Lớp Đại học Báo chí Khóa 2, lớp Báo B (khai giảng sau lớp Báo A) đã ghi nhận sự chuyển đổi phương thức đào tạo mới của Khoa Báo chí. Từ chỗ đào tạo chủ yếu những người đang làm nghề, công tác, sang đào tạo chủ yếu những người chưa từng làm nghề. Đội ngũ thầy dạy chủ yếu là các nhà báo đang làm nghề và được giới báo chí tôn vinh.

Năm 1980, thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường cán bộ có trình độ đại học cho lĩnh vực tư tưởng - báo chí, lần đầu tiên Khoa Báo chí được giao nhiệm vụ đào tạo hệ đại học bằng hai, học chính quy tập trung với chương trình đào tạo trong 3 năm.

Những năm 80 thế kỷ XX, ngoài việc đảm nhận các khóa đào tạo tại trường, Khoa Báo chí còn được giao nhiệm vụ xây dựng chương trình và đảm trách khâu giảng viên giảng dạy các lớp đào tạo báo chí cho nước bạn Lào (Cộng hòa DCND Lào) ở Trường Nguyễn Ái Quốc X; xây dựng chương trình và giảng dạy cho khối các lớp phóng viên và biên tập của Bộ Quốc Phòng, của Trường Cao đẳng Truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam) ở Thường Tín, từ các lớp biên tập A1, A2.

Năm 1991, có thể nói là dấu mốc quan trọng nữa trong sự phát triển của Khoa Báo chí. Đó là cùng với việc nhà trường đổi tên thành Trường Đại học Tuyên giáo, lần đầu tiên Khoa Báo chí được chuyển hẳn sang chiêu sinh đào tạo đại học báo chí với đối tượng là học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông. Khóa 11 là khóa đầu tiên tuyển sinh đào tạo cho nhóm đối tượng này.

Giai đoạn này, cán bộ nghiên cứu giảng dạy cơ hữu của khoa được tăng cường. Ngoài một số cán bộ nòng cốt từ những năm 60, khoa được bổ sung cán bộ có trình độ cao, tốt nghiệp đại học báo chí ở nước ngoài về, số anh chị em tốt nghiệp đại học báo chí các khóa được giữ lại và một số cán bộ tuyên huấn từ các tỉnh chuyển về. Cũng giai đoạn này, Khoa Báo chí bắt đầu được giao nhiệm vụ đào tạo hệ đại học tại chức, trước hết là cho nhóm đối tượng đã tốt nghiệp đại học, lấy bằng đại học thứ 2; sau đó là các lớp cho người học nghề và lấy bằng thứ nhất.

Đội ngũ cán bộ nghiên cứu - giảng dạy (NC-GD) cơ hữu của khoa đã được tăng cường đáng kể, từ dăm bảy người đến gần 20 người. Từ năm 1991, 1993 và 1995, Khoa Báo chí bắt đầu được tăng cường cán bộ có trình độ Tiến sĩ ngành Báo chí được đào tạo từ nước ngoài về. Do đó, chương trình đào tạo, nội dung các bài giảng, sách vở giáo trình được cập nhật kiến thức nước ngoài và nâng cấp thêm một bước mới. Các nguyên tắc, phương châm giao dục tiếp tục được quán triệt tốt, nhất là việc “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn liền với thực tế” trong đào tạo báo chí được đặc biệt chú trọng.

Được sự quan tâm của Ban giám đốc Học viện, cơ sở vật chất kỹ thuật của Khoa Báo chí được tăng cường. Cùng với phòng học thực hành ảnh báo chí; phòng học tổ chức sản xuất sản phẩm báo in; các studio phát thanh, studio truyền hình... được trang bị rất hiện đại. Máy vi tính, máy ảnh, máy ghi âm, ghi hình,... được mua sắm, trang bị đủ cho sinh viên thực tập.

Năm 1995 là năm đầu tiên trên cả nước, Khoa Báo chí được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho phép chiêu sinh đào tạo Thạc sĩ báo chí.

Năm 2003 là năm đầu tiên Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền được Bộ GD-ĐT cho phép mở chiêu sinh đào tạo Tiến sĩ báo chí, chuyên ngành Báo chí học. Như vậy, Khoa Báo chí là đơn vị đầu tiên trên cả nước đào tạo trình độ Tiến sĩ báo chí, cũng là khoa đầu tiên của Học viện được đào tạo trình độ Tiến sĩ.

Đội ngũ cán bộ NC-GD cơ hữu của khoa được tăng cường về số lượng và chất lượng; từ khoảng 20 người lên gần 40 người; hầu hết đều có trình độ Thạc sĩ đúng chuyên ngành và khoa có kế hoạch cụ thể đào tạo cán bộ có trình độ Tiến sĩ và sau đại học nói chung.

Sau năm 2003, nhà trường tách Khoa Báo chí thành Khoa Báo chí và Khoa Phát thanh và Truyền hình. Đội ngũ cán bộ cơ hữu từ gần 40 người được chia đôi. Từ đây, công tác thiết kế, quản lý chương trình cũng như mô hình tổ chức đào tạo và phát triển đội ngũ có nhiều vấn đề đặt ra, chủ yếu là những khó khăn thách thức từ bên trong cũng như thách thức từ nhu cầu thực tiễn xã hội - nghề nghiệp. Tuy nhiên, với bản lĩnh của một khoa đào tạo đã được rèn đúc trong gần nửa thế kỷ, với sự hình thành phong cách chuyên nghiệp “bản lĩnh, phong cách, sáng tạo” từ mỗi cán bộ, nhân viên, Khoa Báo chí lại tiếp tục đương đầu với thử thách, tiếp tục vươn lên và có bước trưởng thành mới trong quá trình đào tạo báo chí đáp ứng nhu cầu xã hội.

Những kết quả ghi nhận

Với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng nhìn lại 55 năm, Khoa báo chí đã đào tạo được số lượng không nhỏ các sinh viên, học viên và tham gia nhiều hoạt động khoa học - đào tạo được xã hội ghi nhận:

- Đào tạo được 4.680 sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy.

 - Hơn 5.500 sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức (vừa làm vừa học), chủ yếu mở lớp ở các tỉnh, thành trên cả nước.

- Hơn 3.000 người được đào tạo, tập huấn qua các lớp ngắn ngày theo chức danh tòa soạn, theo nhu cầu xã hội, trong khuôn khổ các dự án với nước ngoài hoặc đào tạo tại chỗ theo yêu cầu các cơ quan báo chí,...

- Về đào tạo cao học, từ Khóa 1 đến Khóa 22, đã có hơn 700 học viên cao học đã bảo vệ luận văn, nhận học vị Thạc sĩ hai chuyên ngành Báo chí và chuyên ngành Quản lý Báo chí - Truyền thông; hiện còn hơn 130 học viên đang học.

- Đã có 13 lớp nghiên cứu sinh (NCS) với tổng số hơn 70 NCS chuyên ngành Báo chí học đang tu nghiệp, trong số đó đã có gần 30 người đã bảo vệ thành công luận án và nhận học vị Tiến sĩ chuyên ngành Báo chí học...

Trong hoạt động báo chí nói chung, nhiều cựu sinh viên Khoa Báo chí thuộc các cấp và các hệ đào tạo đã đoạt Giải báo chí Quốc gia, quốc tế, khu vực, ngành và địa phương; nhiều cây bút có tên tuổi; nhiều người giữ các trọng trách các cơ quan trong hệ thống chính trị và hàng ngàn nhà báo, hàng ngàn cây bút đang là nòng cốt trong đội ngũ báo chí - truyền thông Việt Nam. Đào tạo sau đại học của Khoa Báo chí đã cho “ra lò” nguồn nhân lực đang nắm những vị trí chủ chốt tại các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, các cơ quan lãnh đạo - quản lý và các cơ quan báo chí và các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Trong nghiên cứu khoa học và hoạt động quản lý, cũng như ở các cơ quan báo chí - truyền thông, nhiều cựu sinh viên Khoa Báo chí đã và đang giữ cương vị chủ chốt, làm nòng cốt, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển báo chí - truyền thông nói riêng, sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước nói chung.

Nguồn lực đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa Báo chí không chỉ là các thế hệ cán bộ cơ hữu, mà quan trọng hơn, là đội ngũ các thế hệ nhà báo và các cơ quan báo chí - truyền thông; các nhà khoa học và cơ quan nghiên cứu; các nhà hoạt động chính trị - xã hội và các tổ chức trong hệ thống chính trị. 55 năm qua, đội ngũ này đã phấn đấu không mệt mỏi, không ngừng cống hiến hết mình cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông Việt Nam vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”.

PGS,TS. NGUYỄN VĂN DỮNG (Giảng viên cao cấp - Trưởng khoa Báo chí)

[links()]


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xâm hại tình dục trẻ em: Nhận diện nguyên nhân

BHG- Thời gian qua, trên cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ em không chỉ khiến dư luận phẫn nộ, bức xúc mà các bậc phụ huynh cũng vô cùng lo lắng. Có rất nhiều nguyên nhân khiến tình trạng xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em gia tăng đột biến và ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy, để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại, xã hội cần khỏa lấp những "kẽ hở" trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

31/05/2017
Hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý trong "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm"

BHG- "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2017 được triển khai từ 15.4 đến 15.5 với chủ đề "Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu". Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo (BCĐ) VSATTP tỉnh, cùng với sự vào cuộc của các ngành, cấp, công tác kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm ATVSTP đạt nhiều kết quả.

31/05/2017
Phẫu thuật cho 137 trẻ em khuyết tật năm 2017

BHG- Từ ngày 29.5 - 3.6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp với Trung tâm hỗ trợ trẻ em khuyết tật - Ủy ban Quốc tế Hà Lan II, Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh tổ chức phẫu thuật cho 137 trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

31/05/2017
Cháy nhà tại thôn Nà Pù, xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc

BHG- Vào khoảng 12 giờ, ngày 29.5, tại thôn Nà Pù, xã Niêm Tòng (Mèo Vạc), xảy ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng khiến hai ngôi nhà của bà Vừ Thị Mỷ và anh Giàng Mí Sà bị thiêu rụi hoàn toàn.

30/05/2017