Cần có thêm những chính sách hỗ trợ học sinh ở các Trung tâm GDTX

08:15, 03/03/2015

BHG- 140 nghìn đồng/một người là số tiền học sinh (HS) học văn hóa theo hệ A (thuật nghữ các thầy cô gọi các em) ở các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) trên địa bàn tỉnh ta được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng. Ngoài số tiền trên, các Trung tâm và HS không có thêm bất kỳ nguồn trợ cấp, hỗ trợ nào để tăng thêm khẩu phần ăn. Vì vậy, mỗi bữa ăn của HS ở đây chỉ có duy nhất cơm trắng và canh rau. Điều này khiến những nhân viên cấp dưỡng, thầy, cô giáo hay bất kỳ ai chứng kiến khó có thể cầm được nước mắt.

Bữa cơm hàng ngày của học sinh ở Trung tâm GDTX huyện Bắc Mê chỉ có cơm trắng và canh rau.
Bữa cơm hàng ngày của học sinh ở Trung tâm GDTX huyện Bắc Mê chỉ có cơm trắng và canh rau.

Chứng kiến bữa cơm chiều của các em HS ở Trung tâm GDTX huyện Bắc Mê, chỉ với cơm trắng, canh rau cải nhưng nhìn các em ăn ngon lành chúng tôi nghẹn ngào không nói nên lời. Cô Trương Thị Nguyệt, nhân viên nấu ăn của Trung tâm cho biết: “Tôi nấu ăn ở đây đã hơn 10 năm nay rồi, trước kia giá cả chưa leo thang, với 140 nghìn đồng các cháu được hỗ trợ, trừ một phần mua gas, gạo và các loại gia vị thì thỉnh thoảng cũng có thêm miếng thịt, miếng trứng. Nhưng mấy năm nay, cái gì cũng đắt đỏ, nên bây giờ các cháu chỉ có cơm và canh rau ăn thôi và chúng tôi cũng chỉ nấu được cho các cháu mỗi ngày 2 bữa và mỗi tuần 4 ngày”. May mắn hơn HS ở Trung tâm GDTX huyện Bắc Mê, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Xín Mần cho biết: “Cũng may nhà trường vận động xã hội hóa mỗi gia đình đóng góp thêm 10 kg gạo/tháng, nên có thể nấu cho các em ăn đủ 5 ngày/tuần và thỉnh thoảng ngoài cơm và canh rau, một tháng các em cũng có 1, 2 bữa có thể bổ sung thêm miếng trứng, đậu hay lạc vào khẩu phần ăn”. Tuy nhiên, lãnh đạo 2 trung tâm đều bày tỏ: “Cũng là vì sự nghiệp giáo dục nhưng HS ở các trường THPT công lập được nhiều chính sách hỗ trợ với rất nhiều các Quyết định, Nghị định chồng lên nhau, còn các em ở Trung tâm GDTX thì chỉ duy nhất 140 nghìn đồng/tháng tiền ăn trong 11 tháng/năm (số tiền trợ cấp của tỉnh theo định mức được quy định tại Quyết định 194/2001 của Thủ tướng Chính phủ). Em nào kết hợp học nghề và văn hóa theo Đề án 844 của tỉnh thì được thêm 140 nghìn đồng/tháng (số tiền này không nằm trong hỗ trợ tiền ăn), vì thế rất khó để có thể cải thiện bữa ăn cho các em. Đây là nỗi niềm và cũng là trăn trở bấy lâu nay của những người làm công tác quản lý như chúng tôi”.

Thực tế số tiền 140 nghìn đồng/người hỗ trợ HS học hệ A ở các Trung tâm GDTX của 10/11 huyện, thành phố trong tỉnh là trợ cấp tiền ăn theo chính sách hỗ trợ của tỉnh. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết: Các em HS hệ A là các học viên theo học hệ Bổ túc THPT khi không đăng ký hoặc quá số tuổi quy định có thể vào học tại các trường THPT công lập. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh ta, trong các Trung tâm GDTX hiện nay, các đối tượng HS thuộc hệ A phần lớn là HS mới tốt nghiệp THCS học lên, có rất ít các em thuộc đối tượng quá tuổi theo quy định có thể xét tuyển vào các trường THPT công lập. Nếu là cán bộ học theo hệ vừa học vừa làm thì lại thuộc hệ B, hệ không được trợ cấp tiền ăn 140 nghìn đồng/tháng.

Có thể thấy, những trăn trở của người làm công tác quản lý ở các Trung tâm GDTX về chế độ trợ cấp cho các em không phải là không có căn cứ. Bởi những năm qua, nhằm đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giao dục của nước ta, Nhà nước, Chính phủ và ngay cả các tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ cho HS, nhất là HS vùng KT – XH đặc biệt khó khăn, HS thuộc hộ nghèo HS, là dân tộc thiểu số và dân tộc thiểu số ít người. Cho đến nay, các đối tượng HS ở các trường công lập trên địa bàn tỉnh hiện đang được hưởng các chế độ chính sách theo các Quyết định 12, 85, 2123, 36 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 22 và Nghị quyết 88 bổ sung Nghị quyết 22 của HĐND tỉnh về trợ cấp tiền ăn, tiền ở. Theo đó, tổng các các định mức hỗ trợ tối đa mà một HS (thuộc các đối tượng được hưởng chế độ ở những Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định) được nhận trong một tháng bằng, hoặc thậm chí là hơn 100% mức lương cơ bản và thấp nhất cũng bằng 40% mức lương cơ bản (mức lương cơ bản hiện tại bằng 1.150.000 đồng), lớn hơn rất nhiều so với mức hỗ trợ cho HS học văn hóa tại các Trung tâm GDTX.

Trong khi đó, Hà Giang hiện có đến trên 90% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số và phần lớn các hộ nghèo là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có tới 140/195 xã thuộc khu vực III và có tới 1.243 thôn đặc biệt khó khăn (theo rà soát trong giai đoạn 2012 – 2015). Vì thế, phần lớn các em HS học tại các trường THPT công lập và ở các Trung tâm GDTX đều có điều kiện giống nhau như là HS thuộc thuộc vùng KT - XH đặc biệt khó khăn, HS thuộc hộ nghèo, HS là người dân tộc thiểu số và dân tộc thiểu số ít người. Nhưng các chính sách trên chỉ áp dụng cho những trường THPT công lập, hoàn toàn không áp dụng cho HS ở các Trung tâm GDTX. Theo anh Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Bắc Mê cho biết: Học lực của HS ở trung tâm và THPT công lập gần như không chênh lệch nhau là mấy. Bên cạnh đó, từ năm học 2014 – 2015, các em HS tốt nghiệp THPT công lập và Bổ túc THPT (học tại các Trung tâm GDTX) đều thi chung 1 đề thi. Điều này cũng được lãnh đạo Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Sở GD-ĐT khẳng định thêm: Việc xét tuyển đầu vào của HS ở các trường THPT và các Trung tâm GDTX cơ bản chỉ khác nhau là một số trường THPT kết hợp thi tuyển và xét tuyển đầu vào, còn các Trung tâm GDTX chỉ xét tuyển nhưng dù là hình thức nào đều phải đáp ứng các yêu cầu về học lực, hạnh kiểm mà Bộ Giáo dục quy định.

Hiện nay, hàng năm tỷ lệ HS được công nhận tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh tương đối lớn, riêng năm học 2013 – 2014 có trên 11.200 em, trong số đó chỉ có trên 6.900 em theo học THPT, chiếm trên 61%, trong đó có tới gần 800 em vào học tại các Trung tâm GDTX và một số ít ở các trường tỉnh khác. Sở GD-ĐT khẳng định, đối với hệ thống cơ sở hạ tầng trường, lớp hiện nay cơ bản đáp ứng được nhu cầu học của HS và chủ trương của tỉnh là tất cả HS sau khi tốt nghiệp THCS đăng ký vào học tại các trường THPT đều được xét duyệt (đối với 6 huyện 30a theo hình thức xét tuyển). Riêng ở các huyện, thành phố còn lại dù tuyển sinh theo hình thức vừa thi tuyển vừa xét tuyển nhưng gần như cứ đăng ký, nộp hồ sơ thi là đều có khả năng được tuyển vì chỉ tiêu rất nhiều. Thế nhưng chúng tôi tự hỏi, tại sao những năm qua số HS tốt nghiệp THCS, đủ điều kiện học tiếp tại các trường THPT công lập lại đăng ký và học tại các Trung tâm GDTX nhiều như vậy (hiện nay số học sinh hệ A ở các Trung tâm GDTX bằng gần 1/5 số HS ở các trường THPT công lập, trong số đó có rất ít HS quá tuổi không thể theo học THPT theo quy định)? Phải chăng công tác tuyên truyền, huy động, vận động chưa tới được các em hay còn những lý do khác? Khiến hiện nay hàng nghìn HS phải chịu nhiều thiệt thòi khi không được hưởng những chính sách đáng ra các em có thể được nhận?

Chúng ta, những bậc làm cha, làm mẹ đều mong muốn con em mình được học ở những ngôi trường có nhiều điều kiện thuận lợi, giúp các cháu yên tâm học tập, phấn đấu. Sinh thời Bác Hồ có câu “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, đối với Bác sự nghiệp giáo dục vô cùng quan trọng vì đó là “lợi ích trăm năm” - lợi ích lâu dài của dân tộc. Nhà nước, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các tỉnh luôn quan tâm đến công tác giáo dục và đối với một tỉnh miền núi, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số như Hà Giang thì điều này lại càng cần được quan tâm hơn. Thiết nghĩ, cần có những chính sách hỗ trợ các HS học hệ A tại các Trung tâm GDTX và có những định hướng cho các học sinh tốt nghiệp THCS trong năm học tới cũng như các năm tiếp theo đăng ký xét, thi vào các trường THPT công lập để được hưởng đầy đủ những chính sách của Nhà nước, giúp đảm bảo sức khỏe và để các em yên tâm, phấn đấu trong học tập.

Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bộ GD-ĐT công bố Quy chế thi THPT Quốc gia

Chiều tối ngày 26-2, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố Quy chế thi THPT Quốc gia và Quy chế Tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Quy chế nêu rõ kỳ thi THPT quốc gia nhằm lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT; cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Đây cũng là cơ sở để cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ. 

27/02/2015
Lễ hội chọi trâu huyện Quang Bình lần thứ V năm 2015

BHG- Trong 2 ngày 24 và 25.2 (tức mùng 6 và 7 âm lịch) huyện Quang Bình tổ chức Lễ hội chọi trâu truyền thống lần thứ V năm 2015. Đến dự có các đồng chí lãnh đạo Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ; các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong huyện, thị trấn Yên Bình và gần 1 vạn người dân đến từ các xã trong huyện và các huyện bạn, tỉnh bạn. 

26/02/2015
Chơi xuân trên cao nguyên đá Đồng Văn

Không chỉ thưởng ngoạn cảnh quan kỳ vĩ, những ngày này du xuân trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) du khách còn được trải nghiệm những tục lệ vui xuân đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao.

26/02/2015
Hội chọi trâu xã Bằng Hành lần thứ III năm 2015

BHG- Hòa chung không khí vui xuân Tết cổ truyền của dân tộc, trong 2 ngày 23 và 24.2 (tức ngày 5, 6 tết Ất Mùi), Công ty TNHH Hướng Dương phối hợp với UBND xã Bằng Hành (huyện Bắc Quang) tổ chức Hội chọi trâu xã Bằng Hành lần thứ III năm 2015. 

25/02/2015