Rực rỡ sắc Xuân trên rẻo cao

12:06, 16/02/2024

BHG - Xuân mới đang về trên quê hương cực Bắc với sắc thắm của hoa đào, hoa lê nhuộm trước ngõ, sau hiên nhà. Trên các bản làng vùng cao, sắc Xuân rạng rỡ, tươi vui đang lan tỏa khắp mọi nơi với những bước chân vui trẩy hội của các chàng trai, cô gái. Những tiếng khèn gọi bạn, những câu hát giao duyên, lời Then, lời Cọi dặt dìu trong nắng mới khiến lòng người chộn rộn giữa không khí đậm sắc hương Xuân của núi rừng.

Mùa Xuân luôn được ví là mùa đẹp nhất trong năm, mùa vạn vật sinh sôi nảy nở, vùng đất cao nguyên cực Bắc cũng đang khoác lên mình chiếc áo hoa rực rỡ. Mặc cho thời tiết khắc nghiệt, sau những ngày Đông giá rét, khi nắng Xuân vừa len lỏi những cánh rừng thì hoa đào, hoa lê, hoa mận đã bung mình khoe sắc. Hoa lê, hoa mận mang sắc trắng tinh khôi, giản dị, những bông hoa mỏng manh kết thành từng chùm nở trắng các triền đồi, thung lũng tạo nên một vẻ đẹp nguyên sơ, tinh khiết cho núi rừng. Trong khi đó, hoa đào lại mang sắc hồng rực rỡ, nổi bật giữa triền đá xám. Sắc thắm của những loài hoa đã khiến bức tranh Xuân trên cao nguyên đá trở nên thật tươi đẹp và đầy sức sống.

Thiếu nữ Mông chơi đánh yến trong Lễ hội Gầu Tào. Ảnh: Yên Hoa
Thiếu nữ Mông chơi đánh yến trong Lễ hội Gầu Tào. Ảnh: Yên Hoa

Mùa Xuân cũng là lúc các bản làng vùng cao hòa mình vào không khí từng bừng của các lễ hội. Đặt chân đến cửa ngõ phía Nam của tỉnh, du khách sẽ được hòa mình vào Lễ hội Lồng Tồng của người Tày. Đây là lễ hội mang ý nghĩa tâm linh, độc đáo và đậm giá trị nhân văn của dân tộc Tày sinh sống ở các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình, thành phố Hà Giang. Lễ hội thường được tổ chức từ mùng 6 đến ngày Rằm tháng Giêng. Trước khi diễn ra lễ hội, các gia đình cùng nhau chuẩn bị mỗi thôn một mâm cỗ cúng gồm xôi, gà, thịt lợn, bánh chưng, bánh dày, sản vật địa phương. Sau khi các nghệ nhân hoàn thành phần lễ khấn tạ ơn trời đất, thần linh đã phù hộ cho dân bản một năm an khang, tốt lành thì cả bản làng nô nức kéo nhau vào phần hội. Các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, thi dệt thổ cẩm, đánh yến, đi cà kheo, bắn nỏ, thi cấy... tạo nên không khí vui nhộn của ngày đầu Xuân.

Chị Nguyễn Thị Nghiên, xã Việt Lâm (Vị Xuyên) chia sẻ: Lồng Tồng là lễ hội có từ lâu đời và độc đáo nhất trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Tày. Năm nào cũng vậy, cứ đầu tháng Giêng là bà con dân bản lại nô nức tham gia Lễ hội, trong đó phần đông vui nhất chính là hội tung còn. Những quả còn rực rỡ màu sắc, gắn những tua dài theo hướng tay người tung lao lên trời, hướng về phía tâm tròn trên cây nêu, mang theo bao ước vọng về một năm mới ấm no, hạnh phúc của người dân. Trải qua năm tháng, bao thế hệ người Tày vẫn gìn giữ lễ hội truyền thống độc đáo của dân tộc mình và thường xuyên tổ chức vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về để cầu mong một năm mới an vui, hạnh phúc. Đặc biệt, lễ hội còn trở thành điểm nhấn thu hút du khách đến với các bản làng người Tày vào dịp đầu Xuân mới.

Du khách chụp ảnh với hoa mận ở Hoàng Su Phì. Ảnh: C.T.V
Du khách chụp ảnh với hoa mận ở Hoàng Su Phì. Ảnh: C.T.V

Rời các huyện vùng thấp, ngược lên cao nguyên đá phía Bắc vào những ngày đầu năm, du khách sẽ được thỏa sức khám phá phong tục đón Tết độc đáo của đồng bào. Trong những nếp nhà trình tường cổ kính, được cùng gia chủ ngồi bên bếp lửa ấm cúng, thưởng thức những món ẩm thực độc đáo như thắng cố, mèn mén, thịt gác bếp, gà xương đen, bánh Tam giác mạch; nhấp chén rượu ngô cay nồng trong không khí Xuân rạo rực sẽ là trải nghiệm vô cùng thú vị.

Đặc biệt, các lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian được tổ chức vào những ngày đầu năm mới là điểm nhấn riêng có trên vùng cao nguyên đá. Các chàng trai, cô gái trong những bộ trang phục truyền thống, mang theo khèn, đàn môi và những quả pao rực rỡ sắc màu nô nức trẩy hội. Tiếng khèn réo rắt gọi bạn, lời hát giao duyên vang vọng núi rừng, quả pao bay đi bay lại mang theo cả ánh mắt, nụ cười của những đôi trai, gái khiến du khách như đắm chìm vào hương Xuân cùng men tình yêu lan tỏa khắp bản làng. Không những vậy, du khách còn được thỏa sức hòa mình vào các trò chơi truyền thống như: Đánh yến, đánh cù, kéo co, đẩy gậy, leo cột mỡ... tạo nên những âm thanh náo nhiệt, những sắc màu rực rỡ và mang theo cả những niềm hân hoan đầu năm mới.

Sắc Xuân đã ngập tràn khắp rẻo cao. Xuân đậu trên đôi má hây hây của thiếu nữ, đong trên nhịp váy xốn xang trẩy hội. Xuân cũng về trên nương rẫy, trên những đôi bàn tay cần cù lao động, miệt mài gieo hạt vào đất. Mùa Xuân trên rẻo cao qua bao đời vẫn đẹp, dịu dàng và thanh khiết như thế, gieo vào lòng lữ khách cả miền xúc cảm đong đầy.

YÊN HOA


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đổi thay miền đá
BHG - Ta sinh ra không phải trên mảnh đất này, nhưng ta trưởng thành từ những ngọn núi đá biên cương. Nơi có thừa giá rét, sương mù, tuyết rơi, băng phủ nhưng không thiếu cảnh thần tiên hiển hiện. Cải ngồng trổ hoa vàng, Tam giác mạch dâng mình với lung linh muôn sắc, sương sớm bảng lảng bên ngọn núi trầm mặc… và tình người ăm ắp những yêu thương.
14/02/2024
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 lượng khách du lịch đến Hà Giang tăng 64% so với cùng kỳ
BHG - Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh (VHTT&DL) ngày 13.2 cho biết, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 lượng khách đến các khu, điểm du lịch trong tỉnh đạt 141.200 lượt người, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách quốc tế 1.589 lượt người, khách nội địa 139.611 lượt. Tổng thu từ du lịch ước đạt trên 350 tỷ đồng.
13/02/2024
  Con chim nhỏ
BHG - Ăn cơm trưa xong, bố nói với mẹ Đa Đa:
13/02/2024
Tết này của Phấy và Sếnh
BHG - Cơn gió mùa Đông Bắc đặc quánh hơi nước đem theo cái lạnh cắt da thổi hun hút khắp sườn núi. Phấy đeo quẩy tấu lầm lũi đi vào khe suối tìm rau chăn lợn.
13/02/2024