Trung tâm thông tin - "nhịp cầu" nối du khách với Cao nguyên đá

07:52, 23/06/2015

BHG- Được thành lập từ năm 2013, 4 trung tâm Thông tin (TTTT) trực thuộc Ban quản lí Công viên địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn (BQL – CVĐCTC – CNĐ ĐV) đã và đang phát huy vai trò, góp phần bảo tồn, xây dựng và phát huy các giá trị của Công viên đá.

Ngoài việc phối hợp với các địa phương bảo vệ các di sản, các Trung tâm thông tin còn cung cấp thông tin về di sản đến du khách.  Trong ảnh:  Một điểm hóa thạch ở khu vực Cột cờ Lũng Cú được bảo vệ, cung cấp thông tin cho du khách.
Ngoài việc phối hợp với các địa phương bảo vệ các di sản, các Trung tâm thông tin còn cung cấp thông tin về di sản đến du khách. Trong ảnh: Một điểm hóa thạch ở khu vực Cột cờ Lũng Cú được bảo vệ, cung cấp thông tin cho du khách.

Hiện nay, 4 TTTT được bố trí ở 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ. Đây là những địa chỉ cung cấp thông tin cũng như vai trò là “cánh tay” của Ban quản lí CVĐCTC – CNĐĐV trong việc phối hợp với các địa phương bảo tồn các di sản và nghiên cứu khoa học. Mỗi TTTT hiện có 4 cán bộ, nhân viên, chưa kể Giám đốc là đồng chí Phó trưởng BQL CVĐCTC – CNĐĐV. Phát huy chức năng, nhiệm vụ, các TTTT đã nỗ lực để phục vụ tốt công tác tuyên truyền, quảng bá và hướng dẫn thông tin cho du khách, người dân về CVĐCTC – CNĐĐV. Trao đổi với đồng chí Ma Ngọc Giang, Phó trưởng BQL CVĐCTC – CNĐĐV, kiêm Giám đốc TTTT Quản Bạ và Yên Minh, được biết hiện nay, ngoài những nhiệm vụ chuyên môn được giao thực hiện trên các địa bàn, các TTTT còn là nơi được đầu tư như một bảo tàng mini về CVĐCTC – CNĐĐV. Nhiệm vụ quan trọng nhất đối với các Trung tâm là việc cung cấp thông tin đặc trưng của vùng trung tâm đóng chân và của toàn Công viên.

Ở các TTTT cũng được trang bị hệ thống thông tin thông qua công nghệ video hình ảnh 360o về CVĐCTC – CNĐĐV. Các trung tâm cũng là nơi trưng bày, giới thiệu các sản phẩm địa phương. Mỗi trung tâm giới thiệu đến du khách một dân tộc đặc trưng của vùng. Ví dụ như: TTTT Quản Bạ trưng bày giới thiệu về dân tộc Bố Y; TTTT Yên Minh giới thiệu về dân tộc Pu Péo; TTTT Đồng Văn giới thiệu về dân tộc Lô Lô; TTTT Mèo Vạc giới thiệu về dân tộc Mông. Anh Trương Thanh Ngọc cùng nhóm du khách đến từ Đà Nẵng cho biết, đến CNĐĐV, anh và các bạn đồng hành nhận được sự quan tâm, giới thiệu rất chu đáo của nhân viên các TTTT. Tại đây, mỗi du khách có thể được tiếp cận một nguồn thông tin khá toàn diện trước khi đến với mỗi điểm di sản. Qua đó cho thấy trung tâm chính là cầu nối giữa du khách với CVĐCTC – CNĐĐV.

Đến TTTT Quản Bạ, anh Tống Văn Khải, Phó Giám đốc cho biết, từ khi đưa vào hoạt động đến nay, Trung tâm luôn cố gắng để phục vụ du khách, nhân dân đến với CNĐĐV. TTTT Quản Bạ nằm ở vị trí cửa ngõ của CNĐĐV, vì thế khi đến Cao nguyên đá, đa phần du khách sẽ ghé qua Trung tâm để vừa nắm bắt thông tin, vừa nghỉ ngơi sau một hành trình dài. Ở đây, mỗi cán bộ, nhân viên đều có thái độ đón tiếp, cung cấp thông tin cho du khách chu đáo. Tính riêng năm 2014, trung tâm đón đến 38.000 lượt khách. Đặc biệt trong dịp 30.4 vừa qua là kỳ nghỉ dài nên lượng du khách đến với Cao nguyên đá rất lớn. Trung tâm Quản Bạ có ngày đón đến... 800 khách. Con số trên cũng đặt ra những khó khăn đối với trung tâm trong công tác phục vụ, điển hình là vấn đề phục vụ vệ sinh cho du khách. Anh Khải cho biết, là nơi dừng chân nên không thể thiếu nhà vệ sinh. Trước lượng khách lớn nên vấn đề phục vụ vệ sinh khá vất vả. Trung tâm có 4 anh chị em, nên phải thuê thêm người làm công tác vệ sinh.

Qua thực tế tại các TTTT, trong đó đặc biệt là các trung tâm như Quản Bạ, Đồng Văn là những nơi có lượng khách ghé qua nhiều nhất. Do đó, để đảm bảo phục vụ chu đáo cho du khách rất cần sự cho phép của các cơ quan chức năng cho các Trung tâm được phép thu phí vệ sinh, đảm bảo môi trường, giảm khó khăn cho các trung tâm.

Trong điều kiện mới được thành lập, con người và kinh phí hoạt động của các Trung tâm hiện nay còn nhiều hạn chế, các dịch vụ vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của du khách. Chính vì thế, để đáp ứng tiêu chí khuyến nghị của Mạng lưới CVĐCTC, việc quan tâm, đầu tư và thúc đẩy vai trò, chức năng hoạt động của các TTTT trên CNĐĐV là một điều cần phải được tính đến. Đồng chí Ma Ngọc Giang, Phó trưởng BQL cho biết, để đáp ứng nhu cầu thực tế đòi hỏi các trung tâm phải trở thành khu dịch vụ tổng hợp. Không chỉ cung cấp thông tin, hướng dẫn cho du khách mà còn cung cấp các dịch vụ khác phục vụ cho du khách.

Huy Toán


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nghề báo cần có bản lĩnh

BHG- Trong xã hội, bất cứ nghề nghiệp gì cũng đều hình thành một tiêu chuẩn. Tuy nhiên nghề viết báo, làm báo còn đòi hỏi một tiêu chuẩn nữa cần phải có, đó là bản lĩnh nghề nghiệp. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn chia sẻ và trao đổi với các đồng nghiệp về những kỷ niệm của mình từ khi bước chân vào làm báo.

23/06/2015
Nghề báo và những chuyến đi

BHG- Đối với phần lớn công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị nhà nước đơn thuần thì hàng ngày họ thường chỉ ngồi ở cơ quan làm việc theo giờ hành chính. Hay đôi lúc có những chuyến đi công tác ngắn ngày tại cơ sở theo các đoàn đi kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện các chương trình, Đề án, Dự án...

23/06/2015
Nghề báo qua suy nghĩ của một phóng viên thử việc

BHG- Trong buổi học đầu tiên về nghề báo, giảng viên có hỏi chúng tôi, những sinh viên báo chí "mới toanh" một câu hỏi mà đến giờ vẫn in sâu trong tâm trí tôi: Tại sao các em lại chọn nghề báo? Ngày đó, câu trả lời của tôi đơn giản chỉ là "Vì được đi nhiều nơi, được gặp nhiều người, được trải nghiệm cuộc sống". 

23/06/2015
Chập chững vào nghề

BHG- Tôi vừa ra trường, mới vào làm việc ở Báo Hà Giang được vài tháng. Những gì tôi cảm nhận được sau khi rời giảng đường đại học và ra thực tiễn đi làm, không như tôi nghĩ. Kiến thức sách vở trên ghế nhà trường chỉ mang tính lý thuyết, còn khi đi tác nghiệp, đó lại là chuyện khác. 

23/06/2015