Ruộng bậc thang

09:57, 30/10/2012

HGĐT- Tình cờ tôi gặp lại anh - Anh Giàng Mí Chử - Người đồng đội đã cùng tôi một quãng đời quân ngũ giữa những cánh rừng nam Tây Nguyên mấy mươi năm về trước.


Ngày ấy tôi đang trẻ lắm, người lính tuổi đôi mươi nên vốn sống chưa là bao, anh dân tộc gì và quê quán nơi đâu tôi cũng không quan tâm, chỉ biết anh là người con của vùng cao phía Bắc. Anh hơn tôi vài tuổi nên vào lính trước tôi cũng vài năm. Anh tự hào mình là người được tham gia suốt chiến dịch Tây Nguyên tháng 3. 1975 và trận đánh mở cánh cửa phía Tây Bắc Sài Gòn để đại quân ta tiến vào Thành phố.


Điều tôi nhớ về anh đó là con người thuần phác, nhường nhịn, dễ gần. Anh thường tự nhận mình nói tiếng Kinh chưa thõi. Chính vì vậy mà nhiều lần mấy đứa chúng tôi cứ lấy đó để bông đùa. Anh không tự ti mặc cảm mà cho đó là điều để mình được vui. Mỗi lần sảng khoái là hai chiếc răng vàng trên miệng anh lộ ra làm chúng tôi lại không nhịn được cười. Đời lính là vậy, mỗi khi được tán róc, được cười là thích. Vui thì vui đấy, nhưng buồn lại buồn ngay. Một lần dưới nắng vàng trên Tây Nguyên nắng gió, thoáng thấy anh thẫn thờ một nét buồn trong ánh mắt xa xăm. Bỗng anh buông một câu: Ồ lạ nhỉ, cũng rừng, cũng núi, cũng khe sâu mà sao nơi đây không có ruộng bậc thang như ở quê mình? Anh kể ngày anh lên đường đúng vào đầu thu, tiết trời êm dịu, những thửa ruộng trước nhà lúa bắt đầu chuyển một màu vàng trong nắng trông mà thích mắt. Thấm thoắt đã mấy mùa rồi mình đâu được ngắm những thửa ruộng lúa bậc thang, mong sao một ngày trở về để lại được nhìn, được ngắm. Nói vậy, nghĩ vậy, nhưng anh bảo rằng, bây giờ có cho anh về thì cũng phải có người đi kèm, nếu không là bị lạc. Tôi tin điều đó với anh là rất thật, bởi từ bé anh có đi đâu xa, chỉ vì chiến tranh mà anh phải xa nhà.


Ngày mà anh mong khi trở về phải có người đi kèm ấy chưa thấy đâu thì đùng một cái chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Cả đơn vị tức tốc hành quân về Tây Ninh sẵn sàng xung trận. Những người lính dạn dày trận mạc như Giàng Mí Chử đều được tăng cường làm nòng cốt cho các phân đội chiến đấu. Vậy là mỗi người mỗi ngả, đánh nhau liên miên người còn người mất nên đâu có điều kiện để mà hỏi han nhau. Mãi sau này khi cùng những cánh quân tình nguyện tiến sâu vào đất Campuchia, tôi bắt gặp nhiều đồng đội cùng đơn vị anh, được biết anh đang là cán bộ đại đội nhưng phải rời vị trí chiến đấu vì vết thương quá nặng trong một lần truy quét lũ tàn quân Pôlpôt phía tây nam xứ Chùa Tháp.


Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế của những người lính tình nguyện trên đất bạn, cả đơn vị chúng tôi ngược ra biên giới phía Bắc. Tôi đã tìm anh nhưng chẳng thấy, anh đã rời quân ngũ sau lần bị thương và trở về quê mãi một vùng núi rừng heo hút.


Mới đây, với một lần lãng du vớicác tỉnh vùng cao phía Bắc, tình cờ tôi được gặp lại anh nhờ một người bạn đang là phóng viên của một tờ báo tỉnh. Khi nhắc đến tên Giàng Mí Chử, bạn tôi à lên và “biết rồi, biết rồi, tưởng ai, ông Chử thương binh- Chủ tịch xã, lạ gì, tôi đã gặp ông vài lần khi tác nghiệp, để tôi gọi điện, nay ngày nghỉ chắc ông có nhà”.


Thoạt gặp nhau mắt anh tròn xoe ngơ ngác vì chưa nhận ra nhau, rồi chợt vỡ oà anh nắm chặt tay tôi: Nhớ rồi, nhớ rồi, thằng này... Còn tôi, tôi chẳng thể nào quên bởi một phong cách lính Tây Nguyên và nhất là hai răng vàng cửa miệng, chỉ khác mái đầu pha sương và nhiều nếp nhăn hằn sâu trên trán.


Căn nhà cheo leo nơi sườn núi và phía trước là tầng tầng lớp lớp những thửa ruộng bậc thang lúa đang thì con gái. Đẹp quá, chả trách những ngày trong Tây Nguyên nhớ nhà thì ít mà nhớ ruộng bậc thang thì nhiều. Chai rượu ngô trên bàn rót ra nhâm nhi gợi về bao câu chuyện. Chợt anh chạy vào lôi từ chiếc ba lô ra một bộ quần áo còn tươi màu lính nhưng chi chít những vết thủng bởi đạn găm vào. Anh bảo đây là kỷ vật anh muốn lưu giữ suốt đời để nhớ về cái ngày không thể quên ấy. Đó là một đêm giữa rừng Campuchia trước giờ nổ súng khi anh được chợp mắt và bắt gặp một giấc mơ. Giấc mơ về một trận đánh, một trận đánh ác liệt và không ít thương vong, anh mơ thấy thân mình đầy máu, giật mình tỉnh dậy mà chưa hết bàng hoàng. Anh định thần với dự cảm bao điều có thể. Có thể chỉ là giấc mơ nhưng chẳng thể vô tình. Có thể linh tính ngày mai mình phải hy sinh. Có thể... Vậy là bộ quân phục vừa được bổ sung anh mang ra mặc, nếu có phải ra đi thì ra đi với một bộ áo quần còn mới. Quả nhiên hôm sau trận chiến diễn ra thật ác liệt, nhiều đồng đội hy sinh và bị thương trong đó có anh, anh bất tỉnh vì vết thương quá nặng. Gần hai năm sau anh được trở về với những thửa ruộng bậc thang từng hằn trong nỗi nhớ


Về địa phương họ tưởng mình từng là lính chiến việc gì cũng có thể làm được, nên giao hết việc nọ lại việc kia. Không làm không được, từ chối không xong vì mình là Đảng viên. Tôi ngạc nhiên: Nghe nói anh không biết chữ nên khi còn trong lính muốn thư về nhà toàn nhờ người khác viết hộ. Anh trần tình: Người Mông mình ít được học, nhưng không phải hoàn toàn không biết chữ. Mình về được người ta cho đi học nhưng chỉ học bổ túc, nay một lớp, mai một lớp, từ thấp đến cao, hết học văn hoá lại học chính trị, học mãi cũng biết. Giờ chẳng những biết đọc biết viết mà còn biết làm báo cáo và soạn thảo văn bản. Học xong được làm trưởng thôn, rồi chủ tịch Hội Cựu chiến binh, và khóa này được bầu làm Chủ tịch xã. Từng lính chiến lại ở vùng sâu vùng xa nên cứ vừa làm vừa học, dần khác quen thôi mà. Việc phấn đấu học hành cũng như những thửa ruộng bậc thang ấy, phải từ thấp đến cao sao cho hợp lẽ. Có cái phải tuần tự từ dưới lên, nhưng có cái lại phải từ trên xuống. Tạo ruộng bậc thang phải được bắt đầu từ dưới lên, nhưng nguồn nước cho ruộng bậc thang lại phải từ trên xuống. Ở đời cũng phải hiểu được lẽ ấy, nếu không sẽ trở thành nghịch lý. Mình là người lính dù nhiều huân, huy chương, nhưng ít học thì vẫn chỉ là tay võ biền. Nếu được học hành bài bản từ thấp lên cao, được sự quan tâm từ trên xuống thì công việc sẽ suôn sẻ, nếu không khó mà tồn tại.


Tôi bất ngờ về một con người từng một thời chung sống. Trường đời đã tạo cho Giàng Mí Chử một nhân sinh quan hoàn toàn khác. Từ một người lính tưởng ngô nghê đến nỗi không nhớ cả lối về và cũng không thõi tiếng Kinh nay là một Giàng Mí Chử đầy trải nghiệm với một tư duy vững vàng như những thửa ruộng bậc thang vốn trường tồn từ nghìn đời giữa quê hương vùng cao phía Bắc.


Ngô Minh Bắc (Khu Trường Chinh, Chũ, Lục Ngạn, Bắc Giang)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phường Ngọc Hà: Tổ chức lễ hội đường phố lần thứ nhất, năm 2012
HGĐT - Tối 28. 9(13.8 âm lịch), Phường Ngọc Hà (TP Hà Giang) đã tổ chức Lễ hội đường phố lần thứ nhất, năm 2012.
30/09/2012
Nhạc sỹ- chiến sỹ Nguyễn Trùng Thương
HGĐT- Tôi biết nhạc sỹ Nguyễn Trùng Thương qua những ca khúc do anh sáng tác, khi đó tôi còn là một cô sinh viên. Và sau hơn 10 năm không biết duyên số thế nào tôi lại vinh dự đứng trong hàng ngũ nhân viên của Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch Hà Giang - Nơi anh là Giám đốc. Nếu chỉ gặp anh nơi công sở, với khuôn mặt khá nghiêm nghị và trầm tư, ít ai nghĩ anh là một nhạc sỹ tên
29/10/2012
Mèo Vạc nỗ lực thực hiện các giải pháp bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc
HGĐT - Trong những năm trở lại đây, do ảnh hưởng của xu thế toàn cầu hóa nên bản sắc văn hóa riêng biệt của một số dân tộc trong tỉnh đang đứng trước nguy cơ mai một. Là huyện có đông dân tộc sinh sống, Mèo Vạc luôn coi công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
29/10/2012
Văn hóa giao thông qua những góc nhìn
“Mẹ ơi đèn đỏ rồi, dừng xe lại đi. Bố ơi đội mũ bảo hiểm cho con. Lời nói của con trẻ năm nay vào lớp một khiết tôi thực sự suy nghĩ và nghiêm túc nhìn nhận lại hành vi, thái độ tham gia giao thông của mình”. Đó là câu chuyện của các bậc phụ huynh mà chúng tôi tình cờ nghe được đã gợi mở cho mỗi người nhiều điều suy ngẫm về văn hoá giao thông.
29/09/2012