Algeria không xa xăm

12:46, 01/03/2022

BHG - Năm nay, Việt Nam và Algeria cùng nhau kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1962 – 2022). Hai nước có quan hệ từ khá sớm. Có thể lấy mốc của mối quan hệ đó từ khi Vua Hàm Nghi bị thực dân Pháp lưu đày sang quốc gia Bắc Phi này vào năm 1888. Tinh thần yêu nước của vị Hoàng đế thứ 8 nhà Nguyễn (triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam) đã để lại tấm gương sáng lưu truyền hậu thế với Hịch Cần Vương bất hủ - kêu gọi văn thân, sĩ phu, đồng bào ứng nghĩa, phò Vua cứu nước đánh đuổi quân Pháp xâm lăng. Nhiều đường phố ở các đô thị lớn từ Nam chí Bắc nước ta đã từng mang tên vua Hàm Nghi.

Một góc thủ đô Algiers của Algieria (Ảnh: Internet)
Một góc thủ đô Algiers của Algieria (Ảnh: Internet)

Cuộc đời lưu đày từ khi còn trẻ tới lúc qua đời ở xứ người, dù cho có đủ đầy về vật chất, ông vẫn luôn đau đáu nỗi nhớ cố hương. Thời gian đầu, ông không chịu học tiếng Pháp vì cho rằng thứ tiếng của lũ người xấu đang cướp nước mình, vẫn giữ nếp ăn vận của người An Nam, tóc búi tó… Về sau, để khỏi phải qua phiên dịch trong sinh hoạt đời thường cũng như cần tìm hiểu, học hỏi văn hóa - nghệ thuật, ông đã học tiếng Pháp và am hiểu rất nhanh. Cựu Hoàng sau đó chuyên tâm học tập, nghiên cứu sâu về hội họa và điêu khắc với sự chỉ dẫn của 2 nghệ sỹ tài danh người Pháp. Các con, cháu của ông còn lưu giữ được gần 100 tác phẩm nghệ thuật về 2 lĩnh vực trên. Một số đã công bố ở triển lãm nghệ thuật tại Pháp, được dư luận chung nhận xét: Tâm hồn Việt luôn hiển hiện trong tác phẩm nghệ thuật với kỹ thuật hiện đại phương Tây của vị Vua An Nam.

Việt Nam và Algeria đều trải qua thời kỳ dài dưới chế độ thuộc địa của thực dân Pháp (từ cuối thế kỷ 19 vắt sang đầu thế kỷ 20). Nhân dân hai nước luôn ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Phong trào đấu tranh chống bắt lính châu Phi sang làm bia đỡ đạn trong chiến tranh Đông Dương liên tục nổ ra. Có những đoàn tàu không chạy được bởi các bà mẹ, những người vợ có chồng đi lính nằm ra đường sắt, miệng hô khẩu hiệu phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Thắng lợi của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã tác động mạnh, trực tiếp cổ vũ nhân dân Algeria trong cuộc đấu tranh giải phóng. Chính năm ấy, Mặt trận Giải phóng Quốc gia (còn gọi là Mặt trân Giải phóng dân tộc Algeria – FLN) phát động cuộc đấu tranh và giành độc lập vào năm 1962. Quan hệ ngoại giao với Việt Nam cũng được thiết lập ngay năm ấy. Ngày Quốc khánh 2/9 của Việt Nam lần đầu được tổ chức tại thủ đô Algiers vào năm 2007. Chủ tịch Hồ Chí Minh có ảnh hưởng lớn ở Algeria. Tên của Người đã được đặt cho một đường phố ở thủ đô và một số đô thị khác. Tại Hà Nội, có trường Trung học phổ thông Algeria. Ngày 25.7.2021, Đại sứ quán Việt Nam và Trường Cao đẳng Khách sạn và Nhà hàng Algeria đã phối hợp tổ chức Giao lưu ẩm thực Việt Nam – Algeria, tạo được sự hưởng ứng, lan tỏa ở thủ đô nước bạn.
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Algeria nằm ở Bắc Phi, là nước lớn nhất của châu Phi. Sudan là quốc gia có diện tích lớn hơn, nhưng nay chia thành 2 nước: Sudan và Nam Sudan. Giáp với Địa Trung Hải ở phía bắc, biên giới Algeria phần còn lại có chung với các nước: Tunis, Libia, Nigeria, Mali, Maritania, Maroc và phía Tây có sa mạc Sahara. Dân số Algeria, tính đến 7.2019, có 43.378.027 người, trong đó người theo đạo Hồi dòng Suni chiếm tới trên 90%. Tiếng A- rập là ngôn ngữ chính thức. Với 130 năm là thuộc địa của Pháp nên tiếng Pháp cũng rất phổ biến ở đây.  Algeria theo thể chế chính trị Cộng hòa Tổng thống, có nhiều đảng phái. Mặt trận Giải phóng dân tộc (FLN) có uy tín lớn, hiện là đảng đang cầm quyền.
Về đối ngoại, Algeria là thành viên của các tổ chức quốc tế: Liên hợp quốc (UN), Liên minh châu Phi (AU), Phong trào không liên kết (NAM), Liên đoàn Ả - rập (ACL), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Algeria là một trong số ít nước giàu nhất "lục địa đen". Với khí hậu và thổ nhưỡng đa dạng, rất thích hợp cho việc trồng lúa mì, cây ô-liu cùng các loại cây nhiệt đới khác. Phía nam dãy Atlas Tell là vùng cao nguyên bao la, rải rác có hồ nước mặn, thuận lợi cho chăn nuôi cừu. 80% diện tích của Algeria thuộc sa mạc Sahara, có tiềm năng khổng lồ về dầu mỏ, khí đốt cùng nhiều loại khoáng sản giá trị. Riêng về trữ lượng dầu mỏ, nước này được xếp thứ 14 với 11,8 tỷ thùng, đứng thứ 8 thế giới về khai thác. Du lịch đã đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của đất nước này.
Algeria thực hiện chế độ giáo dục bắt buộc, miễn phí 9 năm từ 6 tuổi trở lên. Có sự phân chia giữa A-rập và Pháp trong nền văn học đương đại Algeria. Những tên tuổi mang tầm vóc châu lục và thế giới, phải kể tới như Mohamed Dib, Albert Camus, Kateb Yacine, Assia Djebar. Thư viện của Nhà Văn hóa Châu Mỹ (Casa de las Americas) ở thủ đô La Habana, có rất nhiều sách báo của Cuba và các nước. Tôi đọc được chùm thơ của nhà thơ Ki-Gor trong mục Thơ chiến sĩ Algeria đăng trên báo Gazeta de Cuba – Cơ quan ngôn luận của Hội Nhà Văn Cuba (bản dịch tiếng Tây Ban Nha). Vốn có cảm tình với quốc gia miền Bắc Phi, tôi đã chọn một bài trong chùm thơ, đem dịch sang tiếng Việt; xin chép ra như lời kết của bài viết này:

Nếu em là…

Nếu em là đóa hoa rừng ắp đầy hương sắc
Anh sẽ băng ngàn vượt hết núi cao
Tìm cho đến cánh rừng em nở
Rồi đưa tay hái lấy em về

Nếu em là con chim hay hót
Anh sẽ vượt rừng chẳng quản vực sâu
Để tai mình uống lời em hát
Như say sưa nhấp phải rượu nồng

Nếu em là bông hoa đáy biển
Anh sẽ gieo mình lặn xuống lòng sâu
Để tay mình đón cành hoa ấy
Trân trọng nâng niu cất giấu trong lầu

Nếu em là một ngôi sao sáng
Trên bầu trời bao la
Anh sẽ thức không đêm nào chợp mắt
Dán mắt trông theo suốt giải ngân hà. 

 TS. CHU HUY SƠN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng mang dấu ấn riêng
BHG - Thực hiện phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh ta ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND về phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tỉnh sẽ xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng (VHDLCĐ) trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với chất lượng dịch vụ tốt nhất, thân thiện với môi trường.
28/02/2022
Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2022

BHG - Sáng 25.2, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022. Dự có lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch…


25/02/2022
Gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch
BHG - Chiều 24.2, tại Nhà hàng Đức Giang (thành phố Hà Giang), Ban Chỉ đạo phát triển du lịch (DL) và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh tổ chức hội nghị gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ DL trên địa bàn tỉnh; nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các cơ sở kinh doanh dịch vụ DL, bàn giải pháp phục hồi DL sau đại dịch Covid-19. Dự hội nghị có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố…
24/02/2022
Hà Giang trong mắt chàng trai người Tày
Hoàng An nặng tình với mùa xuân, sắc hoa và nhịp sống bình dị trên cao nguyên đá. Hoàng An (tên thật là Hoàng Văn Hoàn), 34 tuổi, là người Tày sinh ra và lớn lên tại Hà Giang. Với chàng trai mê xê dịch và chụp ảnh film, Hà Giang quyến rũ nhất vào độ xuân về khi khoác lên mình chiếc áo mới rực rỡ. Trên ảnh là thôn Lao Xa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn ngập tràn sắc hoa cải vào đầu năm.
24/02/2022