Hòa cùng "dòng chảy" báo chí hiện đại

18:37, 12/04/2020

BHG - Trong ngày đầu tháng Tư, một sự kiện nổi bật trong chiều dài lịch sử 56 năm hình thành và phát triển của Báo Hà Giang, đó là tờ báo in khổ to thường kỳ được in 4 mầu, đánh dấu bước đi phù hợp với xu thế phát triển chung của báo chí hiện nay. 

Tổng Biên tập Báo Hà Giang Nguyễn Trung Thu lưu bút số báo in 4 màu đầu tiên.                   Ảnh: LÊ LÂM
Tổng Biên tập Báo Hà Giang Nguyễn Trung Thu lưu bút số báo in 4 màu đầu tiên. Ảnh: LÊ LÂM

Cách đây 56 năm, ngày 13.4.1964, BTV Tỉnh ủy Hà Giang đã ra Nghị quyết số 11-NQ/TU, về việc nâng tờ Tin Hà Giang lên thành tờ Báo Hà Giang và chính thức thành lập cơ quan Báo của Đảng bộ tỉnh. Ngay sau khi Nghị quyết ban hành, số báo Hà Giang đầu tiên đã ra mắt bạn đọc và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Kể từ đó, ngày 13.4.1964 trở thành mốc son lịch sử thành lập Báo Hà Giang và ra số báo đầu tiên.

Các số báo in 4 màu.
Các số báo in 4 màu.

Ngày đầu thành lập, Báo Hà Giang chỉ có 8 cán bộ, nhân viên. Nhiều người vừa làm phóng viên, vừa kiêm biên tập viên. Tờ báo khi đó gồm 4 trang, phát hành mỗi tuần một kỳ, lượng phát hành 700 tờ/kỳ, sau được nâng lên 1.000 tờ/kỳ, phát hành xuống đến xã và bán qua Bưu điện cho các cơ quan trong tỉnh. Dù còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là lực lượng cán bộ, phóng viên thiếu, nhưng trong giai đoạn 1964 – 1976, Báo Hà Giang đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của một cơ quan ngôn luận của Đảng, góp phần vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc và các nhiệm vụ phát triển KT – XH, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở địa phương.

Lãnh đạo, nhân viên Báo Hà Giang và Công ty Cổ phần In trao đổi kinh nghiệm số báo in 4 màu đầu tiên.                                               Ảnh: LÊ LÂM
Lãnh đạo, Phóng viên, Biên tập viên Báo Hà Giang và Công ty Cổ phần In trao đổi rút kinh nghiệm sau khi in số 4 màu đầu tiên. Ảnh: LÊ LÂM

Năm 1976, tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang được sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên. Báo Hà Giang và Báo Tuyên Quang được sáp nhập với tên gọi Báo Hà Tuyên. Trụ sở toà soạn đặt tại thị xã Hà Giang, đến năm 1979 chuyển về thị xã Tuyên Quang. 16 năm của Báo Hà Tuyên (1976 – 1991), là giai đoạn đầy khó khăn, thử thách khi tuyến đầu Hà Tuyên diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới. Cán bộ, phóng viên của Toà soạn vừa phải thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền các mục tiêu xây dựng, phát triển KT - XH; vừa phải ra mặt trận tuyên truyền cho cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, các cán bộ, phóng viên Báo Hà Tuyên đã khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân giao phó.

Tháng 10.1991, tỉnh Hà Tuyên chia tách thành tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Báo Hà Tuyên cũng thực hiện việc tách thành Báo Hà Giang và Tuyên Quang. Từ đây, Báo Hà Giang bước vào thời kỳ mới, trong điều kiện KT – XH của tỉnh còn rất khó khăn, cơ sở vật chất ban đầu của tòa soạn tạm bợ và thiếu thốn. Nhưng với quyết tâm cao, Báo Hà Giang nhanh chóng ổn định tổ chức, bắt tay vào hoạt động, từng bước thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh Hà Giang gắn với công cuộc đổi mới đất nước.

Thời kỳ đầu chia tách, Báo Hà Giang xuất bản 1 kỳ/tuần, báo in đen trắng với 1.000 tờ/kỳ. Năm 2002, nâng lên 3 kỳ/tuần; năm 2013, lên 4 kỳ/tuần; năm 2017, báo phát hành 5 kỳ/tuần vào các ngày thứ 3,4,5,6,7, với trên 8500 tờ/kỳ, phát hành đến tất cả các chi, Đảng bộ cơ sở, các cơ quan, đơn vị, trường học, các xã, phường, tổ dân phố, thôn, bản trong toàn tỉnh. Ngày 1.4.2020, báo Hà Giang chính thức được in 4 mầu tại Công ty Cổ phần In Hà Giang.

Qua quá trình phát triển, Báo Hà Giang không ngừng cải tiến quy trình xuất bản; đổi mới cách trình bày theo xu hướng báo chí hiện đại. Nội dung ngày càng chất lượng, phong phú và hấp dẫn, hình thức bắt mắt, tạo ấn tượng tốt với bạn đọc và đặc biệt là luôn giữ được tôn chỉ mục đích của tờ báo.

Ngoài ấn phẩm báo in thường kỳ, Báo Hà Giang điện tử (ban đầu dưới hình thức trang thông tin điện tử chủ yếu đăng tải lại tin, bài, ảnh từ báo in) chính thức ra mắt ngày 3.2.2007. Đáp ứng nhu cầu bạn đọc và xu hướng phát triển của công nghệ thông tin, năm 2017 Báo Hà Giang điện tử ra mắt giao diện dành cho các thiết bị smart phone. Năm 2019, Báo Hà Giang chính thức được cấp phép hoạt động báo điện tử. Đến nay, Báo Hà Giang điện tử đã khẳng định vai trò của một kênh thông tin đa phương tiện, chủ lực của tỉnh với hàng trăm tin, bài, ảnh, video clips được cập nhật mỗi ngày. Hiện nay, Báo Hà Giang điện tử có thêm truyền hình Internet và đang thử nghiệm chương trình phát thanh. Với thông tin nhanh nhạy, kịp thời và phong phú, nhiều hình thức truyền tải, Báo Hà Giang điện tử thu hút gần 15.000 lượt độc giả truy cập mỗi ngày. Cùng với đó, Báo Hà Giang còn có ấn phẩm Hà Giang Cực Bắc, khổ nhỏ 4 trang, in 4 mầu ra 1 số/tháng, số lượng 3.000 tờ. Đây là tờ thân thuộc đối với đồng bào các dân tộc vùng cao, vùng sâu, hình thức đẹp, chữ to, nhiều ảnh, thông tin đa dạng.

Có thể nói, trải qua chặng đường 56 năm phát triển, được sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp của Thường trực Tỉnh uỷ và sự chỉ đạo của Thường trực UBND tỉnh; sự phối hợp tạo điều kiện của các ngành, các cấp, hôm nay Báo Hà Giang đã có cơ sở vật chất khang trang với trên 30 cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Đội ngũ phóng viên đa số tuổi trẻ, có trình độ, chuyên môn cao và tâm huyết với nghề, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên hôm nay luôn biết trân trọng, kế thừa những tinh hoa của những thế hệ làm báo đi trước, xây dựng các ấn phẩm của Báo Hà Giang ngày càng chất lượng, phong phú về nội dung, đẹp về hình thức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh giao.

LƯƠNG ANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nguồn gốc và giá trị cốt lõi của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt Nam từ bao đời nay đã hình thành trong tâm thức của mình: Vua Hùng là vị Vua Thủy Tổ dựng nước, là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Vì thế, Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày để cả dân tộc tưởng nhớ, biết ơn tiền nhân đã có công sinh thành giống nòi; khai mở bờ cõi, tạo dựng hình hài đất nước.

31/03/2020
Huyền thoại và cuộc sống trên đỉnh núi soi bóng dòng Lô

BHG - Nằm đối xứng với núi Cấm, núi Mỏ Neo hũng vĩ, trầm mặc nhìn xuống dòng Lô bao đời chứng kiến sự thay đổi của thành phố Hà Giang. Nếu đỉnh núi Cấm là ngọn núi đá độc lập vươn lên trời giữa lòng thành phố, thì núi Mỏ neo hùng vĩ hơn từ hai bờ sông Lô nhìn lên có thể thấy đỉnh Mỏ Neo sừng sững phủ một màu xanh trầm mặc của thời gian, là điểm tựa để thành phố ngày một vươn lên.

 

12/04/2020
Bảo tồn tri thức địa phương để phát triển Cao nguyên đá Đồng Văn

BHG - Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (Công viên địa chất Đồng Văn) được các nhà khoa học đánh giá cao về giá trị khoa học địa chất, địa mạo mà hiếm có nơi nào trên thế giới có được. Với nhiều biểu hiện di sản địa chất đã được hình thành trong suốt lịch sử tiến hóa vô cùng sống động của trái đất từ khoảng hơn 500 triệu năm trước...

12/04/2020
Vẻ đẹp châu Phi

Châu Phi ẩn chứa vẻ đẹp về sự pha trộn của nhiều nền văn hóa. Những hình ảnh sau đây cho thấy sức hấp dẫn của vùng đất được mệnh danh là "Cái nôi của sự sống".

10/04/2020